Tổng thống Joe Biden tại Hà Nội (ảnh: báo Dân Việt)

 

Tổng thống Joe Biden đã đến Hà Nội ngày 10 tháng Chín, một chuyến đi quan trọng nhưng chỉ kéo dài có 24 giờ đồng hồ,và mọi thứ đều nằm trong sự tính toán chi tiết của Hà Nội.

Joe Biden là Tổng thống thứ 5 của Hoa Kỳ đến Việt Nam. Các tổng thống Mỹ đương nhiệm từng tới thăm Việt Nam trước ông Biden bao gồm: Tổng thống Bill Clinton (năm 2000), Tổng thống George W. Bush (năm 2006), Tổng thống Barack Obama (2016), Tổng thống Donald Trump (năm 2019). Nhưng với lần đến Việt Nam lần này, Hà Nội đã có đủ kinh nghiệm để không diễn ra tình trạng người dân chào đón hàng dài trên đường phố, vẫy chào, tạo nên một nghịch cảnh kỳ lạ: Một quốc gia tuyên truyền chống Mỹ từng ngày, và cả trên sách giáo khoa nhưng người dân thì ngược lại.

Giờ đến của Tổng thống Joe Biden được giấu kín, và chỉ có báo chí được đón, ghi hình vào giờ chót. Thậm chí tin tức về truyền thông Việt Nam đợi hình ảnh Tổng thống Hoa Kỳ xuống máy bay cũng được ban tuyên giáo dặn dò là không sơ suất, phải đưa tin và hình ảnh trễ, ít nhất sau 30 phút. Ngay cả vậy, hình ảnh về chuyến thăm lịch sử này cũng vô cùng dè sẻn.

Công an toả đi các địa phương, dự trù con đường Tổng thống Mỹ đi qua, vận động dân cư không nên tụ tập đón và tránh làm các biểu ngữ chào mừng. Các nhân tố năng động đều bị công an nhắc nhở riêng. Thậm chí, người ta tìm thấy một văn bản của phường Vĩnh Phúc bị lộ ra ngoài, căn dặn các cư dân không được tụ tập chào đón, thậm chí không được mở cửa sổ ra nhìn đoàn xe. Các hàng quán, nơi kinh doanh… suốt các con đường có đoàn xe Tổng thống Mỹ đi qua, được lệnh phải đóng cửa, nghỉ bán để tập trung “vệ sinh môi trường”.

Quan trọng, là công văn này nhấn mạnh “khi đoàn của Tổng thống Hoa Kỳ đi qua, tuyệt đối không tò mò ra ngoài xem. Cửa các tầng phải đóng (việc này chính để đảm bảo an toàn vì an ninh Mỹ nếu thấy có nghi vấn có nguy cơ mất an toàn có thể bắn hạ)”. Mục đích được một quan chức giấu tên diễn giải: Bộ Chính Trị không muốn có cảnh dân chúng chào đón rầm rộ, sẽ khiến việc ký kết Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Hoa Kỳ trở thành hình ảnh thách thức ông chủ lớn Bắc Kinh.

Bên cạnh đó, hầu hết gia đình của các nhà hoạt động cũng như các tù nhân lương tâm, đều bị công an đến răn đe, hoặc canh phòng từ nhiều ngày. Sài Gòn và Hà Nội dày đặc an ninh canh giữ đầu ngõ và đi theo những người “có vấn đề” suốt cho đến hết 4 giờ chiều ngày 11 Tháng Chín. Bà Trần Thị Thảo, một giáo viên về hưu sống tại Hà Nội, người từng thường xuyên tham gia các cuộc biểu tình kể rằng bà bị quấy rối liên tục trong hai ngày Tổng thống Mỹ đến Việt Nam. Công an canh chừng trước ngõ là điều bình thường, nhưng vì lo ngại là bà có thể “lọt lưới”, nên cứ vài tiếng lại có cuộc gọi đến nhà, hỏi là bà có ở nhà không, khi nghe bà trả lời thì cúp máy.

Không chỉ những người ở Sài Gòn và Hà Nội mới bị canh gác và quấy nhiễu, nhiều người ở Ban Mê Thuột, Long An, Thái Bình… cho biết họ cũng bị an ninh chìm gọi, ra vẻ thăm hỏi nhưng dặn dò là không nên đi khỏi nơi cư trú cho đến hết ngày 11 Tháng Chín. Thậm chí, có người còn được khuyên là tốt nhất đừng viết gì tỏ thái độ lên Facebook. Bà Đặng Huệ Như, người đi tù vì tham gia biểu tình phản đối các trạm thu phí bất minh được công an khuyên “đấy là việc của Đảng và Nhà nước đã lo thì chúng ta không cần phải bày tỏ quan điểm”.

Dù Tổng thống Joe Biden không có thời gian, và cũng không có ý định gặp bất kỳ ai, gọi bất đồng chính kiến trong chuyến đi này, nhưng cũng không ai có cơ hội để lên tiếng, hoặc chí ít là được ra đường đứng chờ vị lãnh đạo của quốc gia có truyền thống tôn trọng nhân quyền đi qua.

Nhưng ngay cả vị Tổng thống cũng bị cắt mất câu nói ngắn ngủi về nhân quyền trong bài phát biểu chính, trước truyền hình và những nhà lãnh đạo cộng sản. Trong đáp từ với ông Nguyễn Phú Trọng, Đảng trưởng Đảng cộng sản Việt Nam vào ngày 10 Tháng Chín, nguyên văn lời Tổng thống Joe Biden trong phát biểu rằng: “Tôi cũng nêu tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền như một ưu tiên đối với cả chính quyền của tôi và người dân Mỹ. Và chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại thẳng thắn về vấn đề này”.

(I also raised the importance of respect for human rights as a priority for both my administration and the American people. And we’ll continue to — our candid dialogue on that regard).

 

Nhưng trong các bản tin của nhà nước Việt Nam, câu nói bị chuyển thành “Tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền con người”.

 

Trước hai ngày Tổng thống Mỹ đến Việt Nam, tín đồ Hoà Hảo Thuần Tuý Nguyễn Bắc Truyển cũng được phóng thích từ trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam, cùng vợ lên đường đi Đức tỵ nạn sau 6 năm bị giam giữ. Ông Truyển xác nhận tình trạng của ông trên Facebook của vợ mình, ngay khi đến được Đức. Nhiều nhà bình luận thời sự vẫn tin rằng các tù nhân như Phạm Đoan Trang hay Trần Huỳnh Duy Thức sẽ là những cái tên được công bố, như một món quà ngoại giao cho việc mở rộng quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ.

 

Thế nhưng, ngoài dự đoán, việc ông Nguyễn Bắc Truyển được đi tỵ nạn và công khai sớm tin tức trên báo chí Đức, cũng là một chỉ dấu cho thấy Hà Nội không muốn hoàn toàn nhượng bộ Mỹ trong chuyến đi của ông Biden. Và nếu có phải làm, thì việc hướng về Đức có vẻ thuận tình hơn, đặc biệt là trong việc đàm phán dẫn độ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, “người tình tin đồn” của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

(ảnh: Báo Dân Việt)

 

Cũng trước vài ngày của sự kiện này, có 61 gia đình tù nhân lương tâm (TNLT) ở Việt Nam cùng ký thư ngỏ, gửi cho Tổng thống Joe Biden qua Sứ quán Hoa Kỳ, kêu gọi can thiệp về tình hình nhân quyền và tù nhân ở Việt Nam. Thư có đoạn “Chúng tôi tha thiết kêu gọi Tổng Thống Biden hãy thúc đẩy việc cải thiện tình trạng Nhân Quyền tại Việt Nam mà cụ thể nhất là việc phải chấm dứt trả thù các TNLT trong các trại giam; phải để các TNLT ngã bệnh được chữa trị đúng mức; phải trả tự do cho tất cả những TNLT bị vu cáo vô căn cứ; và phải chấm dứt việc dùng TNLT làm hàng mặc cả với chính phủ các nước tự do”.

Không biết thư có đến được tay của ông Biden hay không, nhưng hầu hết những người ký tên trong thư đều bị công an gọi lên làm việc, đe doạ, thẩm vấn. Tất cả mọi thứ ở Việt Nam lại chìm trong một màn đen quen thuộc của bộ máy cai trị thường ngày tên Nhà nước Cộng sản Việt Nam. Bộ mặt Việt Nam vẫn yên tĩnh như mọi con đường mà Tổng thống Mỹ đã đi qua, không thể có được một tiếng chào của người dân bình thường.

 

Khiết Văn

SaiGon Nh (11.09.2023)