Thiên Hạ Luận
Blog VOA
“Tôi mày mò tra trên Google, thấy chưa đâu lắm ngày này, ngày nọ như ta.”
Trân Văn
Dường như chỉ có hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức nhớ Ngày Doanh nhân Việt Nam – 13 tháng 10 hàng năm. Nói như thế vì ngoài chuyện Bộ Chính trị ban hành một… nghị quyết để xác định sẽ “xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới” (1), chính phủ mời đại diện cộng đồng doanh nghiệp tham dự một cuộc tọa đàm (2) và hệ thống truyền thông chính thức đồng loạt tán tụng doanh giới bằng đủ loại mỹ từ (3), chẳng có bao nhiêu người sử dụng mạng xã hội bận tâm đến ngày này…
Dẫu chẳng có bao nhiêu người bận tâm nhưng trên mạng xã hội không phải là không có ai ngẫm nghĩ, chia sẻ những suy tư về kinh doanh, làm giàu ở Việt Nam và tuy không đáng kể nhưng rất đáng ngẫm nghĩ. Chẳng hạn một Huynh Van Diep kể khơi khơi về việc tham dự buổi thảo luận nhân dịp 13 tháng 10. Theo Diep, hôm ấy, một doanh nhân thuộc loại có số má hỏi ông: Vì sao lại chọn ngày 13 tháng 10 làm Ngày Doanh nhân Việt Nam? Diệp không trả lời mà hỏi ngược lại người hỏi lẫn cử tọa: Thưa quý vị, tại sao ở xứ mình, địa chỉ không có số nhà 13? Doanh nhân đã hỏi ông Diep nhận xét: Địa chỉ nhà và Ngày Doanh nhân Việt Nam có liên quan gì với nhau đâu mà ông hỏi vớ vẩn thế? Diep kể thêm: Tôi cười to trả lời, tự hiểu đi ông doanh nhân ạ? Biết chuyện, Giang Phạm Hương – một trong những thân hữu của ông Diep – bình: Dễ hiểu đến vậy nhưng không hiểu mà còn dám nhận là doanh nhân! Ông Nguyen Trung Dan – một thân hữu khác của ông Diep – bình thêm, cũng theo kiểu khơi khơi: Giống như đi tìm lá diêu bông! Có ngày đó hay không thì doanh nhân vẫn là người vất vả nhất và dễ thất bại khi không biết chọn phe với người có quyền và hối lộ. Thật là cái lá phiêu bồng, cái lá không không (4)!
Tuy nhiên cũng có vài người “nhân cái gọi là Ngày Doanh nhân Việt Nam”, huỵch toẹt như Nguyễn Thông: “Tôi mày mò tra trên Google, thấy chưa đâu lắm ngày này, ngày nọ như ta.” Rồi viết tiếp: “…Chỉ những anh đội cái bệnh hình thức lên đầu đi ngênh ngang giữa đường mới khoái kiểu như vậy. Ngày nghiếc cũng là thứ bệnh, bệnh nặng, cùng khối u với bệnh ưa cờ quạt, băng rôn, khẩu hiệu. Vừa lừa dối, vừa mị dân. Năm 2004, ông Phan Văn Khải thay mặt nhà nước ký quyết định chọn ngày 13 tháng 10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam, tới nay đã chẵn 19 năm.”
Giống như “ôn cố, tri tân”, Nguyễn Thông nhắc: Thời xưa, các cụ xứ ta xếp bốn tầng lớp đáng để ý nhất trong xã hội là “sĩ, nông, công, thương”. Khi cộng sản làm cách mạng, họ chủ trương “trí, phú, địa, hào (trí thức, phú nông, địa chủ, cường hào) – đào tận gốc trốc tận rễ”. Chả hiểu tại sao người ta lại thích số bốn đến thế. Tới khi cướp được chính quyền, phe cách mạng đưa lên ban thờ nhóm “công, nông, binh” – chỉ ba thành phần thôi. Mãi về sau họ giật mình khi nghe thiên hạ, nhất là những anh có chữ, có học eo xèo nên bổ sung “trí” cho thành bộ tứ “công, nông, binh, trí” nhưng bắt trí đứng ở cuối hàng. Những người còn lại trong xã hội chỉ là công dân hạng hai, “bắt phong trần phải phong trần/cho thanh cao mới được phần thanh cao”, đâu có doanh diếc gì. Có một giai đoạn rất dài dưới sự cai trị của nhà nước công – nông, khi viết lý lịch mà khai thành phần gia đình hoặc cha mẹ là buôn bán, tiểu thương, thương nhân,… thì không khác chi hạ dấu chấm hết cho tương lai mình. Trong con mắt nhà cai trị, đó là đối tượng, thành phần bóc lột, cùng duộc với bọn tư sản. Cộng sản cực kỳ ghét tư sản, nếu bắn nghìn viên đạn vào đầu thằng tư sản họ cũng bắn, không tiếc đạn.
Dẫn chứng chả khó kiếm. Bà Nguyễn Thị Năm không phải chỉ là địa chủ mà còn là doanh nhân cực kỳ tài giỏi, nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Bà đã chết bởi những viên đạn thù của đám khố rách áo ôm nắm quyền, bởi chúng ghét người giàu. Gần hơn nữa, thập niên 1980, có mấy ai tài giỏi hơn ông Nguyễn Văn Chẩn, được tôn là vua – Vua Lốp. Giỏi, lại biết làm giàu, dù ông làm giàu một cách cực kỳ chính đáng, đáng được trân trọng, tôn vinh nhưng những kẻ ngu muội đã hành ông lên bờ xuống ruộng, bắt giam ông hết lần này đến lần khác, tịch thu tài sản, kê biên – tịch biên nhà xưởng, máy móc. Vua Lốp tội gì? Không hề phản động, thù địch, chống đối gì sất. “Tội” của ông và gia đình là biết làm giàu, làm ra sản phẩm phục vụ đời sống. Tôi đâu dám kể sai. Con cái ông còn sống sờ sờ ra kia, họ là nhân chứng. Nếu ai muốn biết thêm, lên mạng tìm đọc ký sự “Vua Lốp” của nhà văn Trần Huy Quang (người đã viết những tác phẩm lừng danh, trong đó có truyện ngắn “Linh nghiệm” và ký sự “Lời khai của một bị can”) [5]…
Cũng nhân “Ngày Doanh nhân Việt Nam”, Lê Huyền Ái Mỹ kể chuyện doanh nhân Nhật, những Shibusawa Eiichi – “ông tổ của chủ nghĩa tư bản Nhật”, người thiết lập hệ thống ngân hàng hiện đại, các công ty dẫn đường cho lĩnh vực dệt vải, đóng tàu, bảo hiểm, hàng hải… và luôn đề cao đạo đức trong kinh doanh (“nhà kinh doanh phải là người yêu nước và có hoài bão đem năng lực cải tiến xã hội, góp phần vào việc xây dựng đất nước và làm cho đồng bào mình được ấm no”, Matsushita Konosuke – người sáng lập công ty tổng hợp điện và điện từ Matsushita ngày nay mang tên Panasonic, chọn National làm tên của loại tivi mới vì nghĩ rằng, sản phẩm, trước hết phải phục vụ tốt nhất cho đồng bào mình, “cặp” Ibuka Masaru và Morita Akio – những người sáng lập đế chế Sony với tôn chỉ “cần dùng sức mạnh của công nghệ để góp phần vào việc phục hưng kinh tế cho tổ quốc của chúng ta”, Toyoda Eiji – người đã hiện thực hóa “công ty Toyota được lớn mạnh như hiện nay là nhờ ân huệ của môi trường xã hộ, do đó, điều quan trọng là công ty phải đáp đền ân huệ đó đối với xã hội”…
Lê Huyền Ái Mỹ nhắc lại nhận xét của ông Trần Văn Thọ về những doanh nhân vừa kể: Những doanh nhân vĩ đại ấy mang tinh thần doanh nghiệp (bao gồm nỗ lực tìm kiếm công nghệ mới, thị trường mới, tích cực đầu tư, tinh thần mạo hiểm, sẵn sàng chịu đựng rủi ro; mưu tìm lợi nhuận chứ không mưu tìm đặc lợi). Họ lớn lên, nuôi dưỡng, kích thích và bảo vệ bởi một bộ máy quan chức nhà nước có tinh thần dân tộc cao, được đào tạo, tuyển chọn, sử dụng thực chất, minh bạch và đặc biệt liêm chính. Song song với một hệ thống luật pháp hoàn chỉnh làm hạn chế những quyết định thiếu công minh của quan chức, sự giám sát, phê phán của xã hội đối với quan chức nhà nước rất chặt chẽ, nghiêm khắc làm cho quan chức nhà nước phải hết sức giữ gìn, thận trọng…
Rồi bà Mỹ viết thêm: Đến đây, lại nhớ cái cảnh cười ra nước mắt ở phiên tòa “giải kíu ngạo nghễ” hôm nào được tường thuật trên báo: “Bị cáo Dương thấy bị cáo Kiên quát tháo: Tôi biết các anh nộp 150 triệu mỗi chuyến cho anh Tuấn (bị cáo Vũ Anh Tuấn, Cục Quản lý XNC) thì các anh cũng nộp cho tôi 150 triệu đồng, các anh nộp cho Tuấn cả 300 triệu đồng rồi anh Tuấn đưa lại cho tôi hoặc đưa cho tôi rồi tôi đưa anh Tuấn. Nếu không nộp thì không được cấp phép”. Đến đây lại lướt báo tung hoa ngày 13 tháng 10 năm nay, thấy con số mà VCCI vừa công bố “10% người Việt là doanh nhân. Nếu tính cả người làm kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể, đội ngũ doanh nhân Việt Nam có thể đạt con số 10 triệu”. Mừng đến lã chã nước mắt. Thật! Đã thế, lại còn mong muốn chính phủ “đã yêu thương doanh nghiệp thì yêu thương nhiều hơn, đã tháo gỡ khó khăn thì tháo gỡ hơn nữa, đã hạ thuế, phí thì hạ sâu hơn“. “Doanh nghiệp mong chính phủ là điểm tựa những lúc tụt huyết áp…”. Không đọc nữa! Không đọc nổi (6).
“Ngày Doanh nhân Việt Nam” cũng là dịp để Lương Vĩnh Kim bày tỏ sự trăn trở về “giàu”: Việt Nam thống nhất đã gần 50 năm nhưng vẫn nghèo với một xã hội được tổ chức và quản lý rất kém. Không phải vì chiến tranh sinh ra tụt hậu mà chủ yếu là vì chúng ta chưa bao giờ làm qua, chưa bao giờ giàu qua và chưa bao giờ tổ chức được một xã hội dân chủ, văn minh như thế giới G7. Tụt hậu là từ đời ông cha của chúng ta cho đến đời ta. Quê ta, chỉ biết trồng lúa, đi lính, xin viện trợ, sau chiến tranh, chúng ta lại quay về núp lũy tre làng, quờ quạng trồng lúa, hoặc “tay bị tay gậy” tứ tán trông chờ ngoại bang. Chúng ta chưa chế tạo được sản phẩm công nghệ nào mang tầm vóc thương hiệu quốc gia.
Nước Nhật gặp thảm hoạ động đất, sóng thần, gây nên cảnh đổ nát tan hoang. Cả thế giới dõi theo với sự cảm thông, chia sẻ, đồng thời ngưỡng mộ dân tộc Nhật. “Gia bần tri hiếu tử” – trong bối cảnh hoạn nạn này, người Nhật càng bộc lộ những phẩm chất mà chúng ta phải phấn đấu bền bỉ, mất nhiều thế hệ mới có thể hy vọng vươn tới được: Tiền bay lả tả không ai nhặt. Em bé chín tuổi, mất cha mất mẹ, đói lả, sắp hàng để chờ được lãnh phần ăn, khi chưa đến lượt mình mà có người cho phần ăn, em mang lên nộp phần ăn ấy để phân phát chung, rồi quay về vị trí cũ, tiếp tục xếp hàng chờ… Với những con người như thế, dân tộc Nhật đã vượt qua thảm họa bom nguyên tử và sóng thần dễ hơn chúng ta giải quyết nạn khạc nhổ, vứt rác bừa bãi, lấn đường – kẹt xe! Dân tộc Nhật không chỉ giàu về của cải mà họ còn rất giàu về văn hoá. Nhờ văn hoá, họ làm giàu và đồng thời, nhờ làm giàu mà họ hình thành văn hoá của người làm giàu đã mấy trăm năm nay... Phải làm thì mới tìm ra cách làm và sản sinh ra văn hoá làm. Phải làm giàu thì mới tạo ra thói quen làm giàu. Điều quan trọng nhất là phải để lại cho thế hệ sau cách làm giàu và văn hoá làm giàu (7).
***
Chẳng bao nhiêu quốc gia có “Ngày Doanh nhân” như Việt Nam, cũng chẳng bao nhiêu quốc gia có những doanh nhân lẫy lừng vì giàu nhanh nhờ muốn gì được đó kể cả “chọc Trời, khuấy nước” nhưng sự nghiệp chỉ tồn tại được một thời gian rồi bị tống giam, lãnh án tù như Việt Nam. Khó mà tìm thấy quốc gia nào có những… nghị quyết liên quan đến việc “xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân” (8) tồn tại song song với những nghị quyết, chỉ thị, công điện,… hối thúc “xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp” (9). Vì sao lại thế?
Chú thích
(2) https://vnexpress.net/doanh-nghiep-mong-chinh-phu-la-diem-tua-nhung-luc-tut-huyet-ap-4663722.html
(9) https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=196835
10/10/2023
Giới tài phiệt Việt Nam và chiến lược bảo vệ tài sản
Linh Đan
Vào năm 2013, Forbes lần đầu tiên đưa vào danh sách những người giàu nhất thế giới một tỷ phú của Việt Nam. Trong những năm tiếp theo, số lượng các tỷ phú Việt Nam tăng lên trong danh sách này. Họ là những nhà tỷ phú tiền đô đầu tiên của quốc gia do Đảng cộng sản cầm quyền sau nhiều năm chính phủ Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa thị trường và hội nhập kinh tế với thế giới.
6 tỷ phú Việt Nam, trong đó có ông Phạm Nhật Vượng (giữa) được xem là những “tài phiệt” khi tích lũy được tài sản của họ hầu hết từ bất động sản và ngân hàng theo danh sách của Forbes năm nay. Đồ họa : Tạ Lư
Người đầu tiên trở thành tỷ phú Việt Nam trong danh sách của Forbes là ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch tập đoàn bất động sản Vingroup mà sau này mở rộng sang nhiều ngành nghề kinh doanh khác. Sau đó vài năm, Việt Nam đã có thêm các tỷ phú khác lọt vào danh sách của Forbes vốn đánh giá dựa vào giá trị cổ phiếu cùng nhiều tài sản khác. Đến năm ngoái, Việt Nam đã có tới 7 tỷ phú trong danh sách này.
Khi giới thiệu về ông Vượng lúc ông trở thành tỷ phú Việt Nam lọt vào danh sách những người giàu nhất hành tinh của Forbes vào tháng 3/2013, tờ tạp chí kinh doanh hơn 100 năm tuổi của Mỹ viết rằng “câu chuyện của ông Phạm (Nhật Vượng) đã nhân cách hóa câu chuyện hậu chiến tranh của (Việt Nam), một thành tựu tư bản ở một đất nước trên danh nghĩa vẫn là cộng sản”.
Ngoài ông Vượng, các tỷ phú khác trong danh sách của Forbes còn gồm có Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Sovico kiêm CEO của hãng hàng không VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Nova Bùi Thành Nhơn (BBT: rớt đài năm nay), Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương.
Những tỷ phú này đều tích lũy của cải từ bất động sản và ngân hàng, đồng thời tích cực xây dựng các mối quan hệ chính trị cũng như bảo vệ của cải của mình nên họ được xem là những tài phiệt, theo ông Nguyễn Xuân Thành, nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Rajawali về Châu Á tại trường Harvard Kennedy của Đại học Harvard ở Mỹ.
“Một mặt, bạn thấy những doanh nhân như ông Phạm Nhật Vượng, người đã đưa hãng xe VinFast của mình lên sàn Nasdaq, và mặt khác bạn cũng thấy việc bắt giữ một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam và sự sụp đổ sau đó của một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam”, ông Thành nói tại một buổi tọa đàm về cuốn sách mới ra mắt “Việt Nam – Định hướng trong một nền kinh tế, xã hội và trật tự chính trị đang thay đổi nhanh chóng“ (Vietnam – Navigating a Rapidly Changing Economy, Society, and Political Order) do Trung tâm Ash của Đại học Harvard tổ chức.
Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan đều bị bắt giữ vào năm ngoái trong chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ Việt Nam.
Theo ông Thành, đồng tác giả của cuốn sách kể trên và cũng là giảng viên của Trường Chính sách công và Quản lý tại Đại học Fulbright Việt Nam, những nhà tài phiệt này đang có những chiến lược để bảo vệ tài sản của mình trước chiến dịch “đốt lò”, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động, trong đó tỷ phú có thể trở thành tội phạm bị kết án tù.
Họ từ đâu ra ?
Tại Việt Nam, cũng như nhiều nước xã hội chủ nghĩa khác như Liên Xô, Trung Quốc, Cuba và Triều Tiên, chủ nghĩa xã hội đã dẫn tới việc giới doanh nhân giàu có trong nước bị tiêu diệt và nền kinh tế thị trường bị thay thế bằng thệ thống kế hoạch hóa tập trung. Sau năm 1975, các nhà lãnh đạo chính trị ở miền Bắc đã thay thế nền kinh tế thị trường ở miền Nam bằng nền kinh tế chỉ huy và kiểm soát theo kiểu Lê Nin, dẫn đến sự chậm lại đáng kể trong phát triển kinh tế ở đây vào nửa cuối thập niên 1970.
“Tình trạng nghèo đói cùng cực đã buộc các nhà lãnh đạo cộng sản phải nhanh chóng từ bỏ nỗ lực tập trung hóa hoàn toàn nền kinh tế miền Nam”, ông Thành, người từng làm việc tại Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trước khi giảng dạy và nghiên cứu tại trường Fulbright Việt Nam, nói và cho biết tàn dư của nền kinh tế thị trường vẫn còn tồn tại ở Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn này.
Cuối những năm 1980 và đầu 1990, trước sự sụp đổ của Liên Xô cùng sự giảm sút về lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng cùng sự điều hành của Nhà nước, Đảng cộng sản Việt Nam quyết định mở cửa. Chính sách “Đổi mới“, được bắt đầu thực hiện vào năm 1986, cho phép thực hiện kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, chuyển sang “cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
“Nhiều cơ sở kinh doanh gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh đã tận dụng việc mở cửa này và đó chính là nguồn gốc những doanh nhân giàu có đầu tiên ở Việt Nam”, ông Thành, người có hàng chục năm kinh nghiệm giảng dạy và triển khai chính sách về tài chính và đầu tư công, cho biết.
Bà Lan, người sáng lập ra Vạn Thịnh Phát, là một trong số những doanh nhân của thế hệ tài phiệt đầu tiên ở Việt Nam. Khởi điểm của bà là ngành kinh doanh nhà hàng và thương mại. Sau đó bà chuyển sang kinh doanh bất động sản và khách sạn. Nữ doanh nhân gốc Hoa này từng sở hữu nhiều bất động sản sang trọng ngay trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, đưa gia tộc của bà trở thành một trong những gia đình giàu có nhất Việt Nam.
Đến cuối những năm 1990 đầu những năm 2000, Việt Nam chứng kiến làn sóng doanh nhân giàu có thứ hai đến từ Đông Âu. Họ là những sinh viên được chính phủ Việt Nam cử sang Liên Xô và các nước Đông Âu học đại học và sau đại học từ thập niên 70 và 80. Theo ông Thành, sự chuyển đổi của các nền kinh tế Đông Âu mang lại cơ hội cho nhiều thanh niên Việt Nam sau khi tốt nghiệp và thậm chí trong quá trình học tập lúc đó để bắt đầu kinh doanh riêng. Sau đó, họ chuyển tài sản của họ ra khỏi Đông Âu và quay trở về Việt Nam để bắt đầu kinh doanh riêng.
“Điều đó xảy ra khi Đảng cộng sản Việt Nam ngày càng tin tưởng hơn vào các chính sách cải cách kinh tế và có lộ trình cho phép khu vực tư nhân chính thức tồn tại và sau này chấp nhận khu vực tư nhân chính thức làm động lực phát triển kinh tế thay cho doanh nghiệp nhà nước”, ông Thành, người có các nghiên cứu về ngân hàng, đầu tư công và phát triển cơ sở hạ tầng, nói.
Tờ VietNamNet, trong mộtbài viết vào tháng 3/2017, nói rằng Đông Âu là “cái nôi“ của các tỷ phú Việt Nam và cho biết nhiều đại gia tên tuổi trong giới kinh doanh hiện nay ở Việt Nam từng học tập và lập nghiệp ở Đông Âu rồi khi trở về Việt Nam đều gặt hái được nhiều thành công trong các lĩnh vực mà họ theo đuổi. Trong số họ có ông Vượng – người lập ra VinGroup, bà Thảo – người lập ra VietJet Air, và ông Quang – người lập ra Masan.
Bà Thảo từng du học tại Moscow cuối thập niên 1980 và đã sớm bước chân vào thương trường khi mới là sinh viên năm thứ 2, khởi nghiệp với việc kinh doanh hàng điện tử và nông sản. Ở tuổi 21, bà Thảo đã kiếm được 1 triệu USD và sau đó trở về Việt Nam đầu tư bất động sản và tài chính ngân hàng, trở thành cổ đông sáng lập Tập đoàn Sovico cùng 2 ngân hàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam là Techcombank và VIB.
Trong khi đó, ông Vượng lập nghiệp tại Ukraine sau khi hoàn thành việc học tập ở Moscow. Tại Kharkov, ông mở một nhà hàng với số vốn 10.000 USD rồi sau đó cùng một người bạn thành lập Tập đoàn Technocom để sản xuất mỳ ăn liền. Dưới sự điều hành của ông Vượng từ 1993 đến 1999, tập đoàn này trở thành “đế chế“ số 1 trong thị trường thực phẩm ăn nhanh tại Ukraine và được định giá lên tới 1 tỷ USD. Vào năm 2001, ông Vượng đưa phần lớn lợi nhuận về đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản qua 2 công ty VinPearl Land và VinCom. Kể từ khi Forbes đưa ông vào danh sách tỷ phú cách đây 10 năm, ông Vượng luôn dẫn đầu nhóm các tỷ phú Việt khi là người giàu nhất ở quốc gia Đông Nam Á.
Bất động sản và ngân hàng
Hầu hết các tỷ phú được công nhận ở Việt Nam đều có tài sản từ phát triển bất động sản hoặc ngân hàng nhưng, theo ông Thành, phần lớn trong số họ thường tham gia vào cả hai lĩnh vực này.
“Sự kết hợp giữa bất động sản và ngân hàng đã dẫn tới sự phát triển của cơ cấu sở hữu chéo phức tạp, cho phép những doanh nhân này tích lũy tài sản ở Việt Nam với quy mô chưa từng có”, ông Thành, từng là thành viên của tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nói.
Tuy nhiên, ông Vượng là người không “lấn sân“ vào lĩnh vực ngân hàng mà chỉ tập trung vào phát triển bất động sản.
Một điều khác biệt giữa Việt Nam và các nền kinh tế chuyển đổi khác, như Nga hay Trung Quốc, về sự nổi lên của giới doanh nhân giàu có, theo ông Thành, là ở quốc gia Đông Nam Á không có “những nhà tài phiệt là những nhà lãnh đạo chính trị trước đây hoặc hiện tại“ hay là “giám đốc điều hành cấp cao của các SOE (doanh nghiệp nhà nước)”.
“Lý do chúng ta không thấy các tài phiệt là những lãnh đạo hay từ các doanh nghiệp nhà nước trước đây là vì các lãnh đạo Đảng luôn quan ngại những người giàu, đặc biệt là những tài phiệt có quan hệ chính trị đặc biệt trở nên quá quyền lực”, ông Thành giải thích. “(Lãnh đạo Đảng) sợ rằng đó là một trong những nguồn gốc của cái mà họ gọi là ‘diễn biến hòa bình’ dẫn đến sự phá hủy quyền lực của Đảng cộng sản”.
Lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam luôn đưa ra những cảnh báo để ngăn chặn và đẩy lùi “diễn biến hòa bình“ và “cách mạng màu“ mà họ gọi là “những âm mưu, thủ đoạn chiến lược rất nguy hiểm của các thế lực thù địch“ nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.
Do đó, theo giải thích của ông Thành, các nhà lãnh đạo chính trị biết rằng họ có thể tích lũy của cải nhưng không thể tích cực kiểm soát các doanh nghiệp lớn và sử dụng các mối quan hệ chính trị của mình để tích lũy của cải một cách công khai.
“Khi bất kỳ nhà lãnh đạo chính trị nào được cho là đang làm điều đó, họ sẽ bị bộ máy Đảng hùng mạnh trừng trị và điều tương tự cũng xảy ra với các giám đốc điều hành các doanh nghiệp nhà nước”, ông Thành nói.
Nhưng các lãnh đạo chính trị trong những năm qua thường bị báo chí phanh phui là có nhiều “biệt phủ“ với khối tài sản giàu có hơn người dân bình thường trong nước dù chỉ nhận mức lương công chức bình thường. Báo Đảng cộng sản Việt Nam vào tháng 9/2017 đã nói hình thức móc ngoặc giữa các quan chức và doanh nghiệp để hợp thức hóa việc tham nhũng, thông qua những công ty “sân sau“ hoặc “chống lưng“ cho các doanh nghiệp.
Đến năm 2015, Đảng cộng sản nhận thấy nguy cơ tham nhũng vượt tầm kiểm soát nên đã tiến hành nhiều cuộc điều tra do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn dắt.
“Tất cả những cuộc điều tra này nhanh chóng dẫn đến nguồn gốc của sự giàu có được nhiều nhà tài phiệt sử dụng”, ông Thành nói và cho biết rằng các tài phiệt trong nước “trở nên dễ bị tổn thương“ và “tích cực theo đuổi các chiến lược khác nhau để bảo vệ tài sản“ của mình.
Đầu tư ra nước ngoài
Một dạng chiến lược bảo vệ tài sản về cơ bản là tăng gấp đôi số tài sản đang có – bằng việc xây dựng các mối quan hệ chính trị hiện có, đầu tư thêm tiền vào phát triển bất động sản và ngân hàng, theo ông Thành.
“Nhưng càng ngày, những chiến lược truyền thống đó càng trở nên rủi ro hơn”, nhà nghiên cứu của Viện Rajawali nói.
Những tài phiệt đầu tiên bị ‘trảm’ trong bối cảnh có sự “đấu đá nội bộ gay gắt và cạnh tranh công khai giữa các lãnh đạo và các thể chế chính trị khác nhau trong hệ thống chính trị Việt Nam, theo ông Thành, gồm có Nguyễn Đức Kiên, còn được gọi là “Bầu Kiên“, Trầm Bê và Hà Văn Thắm.
Ông Kiên, thành viên hội đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu kiêm chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội ABC, bị tuyên án tù 30 năm vào năm 2014 với 4 tội danh, gồm kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo và cố ý làm trái. Còn ông Trầm Bê, từng là phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, phải thi hành 2 bản án hình sự tổng cộng 7 năm tù trước khi mãn hãn đầu năm nay. Ông Thắm bị tuyên án chung thân trong vụ đại án OceanBank cách đây 2 năm.
“Hầu hết các vụ bắt giữ và truy tố gần đây đều liên quan đến cuộc điều tra tham nhũng xảy ra do những tài phiệt này đã thất bại trong việc thực hiện các chiến lược bảo vệ tài sản của mình”.
Bà Trương Mỹ Lan, dù có những mối quan hệ thân thiết với các quan chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã bị công an Việt Nam bắt vào ngày 8/10/2022 vì bị cáo buộc phát hành trái phiếu bất hợp pháp để huy động 25 nghìn tỷ đồng từ các nhà đầu tư.
Trước đó trong năm vào tháng 3, ông Trịnh Văn Quyết bị bắt giam và khởi tố với cáo buộc “thao túng thị trường chứng khoán”. Vài tuần sau đó, ông Đỗ Anh Dũng cũng bị bắt vì tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản“.
Sau một loạt các cuộc bắt giữ các tỷ phú này, mạng xã hội ở Việt Nam xuất hiện thông tin ông Phạm Nhật Vượng “bị cấm xuất cảnh”. Tuy nhiên không lâu sau đó, Bộ Công an Việt Nam lên tiếng xác nhận rằng chủ tịch VinGroup không nằm trong danh sách cấm xuất cảnh.
Cũng trong năm ngoái, hãng xe VinFast của ông Vượng đã chuyển trụ sở pháp lý và tài chính sang Singapore, vài tháng sau khi VinGroup chuyển toàn bộ cổ phần VinFast sang công ty con ở quốc gia Đông Nam Á này với lý do nhằm tái cấu trúc đợt IPO tại Mỹ.
Sau nhiều lần trì hoãn, hãng xe của ông Vượng đã khởi động việc xây dựng nhà máy ở Mỹ và niêm yết trên sàn chứng khoán ở New York thông qua một công ty séc khống. Công ty này cũng đang xem xét việcmở nhà máy ở Ấn Độ và dự tínhđầu tư 1,2 tỷ USD vào thị trường Indonesia.
Theo ông Thành, đây là những chiến lược “thành công hơn“ mà các tài phiệt ở Việt Nam đang áp dụng trong việc bảo vệ tài sản của họ.
“Các nhà tài phiệt mời các nhà đầu tư chiến lược tham gia, tận dụng các hiệp định thương mại và đầu tư toàn diện hơn của Việt Nam cũng như sự bảo vệ pháp lý mạnh mẽ hơn”, ông Thành nói và cho rằng điều này khiến “Đảng ít xem họ là mối đe dọa hơn đối với hệ thông chính trị“.
Sẽ có thêm nhiều công ty lớn của Việt Nam theo đuổi việc niêm yết ở nước ngoài, theo ông Thành. Gần đây nhất, công ty VNG của Việt Nam đã có kế hoạch chào bán cổ phiếu phổ thông trên sàn chứng khoán Nasdaq nhưng hoãn đợt phát hành cho đến năm sau do điều kiện thị trường không ổn định.
Bên cạnh đó, theo ông Thành, các công ty lớn này đang cho Chính phủ thấy rằng họ có thể trở thành công cụ mới về chính sách công nghiệp trong việc thay thế các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả ở Việt Nam.
Nhưng liệu những tài phiệt và các doanh nhân giàu có của Việt Nam có thành công trong việc theo đuổi tham vọng mở rộng toàn cầu và thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược quốc tế hay không, và liệu họ có thể thành công trong việc thay thế các doanh nghiệp nhà nước truyền thống làm công cụ mới trong chính sách công nghiệp của Chính phủ hay không, theo ông Thành, điều đó còn phải chờ xem.
“Cho đến nay nó đã được chứng minh là rất khó khăn”, ông Thành nói. “Rất nhiều trong số họ hiện đang phải chịu áp lực tài chính rất lớn”.
Linh Đan
Nguồn : VOA, 09/10/2023
Doanh nhân ư, cũng chỉ là cam vắt (Kỳ 1)
13-10-2023
(Nhân cái gọi là Ngày doanh nhân 13.10)
Xứ này có rất nhiều ngày vinh danh dành cho từng loại đối tượng. Tôi mày mò tìm tra trên Gu gồ, thấy chưa đâu lắm ngày này ngày nọ như nước An Nam ta. Một kiểu tự sướng và khoái màu mè hình thức. Chỉ những anh đội cái bệnh hình thức lên đầu đi ngênh ngang giữa đường mới khoái kiểu vậy. Ngày nghiếc cũng là thứ bệnh, bệnh nặng, cùng khối u với bệnh ưa cờ quạt, băng rôn, khẩu hiệu. Vừa lừa dối, vừa mị dân.
Kể từ năm 2004, ông Phan Văn Khải thay mặt nhà nước ký quyết định chọn ngày 13.10 là ngày doanh nhân Việt Nam. Tới nay đã tròn chẵn 19 năm bởi hôm nay là 13.10.
Thời xưa, lẩu lầu lâu rồi, các cụ xứ ta nhấn đến 4 tầng lớp-hạng người đáng để ý nhất trong xã hội, đời sống, là “sĩ nông công thương”. Khi cộng sản làm cách mạng, họ đặt ra mục đích “trí phú địa hào – đào tận gốc trốc tận rễ” (trí thức, phú nông, địa chủ, cường hào). Chả hiểu sao người ta lại thích số 4 đến thế.
Tới khi cướp được chính quyền, phe cách mạng đưa lên ban thờ nhóm ngôi vị độc tôn gồm “công nông binh”, chỉ 3 thành phần thôi, mãi về sau họ giật mình khi nghe thiên hạ, nhất là những anh có chữ có học eo xèo xì xào nên bổ sung “trí” cho thành bộ tứ “công nông binh trí” nhưng bắt trí đứng ở cuối hàng. Những người còn lại trong xã hội chỉ là công dân hạng 2, “bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao”, đâu có doanh diếc gì.
Có một giai đoạn rất dài dưới sự cai trị của nhà nước công nông, khi khai lý lịch mà khai thành phần gia đình hoặc cha mẹ là buôn bán, tiểu thương, thương nhân, kinh doanh, làm ăn cá nhân… thì không khác chi hạ dấu chấm hết cho tương lai mình. Trong con mắt nhà cai trị, đó là đối tượng, thành phần bóc lột, cùng duộc với bọn tư sản. Cộng sản cực kỳ ghét tư sản, nếu bắn nghìn viên đạn vào đầu thằng tư sản họ cũng bắn, cũng không tiếc đạn. Dẫn chứng chả khó kiếm.
Bà Nguyễn Thị Năm không phải chỉ là địa chủ mà còn là doanh nhân cực kỳ tài giỏi, nổi tiếng khắp trong nam ngoài bắc. Bà đã chết bởi những viên đạn thù của đám khố rách áo ôm nắm quyền, bởi chúng ghét người giàu.
Gần hơn nữa, thời thập niên 80 còn mấy ai tài giỏi hơn ông Nguyễn Văn Chẩn, được tôn là vua, vua lốp. Giỏi, lại biết làm giàu. Dù ông làm giàu một cách cực kỳ chính đáng, đáng được trân trọng, tôn vinh, nhưng những kẻ ngu muội đã hành ông lên bờ xuống ruộng, bắt giam ông hết đợt này đến lần khác, tịch thu tài sản, tịch biên kê biên nhà xưởng, máy móc.
Vua Chẩn tội gì? Không hề phản động, thù địch, chống đối gì sất. “Tội” của ông và gia đình là biết làm giàu, làm ra sản phẩm phục vụ đời sống. Tôi đâu dám kể đơn sai. Con cái ông còn sống sờ sờ ra kia, họ là nhân chứng.
Nếu ai muốn biết thêm, lên mạng tìm đọc ký sự “Vua lốp” của nhà văn Trần Huy Quang (người đã viết những tác phẩm lừng danh, trong đó có truyện ngắn “Linh nghiệm” và ký sự “Lời khai của một bị can”).
Làm văn, văn nghiệp phải như Trần Huy Quang, bênh vực con người, phụng sự công lý, đạo lý, chứ không phải xun xoe dùng chữ nghĩa ve vuốt nịnh bợ, viết thứ văn cờ xí khẩu hiệu nhan nhản trong làng văn xứ này.
(Còn tiếp)
Doanh nhân ư, cũng chỉ là cam vắt (Kỳ 2)
15-10-2023
Trong suốt quá trình tồn tại và chiếm đoạt vị trí cai trị, từ khi nắm quyền tới nay, nhất là sau 1954 ở miền Bắc, rồi sau 1975 trên cả nước, chính quyền cộng sản chỉ chú trọng, đề cao công nông binh, gần như gạt hẳn tầng lớp, đội ngũ doanh nhân ra khỏi hệ thống của họ.
Họ chủ trương làm ăn tập thể, như ông Lê Duẩn từng nhận định “làm chủ tập thể là phát minh vĩ đại”, công hữu hóa, bài trừ tư sản, diệt lối làm ăn tư hữu cá nhân… nên doanh nhân không có đất để tồn tại. Chỉ cần hé ra, lộ ra cách làm ăn riêng lẻ, dù hiệu quả tới mấy đi chăng nữa, cũng bị tiêu diệt.
Nói đâu xa, chính trong đội ngũ của họ, cái gì đi chệch hướng đường lối của chủ nghĩa xã hội đều phải lên đoạn đầu đài. Dù hợp tác xã nông nghiệp – biểu tượng của lối làm ăn tập thể ở nông thôn chỉ sau gần chục năm tồn tại đã ngày càng thể hiện sự lạc hậu, phi lý, cản trở quá trình phát triển nhưng họ vẫn ngu dốt, cố tình, nhắm mắt nhắm mũi duy trì.
Chuyện ông Kim Ngọc (Kim Văn Nguộc) ở Vĩnh Phú xé rào đường lối, “chống lại trung ương”, tiến hành khoán hộ, làm thay đổi cơ bản cuộc sống nông dân, nông nghiệp, nông thôn theo hướng đi lên, thoát khỏi nghèo đói nhưng vẫn bị các đồng chí của ông, cấp trên ông hành lên bờ xuống ruộng, thì đủ biết họ bảo thủ ngu dốt thế nào. Họ chỉ cần cái gọi là chủ nghĩa xã hội tồn tại, còn bất kỳ thứ nào khác đều không có giá trị.
Sau này, khi bị dồn vào chân tường, thấy rõ nếu không thay đổi thì sẽ chết, nói theo kiểu Fidel “đổi mới hay là chết”, họ lại quay ngoắt nhận công lao về mình, tụng ca đổi mới, như chính họ là người mở đường. Suốt nửa thế kỷ, đưa đất nước, xã hội, nền kinh tế lên bờ thì ít mà xuống ruộng thì nhiều, tận diệt biết bao tinh hoa làm ăn, cuối cùng họ lại thành người có công. Cứ mỗi lần tới dịp này dịp nọ ngày sinh tháng đẻ, ngày giỗ ngày cúng, họ lại tâng bốc những Lê Duẩn, Trường Chinh, Đỗ Mười… lên tận mây xanh, như đuốc soi đường, như cứu tinh, thánh sống.
Với lề thói làm ăn ấy, thì dạng xé rào Kim Ngọc hay Nguyễn Văn Chẩn vua lốp chỉ là tội đồ, chưa bị bắn như bà Nguyễn Thị Năm là may. Có thời gian rất dài, họ nhét vào đầu óc đám học trò chúng tôi những hình ảnh Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Đình Kính… dù làm ăn rất tài giỏi nhưng bản chất là kẻ bóc lột, thậm chí còn quy thành tư sản mại bản cần phải đánh đổ, tiêu diệt. Nhà xưởng, cơ ngơi, tài sản của doanh nhân tư sản bị họ tịch thu, được gọi bằng cái tên mỹ miều “công hữu hóa”. Ở miền Bắc sau 1954 không một doanh nhân nào thoát khỏi tay họ trong cuộc càn quét tiêu diệt tàn bạo ấy.
Cứ tưởng sự ngu dốt, ấu trĩ của đám cai trị cầm quyền chỉ diễn ra nhất thời trong buổi mông muội, lúng túng ngơ ngác ban đầu, nhưng không phải, nó còn kéo dài, lặp đi lặp lại rất nhiều lần qua những cuộc “đánh tư sản”, “cải tạo công thương nghiệp” ở cả hai miền Nam, Bắc. Thủ phạm vẫn không ai khác, mà chính là họ.
(Còn tiếp)