Biển Đông : Phi Luật Tân dỡ phao nổi mà Trung cộng lắp đặt gần bãi cạn Scarborough
Cảnh sát biển Phi Luật Tân hôm thứ Hai 25/09/2023 thông báo đã dỡ bỏ phao nổi mà Trung cộng lắp đặt gần bãi cạn Scarborough, nhằm ngăn cản ngư dân Phi Luật Tân tiếp cận khu vực, nơi đang có tranh chấp ở Biển Đông.
Cảnh sát biển Phi Luật Tân cắt sợi dây nối hàng rào nổi được lắp đặt gần bãi cạn Scarborough ở Biển Đông, trong một bức ảnh không ghi ngày tháng được công bố ngày 25/09/2023. via REUTERS – PHILIPPINE COAST GUARD
Xin nhắc lại là hôm 22/09/2023, cảnh sát biển Phi Luật Tân đã phát hiện Trung cộng lắp đặt một hệ thống phao nổi dài 300 mét trong khu vực tại khu vực có tên gọi Bajo de Masinloc của Phi Luật Tân, gần bãi cạn Scarborough. Từ năm 2012, Trung cộng kiếm soát bãi cạn này và thường xuyên ngăn cản ngư dân Phi Luật Tân tới gần.
Theo AFP, trong một thông cáo, phía Phi Luật Tân khẳng định đã « thành công » trong việc dỡ bỏ phao nổi ở gần bãi cạn Scarborough « theo lệnh của tổng thống ».
Theo cảnh sát biển Phi Luật Tân, « phao nổi là mối nguy hiểm đối với hàng hải, rõ ràng là sự vi phạm luật pháp quốc tế ». Một video cho thấy cảnh một người, đeo mặt nạ dưỡng khí có ống thở, đang dùng dao cắt dây nối các tấm phao màu trắng. Bãi cạn Scarborough cách đảo Luzon của Phi Luật Tân 230 km và cách bờ biển đông nam Trung cộng khoảng 900 km.
Trước đó, cố vấn an ninh quốc gia Phi Luật Tân Eduardo Ano cho biết Manila sẽ thực hiện « mọi biện pháp phù hợp » để dỡ bỏ phao nổi mà Trung cộng đã lắp đạt.
Trung cộng : Phi Luật Tân không nên « khiêu khích »
Về phía Trung cộng, hôm nay 26/09, Bắc Kinh đã « khuyên » Phi Luật Tân tránh « các hành động khiêu khích » hoặc « gây bất ổn » ở Biển Đông. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung cộng, Vương Văn Bân, nhấn mạnh « Trung cộng kiên quyết bảo vệ chủ quyền, cũng như các quyền và lợi ích của mình trên đảo Hoàng Nham » (tên bãi cạn Scarborough bằng tiếng Trung).
Đáp lại Bắc Kinh, ngay lập tức cố vấn an ninh quốc gia Eduardo Ano hôm nay khẳng định Phi Luật Tân « có quyền » dỡ bỏ bất kỳ rào cản nào ở Bajo de Masinloc « xâm phạm quyền hàng hải » của nước này.
RFI (26.09.2023)
Bắc Kinh hăm nhà báo Mỹ trên tàu Phi Luật Tân ở Biển Đông
Tàu Trung cộng chặn một chiếc thuyền chở các nhà báo New York Times vào tháng 5 ngoài khơi Đá Vành Khăn
Không còn hy vọng nào nữa. Đường lưỡi bò đã được bồi đắp vững chắc, không chỉ bằng tàu thuyền, vũ khí mà bằng cả lòng dã tâm ngang ngược của hàng tỷ người Tàu.
Ngày 23/9, báo New York Times có bài viết kèm video về sự bành trướng của Trung cộng ở Biển Đông, mở mắt cho nhiều người bấy lâu vẫn thờ ơ với cái lưỡi bò đen đúa, vẫn nghĩ rằng người Tàu chỉ lè lưỡi ra dọa thiên hạ thôi chứ nuốt sao nổi cả Biển Đông.
Video cho thấy khi tàu mang cờ Phi Luật Tân chở các nhà báo New York Times đang đi trên vùng biển quốc tế thì bị tàu hải quân Trung cộng hú còi, nháy đèn laser liên tục và phát lời đe dọa qua loa. Tiếng còi to tới mức điếc tai, đèn ác tới mức đã từng gây mù cho ngư dân tàu cá.
Bài viết cũng miêu tả các căn cứ quân sự hoành tráng mà Trung cộng xây dựng trên Đá Vành Khăn, những hải dương hạm khổng lồ và đội tàu hải quân giả dạng tàu cá dân sự đang chiếm giữ khắp Biển Đông.
Không còn hy vọng nào nữa. Đường lưỡi bò đã được bồi đắp vững chắc, không chỉ bằng tàu thuyền, vũ khí mà bằng cả lòng dã tâm ngang ngược của hàng tỷ người Tàu. Những du học sinh Trung cộng đại lục mà tôi có dịp gặp ở đây đều ngang nhiên tự hào về cái lưỡi bò, thậm chí ngay cả một nhà báo Mỹ mang dòng máu Trung Hoa nói tiếng Anh giỏi hơn tiếng Tàu đã đến nhà tôi hồi năm ngoái, anh ta cũng không hề che giấu niềm tự hào ấy trong bữa ăn tối, ngay cả khi thừa biết tôi là người Việt và tấm bản đồ Việt Nam bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa đã đập vào mắt anh ta ngay khi bước vào nhà.
Đừng trông chờ gì ở Hoa Kỳ. Đã quá muộn để họ có thể ngăn Trung cộng. Mà nhiều khi, họ cũng chẳng mấy nhiệt tình ngăn. Vì sao? Bạn có thể tự lý giải.
Chỉ thương ngư dân Việt không còn được ra khơi xa đánh cá. Cố ra thì bị bắn bị giết.
Mấy hôm trước, tôi gặp ông tướng hưu trí Mark C. Arnold, người đã và đang giúp Ukraine rất nhiều, cả vật chất lẫn tinh thần. Tôi nói rằng không ít người Việt vẫn ủng hộ Nga trong cuộc chiến, ông ấy mở to mắt ngạc nhiên. “Chưa nói đến công lý, lòng từ bi, chỉ mới nói đến lợi ich của các bạn thì Nga đang nắm tay Trung cộng, mà Trung cộng là con ngáo ộp với Việt Nam, sao người Việt Nam lại ủng hộ Putin?”.
Tôi biết nói gì. Tôi cười. Cái cười mặn đắng.
Đỗ Hoàng Diệu
Đất Việt (26.09.2023)
Xung quanh việc Phi Luật Tân muốn khởi kiện Trung cộng lần nữa
Cờ Trung cộng tại một cơ sở xây ở Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa Trung cộng và các nước khác ở Biển Đông (minh họa) AFP
Phi Luật Tân sẽ tiếp tục khởi kiện Trung cộng?
Bộ trưởng Tư pháp Philippihes Jesus Crispin Remulla ngày 19/9 tuyên bố nước này sẽ nộp đơn kiện Trung cộng về các hoạt động khai thác quá mức san hô tại Biển Đông (Manila gọi là Biển Tây Phi Luật Tân).[1] Tuy nhiên, ông Remulla không nêu chi tiết về việc Manila sẽ nộp đơn kiện lên tòa án quốc thế nào, còn Tổng chưởng lý Phi Luật Tân Menardo Guevarra xác nhận Manila có kế hoạch đệ đơn kiện Bắc Kinh lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA).[2]
Bộ trưởng Remulla cho biết vụ kiện không liên quan đến những tranh chấp về chủ quyền giữa Phi Luật Tân và Trung cộng, và Manila đang tập hợp bằng chứng về các hoạt động phá hoại môi trường của Trung cộng, dự kiến đủ sức ảnh hưởng trong những tháng tới. Ông nói rằng chính phủ “có rất nhiều bằng chứng bất lợi” chứng minh các hoạt động của Trung cộng gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái của tuyến đường thủy giàu tài nguyên. Bộ trưởng Remulla nói: “Dù có hay không có tranh chấp lãnh thổ, việc hủy hoại môi trường là một tội lỗi chống lại loài người, (đó là lý do tại sao) đây là tiền đề để chúng tôi thay mặt Phi Luật Tân và vì lợi ích của chính nhân loại tiến hành khởi kiện”.[3]
Tiến sĩ Deo Onda, một nhà khoa học của Viện Khoa học Hàng hải thuộc Đại học Phi Luật Tân, ước tính mỗi năm nước này thiệt hại khoảng 33,1 tỷ Peso do hệ sinh thái rạn san hô bị hư hại ở Bãi cạn Panatag và Trường Sa vì các hoạt động cải tạo của Trung cộng.[4]
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Ana Theresia “Risa” Hontiveros cho rằng Trung cộng phải bồi thường thiệt hại về môi trường cho việc phá hủy hệ sinh thái rạn san hô. Nghị sĩ Hontiveros nói thêm: “Chúng ta nên yêu cầu Trung cộng chi trả những thiệt hại họ gây ra ở Biển Tây Phi Luật Tân. Chúng ta có thể nhận được hàng tỷ (Peso) nếu có thể buộc Trung cộng bồi thường”, và nếu Trung cộng trả “nợ” cho Phi Luật Tân, “điều đó chắc chắn sẽ giúp giải quyết” cuộc khủng hoảng kinh tế mà nước này đang phải đối mặt.[5] Thượng nghị sĩ Hontiveros đã trình Nghị quyết 804, lên án hoạt động khai thác san hô ồ ạt của Trung cộng và yêu cầu điều tra vấn đề này.
Trung cộng đang tàn phá môi trường biển
Người phát ngôn lực lượng tuần duyên Phi Luật Tân (PCG) Ja Terriela nói với báo chí địa phương rằng việc xuất hiện ngày càng nhiều các hoạt động đánh bắt trái phép và có tính phá hoại của đội tàu dân quân biển của Trung cộng ở Đá Khúc Giác và Bãi Sa Bin có thể có tác động trực tiếp đến việc phá huỷ và xuống cấp của môi trường biển Biển Đông.[6] PCG đã tiến hành các nghiên cứu dưới nước ở vùng biển quanh Đá Khúc Giác (còn gọi là Rozul Reef hay Iroquois Reef) và Bãi Sa Bin (Escoda Shoal hay Sabina Shoal), nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân. Các nghiên cứu cho thấy hệ sinh thái biển ở đây không còn sự sống và có rất ít hoặc gần như không có một sinh vật nào. Lực lượng này cho biết họ cũng tìm thấy san hô chết đã được làm sạch và nghiền nát trước khi đổ xuống đáy biển ở những khu vực mà tàu đánh cá Trung cộng liên tục bị phát hiện trong những tháng gần đây. Các chuyên gia từ Đại học Phi Luật Tân sẽ được điều động để nghiên cứu các rạn san hô bị hư hại để xác định xem liệu các hoạt động cải tạo có phải là nguyên nhân gây suy thoái môi trường hay không.
Trong một phán quyết trước đó hồi năm 2016, PCA đã xác định Trung cộng đã gây hại nghiêm trọng đến môi trường san hô ở Biển Đông.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy các hoạt động bị nghi là cải tạo do Trung cộng tiến hành ở Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa hôm 11/5/2015. AFP
Cuộc khẩu chiến giữa các bên
Đại sứ Nhật Bản tại Phi Luật Tân Kazuhiko Koshikawa cũng bày tỏ lo ngại về việc khai thác san hô hàng loạt và gọi đây là “tin tức rất đáng báo động”. Ông viết trên mạng xã hội X: “Đại dương là mạch máu của hành tinh chúng ta và các rạn san hô là nhịp tim đầy màu sắc. Chúng ta phải cùng bảo tồn và bảo vệ những hệ sinh thái quan trọng này cho các thế hệ mai sau”.[7]
Đại sứ Mỹ tại Manila MaryKay Carlson cho biết những tổn hại về môi trường sống ở biển “gây thiệt hại cho hệ sinh thái và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống cũng như sinh kế” của người dân, khẳng định Washington đang hợp tác với các đối tác và đồng minh để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của quốc gia Đông Nam Á này.[8]
Trong khi đó, Herman Tiu Laurel, Chủ tịch Viện nghiên cứu chiến lược Thế kỷ Phi Luật Tân châu Á có trụ sở tại Manila, cho rằng sáng kiến này chỉ là một phần trong “chuỗi tuyên truyền về mối đe dọa Trung cộng lấy cảm hứng từ Mỹ. Ông viết trên “Manila Times” vốn được coi là thân Trung cộng: “Làm thế nào một vụ kiện môi trường chống lại Trung cộng có thể thành công khi ngay cả các báo cáo của Lực lượng Vũ trang Phi Luật Tân (AFP) và Lực lượng Tuần duyên Phi Luật Tân (PCG) về hành vi phá hủy các rạn san hô chỉ dựa trên những tuyên bố về các hoài nghi đơn thuần”.[9] Theo ông, việc san hô ở Biển Đông bị hủy hoại là “vấn đề kéo dài nửa thế kỷ” do hoạt động đánh bắt bằng thuốc nổ và xyanua; và rằng những hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp như vậy là do chính phủ phớt lờ tình cảnh kinh tế của ngư dân Phi Luật Tân, những thất bại của PCG trong việc kiểm soát vùng biển và trong những thập kỷ gần đây là do cả sự nóng lên của đại dương và nồng độ axit tăng trong nước biển. Ông nói thêm: “Giống như cáo buộc thiếu chứng cứ về việc tuần duyên Trung cộng quấy rối ngư dân Phi Luật Tân, ‘vụ việc về môi trường’ này cuối cùng sẽ phản tác dụng cho uy tín của chính phủ Phi Luật Tân và PCG”.[10]
Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro cho biết ông nghi ngờ các thực thể nước ngoài có thể đã khai thác san hô để xây dựng đảo, song cho rằng mọi khẳng định, bao gồm cả mối liên hệ của tàu Trung cộng với vụ việc, cần phải được xác thực. Ông nói: “Chúng tôi phải xác thực thông tin vì theo phán quyết của tòa trọng tài, đó là hành vi vi phạm hiệp ước quốc tế, hủy hoại môi trường biển, đặc biệt nếu việc phá hủy san hô là nguyên nhân nảy sinh hoặc là cách họ sử dụng để xây đảo nhân tạo”.[11]
Về phần mình, Bắc Kinh phản bác và cáo buộc Đại sứ Koshikawa “truyền thông tin sai lệch”. Đại sứ quán Trung cộng tại Manila cũng bình luận trên mạng xã hội X: “Đại dương thực sự là nguồn sống của hành tinh. Vì vậy, hãy dừng việc xả nước hạt nhân ô nhiễm từ Fukushima”, đề cập đến quyết định xả nước thải phóng xạ qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân của Tokyo.[12] Hai bên tiếp tục khẩu chiến khi Đại sứ Koshikawa chia sẻ một nghiên cứu của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết “từ giữa tháng 9/2014, nhiều tàu được cho là tàu khai thác san hô Trung cộng đã bị phát hiện ở vùng biển Nhật Bản gần Quần đảo Ogasawara”.
Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng Mao Ninh cho rằng nếu quan tâm đến môi trường, Phi Luật Tân nên loại bỏ BRP Sierra Madre khỏi Bãi Cỏ mây (Bãi cạn Ayungin, nơi Trung cộng gọi là Đá Nhân Ái). Khi được hỏi về kế hoạch của Phi Luật Tân đệ đơn khiếu nại Trung cộng, bà Mao Ninh nói: “Những cáo buộc của Phi Luật Tân không có cơ sở thực tế. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan của Phi Luật Tân ngừng tạo ra một vở kịch chính trị từ những điều hư cấu”.[13] Bà Mao Ninh cũng cho rằng Phi Luật Tân nên ngăn chặn tàu “xả nước ô nhiễm ra biển và không để tàu chiến rỉ sét gây ra những tổn hại không thể khắc phục được cho đại dương”.
Liên quan đến những Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia về Biển Tây Phi Luật Tân cho biết Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. kêu gọi một cách tiếp cận “văn minh hóa” để quản lý tình hình tại Bãi Cỏ mây. Jonathan Malaya, người phát ngôn của NTF-WPS, giải thích trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin “ANC” về phản ứng của Manila trước sự hiện diện của hải cảnh và dân quân biển Trung cộng gần bãi cạn này, nhấn mạnh “đó là quyết định phải được đưa ra bởi các cơ quan cấp cao hơn vì chúng tôi muốn giữ căng thẳng ở Biển Tây Phi Luật Tân ở mức thấp… Tổng thống có chỉ thị về cách tiếp cận văn minh đối với Bãi Cỏ Mây. Vì vậy, cảnh sát biển (Phi Luật Tân) sẽ đối đầu hải cảnh (Trung cộng) và Hải quân chỉ hỗ trợ”.[14]
Việt Nam có lợi gì?
Cho đến nay, khả năng Phi Luật Tân sẽ tiếp tục khởi kiện Trung cộng vì phá hoại môi trường ở Biển Đông là chưa chắc chắn. Hành động bồi lấp đảo của Trung cộng làm huỷ hoại các rạn san hô xung quanh không chỉ xảy ra với vùng biển của Phi Luật Tân mà đối với cả Việt Nam. Tại Hoàng Sa, được coi là tranh chấp song phương giữa Việt Nam với Trung cộng, Bắc Kinh cũng đã cho bồi lấp và quân sự hoá các thực thể ở đây, trong khi Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo này. Thông tin mới đây cho biết Trung cộng lại mới cho xây một đường băng trên Tri Tôn, một thực thể thuộc Hoàng Sa.
Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội tham gia với Phi Luật Tân khởi kiện Trung cộng năm 2013, để đến 2016 khi Toà phán quyết, Việt Nam đã mất rất nhiều lợi ích lẽ ra đã có được, nếu tham gia cùng Phi Luật Tân.
Chính vì vậy, Việt Nam nên nghiên cứu, xem xét khả năng tham gia vụ kiện lần này với Phi Luật Tân. Việc có thêm Việt Nam khởi kiện Trung cộng sẽ khiến giải pháp pháp lý có thêm nhiều sức nặng. Điều này cũng sẽ khiến Trung cộng phải cân nhắc các hành động xâm phạm trên Biển Đông của họ.
___________
Tham khảo:
[1] https://www.anews.com.tr/asia/2023/09/22/Phi Luật Tân-to-sue-china-over-destruction-of-coral-reefs-in-south-china-sea
[2] https://www.manilatimes.net/2023/09/21/news/ph-to-file-suit-vs-china/1910963
[3] https://www.reuters.com/world/asia-pacific/Phi Luật Tân-weighing-legal-options-against-china-over-coral-reef-destruction-2023-09-22/
[4] https://www.manilatimes.net/2023/09/21/news/ph-to-file-suit-vs-china/1910963
[5] https://www.bworldonline.com/editors-picks/2023/09/20/546866/philippine-senate-told-to-probe-coral-reef-destruction-china-asked-to-pay/
[6] https://thethaiger.com/ph/news/553313/
[7] https://asiatimes.com/2023/09/Phi Luật Tân-on-cusp-of-new-south-china-sea-cold-war/
[8] https://edition.cnn.com/2023/09/22/asia/south-china-sea-Phi Luật Tân-coral-reef-damage-intl-hnk/index.html
[9] https://www.manilatimes.net/2023/09/21/news/ph-to-file-suit-vs-china/1910963
[10] https://www.manilatimes.net/2023/09/21/news/ph-to-file-suit-vs-china/1910963
[11] https://www.scmp.com/week-asia/politics/article/3235208/south-china-sea-Phi Luật Tân-may-file-case-against-china-international-tribunal-over-alleged-damaged
[12] https://www.manilatimes.net/2023/09/21/news/ph-to-file-suit-vs-china/1910963
[13] https://edition.cnn.com/2023/09/22/asia/south-china-sea-Phi Luật Tân-coral-reef-damage-intl-hnk/index.html
[14] https://www.philstar.com/headlines/2023/09/20/2297727/marcos-called-civilian-led-approach-ayungin-shoal-ntf-wps-says
RFA (25.09.2023)
Trung cộng đả kích Mỹ bán F-16 cho Việt Nam là ‘phá hoại hòa bình’
Trung cộng lên án Mỹ là “phá hoại hòa bình, ổn định” ở khu vực khi thảo luận bán chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon cho Việt Nam.
Hôm Chủ Nhật, 24 Tháng Chín, tờ Hoàn Cầu Thời Báo ở Bắc Kinh có bài viết đả kích việc Mỹ đang thảo luận để cung cấp một lượng lớn vũ khí cho Việt Nam mà cơ quan tuyên truyền của Trung cộng nói là “chỉ nhằm gây rắc rối.”
Chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon của hãng Lockheed Martin. (Hình: Lockheed Martin)
Hoàn Cầu Thời Báo, một phó bản của tờ Nhân Dân Nhật Báo của đảng Cộng Sản Trung cộng, thường xuyên được dùng như tiếng nói bán chính thức, bình luận về những vấn đề mà Bắc Kinh không tiện đả kích trực tiếp.
Báo này nói rằng việc Mỹ bán chiến đấu cơ tối tân F-16 cho Việt Nam là nhằm “phục vụ chủ đích bá quyền của Mỹ kềm chế Trung cộng.”
Báo New York Times, hôm 9 Tháng Chín, tức một ngày trước chuyến thăm của Tổng Thống Biden đến Hà Nội, tiết lộ chuyện CSVN bí mật thảo luận với Nga để mua một lượng lớn vũ khí trị giá tới $8 tỉ. Không thấy guồng máy tuyên truyền ở Bắc Kinh đả kích gì, chẳng lẽ không là để đối phó với Trung cộng?
Hãng tin Reuters, hôm Thứ Bảy, 23 Tháng Chín, nói rằng hiện các cuộc thảo luận đang diễn ra để Việt Nam mua một lượng lớn vũ khí nhiều nhất từ trước tới nay giữa hai kẻ cựu thù.
Trong số những loại vũ khí được tiết lộ đàm phán, thấy có cả chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon. Không biết hai bên đàm phán số lượng bao nhiêu, máy bay mới hay cũ, phiên bản nào, trang bị những loại vũ khí nào.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo mượn lời một số chuyên gia quân sự nói rằng, khi Mỹ bán được F-16 cho Việt Nam, Nga sẽ bị mất một khách hàng quan trọng. Mỹ nâng cao mối quan hệ quốc phòng với Việt Nam, tranh được chỗ đứng ở khu vực khi có thể cài thêm “các ràng buộc chính trị” chẳng hạn như đòi “sử dụng các căn cứ không quân và hải quân của Việt Nam.”
“Lợi dụng vị thế mới này, lực lượng Mỹ có thể kích động thêm nhiều rắc rối hơn nữa tại Biển Đông để tạo sự bao vây quân sự và kềm chế Trung cộng,” lời Wei Dongxu nói với tờ Hoàn Cầu Thời Báo.
Báo này dèm pha rằng: “Nếu Việt Nam mua F-16 của Mỹ sẽ bị Mỹ kiểm soát rồi chính sách quốc phòng cũng như các hoạt động quân sự sẽ trở nên phụ thuộc vào các quyết định của Mỹ.”
Chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon với các trang bị điện tử tối tân, khả năng tác chiến vượt trội từ không chiến đến tấn công mặt đất sẽ giúp Không Quân của Việt Nam thực hiện các phi vụ hiệu quả lúc tác chiến hơn hẳn các chiến đấu cơ mà Hà Nội đang có. Điều này hiển nhiên gây khó khăn cho chủ trương bá quyền bành trướng của Bắc Kinh khi hai nước có các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.
Mô hình F-16 Fighting Falcon trưng bày trong cuộc triển lãm vũ khí ở Hà Nội cuối năm 2022. (Hình: VNExpress)
Theo Reuters, CSVN muốn mua nhiều thứ trang bị khác nhau để phòng vệ một vùng biển rộng lớn đang có nhiều nguy cơ xung đột. Washington cân nhắc để giúp Hà Nội gói tín dụng dễ dàng hơn khi mua sắm một số trang bị đắt tiền mà túi lại ít tiền, nhờ đó thoát dần chuyện tùy thuộc vào các loại vũ khí của Nga được biết kém hiệu quả dù giá rẻ.
“Chúng tôi có mối quan hệ rất hiệu quả và đầy hứa hẹn với phía Việt Nam và chúng tôi nhìn thấy có sự chuyển động đáng chú ý của họ đối với một số hệ thống vũ khí Mỹ, đặc biệt bất cứ thứ gì giúp họ giám sát tốt hơn trong lãnh vực hàng hải, có thể là máy bay vận tải hay một vài loại trang bị khác,” theo lời một viên chức chính phủ Mỹ không nêu tên được dẫn lại trên bản tin Reuters hôm Thứ Bảy, 23 Tháng Chín.
Bài viết của Hoàn Cầu Thời Báo cho hiểu rằng Bắc Kinh đang tức giận không riêng gì với Washington mà cả Hà Nội, vốn xưa nay vẫn được xưng tụng là “đồng chí anh em” có “16 chữ vàng” và “4 tốt” ràng buộc nhau.
Người Việt (25.09.2023)
Trung cộng đặt « phao nổi » tại bãi cạn Scarborough để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông
Manila ngày 24/09/2023 « mạnh mẽ tố cáo » hải cảnh Trung cộng thả dây phao tại vùng biển có tranh chấp chủ quyền và ngăn cản ngư dân Phi Luật Tân tiến vào khu vực gần bãi cạn Scarborough đánh bắt cá, « tước đoạt kế sinh nhai của dân chài Phi Luật Tân ». Sứ quán Trung cộng tại Manila từ chối bình luận về tin trên.
Tàu cá Trung cộng hoạt động trong bãi đá Scarborough đang có tranh chấp với Phi Luật Tân. Ảnh tư liệu chụp ngày 06/04/2017. 2017 REUTERS – Erik de Castro
Hãng tin Anh Reuters trích dẫn lời thiếu tướng Jay Tarriela, phát ngôn viên cảnh sát biển Phi Luật Tân, theo đó trong cuộc tuần tra gần bãi cạn Scarborough hôm 22/09/2023, đã phát hiện « khoảng 300 mét dây phao » trong khu vực. Chính xác hơn là hải cảnh Trung cộng đã cho gài phao nổi ở khu vực có tên gọi Bajo de Masinloc của Phi Luật Tân.
Cảnh sát biển Phi Luật Tân bắt gặp quả tang ba xuồng bơm hơi và một xuồng được cho là của dân quân biển Trung cộng tham gia vào việc lắp đặt phao nổi nói trên. Khi bị phát hiện, phía Trung cộng đã lớn tiếng tố cáo Phi Luật Tân « vi phạm luật biển quốc tế » và « luật pháp Trung cộng » trước khi thoái lui khi nhận thấy rằng có sự hiện diện của báo chí trên tàu Phi Luật Tân.
Vẫn thiếu tướng Jay Tarriela giải thích, ngư dân Phi Luật Tân than phiền Trung cộng thường đặt dây phao để giám sát hoạt động của các tàu cá trong khu vực.
Bãi cạn Scarborough cách đảo Luzon của Phi Luật Tân 230 km và cách bờ biển đông nam Trung cộng 1.000 km. Từ 2012 Trung cộng kiếm soát bãi cạn này và thường xuyên xua đuổi ngư dân Phi Luật Tân ra xa khu vực này. Bắc Kinh khẳng định chủ quyền với gần 90 % diện tích ở Biển Đông.
RFI (24.09.2023)
Hoa Kỳ tăng cường hiện diện tại các đảo quốc Thái Bình Dương trước mối lo Trung cộng
Tổng Thống Joe Biden chuẩn bị thiết lập bang giao với hai quốc gia Nam Thái Bình Dương, Quần Đảo Cook và Niue vào Thứ Hai, 25 Tháng Chín, khi chính quyền của ông muốn chứng tỏ với các nhà lãnh đạo Đảo Quốc Thái Bình Dương rằng Hoa Kỳ cam kết tăng cường sự hiện diện trong khu vực.
Thông báo này được đưa ra khi ông Biden chuẩn bị tiếp đón các nhà lãnh đạo viếng thăm Washington tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Diễn Đàn Đảo Quốc Thái Bình Dương-Hoa Kỳ kéo dài hai ngày, dự trù tập trung vào tác động của biến đổi khí hậu.
Tổng Thống Biden ưu tiên vào cải thiện bang giao tại Thái Bình Dương trong bối cảnh Hoa Kỳ đang rất lo ngại về ảnh hưởng kinh tế và quân sự ngày càng bành trướng của Trung cộng. Kế hoạch cho bước tiến ngoại giao được xác nhận bởi hai viên chức cấp cao ẩn danh, trước khi có thông báo chính thức.
Các hải đảo Thái Bình Dương khoanh theo nhóm văn hóa (Nguồn: Vaka Moana: Voyages of the Ancestors – the discovery and settlement of the Pacific, ed K.R. Howe, 2008)
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết ông Biden sẽ tận dụng hội nghị thượng đỉnh nhằm tăng cường “bang giao thắt chặt với các Đảo Thái Bình Dương và thảo luận cách thức Hoa Kỳ giải quyết những thách thức phức tạp trên toàn cầu, như mối đe dọa biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.”
Một số nhà lãnh đạo cũng dự khán trận đấu giải Bóng Bầu Dục Nhà Nghề NFL tại Baltimore vào Chủ Nhật và sau đó dự trù tới thăm tàu tuần tiễu của Lực Lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ ở hải cảng thành phố để được phúc trình về cách chống đánh bắt cá phi pháp và các vấn đề hàng hải khác.
Các nhà lãnh đạo Đảo Quốc Thái Bình Dương chỉ trích các nước giàu có không chung tay kiểm soát biến đổi khí hậu dù phải chịu trách nhiệm phần lớn hậu quả, và trục lợi từ các khoản vay cho các quốc gia nhược tiểu nhằm giảm thiểu tác động.
Trong hội nghị thượng đỉnh năm ngoái, Tòa Bạch Ốc hé lộ chiến lược Thái Bình Dương, là bản phác thảo được hoạch định nhằm hỗ trợ các nhà lãnh đạo khu vực cho các gút mắc cấp bách như biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải và nạn đánh bắt cá vô tội vạ. Chính quyền cam đoan Hoa Kỳ rót thêm $810 triệu viện trợ cho các đảo quốc Thái Bình Dương trong thập niên tới, gồm có $130 triệu nhằm nỗ lực ngăn chặn tác động của biến đổi khí hậu.
Diễn đàn có mặt các quốc gia: Úc, Quần Đảo Cook, Micronesia, Fiji, Polynesia thuộc Pháp, Kiribati, Nauru, New Caledonia, New Zealand, Niue, Palau, Papua New Guinea, Cộng Hòa Quần Đảo Marshall, Samoa, Quần Đảo Solomon, Tonga, Tuvalu và Vanuatu .
Tổng Thống Biden sẽ tiếp đón các nhà lãnh đạo tới Tòa Bạch Ốc vào sáng Thứ Hai, dự hội đàm và thiết yến bữa trưa. Phái đoàn cũng sẽ hội kiến đặc sứ của Biden về khí hậu, John Kerry, vào cùng ngày, thảo luận về biến đổi khí hậu. Ngoại Trưởng Antony Blinken và Đại Sứ Liên Hiệp quốc Linda Thomas-Greenfield sẽ chiêu đãi các nhà lãnh đạo tại Bộ Ngoại Giao trong buổi dạ tiệc.
Kerry và Samantha Power, Giám Đốc Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ, sẽ chủ trì các cuộc đàm phán khí hậu với các thành viên của cộng đồng từ thiện vào Thứ Ba. Các nhà lãnh đạo cũng dự trù gặp gỡ các thành viên Quốc Hội. Bộ Trưởng Ngân Khố Janet Yellen sẽ tổ chức buổi đàm luận với các nhà lãnh đạo và thành viên của cộng đồng doanh nghiệp.
Tháng trước, Power viếng thăm Fiji để khai trương văn phòng USAID mới nhằm quản lý các chương trình của cơ quan tại chín Đảo Quốc Thái Bình Dương: Fiji, Kiribati, Nauru, Samoa, Tonga, Tuvalu, Cộng Hòa Quần Đảo Marshall, Liên Bang Micronesia và Palau. Năm nay Hoa Kỳ đã mở tòa đại sứ tại Quần Đảo Solomon và Tonga, đồng thời chuẩn bị mở tòa đại sứ tại Vanuatu vào đầu năm tới.
Người Việt (25.09.2023)