“Chúng tôi muốn [ghi nhận] những nỗ lực nhân đạo của chánh quyền Mỹ và những người Mỹ đã giúp dân Miền Nam trong suốt và sau cuộc chiến. Và chúng tôi cũng nhớ về những người đã chết hay chịu đau khổ trong các trại cải tạo và trại lao động cưỡng bức,”

Toàn cảnh Đài Tri Ân trong khuôn viên Công viên Tưởng niệm Cựu chiến binh ở thành phố Jeffersontown ở bang Kentucky, Mỹ.

 

Một công trình tôn vinh sự đóng góp của những binh sĩ từ các nước đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa thời Chiến tranh Việt Nam sẽ được khánh thành vào ngày 9 tháng 10 tại ở ngoại ô thành phố Louisville thuộc bang Kentucky của Mỹ. Công trình này cũng sẽ đóng vai trò như một viện bảo tàng ngoài trời để nâng cao nhận thức của công chúng về người tị nạn chạy lánh chế độ cộng sản ở Việt Nam.

 

Việc hoàn tất và ra mắt công trình này là thành quả của những nỗ lực kéo dài trong hơn một thập niên của cộng đồng người Việt địa phương cùng những cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam và những người ủng hộ khác, vượt qua những khó khăn to lớn gây ra bởi sự gián đoạn vì đại dịch COVID-19.

 

Đài Tri Ân được đặt tại Công viên Tưởng niệm Cựu chiến binh ở thành phố Jeffersontown, bên ngoài Louisville, và được xây dựng dựa theo thiết kế giành chiến thắng trong một cuộc thi tuyển với sự tham gia của 128 thí sinh đến từ 29 quốc gia vào năm 2016, thông cáo báo chí của Hội Tri Ân, tổ chức đứng sau việc xúc tiến xây dựng đài tưởng niệm này, cho biết.

Hình ảnh được công bố cho thấy kiến trúc này bao gồm bốn bức tường bao quanh tám cây cột cao 30 feet (khoảng 9 mét) đại diện cho tám nước đồng minh bao gồm Việt Nam Cộng Hòa, Mỹ, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan, Phi Luat Tan, New Zealand, và Đài Loan. Một bức tường dài 120 feet (khoảng 36,5 mét) trưng bày những hình ảnh cho thấy binh sĩ Việt Nam và Mỹ kề vai sát cánh chiến đấu cùng với những hình ảnh người tị nạn chạy lánh chủ nghĩa cộng sản năm 1954 và 1975, theo thông cáo.

 

“Chúng tôi muốn [ghi nhận] những nỗ lực nhân đạo của chánh quyền Mỹ và những người Mỹ đã giúp dân Miền Nam trong suốt và sau cuộc chiến. Và chúng tôi cũng nhớ về những người đã chết hay chịu đau khổ trong các trại cải tạo và trại lao động cưỡng bức,” thông cáo nói.

 

Ông Nguyễn Tiến Dũng, người sáng lập và chủ tịch Hội Tri Ân, cho biết những ý tưởng đầu tiên bắt đầu từ khoảng 11 năm về trước khi cộng đồng người Việt ở Louisville muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với những người Mỹ không chỉ chiến đấu trên chiến trường mà còn hỗ trợ xây dựng nền kinh tế và xã hội ở Miền Nam Việt Nam trong thời chiến.

 

Với sự thành lập của Hội Tri Ân vào năm 2013, kế hoạch xây dựng đài tưởng niệm bắt đầu được xúc tiến với việc tìm kiếm địa điểm và lựa chọn thiết kế. Theo thời gian, ý nghĩa giáo dục của nó được chú ý nhiều hơn khi quá khứ chiến tranh dần lùi xa.

 

“Chúng tôi muốn dùng đài kỉ niệm này như là một viện bảo tàng ngoài trời để ghi chép lại những hình ảnh, những câu chuyện không phải là chỉ nói riêng về việc chiến đấu trong chiến tranh mà cũng còn nói thêm về những cái hình ảnh như là của người tị nạn Việt Nam trước chiến tranh năm 1954 di cư từ Bắc vào Nam, rồi những cái cuộc di cư khổng lồ sau năm 1975.” ông Dũng nói với VOA.

 

“Những hình ảnh đó, những cái câu chuyện đó là những cái chúng tôi muốn ghi lại, nhất là để cho những thế hệ con cháu của mình ở xứ Mỹ này lớn lên có cơ hội để nhìn thấy lại những chuyện đó, và cũng đồng thời để cho dân Mỹ ở đây họ cũng có cái dịp để nhìn thấy những hình ảnh.”

Ông Dũng cho biết toàn bộ chi phí dành cho công trình này là khoảng 2,4 triệu đôla, phần lớn đến từ các khoản đóng góp của các thành viên Hội Tri Ân, cộng đồng người Việt ở vùng Louisville, các cơ sở thương mại, và các ủng hộ viên khác.

 

Con số dự tính ban đầu chỉ bằng khoảng một nửa phí tổn cuối cùng, ông nói, nhưng nguồn cung ứng nguyên vật liệu bị gián đoạn và chi phí vận chuyển tăng vọt do hệ quả từ đại dịch COVID-19 đã khiến thời gian thi công kéo dài hơn và đội chi phí tổng thể lên cao hơn.

 

“Mỗi một cái container chở đá từ ở Việt Nam sang đây, về phần vận chuyển thì tăng lên gấp mấy lần luôn. Rồi tất cả mọi thứ đều lên giá. Phí tổn của Đài Tri Ân lên thêm gần 1 triệu bạc. Cho nên lúc đó là những cái lúc mà mình thấy là khó khăn rất là lớn. Thật sự là không biết là mình có vượt qua được hay không,” ông Dũng nhớ lại.

 

“Nhưng mà cũng may mắn là ở đây chúng tôi cũng có được nhiều bạn bè Hoa Kỳ, nhiều người ủng hộ mình rất là tốt. Và cộng đồng ở Louisville cũng rất là đoàn kết trong việc làm này, cho nên nó có nhiều yếu tố để đưa đến sự thành công cuối cùng.”

 

Bà Trần Lý Văn, một thành viên của Hội Tri Ân góp sức trong việc gây quỹ trong cộng đồng, nói bà “rất xúc động” mỗi khi đến thăm trong lúc công trình đang được xây dựng. Kể từ khi chính quyền thành phố Louisville thông qua nghị quyết công nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ là lá cờ đại diện cho cộng đồng người Việt ở đây vào năm 2012, các nhà lãnh đạo cộng đồng đã nỗ lực tìm một nơi để có thể treo cờ một cách trang nghiêm, bà nói.

 

Mình và cộng đồng Việt Nam ở đây không thể nào nghĩ mình sẽ xây được một cái tượng đài nó oai nghi như vậy,” bà nói với VOA. “Với dự án xây đài tưởng niệm, chúng tôi được sự hỗ trợ và giúp đỡ của lãnh đạo các tôn giáo, các đoàn thể. Ngoài ra, chúng tôi còn được sự ủng hộ và khuyến thích của rất nhiều cộng đồng bạn cũng đến tham gia và ủng hộ và đóng góp rất nhiều cho cái dự án này.”

 

Đây là một sự thành công lớn của cộng đồng Việt Nam ở Louisville và những vùng lân cận. Mọi người ai cũng rất là vui, rất là nhiệt tình, từ những em trẻ cho tới thế hệ trung niên cho tới các bác lớn tuổi.”

 

Lễ khánh thành có sự tham dự của ban quân nhạc Sư Đoàn Dù 101, là một trong những sư đoàn có mặt ở rất nhiều chiến trường nóng bỏng trong Chiến tranh Việt Nam, chủ tịch Hội Tri Ân cho biết. Quan khách cũng sẽ nghe lời phát biểu của Thiếu Tướng Dean Allen Youngman và Thiếu Tướng LapThe Flora, hai vị chỉ huy cao cấp từ hai thế hệ khác nhau có liên hệ đến Chiến Tranh Việt Nam.

 

Vì Đài Tri Ân được xây dựng trong khuôn viên một khu tưởng niệm cựu chiến binh Mỹ của thành phố Jeffersontown nên việc chăm sóc và bảo trì thuộc trách nhiệm của thành phố, ông Dũng cho biết.

 

Lúc nào họ cũng giữ nghiêm trang cho cái chỗ đó cho nên chúng tôi thấy mình rất là may mắn có được cái chỗ như vậy,” ông nói.

 

VOA (05.10.2023)