„Không cần phải thực hiện chính sách ngu dân nào cho phức tạp, chúng ta đã có một giai cấp công nhân gồm nhiều thế hệ mà ước mơ lớn nhất chỉ là được no bụng mỗi ngày.“

Nguyễn Ngôn Phong

Công nhân tan làm tại nhà máy Tỷ Hùng của Đài Loan tại TPHCM hôm 30/11/2022 (minh hoạ)  AFP

 

Hữu Thân xách ba bốn bịch nilon toòng teng, đẩy cánh cửa bước vô phòng trọ, chuẩn bị nấu bữa tối. Anh chàng được mệnh danh là ngôi sao đang lên trong giới TikToker ở Việt Nam. Cách làm video của Thân rất có định hướng: anh chàng luôn luôn thuật lại bữa tối của mình từ khi đi chợ, sơ chế thức ăn, nấu nướng rồi ngồi ăn một mình với chiếc điện thoại. Điểm vài câu kể về đời sống công nhân hàng ngày của cậu, hay về người cha già đang sống một mình ở quê, cách xa một trăm mấy chục cây số.

 

Ngắn gọn, đơn sơ đến gần như tối giản, sự thành thực trong đó khiến người xem dễ chịu.

 

Đồng thời cũng khiến người ta mủi lòng về đời sống của phần lớn những công nhân trẻ ở Việt Nam.

 

“Sống mòn”

Sáng sớm thức dậy, vệ sinh cơ thể rồi leo lên xe máy, xe đạp hay đi bộ tới công ty. Ăn sáng bằng một gói xôi 10.000 đ, “mà bà bán xôi chỗ này thương công nhân nên bán rẻ lắm”.

 

Họ ngồi xổm thành hàng dọc ven lối vào công ty, ngay dưới chân hàng rào hoặc bất cứ chỗ nào có thể ngồi ăn được một gói xôi.

Ăn xong, chờ đến giờ thì vào ca.

 

Thân kể anh đang làm công nhân một công ty giày da ở Bình Dương. Công việc là đánh bóng giày. Anh cầm chiếc giày mới, dí nó vào máy, hết chiếc này đến chiếc khác, hết giờ này đến giờ khác, cho đến khi chuông báo giờ nghỉ trưa, hoặc nghỉ hết giờ vang lên.

 

Hàng trăm công nhân lũ lượt đi ra hành lang, xuống mấy tầng lầu, đi bộ vài trăm mét nữa, lại leo lên một, hai thang lầu mới đến căng –tin. Những bậc thang sắt rung lên dưới hàng ngàn bàn chân những người lao động trẻ tuổi mệt phờ và đói meo.

 

Suất ăn công nghiệp đã được chia sẵn vô những chiếc khay bằng kim loại có nhiều ngăn. Mỗi người tự cầm lấy một khay, tuần tự đi đến chỗ xúc cơm. Những người chia cơm đứng sau quầy, chìa những chiếc vá thật to và dài xúc một xẻng cơm úp lên ngăn cơm còn trống. Vậy là xong. Các công nhân bưng khay cơm tự đi kiếm chỗ ngồi ăn. Họ đều muốn ăn thật nhanh bữa trưa để có thể chợp mắt vài phút trước khi đến ca chiều. Nhưng hầu hết chẳng mấy ai nuốt nổi bữa cơm trưa nhanh như mong muốn.

 

Tuy mỗi phần ăn đều có rau, cá/thịt/đậu hũ, lý thuyết là đầy đủ dinh dưỡng nhưng bữa ăn nào cơm cũng còn dư lại rất nhiều. Vì nguội lạnh và khẩu vị suất ăn công nghiệp khó mà ngon miệng lâu dài. Nhưng công nhân đều cố ăn cho no bụng để có sức làm việc tiếp buổi chiều. Nếu họ đói bụng giữa ca thì tay chân bủn rủn không làm việc nổi. Công nhân làm việc theo ca, sản phẩm làm ra dây chuyền máy móc nên không thể giữa chừng rời xưởng đi kiếm món gì lót dạ.

 

Bữa cơm hôm đó có một chiếc đầu cá trê chiên, khoảng nửa chén bắp cải xào, khoảng nửa chén đậu hũ chiên kho với thơm và một chén canh rau, nấu chừng một muỗng rau cho có. Hai món cuối đều là món “toàn quốc” (rất nhiều nước, chủ yếu là nước). Thêm một nửa quả quýt lớn chừng gấp đôi trái chanh để tráng miệng.

 

Làm việc trong môi trường nóng ngột ngạt, công nhân rất thèm ăn rau. Chừng đó rau cho một phần ăn ứ chưa thể đủ lượng cần thiết, nhưng có ba bốn món như vậy đã là tươm tất so với mặt bằng chung.

 

Có công nhân kể ở công ty họ thường xuyên chỉ có rau muống xào tỏi và đậu hũ chiên. Có người kể công ty họ trước kia toàn cho ăn cá khô với trứng chiên. Buổi trưa ra ca được hai con khô cá lù đù mặn chát còn buổi chiều chỉ có một cái trứng chiên. Người khác kể phần ăn công ty chỉ có giá trị 14.500 đ. Người khác nữa nói khi ký hợp đồng làm việc, công ty ghi rõ suất ăn giá trị 30.000 đ nhưng thực chất chỉ có 18.000 đ.

 

Lại có công nhân khoe công ty mình cho ăn khá hơn, bốn món thức ăn ngon hơn và có cả món nước cho những người không muốn ăn cơm.

Chiều, tan ca. Hàng đoàn công nhân tràn ra khỏi cổng các công ty/nhà máy, ngập đường. Dù có đồng phục hay không, họ trông đều khá giống nhau và dễ nhận ra. Trẻ tuổi, lam lũ, ăn mặc đơn giản hoặc rất mốt (nhưng thường không phù hợp với dáng người) và bằng chất liệu rẻ tiền. Các cô gái hầu hết để tóc dài tự nhiên, cột hay kẹp lại sau gáy. Phần vì họ hầu hết xuất thân nông thôn, nơi phụ nữ thường để tóc dài tự nhiên. Chẳng phải vì quá yêu thích mái tóc dài tự nhiên mà là vì nếu cắt, uốn, nhuộm, duỗi cầu kỳ và hợp mặt thì tốn kém và mất nhiều thời gian để tới tiệm làm tóc. Phần vì thu nhập của công nhân khiến các cô phải tiết kiệm tối đa. Để tóc dài là biện pháp tiết kiệm đầu tiên và dễ dàng nhất.

 

Nếu tăng ca thì công ty bao thêm một bữa, nhưng nếu chỉ làm trong giờ thì tự lo. Nên các chợ cóc chợ tạm chủ yếu bán cho công nhân cũng mọc lên như nấm sát cạnh các khu công nghiệp, khu chế xuất hay các nhà máy thâm dụng lao động như giày da, may mặc… Hầu hết là thực phẩm và công nghệ phẩm thường ngày. Công nhân sau khi túa ra khỏi cổng công ty thì phần lớn đều đậu lại ở chợ mua thức ăn về phòng nấu nướng.

 

Các công nhân trẻ và độc thân sống trong phòng trọ thường không mua tủ lạnh. Lý do thứ nhất là tốn kém! Lý do thứ hai là nếu công ty nào trả lương cao hơn hoặc tăng ca nhiều hơn-tức có thu nhập cao hơn thì công nhân sẽ nhảy việc ngay. Chuyển công ty cũng thường khi là phải chuyển luôn phòng trọ. Nhiều đồ đạc cồng kềnh thì khó chuyển, tốn tiền. Vì vậy công nhân nam trẻ thường chọn cách ăn cơm bụi luôn ngoài các quán cơm công nhân ê hề gần chỗ trọ hoặc công ty. Tại nơi ở, họ chỉ có bình nước uống liền loại rẻ nhất, có người có thêm cái bình siêu tốc để nấu mì gói ăn khuya, vậy thôi.

 

Chỉ các gia đình công nhân sinh sống khá ổn định hay các cô gái cùng thuê trọ với nhau mới chăm chỉ nấu nướng ăn uống tại nhà.

 

Nấu cơm, tắm rửa, tiện tay giặt luôn bộ đồ phơi lên. Sau đó rung đùi ngồi ăn cơm tối, bữa ăn duy nhất có đủ thời gian và tâm trí để tận hưởng trong ngày, với những món ăn được nấu nướng hoàn toàn theo khẩu vị cá nhân hoặc gia đình. Xong đâu đấy tắt đèn, nằm duỗi dài ôm chiếc điện thoại vào mạng, lướt TikTok xem hậu trường của những ngôi sao, những chuyện giật gân, các tin tức an ninh trật tự nóng nhất trong ngày. Gọi điện thoại nói chuyện với cha mẹ, con cái, anh chị em ở quê hoặc bạn thân, rồi chìm vào giấc ngủ để ngày hôm sau lặp lại guồng quay đều đặn.

Công nhân đội mũ bảo hiểm mặc áo mưa đi chung xe máy về nhà ở Hà Nội hôm 15/10/2021 (minh hoạ). AFP

 

Dân “Chắc Cà Đao” thời 4.0

Quê của Thân, theo cậu kể là một vùng nông thôn xa xôi ở miền Tây. Những ai muốn làm phim về đất rừng phương Nam có thể về đây lấy bối cảnh. Muốn về nhà, từ lộ chính Thân phải đi đò lớn qua một con sông, rồi theo con đường nhỏ xíu lầy lội giữa cỏ dại và ruộng lúa, chạy miết chạy miết, tới khi một con rạch nhỏ cắt ngang nữa là hết đường. Ngôi nhà của gia đình Thân nằm phía bên kia rạch. Thân phải gọi cho cha chống xuồng qua rước mới về được tận nhà.

 

Đi chợ mua thức ăn đồ dùng thì lặp lại quá trình đó. Bơi xuồng qua rạch, chạy xe một đỗi thiệt dài, lên một chiếc đò lớn khác chở qua bên kia sông lớn, lại chạy một đỗi nữa mới tới chợ.

 

Đường đi trắc trở như vậy nên con nít mấy vùng này thường không học hành tới nơi tới chốn.

 

Dân miền Bắc gọi chung những nơi quá sức hẻo lánh xa xôi là Mù Cang Chải. Còn dân miền Tây kêu bằng Chắc Cà Đao. “Mày ở Chắc Cà Đao mới lên hả?” tức là chê người ta ngơ ngơ ngác ngác, lạc lõng thiếu kiến thức đó.

 

Nhưng ở những xứ “Chắc Cà Đao” miền Tây, nếu nhà có vườn thì không lo đói: trồng rau, nuôi gà, bắt cá dưới sông rạch, đi làm mướn lặt vặt kiếm tiền mua gạo mắm đủ no bụng. So sánh với cái dễ dãi trước mắt đó, không ít cha mẹ thấy cho con đi học vất vả, lâu dài quá, mà học đại học xong cũng thất nghiệp quá chừng đó thôi. Nên, cũng giống như ở các làng chài vùng biển trù phú hay những miền rừng giàu đặc sản, nếu không có cha mẹ quyết liệt và chịu vất vả đưa con đi học đều đặn thì hầu như con nít đều bỏ học rất sớm do không có động lực.

 

Khi lớn lên, chi tiêu ngày một nhiều hơn và nhận ra cuộc sống không chỉ bao gồm cơm, rau, cá và mấy bữa nhậu cóc ổi lai rai cuối tuần thì hầu như đã muộn. Lứa thanh niên ít học, bỏ học sớm, gia đình nghèo không có vốn đi học nghề chỉ còn cách xa xứ làm công nhân.

 

Hữu Thân tự mua thức ăn về nấu nướng. Trung bình đi chợ khoảng 50.000 đ-60.000 đ, anh chia làm hai bữa: tối ăn một nửa, nửa còn lại cất đi để dành sáng mai ăn tiếp. Thân khéo léo, biết nấu nướng và tính toán nên mỗi bữa đều có cá, thịt và rau xanh, nhìn rất ngon mắt. Nhưng tính cả lượng và chất thì thức ăn như vậy không thể cung cấp đủ dinh dưỡng cho một thanh niên to khỏe và hàng ngày phải lao động chân tay suốt tám tiếng.

Tôi nhớ nhất có một bữa, chàng công nhân mua về năm con tôm càng to hơn ngón tay cái, hớn hở đem rang muối và khoe bữa nay lãnh lương nên dám ăn sang vầy nè.

 

Theo nhiều lời bình luận của dân mạng, làm công nhân mà ăn như Hữu Thân vậy là sang và nhiều về lượng rồi đó.

 

Nhịn ăn để dành cho con

Với đồng lương khoảng 6-7 triệu đồng/tháng (theo khảo sát công bố vào tháng 8/2023 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), công nhân còn phải dành dụm trả tiền phòng trọ, tiền điện, nước, điện thoại hàng tháng, chi phí sinh hoạt, xăng xe…, Ngoài ra còn phải để dành phòng thân, sinh sống những khi công ty không tăng ca hoặc bị mất việc. Họ còn phải gởi về phụ giúp gia đình, nuôi cha mẹ già hoặc nuôi con trong khi giá cả càng ngày càng tăng. Bóp mồm bóp miệng được bao nhiêu tốt bấy nhiêu.

 

Thậm chí để siết chặt chi tiêu đến mức tối đa, chị Phạm Thị Thu Thủy (công nhân chế biến thủy sản ở Hậu Giang) còn không dám xài cả quạt máy dù thời tiết Việt Nam thường xuyên nóng nực. Hai vợ chồng chị thu nhập khoảng 15.000 triệu đồng/tháng, chi cho ăn uống, điện nước khoảng ba triệu. “Tháng rồi cái gì cũng tăng, cộng dồn cuối tháng chi hơn bốn triệu, tôi run tay luôn” (báo Lao động ngày 7/8/2023).

 

Vẫn theo báo Lao động, chị Nguyễn Thị Đến (cũng là công nhân ở tỉnh Hậu Giang) cho hay hồi trước chị đi chợ khoảng 12.000 đ/bữa cho ba người ăn là đủ thịt, rau, trứng và bánh kẹo cho con. Nhưng giờ, vẫn chừng đó tiền chỉ đủ mua rau, thịt. Vợ chồng chị chọn cách ăn ít đi để nhường cho con, “nếu không cuối tháng chỉ có ăn cháo trắng”.

Lượng thức ăn đã ít, chất lượng thực phẩm cũng thuộc loại thấp và khả nghi về độ an toàn. Thịt cá ở chợ công nhân hầu như chỉ chứa trong các thau nhựa cũ kỹ hoặc tấm bạt, tấm nhựa trải ngay trên mặt đất đầy bụi bặm. Đậu hũ nhiều bột, thịt bạc nhạc hoặc nhiều mỡ, tôm cá để lâu, trứng không còn tươi… công nhân không có quyền kén chọn. Họ chỉ cần và cầu mong được no bụng là đã đủ.

 

Đời sống tinh thần của công nhân nói chung cũng nghèo nàn và đơn điệu như vậy.

 

Cật lực làm việc từ sáng đến tối, tan ca thì đã oải cả thân xác, công nhân không có tiền, thời gian và sức lực để thưởng thức những món ăn tinh thần ngon và lành. Thú giải trí thuận tiện và phổ biến nhất là vào internet.

 

Internet giúp tất cả mọi người có cơ hội học tập và làm giàu kiến thức mà không phụ thuộc vào trường lớp truyền thống. Nhưng cũng như mọi thứ thức ăn khác, nó chỉ có tác dụng với người biết cách và có khả năng chọn lựa. Công nhân không có cả hai yêu cầu đó. Trình độ văn hóa thấp + nhu cầu giải trí đơn giản nói chung khiến họ dễ say mê các thứ hài nhảm, những tin đồn giật gân, chuyện hậu trường những ngôi sao showbiz, những câu chuyện bịa đặt nhưng ly kỳ gay cấn.

Cuộc sống cứ thế trôi đi cùng với tuổi xuân. Thời gian không mang lại vị trí chắc chắn trong nghề nghiệp cho những người công nhân chỉ có tay nghề phổ thông. Khi lớn tuổi mà khả năng làm việc vẫn như cũ, có nguy cơ cao họ bị cho thôi việc để công ty thuê người trẻ, lương thấp hơn, giảm chi phí.

 

Quý vị có thể phản biện rằng làm công nhân cũng có thể vươn lên đổi đời được vậy. Thiếu gì người xuất thân công nhân nhưng đã vừa học vừa làm, học lên đại học, có kiến thức và cơ hội nghề nghiệp tốt hơn đó thôi?

 

Đúng vậy, nhưng mấy ai? Để làm được điều đó không chỉ cần ý chí và nghị lực hết sức kiên cường, mà còn phải có hậu thuẫn ít nhiều của gia đình. Nếu không, mỗi ngày tan ca về thân xác và trí óc đều đã mệt lử, người công nhân chỉ còn đủ sức tắm táp và ăn tối rồi lăn đùng ra ngủ. Không còn sức đâu để cắp tập đi học ít nhất ba tiếng mỗi tối nữa. Nếu có thì vào lớp cũng phần nhiều ngồi ngủ gật.

 

Không cần phải thực hiện chính sách ngu dân nào cho phức tạp, chúng ta đã có một giai cấp công nhân gồm nhiều thế hệ mà ước mơ lớn nhất chỉ là được no bụng mỗi ngày. Thậm chí không yêu cầu no bụng với thức ăn tươi và lành.

***

 

Khảo sát đã dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng mức lương tối thiểu vùng năm 2024 phải tăng thêm ít nhất hơn 11% mới đảm bảo được mức sống TỐI THIỂU cho người lao động và gia đình.

 

Theo khảo sát, chỉ hơn 26% người lao động được khảo sát có điều kiện để ăn thịt, cá trong các bữa ăn hàng ngày. Hơn 17% không thể trực tiếp nuôi và chăm sóc con cái dưới 18 tuổi (phải gửi người thân chăm sóc ở quê). Chỉ có 24,5% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập vừa đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống, còn lại (hơn 75%) cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu, thậm chí có trường hợp thu nhập chưa đáp ứng được một nửa nhu cầu sống.

 

Có hơn 17% người lao động phải thường xuyên vay nợ, dẫn đến 3% người lao động thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và gần một nửa số người lao động vay nợ rơi vào tình trạng lo lắng bất an.

 

Giờ mà nói với công nhân rằng họ hãy tự hào lên, giai cấp công nhân “là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng, là giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng” (phát biểu của Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang tại hội thảo “Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, phát huy vai trò nòng cốt trong liên minh với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức trong tình hình mới” đầu tháng 02/2023 tại Hà Nội).

 

Chắc ăn mấy cái dép vào mặt!

 

Nguyễn Ngôn Phong

 

Tham khảo:

 

https://laodong.vn/cong-doan/cong-nhan-voi-muon-kieu-tiet-kiem-1225759.ldo

https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/vai-tro-nong-cot-cua-giai-cap-cong-nhan-trong-lien-minh-voi-giai-cap-nong-dan-va-doi-ngu-tri-thuc-631342.html

https://laodong.vn/cong-doan/cong-nhan-mat-viec-khong-co-thu-nhap-tan-tien-chi-tieu-1226082.ldo

 

 

RFA (29.10.2023)