Tổng thống Mỹ không dự cuộc họp thượng đỉnh với ASEAN dù Nam Dương, nước chủ tịch luân phiên ASEAN, cố tình đẩy sớm ngày họp để thuận cho lịch trình công du châu Á của ông Biden, nhưng chủ nhân Bạch Cung lại đến thăm Hà Nội ngày 10/09/2023. Quyết định này cho thấy Washington đề cao vai trò của Việt Nam, đồng thời mong muốn nâng cấp quan hệ với Hà Nội lên hàng « đối tác chiến lược toàn diện ».

Ảnh tư liệu: Phó tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong buổi tiếp tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, tại bộ Ngoại Giao Mỹ, Washington DC, Hoa Kỳ, ngày 07/07/2015. AP – Manuel Balce Ceneta

 

Theo thông cáo của Bạch Cung, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thảo luận các phương cách « thắt chặt hợp tác quan hệ giữa hai nước ». Nhưng giới chuyên gia có ý kiến khác biệt về khả năng nâng cấp quan hệ song phương.   

Trong trường hợp hai bên nâng cấp quan hệ lên thành « đối tác chiến lược toàn diện », đây sẽ là một thắng lợi ngoại giao của Hoa Kỳ trong việc gia tăng ảnh hưởng ở Đông Nam Á, theo trang The Diplomat. Còn nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp tại Singapore cho rằng đó sẽ là « bước đột phá đáng chú ý », vì Hà Nội chỉ ký thỏa thuận hợp tác ở cấp cao nhất với các nước được đánh giá có tầm quan trọng cho an ninh, thịnh vượng và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.  

Chuyến công du Việt Nam của tổng thống Mỹ có ý nghĩa như nào trong bối cảnh hiện nay ? Khả năng và rào cản trong việc nâng cấp quan hệ song phương ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (DKI APCSS), tại Hawaii, Hoa Kỳ.

 

RFI : Tổng thống Mỹ công du Việt Nam ngày 10/09 tới đây. Xin giáo sư cho biết về bối cảnh chuyến công du ? 

G.S. Alexander Vuving : Thứ nhất, mục đích chuyến công du của tổng thống Biden sang Việt Nam là để nâng cấp quan hệ lên tầm chiến lược trong bối cảnh cả Mỹ và Việt Nam đều muốn nâng cấp quan hệ lên tầm chiến lược. Mỹ muốn ngay từ khoảng năm 2010-2011. Còn Việt Nam, phải đến tận khoảng 2018-2019 mới cho rằng đó là chuyện cần thiết.

Nhưng để có được ngày hôm nay, cũng phải trải qua rất nhiều thời kỳ, bởi vì có những lúc do sức khỏe của các lãnh đạo, rồi lịch trình của các lãnh đạo không cho phép nên không gặp được nhau. Thực vậy, muốn nâng cấp quan hệ lên tầm chiến lược, Việt Nam và Mỹ cần có cuộc gặp cấp cao giữa tổng thống Mỹ và tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam. Mãi cho đến đầu năm 2023, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và tổng thống Biden mới điện đàm với nhau. Trong cuộc điện đàm, hai ông đồng ý gặp nhau và sẽ nâng cấp quan hệ khi điều kiện cho phép. Trên đây là bối cảnh quan hệ song phương Mỹ-Việt. 

Tuy nhiên còn có bối cảnh rộng hơn, tức là thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh đã chấm dứt, đặc biệt là từ cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung cộng, việc Nga xâm lược Ukraina. Tất cả những sự kiện đó cho thấy thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh đã kết thúc và hiện giờ chúng ta đang ở một thời kỳ mới. Có nhiều người gọi là Chiến tranh lạnh lần thứ hai hoặc cũng có cách khác. Cho nên phải đặt vấn đề nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ trong bối cảnh của một thời kỳ mới mà chúng ta vẫn chưa biết phải gọi tên như thế nào, nhưng là sau thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh.

 

RFI : Ông Biden không tham dự các cuộc họp thượng đỉnh với ASEAN dù khối này đã cố tình đẩy lên sớm hơn kỳ họp lần này nhưng chọn công du Việt Nam. Quyết định này cho thấy tầm quan trọng như thế nào của Việt Nam ? 

G.S. Alexander Vuving : Theo tôi, tầm quan trọng của Việt Nam đối với Hoa Kỳ xuất phát từ một số yếu tố chính : vị trí địa lý, tiềm năng kinh tế, sức đề kháng của Việt Nam đối với Trung cộng. 

Về vị trí địa lý, Việt Nam án ngữ con đường giao thông huyết mạch nhất của châu Á, chính là con đường đi qua Biển Đông, đồng thời cũng là con đường giao thông tấp nập nhất nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Việt Nam cũng án ngữ cửa ngõ phía Nam của Trung cộng thông sang Đông Nam Á, cả trên biển lẫn trên đất liền. Và Việt Nam có vị trí địa lý rất đặc biệt, tương đối bản lề giữa Đông Nam Á và Đông Bắc Á.  

Về tiềm năng kinh tế, Việt Nam có dân số khá lớn, nhân lực rất dồi dào, đồng thời rất năng động. Ngoài ra còn có chính sách kinh tế tương đối thân thiện với nhà đầu tư. Độ mở của nền kinh tế rất cao. Việt Nam có rất nhiều hiệp định thương mại với rất nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là với hầu hết các thị trường lớn trên thế giới, có lẽ chỉ trừ Mỹ.  

Điểm thứ ba cũng rất quan trọng. So với nhiều nước khác trên thế giới, Việt Nam có sức đề kháng rất lớn đối với bá quyền của Trung cộng. Sức đề kháng này đã được tôi luyện trong hàng nghìn năm lịch sử, trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung cộng. Việt Nam biết rằng làm chư hầu của Trung cộng sẽ như thế nào, cho nên không bao giờ muốn rơi vào cảnh đó. Và so với nhiều nước khác trên thế giới, Việt Nam tương đối hiểu Trung cộng và cũng tương đối biết cách đối xử với Trung cộng hơn. Đây chỉ là tương đối. Điều đó không có nghĩa là lúc nào Việt Nam cũng đối xử với Trung cộng một cách hợp lý nhất.

 

RFI : Trả lời họp báo ngày 29/08, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao việt Nam cho biết : «Chúng tôi tin rằng các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, đưa quan hệ hai nước phát triển ổn định, thực chất và lâu dài trên tất cả các lĩnh vực ». Liệu đây có phải là «thời điểm thích hợp» để nâng cấp quan hệ ngoại giao song phương như đề nghị của Mỹ ?  

G.S. Alexander Vuving : Mỹ muốn nâng quan hệ Việt-Mỹ thẳng từ « đối tác toàn diện » lên thành « đối tác chiến lược toàn diện ». Cá nhân tôi cho rằng thời điểm thích hợp để Mỹ và Việt Nam có một quan hệ đối tác chiến lược toàn diện là từ lâu rồi, chứ không phải chờ đến ngày hôm nay. Việt Nam muốn cân bằng quan hệ với các nước lớn, đặc biệt là với các nước có ảnh hưởng trong khu vực.  

Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung cộng từ năm 2008, với Nga từ năm 2012 và với Ấn Độ từ năm 2016. Ngoài ra còn có quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản từ năm 2014. Chỉ còn với mỗi Mỹ vẫn còn là « đối tác toàn diện », thấp hơn cả « đối tác chiến lược » một nấc. Lẽ ra là phải khoảng từ 2014-2015, Việt Nam đã cần có mối quan hệ « đối tác chiến lược toàn diện » với Mỹ rồi. Nhưng vì nhiều lý do nên vẫn chưa có. Tất nhiên, « cân bằng » không có nghĩa là với bên này hay bên kia phải có mối quan hệ như nhau.  

Giữa Việt Nam và Mỹ, lợi ích chiến lược của hai nước đã rất tương đồng trong khá nhiều khía cạnh, đặc biệt là cán cân quyền lực trong khu vực. Cả Mỹ và Việt Nam đều không muốn Trung cộng lộng hành ở Biển Đông và không muốn Trung cộng bá chủ Đông Nam Á. Cả Mỹ và Việt Nam đều muốn tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Quốc tế về Luật biển, ở Biển Đông, và cũng muốn có một cán cân lực lượng tương đối cân bằng ở khu vực Đông Nam Á, không để một nước nào lộng hành và bá chủ khu vực này được. Có lợi ích chiến lược tương đồng như vậy trong khi quan hệ Mỹ-Việt Nam lại ở mức thấp như thế thì quả là bất cập.  

Tuy nhiên, ở Việt Nam có hai luồng tư tưởng chính về việc phát triển quan hệ với Mỹ. Một luồng quan điểm chủ trương đi từ từ, “rón rén” trong quan hệ với Mỹ. Bởi vì họ lo ngại rằng đi xa và nhanh với Mỹ sẽ làm hỏng quan hệ với một số cường quốc khác, như Trung cộng và Nga hoặc làm mất ổn định chính trị trong nước.  

Luồng quan điểm thứ hai lại cho rằng mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ chẳng hạn sẽ giúp làm tăng thêm thế đứng của Việt Nam trong quan hệ với các nước khác và các cường quốc khác. Đồng thời cũng buộc chặt hơn những cam kết của Mỹ đối với việc « tôn trọng độc, lập chủ quyền và chế độ chính trị » của Việt Nam. Thực vậy, khi Mỹ và Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, trong đó có một cam kết là Mỹ sẽ « tôn trọng độc lập, chủ quyền và chế độ chính trị » của Việt Nam. Khi quan hệ được nâng cao, Mỹ cũng sẽ nâng cao cam kết đó hơn. Điều này tốt hơn cho Việt Nam cả trong đối nội lẫn trong đối ngoại.  

Cho nên cái gọi là « thời điểm thích hợp » đối với Việt Nam cũng đồng thời phản ánh cuộc tranh luận giữa hai luồng quan điểm này trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam.

 

RFI : Nếu căn cứ vào tình hình hiện nay thì có lẽ chưa phải là « thời điểm thích hợp ». « Yếu tố Trung cộng » có đóng vai trò nào không ?   

G.S. Alexander Vuving : Theo như tôi nói ở trên, yếu tố cản trở thực chất là nhận thức quan điểm của những lãnh đạo chủ trương đi từ từ. Tất nhiên trong nhận thức quan điểm của họ có yếu tố đối nội và đối ngoại. Yếu tố đối nội là liệu quan hệ thân mật hơn với Mỹ có ảnh hưởng đến nội trị không. Còn yếu tố đối ngoại là liệu quan hệ với Mỹ sẽ ảnh hưởng thế nào tới quan hệ với Trung cộng và Nga là hai cường quốc chống Mỹ.  

« Nhân tố Trung cộng » rất quan trọng ở chỗ : Một mặt, tăng cường quan hệ với Mỹ thực ra sẽ nhằm gia tăng đối trọng với Trung cộng. Thường thì mỗi khi Trung cộng gia tăng gây hấn, Việt Nam lại có phản ứng là cố gắng tăng cường quan hệ với Mỹ. Mặt khác, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ được tăng cường thì cũng tạo xung lực cho Trung cộng gia tăng gây hấn, bởi vì Trung cộng rất bực tức khi thấy Việt Nam và Mỹ quan hệ nồng ấm với nhau. 

Trung cộng đã sử dụng biện pháp vừa đe dọa vừa gây sức ép đối với Việt Nam trong vấn đề này, chẳng hạn ngay tháng 04/2022, sau khi Nga xâm lược Ukraina khoảng một tháng rưỡi, có một cuộc điện đàm giữa ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị và ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn. Ông Vương Nghị nói rằng Mỹ, cùng với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của họ, là nhân tố lớn nhất gây bất ổn, gây chia rẽ trong khu vực. Ông Vương Nghị cũng nói bóng gió rằng nếu tư duy theo kiểu Chiến tranh lạnh thì có thể sẽ dẫn đến một thảm họa Ukraina khác trong khu vực này, ý nói bóng gió « Việt Nam đừng đi với Mỹ »« Đi với Mỹ là có thể gây ra thảm họa Ukraina nữa » 

Ngoài đe dọa, Trung cộng đồng thời gây sức ép. Rất nhiều lần từ nhiều năm nay, lãnh đạo Trung cộng luôn luôn nói với lãnh đạo Việt Nam là hai nước phải cùng nhau xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh, muốn Việt Nam tham gia vào những sáng kiến toàn cầu gần đây của Trung cộng, như sáng kiến an ninh toàn cầu, sáng kiến phát triển toàn cầu, văn minh toàn cầu… Việt Nam không muốn gia nhập quỹ đạo Trung cộng, nhưng Việt Nam cũng phải có cách để xử lý chuyện này êm thấm, nên Việt Nam cũng ỡm ờ, không nói rõ là không muốn tham gia nhưng cuối cùng Việt Nam cũng chưa hề khẳng định là tham gia sáng kiến an ninh toàn cầu của Trung cộng, cũng không hề khẳng định tham gia cộng đồng chung vận mệnh của Trung cộng. 

Tóm lại, Việt Nam cũng phải tìm điểm cân bằng giữa những phản ứng trái chiều. Một mặt, quan hệ với Mỹ là để cân bằng áp lực của Trung cộng. Mặt khác cũng phải làm thế nào để không gây ra những phản ứng bất lợi từ phía Trung cộng. Cho nên mỗi khi Việt Nam tiến một bước trong quan hệ với Mỹ, Việt Nam lại phải tìm cách vuốt ve Trung cộng để họ đỡ bực bội.  

Ví dụ trước chuyến đi của ông Biden đến Việt Nam, tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã đi Trung cộng vào cuối năm 2022. Đây là chuyến thăm phá lệ vì thông thường, từ mấy chục năm nay, sau khi được bầu làm tổng bí thư, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tổng bí thư là sang Lào. Đây là lần đầu tiên ông Nguyễn Phú Trọng phá lệ, ông đi Trung cộng trước. Thực ra ông chỉ đi Trung cộng vì sức khỏe không cho phép đi nhiều.

 

RFI : Mối quan hệ được nâng cấp cũng được xem là gắn kết về khía cạnh an ninh và quốc phòng. Trong trường hợp Việt Nam « chưa rõ ràng », hoạt động hợp tác về an ninh, quốc phòng, đặc biệt là ở Biển Đông, sẽ đi theo hướng như nào ?  

G.S. Alexander Vuving : Thực ra, an ninh quốc phòng được cả Việt Nam và Mỹ coi là một trụ cột quan trọng của mối quan hệ. Thế nhưng, trong vấn đề quan hệ quốc phòng, Việt Nam có chủ trương « Bốn Không » (không đi với nước này để chống lại nước kia, không tham gia liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế).  

Chính vì thế vấn đề hợp tác an ninh, quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam có những hạn chế rất lớn, bởi vì Việt Nam không muốn cho Trung cộng thấy rằng Việt Nam đi với Mỹ để chống lại Trung cộng. Việt Nam cũng không muốn cho Trung cộng thấy rằng Việt Nam muốn sử dụng vũ lực trong quan hệ với quốc tế. Cho nên Việt Nam phải làm thế nào để Trung cộng cảm giác là Việt Nam không muốn chiến tranh với Trung cộng. Chẳng hạn trong những cuộc đối đầu ở Biển Đông khi Trung cộng đưa tầu thuyền xuống để cản trở, phá hoại những hoạt động kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông, Việt Nam cũng đưa những lực lượng « không quân sự » ra tiếp cận, như kiểm ngư, cùng lắm là cảnh sát biển, chứ không phải Hải Quân. Bản thân Việt Nam nói là nâng cấp quốc phòng nhưng thực ra không đủ sức để răn đe Trung cộng. 

Tóm lại, hợp tác an ninh quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ có những giới hạn rất lớn để Việt Nam thực hiện chính sách « Bốn Không » của mình.

 

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương, Hawaii, Hoa Kỳ.

 

RFI (04.09.2023)