Dù hồ sơ nhân quyền của Việt Nam là một trong những điều làm Hoa Kỳ lo ngại, nhưng Washington không coi một Việt Nam dân chủ là điều có lợi cho mình, David Hutt, nhà báo làm việc tại Á châu, chuyên viết trong mục ‘Đông Nam Á’ của The Diplomat, nhận định với BBC.
Tuần rồi, Bạch Cung chính thức thông báo Tổng thống Joe Biden sẽ tới thăm Việt Nam vào ngày 10/9 để “gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các quan chức cấp cao khác” sau khi dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ.
Để đến Việt Nam, ông Biden dự kiến sẽ bỏ qua hai cuộc họp khu vực quan trọng mà Indonesia chủ trì chỉ vài ngày trước đó, gồm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á, dù Jakarta đã điều chỉnh lịch trình để hy vọng ông Biden sẽ có mặt. Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ thay ông dự các cuộc họp này.
VOA dẫn lời các quan chức Mỹ nói quyết định bỏ qua không phải là dấu hiệu thiếu tôn trọng Jakarta, mà nó càng minh chứng Việt Nam có vị trí đặc biệt quan trọng đối với Mỹ.
Đã có những đồn đoán Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ nâng vượt bậc quan hệ song phương từ “đối tác toàn diện” lên mức “đối tác chiến lược toàn diện”, bỏ qua bước “đối tác chiến lược”.
Nhân quyền và địa chính trị của Việt Nam
Một số người cho rằng hồ sơ nhân quyền của Việt Nam sẽ được coi là điểm quan ngại, với việc Washington chỉ trích Hà Nội không khoan nhượng đối với những người bất đồng chính kiến và thường xuyên bỏ tù cũng như sách nhiễu những người dám lên tiếng.
Thông thường, khi đến thăm Việt Nam, các lãnh đạo cấp cao của Mỹ sẽ có một buổi gặp gỡ đại diện giới xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ hay các nhà hoạt động dân chủ.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng hồ sơ nhân quyền không phải là ưu tiên của Hoa Kỳ, và chuyến thăm tới đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden với lịch trình chỉ một ngày ở Hà Nội thì cơ hội để các nhóm xã hội dân sự gặp gỡ ông Biden là “rất thấp”.
Hồi cuối tháng 3, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm và nhất trí mở rộng quan hệ song phương.
Kể từ cuộc điện đàm đó, ba quan chức cap cấp của chính quyền ông Biden đã tới thăm Việt Nam, được cho là để đàm phán chi tiết, gồm Ngoại trưởng Anthony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Đại diện Thương mại Katherine Tai.
Các hoạt động này phần nào cho thấy Mỹ coi trọng vị trí của Việt Nam. Điều này nhất quán với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Washington.
Cụ thể, trong Hướng dẫn chiến lược An ninh Quốc gia tạm thời năm 2021, chính quyền Biden đã đề cập đến Việt Nam cùng với Singapore – một đồng minh thực tế của Mỹ ở Đông Nam Á, rằng cả hai nước sẽ giúp “thúc đẩy các mục tiêu chung” ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đến năm 2022, Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ cũng nhắc đến Việt Nam là “đối tác hàng đầu khu vực”, ngang hàng với Ấn Độ, New Zealand, Đài Loan và các quốc gia chủ chốt khác.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute), nhận định với BBC rằng, trong bối cảnh Mỹ và Trung Cộng cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, bản thân Mỹ sẽ tìm cách tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực để các nước này, nếu không đứng về phía Mỹ thì sẽ giữ vị thế trung lập, nhất là không ngả vào vòng tay Trung Cộng.
Về mặt địa chính trị, theo TS Hiệp, Việt Nam là nước láng giềng với Trung Cộng và có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với nước này nên Việt Nam sẽ có những lợi ích song trùng với Mỹ trong việc kiềm chế sức mạnh của Trung Cộng.
Về kinh tế, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và cũng là thị trường xuất khẩu đầu tiên từ trước đến nay vượt mốc 100 tỷ USD/năm, và đầu tư của Mỹ vào Việt Nam ngày càng thiết yếu.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu là khách mời (visiting fellow) thuộc Viện ISEAS Singapore nhận xét với BBC rằng, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam từ thời Tổng thống Donald Trump tới thời Tổng thống Joe Biden, ưu tiên hàng đầu không phải là hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, mà là địa chính trị, với việc liệu Việt Nam có vai trò như thế nào trong các chiến lược nêu trên.
“Chúng ta thấy rõ điều đó ở việc Tổng thống Joe Biden thiết lập Hội nghị dân chủ toàn cầu và đưa ra những diễn ngôn về dân chủ. Tuy nhiên, khi nói tới Việt Nam, ông luôn nhấn mạnh mục tiêu về hợp tác kinh tế, quân sự, an ninh quốc phòng, còn nhân quyền không được đặt là yếu tố ưu tiên,” ông Nguyễn Khắc Giang nhận định.
Tiến sĩ Giang dẫn chứng thêm, những chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo cấp cao khác của Mỹ như Ngoại trưởng Antony Blinken cũng không nhắc nhiều đến nhân quyền. Vì lẽ đó, với việc ông Biden chỉ đến Việt Nam trong vòng một ngày, khả năng có những cuộc gặp với giới xã hội dân sự hay có những hành động, tuyên bố lớn về nhân quyền “sẽ là thấp”.
Thêm nữa, mục đích của ông Biden đến Việt Nam là để nâng cấp quan hệ đôi bên trong nỗ lực kiềm tỏa sự trỗi dậy của Trung Cộng, nên việc gặp gỡ những nhà hoạt động nhân quyền sẽ đưa ra tín hiệu không tích cực đối với Việt Nam. Vì thế, ông Biden có thể sẽ tránh điều đó, theo TS Giang.
Nhà báo David Hutt nói với BBC rằng việc không gặp một số nhân vật xã hội dân sự sẽ là một tuyên bố của chính quyền ông Biden. Chính quyền cộng sản sẽ theo dõi và canh giữ chặt chẽ các nhà hoạt động nổi tiếng trong khoảng thời gian người đứng đầu Bạch Cungở Hà Nội.
“Sau đó, tổng thống Hoa Kỳ thường nói những lời hoa mỹ về việc tôn trọng nhân quyền. Rồi chính phủ và truyền thông Việt Nam phớt lờ những bình luận đó. Mỹ giả vờ ủng hộ dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam còn Hà Nội thì phớt lờ điều này – hiện đã là một trò chơi đã được thiết lập khá tốt,” ông Hutt nhận định.
Còn tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang cho rằng, tuy không có những buổi gặp chính thức nhưng khi Việt Nam và Mỹ có bước chuyển lớn trong quan hệ song phương thì khả năng cao một số nhà hoạt động đang bị giam giữ sẽ được trả tự do. Điều này ít nhất giúp ông Biden không hứng chịu chỉ trích trong nước khi “xích lại gần Việt Nam”, ông Giang kết luận nhưng nói phải chờ thêm diễn biến.
“Việt Nam ổn định sẽ có lợi cho Mỹ hơn Việt Nam dân chủ”
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà quan sát chính trị Việt Nam nói với BBC News Tiếng Việt rằng, Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ ngoại giao giúp phần nào công nhận tính chính danh của ĐCSVN:
“Mỹ sẽ chỉ hợp tác với những quốc gia mà họ có sự thừa nhận về mặt ngoại giao và chính trị. Giữa Việt Nam và Mỹ vẫn còn một số khác biệt về mặt ý thức hệ, nhưng khi người Mỹ chấp nhận ngồi cùng bàn với Việt Nam và xem Việt Nam như một đối tác chiến lược toàn diện thì nó có hàm ý Mỹ thừa nhận vai trò lãnh đạo của ĐCSVN ở Việt Nam.”
Theo ông, dù nhiều người nói nó mang tính hình thức nhưng trên một số mặt, nó có giá trị thực tế trong việc thúc đẩy quan hệ song phương trong thời gian tới. Đồng thời, việc nâng cấp quan hệ lên mức chiến lược toàn diện với một cường quốc hàng đầu thế giới sẽ giúp nâng tầm vị thế của Việt Nam – vốn phù hợp với lợi ích của ĐCSVN.
Giáo sư Hứa Lợi Bình (Xu Liping), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á của Viện Khoa học Xã hội Trung Cộng nói với tờ Hoàn cầu Thời báo rằng Việt Nam là nước xã hội chủ nghĩa nên đang phải đối mặt áp lực về mặt tư tưởng cùng những mối đe dọa lâu dài về ‘cách mạng màu’ từ Mỹ, kể từ cuối Chiến tranh Việt Nam.
Ông Hứa phân tích, dù ông Biden xem Việt Nam là đối tác quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhưng ông ta cũng phải đối mặt với áp lực từ các phe bảo thủ trong Quốc hội Hoa Kỳ và các nhóm chính trị khác vốn thù địch với Việt Nam và ĐCSVN.
Tuy nhiên, mối lo ngại này vốn đã được Mỹ làm rõ qua những tuyên bố công khai và thẳng thắn.
Khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được đón tiếp và gặp Tổng thống Obama tại Bạch Cungvào năm 2015, Tổng thống Obama khi ấy nói Mỹ tôn trọng các hệ thống chính trị khác nhau. Điều này đã đưa vào tuyên bố về Tầm nhìn chung của hai nước sau đó.
Diễn ngôn về “tôn trọng thể chế chính trị” cũng được nhắc lại nhiều lần lúc ông Obama hội kiến với cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào năm 2016 tại Hà Nội.
Tiếp đến, Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry từng công khai nói rằng Hoa Kỳ có thể tôn trọng các hệ thống chính trị khác biệt với hệ thống chính trị của Mỹ.
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Bình luận với BBC, nhà báo David Hutt cho rằng Washington không coi một Việt Nam dân chủ là điều có lợi cho Mỹ:
“Một chính quyền hậu cộng sản ở Việt Nam sẽ mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa cao hơn nhiều so với ĐCSVN, điều này sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ xảy ra xung đột thực tế trên Biển Đông.”
Theo ông Hutt, Mỹ hiểu rõ bản thân họ gặp khó khăn trong việc bảo vệ Đài Loan nếu xảy ra xung đột với Trung Cộng. Theo lẽ đó, Mỹ gần như không có viễn cảnh sẽ bảo vệ Việt Nam nếu nổ ra va chạm với Trung Cộng.
“Hơn nữa, Washington không muốn phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị ở một quốc gia thuộc chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương quan trọng như Việt Nam. Tất nhiên, họ muốn Hà Nội ngừng bỏ tù các nhà hoạt động và tiếp tục thực hiện một số cải cách chính trị và pháp lý, nhưng nội việc ĐCSVN suy yếu, chứ đừng nói đến việc mất quyền lực thống trị sẽ không có lợi cho Mỹ,” ông Hutt kết luận.
Hồi 2021, cựu Đại sứ tại Việt Nam, ông Ted Osius cũng nhấn mạnh với BBC rằng, điều mấu chốt là Hoa Kỳ không muốn Việt Nam bất ổn mà là một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng, độc lập, giúp đóng góp vào an ninh khu vực.
Ông chia sẻ rằng, trong thời gian làm đại sứ, ông đã lên án khá gay gắt giới lãnh đạo Việt Nam về việc đã bỏ tù các nhà hoạt động, bỏ tù các blogger. Nhưng ông Osius thường không nói điều đó một cách công khai vì nó không hiệu quả.
“Tôi nghĩ việc tương tác qua lại sẽ hiệu quả hơn. Chúng tôi cũng giải thích rằng, đấy chính là nước Mỹ, nếu bạn muốn có mối quan hệ đầy đủ nhất với chúng tôi và với phần còn lại của thế giới, bạn cần tuân thủ các cam kết mà bạn đã đưa ra với cộng đồng quốc tế theo các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và rằng Việt Nam có những khát vọng kinh tế rất lớn,” theo lời cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam giai đoạn 2014 – 2017.
Cây viết David Hutt nhận xét với BBC rằng, Washington muốn có sự phát triển ổn định trong quan hệ với Việt Nam, chỉ thay đổi hiện trạng một chút. “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện chính là củ cà rốt mà [Hà Nội] đã treo lơ lửng trước mặt Washington trong nhiều năm, và là một trong những lý do khiến Hoa Kỳ vì lợi ích cá nhân mà không chỉ trích hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam như họ đáng ra phải làm,” ông nói.
“Tuy nhiên, việc Việt Nam trở thành “đối tác chiến lược toàn diện” với Hoa Kỳ sẽ khiến Washington không còn động cơ phải lấy lòng Hà Nội nữa,” ông Hutt kết luận.
BBC (05.09.2023)