Hôm 10 tháng 9, Tổng thống Biden thăm Việt Nam và Việt Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Đồng thời hai bên công bố một bản Tuyên bố chung. Nhân dịp này, RFA phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Giáo sư Huân công ngành quan hệ quốc tế Đại học George Mason, Hoa Kỳ, về các thế chiến lược trong quan hệ Việt Mỹ được thể hiện qua bản tuyên bố chung đó.
Tuyên bố chung Việt Mỹ: đằng sau vấn đề kinh tế là vấn đề an ninh
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Biden hôm 10/9/2023 tại Hà Nội The White House
RFA. Xin Giáo sư cho một đánh giá tổng quan về Tuyên bố chung Việt Nam Hoa Kỳ khi họ nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện”.
Nguyễn Mạnh Hùng: Trong tuyên bố chung đó, cùng với bài phát biểu ngắn trong Bạch Cung thì tôi thấy có hai điểm.
Điểm thứ nhất là những đòi hỏi xưa nay của hai bên, một bên thường hay đòi hỏi phát triển nhân quyền, còn bên kia đòi hỏi phải hàn gắn những vết thương chiến tranh, thì giờ đây chỉ được nhắc lại theo cách có tính chất hình thức.
Điểm thứ hai là họ nhấn mạnh nhất đến vấn đề kinh tế. Họ nâng cấp quan hệ vượt cấp, từ Đối tác toàn diện thì thường phải qua Đối tác chiến lược, nhưng họ lên thẳng Đối tác chiến lược toàn diện. Trong Tuyên bố chung có rất nhiều cam kết. Tôi thấy các cam kết nổi bật trong đó là liên quan đến kinh tế.
Đặc điểm của các cam kết hợp tác kinh tế này là mặc dù họ không nói đến quốc phòng, nhưng rõ ràng các hợp tác kinh tế đó đều có liên quan đến quốc phòng. Ví dụ các cam kết trong lĩnh vực AI (trí tuệ nhân tạo, artificial intelligent), vấn đề an ninh mạng (cybersecurity), công nghệ thông tin… Quan trọng hơn cả là sự có mặt của các nhà đầu tư lớn của Mỹ. Một số đã có mặt ở Việt Nam rồi, một số sẽ có mặt trong tương lai.
Như vậy có hai điểm quan trọng trong bản Tuyên bố chung. Thứ nhất là chiến lược, thứ hai là kinh tế.
Khi nghe bài nói chuyện của ông Biden và ông Trọng trong cuộc họp báo chung thì tôi để ý thấy ông Trọng nói rằng ông rất ấn tượng chuyến thăm của mình tới Bạch Cung năm 2015. Và ông Trọng nhắc lại lời mời của ông Biden hồi tháng 7 năm 2023 mời ông thăm Bạch Cung nhưng ông chưa có điều kiện đi thăm. Như vậy ông Trọng tô đậm thắng lợi của Việt Nam là ông Biden công nhận thể chế chính trị của Việt Nam. Như vậy hai bên bỏ cái mô thức lâu nay là đảng quan hệ với bên đảng, quốc gia quan hệ với quốc gia. Nay Mỹ bỏ cái mô thức ấy mà công nhận đặc thù của Việt Nam.
Hai bên cũng nói rõ là tôn trọng thể chế chính trị của nhau, không can thiệp vào nội bộ của nhau. Điều này làm chúng ta liên tưởng tới tư duy chính trị thế kỷ 19, khi mà người ta chỉ nhắm đến việc cân bằng quyền lực, quyền lợi quốc gia, chứ không nói đến việc can thiệp nội bộ hay tôn trọng thể chế. Như vậy, ông Trọng nhắc đến những gì mà Việt Nam đạt được trong buổi họp báo.
Về phía Mỹ thì dĩ nhiên Mỹ muốn một Việt Nam hùng mạnh, mà muốn Việt Nam hùng mạnh thì Việt Nam phải có khả năng quốc phòng. Trước đây hai bên thường nói đến Coastguard (bảo vệ bờ biển) còn bây giờ có rất nhiều điều cho thấy ngoài sự hiện diện của những nhà chế tạo công nghệ mới nhất, thì còn nói đến vấn đề “Friend-shoring” (chuyển sản xuất đến những nước thân thiện).
Chuyện đó hoàn toàn có thể đẩy tới vấn đề công nghệ mới, mà các công nghệ mới như AI (trí tuệ nhân tạo) đều quan hệ tới vấn đề quốc phòng cả chứ không chỉ là chuyện kinh tế thuần túy. Mà Việt Mỹ lại nhấn mạnh vấn đề cộng tác hai bên, và Mỹ nói Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia vào chuỗi cung ứng này. Nếu Việt Nam vào được chuỗi cung ứng của Mỹ thì nó tạo niềm tin chiến lược mạnh hơn. Có hai điểm:
Thứ nhất là về phương diện thực tiễn, nó có thể giúp Việt Nam tăng khả năng quốc phòng của mình. Việt Nam có thể đạt được điều đó qua sự cộng tác nghiên cứu.
Thứ hai, sự cộng tác này làm cho Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Mỹ. Nếu làm được điều đó thì như tôi nói ở trên niềm tin chiến lược của hai bên sẽ mạnh hơn. Tôi thấy niềm tin chiến lược Việt Nam và Mỹ vẫn còn yếu. Nó còn yếu do nhiều lý do khác nhau, nhất là thời chính quyền trước của Mỹ đã làm niềm tin chiến lược đối với Mỹ đã bị tổn hại rất nhiều. Chính quyền Biden đã làm rất nhiều để sửa điều đó. Nhưng đây là việc khác, mình có thể bàn sau.
RFA. Giáo sư nói Mỹ muốn một Việt Nam hùng mạnh. Xin Giáo sư giải thích vì sao một Việt Nam hùng mạnh thì phù hợp với lợi ích của nước Mỹ.
- Nguyễn Mạnh Hùng:Trong bản tuyên bố chung, không có ai nhắc tới Trung cộng. Nhưng tất cả những gì Mỹ đã và đàm là để đối phó với thách thức của Trung cộng, từ việc lập ra dự án tàu ngầm hạt nhân AUKUS, lập ra QUAD, tập trận chung với Ấn Độ, và gần đây là họp thượng định giữa Biden và Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Đại Hàn. Tức là ông Biden đã cố gắng tái lập liên minh bị ông Trump phá. Khi ông mới lên, ông Trump đã gây sự với Đại Hàn và Nhật Bản. Ông Biden đã cố gắng gỡ lại liên minh cũ. Nếu ông Biden không làm được điều đó thì ASEAN cũng không thể tin Hoa Kỳ được.
Nếu mình nhìn vào những gì Trung cộng hiện nay đang làm, ta thấy họ hành động từ Phi Châu, lập ra BRICS, đến mời thêm các nước khác vào BRICS, rồi hành động ở các nước Châu Mỹ Latin, ta thấy hành động của họ có vẻ muốn cạnh tranh với Mỹ trên toàn thế giới. Họ muốn chiếm một địa vị quan trọng trên thế giới, tức là trật tự thế giới phải có sự hiện diện của mình.
Tuy nhiên,Trung cộng khả năng nhiều nhất ở địa phương, tức là vùng Đông Nam Á. Mục đích gần là họ muốn thống soái vùng Đông Nam Á, tức là tạo cái thế unipolarity (thế đơn cực). Vì vậy họ cố gắng đẩy Mỹ ra khỏi vùng Asia Pacific (Châu Á Thái Bình Dương), trong đó có Biển Đông.
Khi Trung cộng muốn đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông thì trước tiên họ cố gắng đẩy Mỹ ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất xung quanh họ. Sau đó nếu có thể được thì đẩy Mỹ ra khỏi chuỗi đảo thứ hai. Để làm được điều đó, trước hết, họ cố gắng tạo ra được thế thống soái ở vùng Biển Đông bằng cách xây dựng tam giác căn cứ quân sự trên quần đảo Trường Sa là Subi, Chữ Thập, Vành Khăn. Khi đã có tam giác này, họ chế ngự cả vùng trời trong khu vực. Nếu Trung cộng có thể lập thế thống soái khu vực thì Mỹ có nguy cơ hết cửa đi vào chỗ giữ ảnh hưởng trong khu vực. Vì vậy, để đối trọng với thế unipolarity (đơn cực) của Trung cộng thì Mỹ phải tạo ra multipolarity (thế đa cực) trong khu vực.
Muốn tạo ra thế đa cực trong khu vực thì Mỹ cần có các con bài chủ. Ở vòng ngoài, phái Đông Bắc Á, Mỹ đã có Nhật Hàn là những con bài chủ. Nhưng ở Đông Nam Á thì Mỹ chưa có. Trước hết, Mỹ gây ảnh hưởng trở lại ở Phi Luật Tân. Mối quan hệ Mỹ – Phi Luật Tân trước đây bị Duterte phá nhưng bây giờ đến thời Marcos thì quan hệ được tái lập. Mỹ đã trở lại và lập mới các căn cứ để đóng quân trên lãnh thổ Phi Luật Tân.
Sau Phi Luật Tân thì Việt Nam quan trọng thứ hai. Việt Nam có vị trí rất quan trọng để phá cái thế unipolarity (đơn cực) của Trung cộng để tạo ra thế multipolarity (đa cực). Dĩ nhiên trước đây Việt Nam không thể tin Mỹ ngay được vì lo sợ Mỹ “diễn biến hòa bình”. Thêm nữa, Việt Nam cũng lo lắng Mỹ không giữ vững cam kết. Thời Trump thì Mỹ gây xích mích với Nhật Bản, Đại Hàn là những đồng minh lâu đời. Rồi Mỹ lại còn chạy khỏi Iraq và Afghanistan thì làm sao Việt Nam tin Mỹ được. Nhưng vấn đề là Việt Nam không tin Mỹ nhưng cần Mỹ. Trong hai cái thế đó thì mình thấy là Việt Nam cần Mỹ hơn là Mỹ cần Việt Nam. Nếu Trung cộng khống chế toàn bộ Biển Đông thì Việt Nam mất hết nhưng Mỹ vẫn còn chỗ khác, và hơn nữa Trung cộng dù khống chế Biển Đông đi nữa thì vẫn không thể ngăn cản quyền tự do hàng hải của Mỹ ở đó. Tôi nhìn cái thế chiến lược hiện nay là như thế: Việt Nam nghi họ nhưng cần họ, và cả Đông Nam Á cũng tương tự như vậy.
RFA xin cảm ơn GS. Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ với khán thính giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Ở phần tiếp theo, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng sẽ chia sẻ với khán thính giả RFA về vấn đề “niềm tin chiến lược” giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ.
***
Tam giác lợi ích “chiến lược,” “kinh tế,” “giá trị” trong quan hệ Việt Mỹ
Ở phần trước, RFA đã phỏng vấn GS Nguyễn Mạnh Hùng về bản tuyên bố chung Việt Nam Hoa Kỳ nhân hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện và bối cảnh chính trị quốc tế của động thái này. Quan hệ Việt Mỹ thương bị phủ bóng bởi nỗi lo Mỹ sẽ “bỏ rơi” Việt Nam nếu nước này tiến lại gần Mỹ hơn trong khi láng giềng Trung cộng khổng lồ phía bắc có thể gây những áp lực lớn hơn nếu Mỹ rời khỏi khu vực. Để giải đáp cho độc giả RFA về vấn đề nêu trên, ở phần này, GS Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ với RFA về ba lợi ích “chiến lược,” “kinh tế,” “giá trị” trong các quyết định của Mỹ đối với các vấn đề ngoại giao.
Hoa Kỳ – Việt Nam tuyên bố nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” hôm 10/9/2023 AFP
RFA: Giáo sư từng viết trong cuốn sách “Strategic Asia 2014–15: U.S. Alliances and Partnerships at the Center of Global Power” (tạm dịch “Á châu chiến lược 2014-2015: Các liên minh và quan hệ đối tác của Hoa Kỳ ở trung tâm quyền lực toàn cầu”) của Cục Nghiên cứu Châu Á Quốc gia rằng muốn tăng cường hợp tác an ninh, hai nước Việt Mỹ cần xây dựng lòng tin lẫn nhau. Mỹ cần cho Việt Nam thấy rằng Mỹ không có lợi ích chiến lược trong việc phá hoại chế độ hiện tại. Đồng thời, Việt Nam phải hiểu rằng việc thiếu tiến bộ về nhân quyền là trở ngại lớn để thắt chặt quan hệ song phương. Xin Giáo sư giải thích về vấn đề này.
Nguyễn Mạnh Hùng: Về niềm tin chiến lược thì Mỹ là nước lớn nên không cần lắm. Nhưng Việt Nam vì phải cân bằng giữa Trung cộng và Mỹ nên niềm tin chiến lược giữa Việt Nam và Hoa Kỳ quan trọng hơn nhiều. Bởi vì nếu Việt Nam theo Mỹ mà Mỹ lại bỏ mình thì chết với Trung cộng. Do đó Việt Nam phải nghi ngờ, phải đặt ra khả năng Mỹ làm chuyện đó. Trong quyển sách của ông Đinh Quang Anh Thái mới đây, (RFA chú thích: quyển sách “ Nguyễn Mạnh Hùng Khoảnh Khắc Nhìn Lại”, Người Việt xuất bản, 2023) tôi có nhắc lại chuyện ngày xưa ông Hồng Hà có hỏi tôi là “đi với Mỹ thì Mỹ có bỏ mình không”, tôi có nói là “Mỹ bỏ thì cũng là do lợi ích, mà không bỏ cũng là do lợi ích”. Tóm lại đối với Việt Nam, niềm tin chiến lược rất quan trọng, quan trọng hơn với phía Mỹ.
Vì thế, chuyến đi của Biden rất quan trọng vì nó giúp cho niềm tin chiến lược tăng thêm nhiều. Trong cuộc họp báo, ông Nguyễn Phú Trọng nói đây chỉ là khởi đầu, còn phải chờ thi hành nữa. Việc hai nước nâng cấp quan hệ chỉ là khởi điểm, điều quan trọng là sau đó phải có hành động, phải tiến lên.
Bây giờ trở lại vấn đề tự do tôn giáo, tự do nhân quyền, như tôi viết trong quyển sách năm 2015, đối với Mỹ, nước Mỹ có 3 quyền lợi: quyền lợi về chiến lược, quyền lợi về kinh tế và quyền lợi về giá trị. Khi quyền lợi chiến lược lớn lên thì quyền lợi về giá trị như nhân quyền, tự do sẽ giảm đi, ví dụ trường hợp Saudi Arabia trong nhiều năm. Lợi ích về chiến lược của Saudi Arabia rất lớn nên lợi ích về nhân quyền bé đi. Với trường hợp Việt Nam, trước đây khi lợi ích về chiến lược, kinh tế với Việt Nam còn nhỏ thì lợi ích về giá trị lớn lên. Lúc đó Mỹ nói nhiều về vấn đề nhân quyền. Nhưng bây giờ thì dần dần Mỹ lờ dần vấn đề đó đi. Tại sao như thế? Vì nền ngoại giao của Mỹ dựa trên ba lợi ích đó.
Tuy nhiên, vấn đề nhân quyền có giảm do lợi ích chiến lược và kinh tế tăng đi nữa thì sẽ không bao giờ bỏ được, bởi vì có quyền lợi của định chế. Ví dụ bên hành pháp thì ở Bộ Ngoại giao Mỹ từ thời ông Tổng thống Carter đã có một văn phòng chuyên về vấn đề human rights (nhân quyền), tự do tôn giáo. Sau này, bên lập pháp thì Quốc hội Mỹ còn lập ra Ủy ban Tự do Tôn giáo. Các cơ quan này có quyền lợi về định chế của họ. Việc của họ là phải làm việc đó, mỗi năm phải báo cáo về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo. Để làm những việc đó thì các cơ quan này sẽ đặt áp lực lên các cơ quan đại sứ Mỹ ở nước ngoài. Các đại sứ để báo cáo tốt thì phải làm thật. Tóm lại là luôn luôn có vấn đề nhân quyền mà Việt Nam phải “manage”, tức là phải xử lý vấn đề nhân quyền với Mỹ để họ làm những việc khác cho mình. Tôi thấy hiện nay Mỹ không phản đối nhiều lắm, nhưng tôi nghĩ Việt Nam chắc chắn sẽ có những hành động đáp ứng để ông Biden đi về vui vẻ và hai bên có thể cộng tác nhiều hơn.
Nhưng dẫu sao thì vấn đề giá trị sẽ không trở thành vấn đề lớn như vấn đề chiến lược và kinh tế. Trước đây Đông Nam Á rất phàn nàn Mỹ, ví dụ như trong hội nghị Shangri-La mới đây chẳng hạn, Trung cộng nói rất nhiều về cộng tác kinh tế. Trung cộng còn có chương trình Vành đai Con đường. Mặc dù chương trình này hay bị nói là một cái bẫy nợ, nhưng các vị chính trị gia thì chỉ nhìn vào lợi ích. Họ cần tiền để xây dựng hạ tầng, nên họ cứ làm rồi tính sau. Họ nghĩ là tương lai sẽ tránh được bẫy nợ Trung cộng. Còn phía Mỹ thì ông Austin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ toàn nói về vấn đề chiến lược, đồng minh. Những vấn đề đó không hấp dẫn Đông Nam Á. Thành ra lần này ông Biden mang theo cả một gói kinh tế sang Việt Nam. Thông điệp của Mỹ là “chúng tôi đã trở lại”. Vấn đề ở đây là kinh tế.
RFA. Xin Giáo sư cho biết tại sao hệ thống chính trị Mỹ lại cần quan sát các vấn đề nhân quyền trên toàn cầu. Có phải vì sự phát triển nhân quyền trên toàn cầu ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia của Mỹ?
- Nguyễn Mạnh Hùng:Có. Đúng vậy.
RFA. Xin Giáo sư giải thích. Tại sao họ phải có đến hai cơ quan khác nhau của hai nhánh quyền lực độc lập là hành pháp và lập pháp cùng phụ trách vấn đề nhân quyền trên toàn cầu?
- Nguyễn Mạnh Hùng:Các cơ quan đó mới lập ra gần đây nhưng thực ra có nguồn gốc từ thuở khai quốc của nước Mỹ. Khi mới lập quốc, người Mỹ cho rằng họ khác châu Âu: chúng tôi từ châu Âu sang đây, lập một quốc gia quan trọng và tiến bộ hơn, chúng tôi dân chủ, nhân quyền. Hồi đó người Mỹ thường nói mình là “city on the hill”, thành phố ở trên đồi cao, sáng, còn xung quanh ở bên dưới vẫn đang nằm trong bóng tối. Giá trị nhân quyền đã có ngay từ thời “nguyên thủy” của nước Mỹ, nằm trong DNA của người Mỹ. Trong cuộc chiến tranh Lạnh thì đối với Mỹ đó là cuộc va chạm giữa “dân chủ” và “cộng sản”. Như vậy họ coi đó là cuộc đấu về giá trị. Sau này có những tổng thống như ông Carter, mặc dù ông yếu về chiến lược nhưng rất thành thật, rất mạnh về niềm tin nhân quyền. Nên dưới thời Carter thì Bộ Ngoại giao mới bắt đầu có cơ quan phụ trách về nhân quyền. Từ kì thủy người Mỹ đã quan tâm vấn đề giá trị nhân quyền, sau này có lại một tổng thống chính thức thúc đẩy nó, và sau này thêm cả vấn đề tự do tôn giáo.
Sự phát triển đó là nhờ sự thúc đẩy của xã hội dân sự Mỹ. Các hội đoàn xã hội ở Mỹ thúc đẩy chính phủ Mỹ quan tâm đến các vấn đề giá trị đó.
Mỹ lúc bấy giờ có ảnh hưởng toàn thế giới. Những giá trị này là giá trị Mỹ. Do đó, nếu ai muốn đồng ý với Mỹ thì cũng phải quan tâm đến các giá trị đó. Quyền lợi về giá trị này không bao giờ mất đi được, dù có thể tăng giảm từng giai đoạn. Nhân quyền như tôi đã nói là một trong ba quyền lợi quốc gia của Mỹ: chiến lược, kinh tế, giá trị. Khi nào bang giao tốt, quyền lợi chiến lược tăng lên thì quyền lợi giá trị giảm đi. Ai thông minh thì phải biết xử lý vấn đề đó.
RFA xin cảm ơn GS. Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ với khán thính giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Ở phần tiếp theo, GS Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi với RFA về những hàm ý chiến lược đối với Việt Nam khi chúng ta nhìn quan hệ Việt Mỹ từ tam giác lợi ích “chiến lược, kinh tế, giá trị”.
***
Bài học Đài Loan và Phi Luật Tân cho Việt Nam trong quan hệ với Mỹ
Tiếp theo phần trước, GS. Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ với khán thính giả RFA những suy nghĩ riêng về cách ứng xử của Việt Nam khi xử lý tam giác lợi ích “chiến lược, kinh tế, giá trị” với Mỹ. Ông dẫn hai ví dụ về Đài Loan và Phi Luật Tân để cho thấy những cải cách quyết đoán và quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo hai nước có thể có những tác động như thế nào đến mối quan hệ thực sự giữa hai nước trong thực tế.
Lãnh đạo hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ họp báo chung sau khi tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương hôm 10/9/2023 tại Hà Nội AFP
RFA. Như Giáo sư nói Việt Nam hiện nay vẫn lo sợ Mỹ bỏ rơi. Trước đây Mỹ đã bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa. Mỹ đánh Afghanistan rồi bỏ đi. Trước đây đánh Iraq rồi giữa chừng cũng bỏ về, để cho Iraq ngày nay tự xử với các nhóm loạn quân ở bên trong. Nhưng nhìn lại, ta thấy Mỹ có nhiều đồng minh mà họ không bỏ rơi, ví dụ như Nhật Bản, Hàn Quốc. Mỹ hỗ trợ cho phát triển và chung thủy đến giờ. Có phải là những đồng minh hội tụ cùng lúc cả ba quyền lợi là chiến lược, kinh tế và giá trị thì sẽ không bị bỏ rơi hay không? Có phải một đồng minh nếu chỉ có lợi ích về mặt chiến lược thì sẽ bị bỏ rơi khi lợi ích chiến lược không còn? Một đồng minh của Mỹ thường bị bỏ rơi trong điều kiện nào và không bị bỏ rơi trong điều kiện nào?
- Nguyễn Mạnh Hùng:Thực ra thì ba loại quyền lợi trên không phải ngang bằng nhau. Thứ nhất là chiến lược, thứ hai là kinh tế và thứ ba mới là giá trị. Điều bạn nói một phần nào đó là đúng, ít nhất đúng với trường hợp châu Âu. Ngược lại đối với Hàn Quốc thời Park Chung Hi rất độc tài nhưng Mỹ không bỏ rơi. Đài Loan thời Tưởng Giới Thạch rất độc tài nhưng Mỹ không bỏ rơi.
Nhưng thời thế thay đổi thì chính sách Mỹ cũng thay đổi.
Khi Việt Nam hỏi tôi về vấn đề “bỏ rơi”, tôi có lấy ví dụ vấn đề Đài Loan: năm 1979 thì Đài Loan đã gần như bị Mỹ bỏ rơi. Lúc đó Carter đã điều đình với Trung cộng, tiếp nối chính sách của Nixon. Đó là lúc Đặng Tiểu Bình sang Mỹ rồi về đánh Việt Nam. Mỹ chấp nhận Trung cộng là một đối tác, một người để đối thoại. Trung cộng là độc tài. Lúc đó Mỹ đã định bỏ Đài Loan. Trước hết, họ hạ thấp tầm của Đài Loan với chính sách chỉ có “một Trung cộng”. Tất nhiên, trong thông cáo chung Hoa Kỳ – Trung cộng khi đó cũng có thêm một câu để cứu Đài Loan: ủng hộ “một Trung cộng” nhưng cũng ủng hộ sự thống nhất “trong hòa bình”. Câu này là cơ sở cho Đạo luật “Taiwan Relations Act” năm 1979, theo đó Mỹ phải giúp Đài Loan tự phòng thủ. Tức là họ chỉ tập trung vào vấn đề phòng thủ, không chấp nhận hai bên thống nhất bằng vũ lực. Lúc đó Mỹ đã rút quân tuần tra eo biển Đài Loan, sẵn sàng bỏ về bất kì lúc nào.
Ngay lập tức, ông Tưởng Kinh Quốc cải tổ, trở thành dân chủ. Khi cải tổ trở thành dân chủ thì trùng hợp với Mỹ về quyền lợi giá trị. Bạn nói đúng ở điểm đó là các quyền lợi về chiến lược đã khác nhau, nhưng quyền lợi giá trị trở nên giống nhau. Bất chấp chính sách của bên hành pháp, bên lập pháp Mỹ đã ủng hộ Đài Loan. Nếu như trước 1979 thì Đài Loan có thị trường còn Trung cộng đại lục không có, thì sau 1979 đại lục cũng có thị trường như Đài Loan nhưng quy mô thị trường lớn hơn. Như vậy quyền lợi kinh tế thì Đài Loan sẽ không bằng được Trung cộng, nhưng lúc này Đài Loan lại đem đến một quyền lợi khác là giá trị. Khi Trung cộng phóng tên lửa qua eo biển Đài Loan vì giận dữ khi Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) tổ chức cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên năm 1996 thì ông Bill Clinton đã điều động hai hạm đội hàng không mẫu hạm đến khu vực. Đó là cuộc điều động lực lượng lớn nhất của Mỹ từ sau chiến tranh Việt Nam. Lúc đó, Trung cộng đã rút lui.
Điều đó có nghĩa là không phải lúc nào Mỹ cũng bỏ rơi đồng minh. Yếu tố giá trị đã trở nên quan trọng ở thời điểm đó, ở điểm đó, trong chế độ đó.
RFA. Vậy điều đó có hàm ý cho quan hệ Việt Mỹ ngày nay không?
- Nguyễn Mạnh Hùng:Nếu có hàm ý chung chung cho quan hệ hai nước thì tôi nghĩ Mỹ muốn Việt Nam dân chủ và phát triển nhân quyền, nhưng Mỹ không tìm cách thay đổi chính quyền. Mỹ không có lợi ích trong việc thay đổi chính thể ở Việt Nam. Bởi vì nếu thay đổi chính thể và chính phủ nên hỗn loạn như khi lật đổ ông Diệm năm 1963 thì chính trị hỗn loạn. Việt Nam bị nát ra thì sẽ tạo ra khoảng trống quyền lực. Mà khoảng trống quyền lực khi đó có thể bị lấp đầy bằng một lực lượng thù nghịch với Mỹ. Về phương diện chiến lược thì Mỹ không có lợi ích gì nếu Chính phủ Việt Nam bị lật đổ. Đối với Mỹ, nếu Việt Nam dân chủ hơn, phát triển về nhân quyền hơn thì càng tốt, vì như thế sẽ được sự ủng hộ của cả bên Quốc Hội, của nhân dân. Còn nếu Việt Nam không phát triển theo hướng đó thì Mỹ cũng không có lợi ích gì nếu Chính phủ Việt Nam bị lật đổ.
Tất nhiên, trong chính trị, không có công thức bất biến. Ngay cả khi Việt Nam chia sẻ thêm với Mỹ một lợi ích khác nữa là lợi ích về giá trị thì không có gì bảo đảm chắc chắn là Mỹ vẫn không bỏ rơi. Ví như thời ông Trump thì Mỹ cũng gây sự với cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Không có gì đúng tuyệt đối. Cái gì cũng chỉ có tính tương đối.
Tôi nghĩ về phương diện quốc phòng, mối quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo quốc phòng hai nước rất quan trọng. Ví dụ như quan hệ quốc phòng Mỹ – Phi Luật Tân đã có khoảng 70 năm quan hệ quốc phòng, nên khi ông tổng thống Duterte phá thì phá không được. Mối quan hệ lại trở lại. Quan hệ quốc phòng Mỹ – Việt Nam đòi hỏi hai bên có những vị tướng, những vị chỉ huy quốc phòng có thể nói chuyện trực tiếp với nhau, có thể gọi điện thoại nói chuyện thân mật với nhau. Nếu đạt được giai đoạn đó thì hai bên sẽ gắn bó rất nhiều.
RFA. Theo Giáo sư, để tạo ra mối quan hệ đó thì cần những điều kiện gì?
- Nguyễn Mạnh Hùng:Bây giờ mình thấy là Mỹ đã đào tạo cho mình rồi. Như phi công thì Mỹ đã đào tạo cho mình rồi. Nếu hai bên mua bán vũ khí thì dĩ nhiên phải đào tạo cách sử dụng. Nhưng tôi nghĩ sẽ phải đến lúc hai nước có “co-production” (“sản xuất chung”) để chuyển giao công nghệ. Nếu Mỹ thành thật muốn giúp Việt Nam thì phải có sản xuất chung và chuyển giao công nghệ. Muốn như thế thì hai bên đều cần có các cấp sỹ quan cơ sở cộng tác với nhau. Những sỹ quan học ở West Point khi tốt nghiệp thì trở thành bạn của nhau, khoảng mười năm sau thì thành sỹ quan cấp cao hết cả. Và họ cộng tác với nhau. Đó là tính chuyện lâu dài, còn trước mắt cần xây dựng mối quan hệ cá nhân giữa các lãnh đạo quân sự hai nước, như ông Bộ trưởng quốc phòng, ông Tổng tham mưu trưởng. Họ cần quan hệ một cách ngang hàng, làm cho người ta kính trọng mình, tức là kính trọng thật chứ không phải ngoại giao.
Nếu Việt Nam muốn tăng cường quốc phòng với Mỹ thì lãnh đạo Bộ quốc phòng Việt Nam rất quan trọng. Thái độ và khả năng của Bộ Quốc phòng Việt Nam rất quan trọng trong việc quyết định mối quan hệ an ninh có tiến lên hay không, trong việc thi hành các cam kết.
Nếu Bộ quốc phòng có những liên hệ cá nhân với phía Mỹ thì niềm tin chiến lược sẽ tăng lên cao. Về định chế thì hai bên đã có nhu cầu đó, nhưng về phương diện cá nhân thì các vị lãnh đạo quốc phòng có đáp ứng được nhu cầu đó hay không là vấn đề quan trọng. Hai bên đẩy được quan hệ quốc phòng tới đâu thì tùy thuộc vào phía Việt Nam thôi.
RFA xin cảm ơn GS. Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ với khán thính giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Ở phần cuối cùng, GS Nguyễn Mạnh Hùng sẽ chia sẻ với RFA về tầm quan trọng của AI (trí tuệ nhân tạo) đối với sự phát triển và an ninh của Việt Nam trong quan hệ với Mỹ.
***
Công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) trong quan hệ Việt Mỹ
Hợp tác phát triển AI (trí tuệ nhân tạo) là một trong những nội dung quan trọng của Bản tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ nhân dịp hai nước nâng cấp quan hệ gần đây. RFA phỏng vấn GS. Nguyễn Mạnh Hùng về lý do loại công nghệ mới này trở thành một tâm điểm trong lời hứa hẹn về quan hệ mới giữa hai nước Việt Mỹ.
Trung cộng giới thiệu máy bay phản lực không người lái FH-97A tại triển lãm hàng không Zhuhai (Chu Hải) vào tháng 11, 2021 (ảnh minh họa.) Reuters
RFA. Henry Kissinger cùng hai tác giả khác, trong cuốn sách “The Age of AI: And Our Human Future” (tạm dịch: “Thời đại của AI và tương lai con người”) năm 2021, đã xếp công nghệ AI vào một loại cách mạng công nghiệp, tương tự cách mạng công nghiệp diễn ra với động cơ hơi nước thế kỉ 18, động cơ đốt trong và sử dụng điện ở thế kỉ 19, công nghệ bán dẫn từ thập niên 1960s thế kỉ 20, và ngày nay là AI (trí tuệ nhân tạo.) Xin Giáo sư cho biết vấn đề lớn nhất của công nghệ AI mà loài người ngày nay đang đối mặt là gì.
- Nguyễn Mạnh Hùng:Vấn đề của AI là làm ra đã khó, áp dụng càng khó hơn. Công nghệ này đặt ra một yêu cầu đối với con người là cần có cách để “deterrent” (răn đe, ngăn chặn) việc áp dụng nó cho mục đích xấu. Nhưng hiện nay, con người chưa có cách nào để “ngăn chặn, răn đe” các mặt tiêu cực của nó.
Ví dụ, trong chiến tranh nguyên tử, cách thức “deterrent” (răn đe, ngăn chặn) là xây dựng “second strike ability”, tức là khả năng đánh trả bằng vũ khí nguyên tử sau khi bị tấn công nguyên tử. Thêm nữa là xây dựng khả năng sống sót sau khi bị tấn công nguyên tử, ví dụ xây dựng nhiều hệ thống đa dạng để khi hệ thống này bị vũ khí nguyên tử của đối phương tiêu diệt thì vẫn còn hệ thống khác, hay như xây dựng hệ thống ngầm trong lòng đất. Nhưng ở thời đại AI, công nghệ AI có tiềm lực phá được hết những cách thức đó. Hơn nữa, con người đã có vũ khí sử dụng công nghệ AI nhưng chưa có vũ khí để kháng lại vũ khí AI. Đó là một tình thế nguy hiểm cho thế giới.
Trong chiến tranh Ukraine ngày nay, các loại vũ khí Ukraine sử dụng do phương Tây viện trợ đều tích hợp một mạng lưới các công nghệ mới, trong đó có internet vệ tinh và AI. Nói tóm lại, AI là một khám phá mới, đảo lộn đời sống con người. Nó có thể tốt hoặc xấu nhưng con người chưa biết cách kiểm soát cái xấu.
RFA. Trung cộng cũng phát triển mạnh công nghệ AI. Nhiều trung tâm nghiên cứu của Mỹ cảnh báo Trung cộng có thể vượt Mỹ trong lĩnh vực này. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra vấn đề lớn nhất của công nghệ AI ở Trung cộng là họ sử dụng nó để phục vụ cho một nhà nước cảnh sát, kiểm soát tư tưởng của từng người dân đến từng ngõ ngách xã hội. Việt Nam sẽ học công nghệ AI của ai? Trung cộng hay Mỹ?
Nguyễn Mạnh Hùng: Dĩ nhiên, Việt Nam sẽ học cả hai. Có hai vấn đề là học để tiếp thu công nghệ và ứng dụng công nghệ đó. Thứ nhất, Việt Nam sẽ học Hoa Kỳ ở những kỹ thuật tối tân. Ai tối tân thì họ học theo. Thứ hai, về việc áp dụng, thì sẽ học cả Trung cộng. Họ có nhu cầu kiểm soát thì họ sẽ học Trung cộng. Nhưng còn tùy thuộc vào cá nhân lãnh đạo của Việt Nam: họ muốn cái gì. Đã là lãnh đạo chính trị thì thường sẽ có xu hướng muốn kiểm soát dân chúng, nhưng ở nước có cơ chế dân chủ thì cơ chế không cho phép thực hiện điều đó.
Nhưng điều quan trọng nhất là sự nguy hiểm của trí tuệ nhân tạo nằm ở chỗ khác, không phải ở chỗ đó. Sự nguy hiểm của AI là người ta chưa biết cách kiểm soát nó. Người ta có thể sử dụng công nghệ AI để tàn phá môi trường dễ dàng, ví dụ, bằng cách chế tạo những chương trình phần mềm điều khiển việc phá đập nước ở nơi muốn phá. Nhưng chưa ai biết chống lại những việc như vậy như thế nào.
Nó giúp cho con người rất nhiều nhưng cũng có tiềm năng đem lại cái xấu. Ví dụ giáo sư đại học chấm bài của sinh viên bây giờ rất khó để biết bài do sinh viên làm hay máy làm. Mặc dù cũng có cách để kiểm tra nhưng công nghệ cũng ngày càng tinh xảo để không kiểm soát được.
AI cũng có thể gây ra thất nghiệp hàng loạt. Thất nghiệp hàng loạt có thể dẫn đến nội loạn.
RFA. Như vậy trong quân sự, loài người đã có các loại vũ khí để chống lại các vũ khí truyền thống, kể cả vũ khí nguyên tử, nhưng biết cách nào chống lại vũ khí AI?
- Nguyễn Mạnh Hùng:Chưa biết được cách nào. Vũ khí AI có thể được sử dụng để tấn công tự động. Không ai biết trước khả năng xảy ra nhầm lẫn, sai sót, gây ra tấn công tự động ngoài kiểm soát và dẫn đến chiến tranh thế giới. AI lại còn được trao vào tay tư nhân, và trong một số trường hợp họ quyết định luôn chính sách ngoại giao của một số nước. Internet vệ tinh Starlink của Elon Musk là một hệ thống tích hợp AI và nhiều công nghệ khác. Elon cắt internet Starlink của Ukraine thì Ukraine cũng không đánh trả Nga được. Elon nói Ukraine đánh đến đây thôi, không được đánh thêm. Đó là một điều nguy hiểm vì không ai phán đoán được hành xử các cá nhân kiểm soát công nghệ quan trọng này.
RFA. Nếu Việt Nam ứng dụng công nghệ AI theo cách chơi với cả hai, Trung cộng và Mỹ, thì điều này có khả thi không? Vì trong lĩnh vực này, nếu Việt Nam đi với Trung cộng thì các doanh nghiệp phương Tây sẽ rút lui không?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Việc phát minh, chế tạo khác với việc thực hành. Áp dụng để kiểm soát xã hội thì Việt Nam có thể bắt chước Trung cộng. Bắt chước chứ không phải theo Trung cộng. Còn phát triển công nghệ thì rõ ràng Việt Nam có thể sẽ theo chiều hướng Mỹ vì Mỹ đã tỏ ý giúp. Việt Nam không theo mô hình Trung cộng mà theo mô hình của mình, tức là làm gì có lợi nhất cho mình.
Về phát triển năng lực công nghệ AI thì Việt Nam dĩ nhiên sẽ vui vì được được một nước lớn, có công nghệ nguồn giúp cho, để cho mình trong tương lai đủ năng lực vào chuỗi cung ứng. Nhưng về mặt áp dụng AI để kiểm soát xã hội thì nếu Việt Nam áp dụng nhiều quá thì Mỹ có thể phản đối. Tất nhiên, Mỹ phản đối hay không thì tùy thuộc vào áp lực của xã hội dân sự ở Mỹ và cả ở Việt Nam. Nếu Việt Nam càng ngày cộng tác tốt với Mỹ thì không thể ứng dụng dễ dàng công nghệ này để kiểm soát xã hội.
Nếu Mỹ có thể giúp Việt Nam tham gia nghiên cứu chung công nghệ AI thì nó giúp tăng niềm tin chiến lược lên rất nhiều. Bây giờ thì đó mới chỉ là lời hứa, còn thi hành đến mức nào thì chưa ai biết.
RFA xin cảm ơn Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đã dành cho độc giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
RFA (18.09.2023)