Đối thoại nhân quyền Việt Nam-Hoa Kỳ lần thứ 27

Phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala gặp gỡ đại diện XHDS ở Việt Nam tại Hà Nội tháng 8 năm 2021 (hình minh hoạ) Reuters

 

Văn phòng Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 2/11 phát đi thông cáo về đối thoại nhân quyền Hoa Kỳ-Việt Nam lần thứ 27 vừa kết thúc tại Washington D.C. 

Theo nội dung thông cáo, đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ-Việt Nam lần thứ 27 được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 2 tháng 11 tại Washington DC.

Cuộc đối thoại đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến nhân quyền và quyền lao động, bao gồm tôn trọng quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội; tự do tôn giáo hay tín ngưỡng; pháp trị và cải cách luật pháp; quản trị lĩnh vực an ninh; quyền của những người trong tình huống bị thương tổn như những nhóm sắc tộc thiểu số, những người thuộc cộng đồng LGBT+, người khuyết tật. 

Thông cáo nêu rõ, theo Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam, việc thúc đẩy nhân quyền là một yếu tố thiết yếu trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và là chìa khóa cho sự can dự mở rộng của Hoa Kỳ với Việt Nam. 

Trước đó, hôm 3/10/2023, Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) kêu gọi Việt Nam cần khẩn cấp cải tổ quyền con người. Kêu gọi được đưa ra trước kỳ kiểm điểm phổ quát định kỳ (universial Periodic Review- UPR) tại Liên hiệp quốc lần thứ tư đối với Hà Nội dự kiến diễn ra vào năm tới. 

 

Giám đốc Châu Á của HRW, bà Elaine Pearson, nói rõ tình trạng đàn áp có hệ thống của chính phủ Việt Nam đối với các quyền dân sự và chính trị đáng phải chịu sự trừng phạt nặng hơn nữa của các nhà tài trợ quốc tế và các đối tác thương mại. Giới này đang nhìn theo cách khác trong việc tăng tiến cái được xem là quyền lợi chiến lược; tuy nhiên họ cần nhận ra rằng viêc thúc đẩy quyền con người thuộc lĩnh vực quyền lợi chiến lược của họ. 

 

Theo HRW, từ năm 2019 đến năm 2023, cơ quan chức năng Việt Nam truy tố ít nhất 139 người theo các điều luật hà khắc; những người này chỉ lên tiếng chống bất công, phê phán chính phủ, hay ủng hộ cho những nhà hoạt động khác.

 

RFA (03.11.2023)

 

 

 

2023 U.S.-Vietnam Human Rights Dialogue  

 

 

The 27th U.S.-Vietnam Human Rights Dialogue was held November 1-2 in Washington DC. Senior Official for the Bureau of Democracy, Human Rights, and Labor Erin Barclay and H.E. Mr. PHAM Hai Anh, Head of delegation, Director-General, Department of International Organizations, Ministry of Foreign Affairs led their respective delegations in the dialogue.

 

The dialogue addressed a wide range of human and labor rights-related issues, including respect for freedoms of expression and association; freedom of religion or belief; rule of law and legal reform; security sector governance; and the rights of members of marginalized populations, including members of ethnic minority groups, LGBTQI+ persons, and persons with disabilities, as well as individual cases of concern.

 

The Vietnamese delegation also had similar discussions with members of Congress and members of American civil society.

 

Under the U.S.-Vietnam Comprehensive Strategic Partnership, the promotion of human rights is an essential element of U.S. foreign policy and key to our expanded engagement with Vietnam.  We are committed to continuing candid and results-based discussions with the Vietnamese government on this issue.

 

For media inquiries, please contact DRL-Press@state.gov.      

 

 

https://www.state.gov/2023-u-s-vietnam-human-rights-dialogue/

 

 

 

 

Các tổ chức quốc tế kêu gọi bảo vệ nhà báo VN trước kỳ kiểm điểm nhân quyền

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh, Nhà báo Phạm Chí Dũng (trái) và ông Đỗ Tường Thụy (phải), Lê Hữu Minh Tuấn trong phiên tòa ngày 5/1/2021

 

Các nhà báo ở Việt Nam đang phải đối mặt với các mối đe dọa và ngược đãi trên diện rộng, và thường xuyên bị bắt giữ hoặc bỏ tù vì các bài viết và bình luận của họ, theo một báo cáo chung gửi Liên Hiệp Quốc của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), Freedom House và Robert F. Kennedy Human Rights.

Báo cáo chung được công bố vào ngày 2/11, Ngày Quốc tế chấm dứt quyền miễn trừ đối với tội ác chống lại các nhà báo, trước đợt Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) của Việt Nam tại Geneva vào tháng 4-5/2024.

Việt Nam được xếp là một trong những nước bỏ tù các nhà báo nhiều nhất thế giới, với ít nhất 21 người ngồi tù tính đến ngày 1/12/2022, theo CPJ.

Trong nửa đầu năm 2023, ít nhất 20 nhà báo, nhà hoạt động và người bảo vệ nhân quyền đã bị bắt. Một số người bị quản thúc tại gia, thường là vào các ngày quốc lễ hoặc trong các chuyến thăm của quan chức nước ngoài.

Báo cáo nhấn mạnh sự đối xử tàn nhẫn đối với các nhà báo và người bảo vệ nhân quyền, bao gồm cả việc giam giữ kéo dài trước khi xét xử và biệt giam.

Báo cáo tập trung vào việc xem xét việc Việt Nam tuân thủ nghĩa vụ nhân quyền quốc tế ảnh hưởng như thế nào đến các nhà báo và những người bảo vệ nhân quyền và những tiến bộ mà VIệt Nam đạt được kể từ lần rà soát cuối cùng vào năm 2019.

Đặc biệt, những mối quan ngại được nêu trong báo cáo này liên quan đến:

 

Nhà báo chết trong tù

Trong năm năm qua, ít nhất có một nhà báo (Đỗ Công Đương) – người thường bình luận về các vấn đề chính trị – chết vì mắc bệnh trong tù.

Ít nhất bảy nhà báo khác bị giam giữ trong thời gian báo cáo được thực hiện bị đánh đập bởi cai trại hoặc/và bị từ chối điều trị y tế bất kể bệnh nặng.

Một trong số đó là việc một nhà báo đang mai thai, khi ở trong tù đã bị đánh đập và bóp cổ. Cô là người vận động cho các nữ tù nhân khác và lên tiếng về điều kiện nhà tù.

Nhà báo Nguyễn Văn Hóa, một nhà hoạt động Công giáo và cộng tác viên thường xuyên của Đài Á Châu Tự Do, bị đánh đập dã man, bị biệt giam và bị ngược đãi trong khi ngồi tù bảy năm sau khi bị bắt vào tháng 1/2017.

Những trường hợp này cho thấy Việt Nam vi phạm Điều 5 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền trong đó bảo vệ tù nhân khỏi việc bị tra tấn và bị đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục.

 

Án tù dài hạn

Ông Phạm Chí Dũng – nhà báo và chủ tịch của Hội Nhà báo Độc lập – bị kết án 15 năm tù về tội chống nhà nước theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự.

Nhà báo Lê Mạnh Hà bị kết án tám năm tù theo Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015 về tội đăng, chia sẻ bài viết trên Facebook có nội dung bị cho là bôi nhọ nhà nước và Chủ tịch nước Việt Nam.

Nhà văn, nhà thơ Trần Đức Thạch bị bắt và bị kết án 12 năm tù tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 109 Bộ luật Hình sự. Ông Thạch viết về kinh nghiệm của mình khi còn là một cựu quân nhân Bắc Việt và những tội ác chiến tranh mà ông chứng kiến, đồng thời nhận xét về hệ thống pháp luật ở Việt Nam. Việc bắt giữ ông có thể được thúc đẩy bởi các bài viết của ông trên mạng xã hội để ủng hộ Hội Anh em Dân chủ.

Nhà báo nổi tiếng Phạm Đoan Trang bị kết án chín năm tù với tội danh tuyên truyền chống nhà nước sau khi bà tham gia một hội nghị nhân quyền và viết bài về các vấn đề chính trị.

Những trường hợp này phản ánh một xu hướng rộng lớn hơn, trong đó quan chức nhà nước bịt miệng và đe dọa các nhà báo vì đã công khai tham gia vào các vấn đề chính trị.

 

Bắt cóc nhà báo

Trong năm năm qua, có ít nhất hai nhà báo đưa tin về chính trị ở Việt Nam đã bị bắt cóc từ nước láng giềng Thái Lan sau khi đến thăm văn phòng Thái Lan của Cao ủy Liên Hiệp Quốc cho người tị nạn (UNHCR), gồm ông Trương Duy Nhất và Đường Văn Thái.

Những vụ việc này cũng có thể bị coi là vi phạm Điều 14 của Tuyên ngôn Quốc tế về Bảo đảm cho các cá nhân có quyền tìm kiếm và được tị nạn khỏi sự đàn áp ở các quốc gia khác.

 

Từ chối quyền được xét xử công bằng và quy trình kháng cáo

Đã có ít nhất hai báo cáo về việc các nhà báo bị xét xử kín hoặc không công bằng trong năm năm qua.

Đáng chú ý, nhà báo Phạm Đoan Trang bị kết án chín năm tù trong phiên tòa kéo dài một ngày được đánh dấu bằng những vi phạm thủ tục và vi phạm các quyền cơ bản của bà khi luật sư của bà bị cấm triệu tập nhân chứng hoặc tranh luận về bằng chứng mà cơ quan công tố đưa ra.

Nhóm luật sư của bà chỉ có vài tuần để chuẩn bị cho phiên tòa mặc dù có 11.000 trang bằng chứng để xem xét.

Ngoài ra, nhà báo Lê Anh Hùng đã bị giam giữ hơn bốn năm trong trại tâm thần trước khi bị đưa ra tòa.

 

Cấm xuất cảnh

Ít nhất hai nhà báo đã bị tịch thu hộ chiếu.

Một luật sư và gia đình ông đã bị cấm lên chuyến bay tới Hoa Kỳ do bài viết và sự ủng hộ của ông nhằm bảo vệ tù nhân chính trị và nạn nhân của sự bất công.

 

Quấy rối nhà báo

Phạm Đoan Trang từng buộc phải cắt đứt quan hệ với nhà xuất bản của bà do bị cảnh sát quấy rối.

Các thành viên của nhà xuất bản đã lẩn trốn để tránh bị quấy rối và duy trì việc xuất bản trong khi hàng chục người khác bị thẩm vấn vì tội mua và đọc sách bởi nhà xuất bản này.

 

Ngưng cấp thẻ nhà báo

Ít nhất năm nhà báo bị kết tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 do các bài đăng trên mạng xã hội, và bị cấm làm báo trong ba năm sau khi thụ án từ hai đến bốn năm rưỡi tù.

Một tờ báo điện tử bị đình chỉ giấy phép hoạt động báo chí trong ba tháng sau khi công bố thông tin được cho là sai lệch và không phù hợp.

 

Qua các đánh giá này, CPJ, Freedom House và Robert F. Kennedy Human Rights khuyến nghị Việt Nam:

  • Cung cấp phương pháp điều trị y tế thích hợp cho tù nhân theo Điều 19 Tuyên ngôn Nhân quyền trong Công ước Quốc tế.
  • Chấm dứt việc sử dụng vũ lực quá mức, đánh đập và biệt giam kéo dài đối với nhà báo và người bảo vệ nhân quyền.
  • Trả tự do cho tất cả các nhà báo bị bắt giữ hoặc bỏ tù tùy tiện vì thực hiện quyền tự do của họ
  • Tiến hành các biện pháp nhằm chấm dứt việc thực hiện các hình phạt tù kéo dài không tương xứng với mức độ bị cáo buộc.
  • Đảm bảo tất cả các nhà báo đều có quyền được tư vấn pháp lý và kháng cáo bản án của họ.
  • Thực hiện các biện pháp nhằm chấm dứt việc bắt cóc các nhà báo bởi các tổ chức nhà nước và phi nhà nước.
  • Điều tra kịp thời và hiệu quả các mối đe dọa và tấn công nhằm vào các nhà báo.
  • Thiết lập một cơ chế hiệu quả để bảo vệ các nhà báo gặp rủi ro
  • Đảm bảo các cá nhân, bao gồm cả các nhà báo, có quyền tìm kiếm và được tị nạn từ ở các quốc gia khác theo Điều 14 của Tuyên bố chung về Quyền con người
  • Ngừng giam giữ các nhà báo trong cơ sở tâm thần trước khi xét xử.
  • Chấm dứt việc biệt giam các nhà báo và giam giữ các nhà báo trong thời gian dài thời gian không xét xử.
  • Chấm dứt việc tùy tiện quản thúc tại gia các nhà báo.
  • Chấm dứt việc tịch thu hộ chiếu của nhà báo và thành viên gia đình họ
  • Điều tra kịp thời và hiệu quả các mối đe dọa và tấn công nhằm vào các nhà báo và gia đình họ.
  • Cải cách luật Tự do Báo chí năm 2016 theo hướng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm cả việc đảo ngược quyền lực của nhà nước có thẩm quyền tối cao để xác định ai đủ tiêu chuẩn làm nhà báo.
  • Chấm dứt sự kiểm soát của chính phủ đối với tất cả các phương tiện truyền thông để thúc đẩy tự do báo chí.
  • Bãi bỏ lệnh cấm làm nhà báo đối với những người bị cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ hoặc các cáo buộc tương tự
  • Khôi phục giấy phép báo chí cho bất kỳ ấn phẩm nào bị đình chỉ do bị cáo buộc xuất bản thông tin bất lợi.
  • Cải cách các quy định của Bộ luật Hình sự 2015 được sử dụng để hành hạ nhà báo, trong đó có Điều 109 (hình sự hóa tội “tuyên truyền chống nhà nước”); Điều 117 (tội hình sự “làm, tàng trữ, phát tán hoặc phổ biến thông tin, tài liệu, vật phẩm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”); và Điều 331 (lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền hợp pháp và lợi ích của tổ chức, công dân).
  • Bãi bỏ Luật An ninh mạng

 

BBC (03.11.2023)

 

 

 

Ba tổ chức quốc tế kêu gọi chính quyền chấm dứt đàn áp báo chí trước kiểm điểm nhân quyền

Báo chí dưới sự quản lý của nhà nước ở Việt Nam RFA edited

 

Ba tổ chức nhân quyền gồm Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), Freedom House, và Quỹ Nhân quyền Robert F. Kennedy (RFK) kêu gọi Chính phủ Việt Nam chấm dứt đàn áp báo chí, bảo đảm các nhà báo không bị cầm tù hoặc bị sách nhiễu hay không được hoạt động báo chí.

Báo cáo chung về tự do báo chí gửi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc (LHQ) được công bố đúng vào ngày 2/11, Ngày Quốc tế chấm dứt quyền miễn trừ đối với tội ác chống lại các nhà báo, và trước Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền của Việt Nam lần thứ tư (UPR4) tổ chức ở Geneva, Thuỵ Sĩ vào tháng 5/2024.

 

Báo chí là độc quyền của Đảng

Theo luật sư Nguyễn Văn Đài, một nhà hoạt động nhân quyền và là nhà báo tự do, Việt Nam hoàn toàn không có tự do báo chí trong suốt gần 80 năm qua dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 03/11:

Mặc dù Hiến pháp đã quy định là công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận tự do báo chí nhưng mà trên thực tế người dân Việt Nam hoàn toàn không có quyền chọn báo chí.

Một trong biểu hiện rõ nét nhất là Việt Nam có hơn 700 tờ báo nhưng đều thuộc các cơ quan của Đảng hoặc cơ quan nhà nước còn người dân Việt Nam không được quyền thành lập bất kỳ cơ quan báo chí tư nhân nào.”

Người đồng sáng lập tổ chức xã hội dân sự Hội Anh em Dân chủ hiện đang bị buộc sống lưu vong ở Đức, nói:

Bất kỳ một cái công dân Việt Nam nào khi mà sử dụng quyền tự do báo chí của họ theo hiến pháp đều bị trừng phạt, từ nhẹ là phạt hành chính cho đến nặng là ngồi tù.

 

Nhiều nhà báo bị đối xử tàn tệ trong tù

Trong báo cáo của mình, ba tổ chức nhân quyền nêu lên tình trạng nhiều nhà báo chết hoặc bị đối xử vô nhân đạo trong khi thi hành án tù. Trong năm năm qua, từ năm 2018 đến 2023, có ít nhất một nhà báo, ông Đỗ Công Đương, người thường có những bình luận chính trị trên mạng xã hội, bị chết vì bệnh trong tù cho dù nhiều lần yêu cầu được chữa trị.

Có ít nhất bảy người khác bị đánh đập bởi quản giáo hoặc bị từ chối chữa trị bệnh hiểm nghèo.

Báo cáo nêu lên trường hợp nhà báo Nguyễn Văn Hoá của Đài Á Châu Tự Do (RFA) bị đánh đập nhiều lần trong lao tù, và bị biệt giam nhiều lần bên cạnh việc bị từ chối chữa trị khối u và không được liên lạc với gia đình. 

 

Nhiều nhà báo bị án tù dài hạn

Báo cáo chung nhắc lại việc nhiều nhà báo đã bị kết án với những bản án nặng nề, tới 15 năm tù như trường hợp của ông Phạm Chí Dũng- đồng sáng lập và là chủ tịch của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.

Nhiều nhà báo khác cũng bị kết án về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự với án tù từ 8 năm đến 11 năm vì các bài viết của họ trên các mạng xã hội.

Báo cáo nói các tổ chức nhân quyền đều nhận định rằng các nhà báo trên không cổ suý bạo lực, thù hận hoặc có nội dung có thể bị khép vào tội hình sự.

Nhà thơ kiêm nhà báo Trần Đức Thạch bị kết án 12 năm tù về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” chỉ vì nhiều bài viết trên mạng xã hội trong khi nhà báo Phạm Đoan Trang bị kết án 9 năm tù chỉ vì hoạt động nhân quyền và viết về chính trị. Bà Trang từng được Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế của CPJ năm 2022.

Báo cáo nói những trường hợp trên phản ánh xu hướng đàn áp giới báo chí khi họ viết về các vấn đề chính trị.

 

Bắt cóc nhà báo

Trường hợp Youtuber Đường Văn Thái cũng được nhắc đến trong báo cáo. Ông là một nhà báo tự do bị bắt cóc khi đang tị nạn ở Thái Lan và đã được Văn phòng Cao uỷ LHQ về người tị nạn cấp quy chế.

Báo cáo nói việc Việt Nam bắt cóc và đe doạ bắt cóc nhà báo cho thấy chính quyền độc đảng ở Việt Nam không dung thứ bất đồng đối với những người thực hiện quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.

Báo cáo nói có ít nhất hai trường hợp xét xử kín nhà báo và không tuân theo tiêu chuẩn về xét xử công bằng, trong đó có Phạm Đoan Trang. Trong phiên toà xử bà, quyền được bào chữa của bà bị vi phạm khi luật sư của bà bị từ chối khi đề nghị đối chứng. Trước đó, họ chỉ được chuẩn bị bản bào chữa trong thời gian vài tuần.

Nhiều nhà báo bị giam giữ cách biệt với thế giới bên ngoài, số khác bị giam lỏng ở tư gia hoặc bị cấm xuất cảnh.

Nhà báo Lê Anh Hùng, blogger của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) còn bị giam giữ trong bệnh viện và chữa trị tâm thần bắt buộc trong thời gian hơn ba năm.

Báo cáo cho biết trong nửa đầu của năm 2023, có ít nhất 20 nhà báo, người hoạt động và người bảo vệ nhân quyền bị bắt giữ trong khi nhiều nhà báo khác là đối tượng bị quản chế tại gia trong các dịp lễ hay có khách quốc tế viếng thăm Việt Nam.

Ít nhất năm nhà báo bị bỏ tù về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.

 

Hạn chế quyền tiếp cận thông tin

Trong nhiều năm gần đây, chính quyền Việt Nam đã sử dụng nhiều luật và nghị định, như Luật An ninh mạng và dự thảo Nghị định 72 để kiểm soát và hạn chế thông tin trực tuyến, buộc các công ty như Google, YouTube, Facebook and TikTok gỡ các video, bài viết, tài khoản có nội dung “bôi xấu đảng và chính phủ.”

Nhiều nhà báo, Facebookers bị bỏ tù hoặc bị phạt tiền chỉ vì đăng tải thông tin bị nhà nước cho là tin xấu hoặc “chưa kiểm chứng.”

Ba tổ chức nói những hành động trên của Chính phủ Việt Nam vi phạm các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã phê chuẩn như Tuyên ngôn Nhân quyền phổ quát hay Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, cũng như Công ước chống tra tấn.

Báo cáo chỉ ra rằng sau kỳ Kiểm điểm định định kỳ phổ quát về nhân quyền lần thứ ba (UPR3) năm 2019, Chính phủ Việt Nam chấp nhận nhiều khuyến nghị về tự do báo chí, tuy nhiên trên thực tế lại không thực hiện các khuyến nghị này.

Trong phần khuyến nghị, ba tổ chức kêu gọi Việt Nam chấm dứt sử dụng các biện pháp bạo lực, đánh đập, biệt giam trong thời gian dài đối với nhà báo và người bảo vệ nhân quyền,

Hà Nội cần đào tạo viên chức về nghĩa vụ của họ theo luật quốc tế, và đưa những kẻ đàn áp nhà báo và người bảo vệ nhân quyền ra chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ngoài ra, cũng cần phóng thích các nhà báo và người bảo vệ nhân quyền, chấm dứt việc bắt cóc, bắt giữ tuỳ tiện và giam cầm những người thực thi quyền tự do biểu đạt.

Bảo đảm quyền được xét xử công bằng cho các nhà báo cũng như chấm dứt việc giam lỏng hay cấm xuất cảnh đối với họ. 

Việt Nam cũng được khuyến nghị là cần sửa đổi hoặc huỷ bỏ các điều khoản 117 và 331 của Bộ luật Hình sự để bảo đảm quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.

CPJ là tổ chức đấu tranh cho tự do báo chí và tự do thông tin còn Freedom House là tổ chức cổ suý cho dân chủ và quyền con người trong khi RFK là tổ chức phi chính phủ hợp tác với các nhà lãnh đạo xã hội dân sự trên toàn cầu để bảo vệ không gian dân sự cho một thế giới công bằng và hòa bình hơn. Cả ba tổ chức phi chính phủ này đều có trụ sở ở Hoa Kỳ.

 

RFA (03.11.2023)

 

 

 

 

Đắk Lắk: Bốn tín đồ Tin Lành độc lập bị giam giữ sau khi mời Chủ tịch nước sinh hoạt tôn giáo

Ông Y Thinh Nie, một trong bốn tín đồ Tin Lành bị bắt giữ ngày 31/10/2023 MSFJ

 

Công an mời bốn tín đồ của nhóm Tin Lành độc lập tại gia lên đồn làm việc sau khi họ có thư mời chính quyền và ông Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng tham gia sinh hoạt tôn giáo, nhưng sau ba ngày họ vẫn chưa được cho về.

Theo ông Y Quynh Buon Dap, thành viên của tổ chức Người Thượng vì Công lý (MSFJ), bốn người đang bị giam giữ ở trụ sở của Công an huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk bao gồm các ông: Y Phuc Niê và Y Nuer Buon Dap ở buôn Ea Măp, thị trấn Ea Pốk; ông Y Thinh Niê ở buôn Drai Si xã Êa Tar; và ông Y Cung Niê ở buôn Sút M’đưng, xã Cư Suê.

 

Ông Y Quynh Buon Dap từ Thái Lan nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong sáng ngày 02/11:

Hiện giờ là bốn người bị giữ, hai người bị mời làm việc về việc tôn giáo còn hai người bị công an áp giải từ nhà và đưa lên công an huyện Cư Mgar. Bốn người chưa được về, tính đến ngày hôm nay là ba ngày chưa được về nhà.”

Theo Giấy mời của UBND xã Cư Suê có dấu mộc đỏ và chữ ký của Chủ tịch Đặng Văn Hoan ngày 30/10, mời ông Y Cung Niê lên trụ sở cơ quan này vào sáng hôm sau để “Làm việc về thư thông báo và mời tham dự sinh hoạt tôn giáo số 83 ngày 27/5/2023.”

Trong cùng ngày, Chủ tịch UBND thị trấn Ea Pốk mời ông Y Nuer Buon Dap lên trụ sở làm việc với nội dung Hướng dẫn các thủ tục thành lập điểm sinh hoạt tôn giáo vào ngày 31/10.

Tuy nhiên, công an huyện bắt giữ cả hai ông khi họ đến địa điểm họp như thư mời, sau đó đưa về trụ sở. Một người thân không muốn nêu danh tính của ông Y Cung Niê nói với RFA trong ngày 01/11:

Sáng qua ông Y Cung Niê lên Uỷ ban Nhân dân xã để làm việc theo giấy mời của xã. Họ mời ông đến làm việc một buổi về thư Thông báo và mời tham dự sinh hoạt tôn giáo số 83 ngày 27/5/2023.

Tuy nhiên, khi ông lên tới UBND xã vào sáng sớm ngày 31/10 thì công an xông ra bắt ông và giải lên Công an huyện Cư Mgar. Họ giữ ông ở đó cho đến giờ và không thông báo cho gia đình.

Ba tín đồ khác cũng đang bị giam giữ ở Công an huyện Cư Mgar và người thân của họ cũng lên để hỏi thông tin nhưng phía công an không trả lời.”

 

Phóng viên trưa ngày 2/11 gọi điện cho Công an huyện Cư Mgar để hỏi thông tin về bốn tín đồ Tin Lành nói trên thì được người trực điện thoại yêu cầu đến trụ sở cơ quan để được cung cấp thông tin.

Vào cuối giờ làm việc chiều ngày 02/11, một thành viên của MSFJ cho RFA biết Công an huyện Cư Mgar đã phóng thích ông Y Phuc Nie nhưng lại bắt giữ vợ ông Y Cung Nie là bà H Tuyên Eban.

 

Theo Luật xử lý vi pham hành chính năm 2012, thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không quá 12 giờ; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.

 

Trong khi đó, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định, thời hạn tạm giữ hình sự một người không quá 03 ngày kể từ khi cơ quan điều tra áp giải người bị bắt về trụ sở của mình, trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn thêm hai lần, mỗi lần 03 ngày.

Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn, tuy nhiên cho đến nay gia đình những người bị giữ chưa nhận được văn bản nào từ Công an huyện Cư Mgar.

Một trong những lý do để chính quyền mời bốn tín đồ lên làm việc là về Thư thông báo và mời tham dự sinh hoạt tôn giáo số 83 hồi tháng 5 năm nay.

Trong văn bản đánh máy được tổ chức MSFJ cung cấp cho RFA, các tín đồ mời đích thân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và UBND hai xã Cư Suê và Êa Tar tham dự các buổi lễ tôn giáo của họ trong tháng 6.

Ông Y Quynh Buon Dap cho biết với sự trợ giúp của MSFJ, các điểm sinh hoạt tôn giáo Tin Lành độc lập tại gia đã nhiều lần gửi văn bản tới UBND các xã ở tỉnh Đắk Lắk với đề nghị cử đại diện đến tham gia và giám sát việc sinh hoạt tôn giáo của họ để chứng minh rằng việc thực hành các nghi lễ tôn giáo không có nội dung chống phá nhà nước.

 

Vẫn theo văn bản này, các tín đồ của Tin Lành độc lập tại gia khẳng định họ không có ý định thành lập tổ chức tôn giáo hoặc tham gia trực thuộc bất kỳ một tổ chức tôn giáo nào. Họ không có lãnh đạo, không có cơ cấu tổ chức, mọi người trong điểm nhóm đều bình quyền và bình đẳng với nhau. Người đại diện hoặc mục sư chỉ là những người được tín nhiệm đại diện cho điểm nhóm của họ.

Họ cũng lên án mọi thế lực dùng quyền lực không chính đáng, chà đạp lên luật pháp Việt Nam để vu khống, xuyên tạc, bịa đặt cho họ dưới mọi hình thức.

Họ khẳng định khi tụ tập để sinh hoạt tôn giáo cùng nhau, họ bảo đảm không ảnh hưởng đến trật tự công cộng, an toàn công cộng và không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bất kỳ cá nhân, tổ chức và cơ quan nào.

Họ cũng nói sẽ quay phim, chụp hình buổi lễ có sự tham dự của chính quyền để báo cáo với các tổ chức quốc tế và đăng tải lên các mạng xã hội.

 

Ở huyện Cư Mgar, Tin Lành độc lập tại gia có khoảng 150 tín đồ ở buôn Sút M’đưng, xã Cư Suê; và 15 tín đồ ở buôn Đrai Sí, xã Êa Tar.

Ông Y Quynh Buon Dap cho biết các nhóm điểm Tin Lành độc lập tư gia đã gửi thư mời đến chính quyền địa phương bốn lần từ đầu năm nay nhưng chính quyền im lặng.

Đại diện MSFJ cho biết bên cạnh việc giam giữ bốn tín đồ nói trên, chính quyền thị trấn Ea Pốk cùng hai xã Cư Suê và Ea Tar còn mời các tín đồ khác lên trụ sở UNND xã để nghe tuyên truyền và phát động quần chúng trong ba ngày kể từ 30/10.

Trong các buổi họp kéo dài 2-3 giờ đồng hồ, chính quyền yêu cầu họ không được sinh hoạt tôn giáo tại gia hoặc tham gia các hội thánh như Tin Lành Đấng Christ và Hội Thánh Truyền giảng Phúc âm, nếu vẫn sinh hoạt thì sẽ bị xử lý theo pháp luật. Chính quyền cho rằng các nhóm tôn giáo này chưa được nhà nước công nhận nên không được tuỳ tiện sinh hoạt tự do tôn giáo.

 

RFA (02.11.2023)

 

 

 

 

Vợ nhà tranh đấu Trịnh Bá Phương tố cáo nhà tù ‘đánh đập’, ‘cùm chân’ ông Phương

Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương khi còn tự do. Photo Facebook Do Thi Thu.

 

Bà Đỗ Thị Thu, vợ của nhà tranh đấu cho quyền lợi đất đai Trịnh Bá Phương, 38 tuổi, cho VOA biết bà mới gửi đơn tới Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Nam để khiếu nại việc trại giam An Điềm “đánh đập” và “kỷ luật cùm chân” chồng bà.

Lá đơn được bà Thu và em gái của ông Phương là Trịnh Thị Thảo gửi đi hôm 30/10 viết rằng hai bà đã đến trại giam thăm ông Phương hôm 12/10 và được nghe ông kể rằng ông và 3 tù nhân nữa đã biểu tình vào sáng 9/9, trong đó, ông Phương cầm biểu ngữ với nội dung “đả đảo cộng sản vi phạm nhân quyền”.

Trại giam đã điều động hơn 10 nhân viên quản giáo và công an trấn áp nhóm biểu tình, bao gồm cả hành động “bóp cổ” ông Phương, “đẩy” ông “lao vào tường” và “đánh” ông gây “bầm tím ở vùng ngực bên phải”, theo đơn của bà Thu và bà Thảo.

Công an tại trại giam đã “còng tay” ông Phương, lập biên bản và đưa ông đi thi hành kỷ luật với biện pháp là “cùm cả hai chân 10 ngày” từ hôm 9/9 đến 19/9 để đáp trả việc nhóm 4 người đã “biểu tình ôn hòa”, đơn của hai bà viết.

Bà Thu bày tỏ quan điểm trong đơn rằng trại giam An Điềm đã có “những hành vi đối xử vô nhân đạo” đối với chồng bà và nhận định rằng trại giam “đã vi phạm Điều 5 trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948” cũng như “vi phạm Điều 7 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966”.

Bà lưu ý rằng chính Việt Nam cũng đã ký và phê chuẩn Công ước chống tra tấn lần lượt vào hai năm 2013 và 2014.

Bản thân ông Phương đã gửi đơn tố cáo vụ việc tới Viện Kiểm sát Quảng Nam hôm 20/9 nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm, bà Thu cho biết. Vì vậy, với lá đơn được bà và em gái của ông Phương mới gửi đi, bà đề nghị viện kiểm sát của tỉnh Quảng Nam điều tra, xác minh và trả lời theo luật quy định.

VOA cố gắng liên lạc với trại An Điềm và Viện Kiểm sát Quảng Nam để tìm hiểu quan điểm của họ nhưng không có hồi đáp.

Ông Trịnh Bá Phương hồi hè năm nay bị trại giam xếp loại “kém” về thi hành án. Khi đó, vợ ông nói với VOA rằng đó là do ông không khuất phục. Mẹ ông và em trai ông cũng bị giam cầm và tiếp tục phản kháng trong tù, bà Thu cho hay.

Như VOA đã đưa tin, ông Phương, 38 tuổi, đang thụ án 10 năm tù giam và 5 năm quản chế sau khi các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm lần lượt hồi tháng 12/2021 và tháng 8/2022 xác định rằng ông phạm tội phát tán tài liệu “nhằm chống nhà nước”.

Mẹ ông, bà Cấn Thị Thêu, và em trai ông, Trịnh Bá Tư, bị hai phiên tòa khác vào tháng 5 và tháng 12/2021 tuyên phạt mỗi người 8 năm tù giam về cùng tội danh.

Gia đình của ba nhà hoạt động này bị mất đất cách đây nhiều năm sau khi chính quyền giải tỏa đất của họ ở Dương Nội, Hà Nội, để dành cho một dự án phát triển đô thị. Họ đã biểu tình và dùng mạng xã hội phản đối nạn cưỡng chế đất bất công cũng như lên tiếng về các vấn đề khác gây bất bình trong xã hội.

 

VOA (02.11.2023)

 

 

 

 

Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát Việt Nam: Bắt cóc và đàn áp xuyên quốc gia

 

Để chuẩn bị cho phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review, viết tắt UPR) Việt Nam vào tháng 4/2024, BPSOS đã nộp cho Hội đồng Nhân quyền LHQ bốn bản báo cáo chung với một số tổ chức tôn giáo và nhân quyền trong tháng 10/2023.

 

Trong bài viết trước, tôi đã viết về một trong những báo cáo đó, do BPSOS soạn thảo và nộp cùng với các tổ chức Liên minh Chống Tra tấn Việt Nam, Người Thượng vì Công lý, Liên hiệp Môn đệ Cao Đài, Chiến dịch Bãi bỏ Tra tấn ở Việt Nam, và Liên minh Bài trừ Nạn Nô lệ Tân thời tại Á châu, và tập trung vào án tử hình và ba trường hợp ông Lê Văn Mạnh, ông Nguyễn Văn Chưởng, và ông Hồ Duy Hải.

 

Cùng bản báo cáo đó cũng nói về vấn đề cưỡng bức mất tích (enforced disappearance) và đàn áp xuyên quốc gia của nhà nước Việt Nam.

Tại phiên kiểm điểm năm 2019, Việt Nam bị quốc tế lên án nặng nề về việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ngay trên chính nước Đức vào tháng 7/2017.

Chỉ trong vòng 72 tiếng đồng hồ sau đó, ngày 26/1/2019, nhà báo Trương Duy Nhất mất tích ở Thái Lan.

Sau này ông cho biết mình bị cảnh sát Thái Lan bắt đúng một ngày sau khi ghi danh xin tỵ nạn, bị giao cho mật vụ Việt Nam ở Thái Lan rồi đưa qua Lào trở về Việt Nam.

Nhà báo Trương Duy Nhất (hình của Thông tấn xã Việt Nam). 

 

Vụ bắt cóc nhà báo Trương Duy Nhất là một trong những vụ được nhắc tới trong báo cáo của BPSOS gửi cho Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Hoa Kỳ, để khuyến nghị trừng phạt với một vài cá nhân ở Việt Nam theo Luật Magnitsky.

Báo cáo cho UPR cũng nhắc tới trường hợp blogger Đường Văn Thái, được cho là bị mật vụ Việt Nam bắt cóc tại Thái Lan ngày 13/4/2023. Ông khi đó đã có quy chế tỵ nạn từ Cao ủy Tỵ nạn LHQ.

Theo RFA Tiếng Việt đưa tin ngày 30/8/2023, ba tháng sau khi ông Đường Văn Thái mất tích, “gia đình nhận mới nhận được giấy thông báo về việc khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam của Cơ quan An ninh Điều tra (Bộ Công an) ký ngày 05/7”, nhưng gần ba tuần sau khi thời hạn tạm giam kết thúc, gia đình vẫn chưa được thông báo mới.

 

Cho tới nay báo chí vẫn chưa có hình ảnh hay thông tin mới về tình trạng hiện nay của ông Đường Văn Thái.

Ngoài ra, báo cáo của UPR cũng nhắc tới việc Việt Nam lạm dụng lệnh truy nã đỏ của Interpol – thể thức một chính quyền yêu cầu một chính quyền khác bắt người qua cảnh sát quốc tế – để truy bắt Mục sư A Ga tại Thái Lan năm 2018.

Luật sư Jub Waritsara Rungthong cho biết “Những thông tin chúng tôi có được cho thấy đây không phải là một vụ bắt giữ bình thường – không phải là cảnh sát thấy một người tỵ nạn và muốn kiểm tra chứng minh thư – mà có vẻ là chính quyền có kế hoạch bắt ông ấy.”

Luật sư Rungthong khi đó đang làm việc cho CAP (Centre for Asylum Protection, tức Trung tâm Bảo vệ Tỵ nạn), là một đề án được BPSOS tài trợ và yểm trợ.

Cô cho biết khi một người tỵ nạn ở Thái Lan bị bắt ngẫu nhiên trên đường, người đó không có nguy cơ bị trục xuất, nhưng nếu cảnh sát có tên trong danh sách và ập vào bắt, rồi đưa vào IDC, đó là chuyện khác.

 

Nhờ can thiệp kịp thời của Bộ Ngoại giao Mỹ, gia đình Mục sư A Ga được đưa sang Philippines để an toàn, rồi đến Mỹ tỵ nạn.  

 

Báo cáo khuyến nghị:

 

  • Thả tự do cho tất cả những người bị bắt cóc và trả họ về nơi họ bị bắt cóc: cụ thể là đưa ông Trịnh Xuân Thanh về Đức, và trả ông Trương Duy Nhất và ông Đường Văn Thái về Thái Lan.
  • Chấm dứt mọi hành vi đàn áp xuyên quốc gia, bao gồm việc ban hành lệnh bắt giữ và lạm dụng lệnh truy nã đỏ của Interpol để bắt các nhà hoạt động nhân quyền và người bất đồng chính kiến đang sống ở ngoài Việt Nam.
  • Thực hiện các bước cần thiết để ký và phê chuẩn Công ước Quốc tế Bảo vệ Mọi người Khỏi bị Cưỡng bức Mất tích.

Đọc toàn bộ 4 báo cáo của BPSOS soạn chung với một số tổ chức để chuẩn bị cho phiên kiểm điểm UPR đối với Việt Nam sẽ diễn ra ngày 30/4/2024 tại đây: https://dvov.org/upr/

 

Hải Di Nguyễn 

Machsongmedia.org  (01.11.2023)

 

 

 

 

 

Lập Facebook ‘Bọn Cường Quyền,’ ông cao niên ở Ninh Thuận bị 3.5 năm tù

 

Ông Lê Thạch Giang ở thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, vừa bị kết án ba năm rưỡi tù với cáo buộc “lập Facebook bôi nhọ đảng và nhà nước.”

Theo trang tin VTV hôm 1 Tháng Mười Một, ông Giang, 66 tuổi, bị tòa quy kết là chủ trang Facebook “Bọn Cường Quyền” có nhiều bài đăng “vu khống, xúc phạm các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.” 

Ông Lê Thạch Giang tại phiên tòa. (Hình: VTV)

 

Hội Đồng Xét Xử cho rằng trang cá nhân của ông Giang “kêu gọi, kích động tâm lý người xem chống đối các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của đảng và nhà nước.”

Ngoài ra, ông này bị cho là “nhiều lần chia sẻ thông tin, hình ảnh chưa được kiểm chứng, có nội dung bịa đặt, xuyên tạc, xúc phạm đảng, lãnh tụ.”

Cũng với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” như ông Lê Thạch Giang, Công An Huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, hồi trung tuần tháng trước bắt, khởi tố ông Hoàng Văn Luân, 35 tuổi.

Trang web Công An Tỉnh Hà Tĩnh khép tội ông Luân “lôi kéo hàng trăm người dân ra trung ương [Hà Nội] tụ tập, kích động, xúi giục người dân đến nhà riêng lãnh đạo đảng, nhà nước căng băng rôn, khẩu hiệu kích động chống phá làm mất an ninh, trật tự.”

Ông Hoàng Văn Luân bị cho là người kêu gọi dân oan ở Hà Tĩnh phản đối việc khai triển dự án đường cao tốc Bắc-Nam đoạn qua tỉnh này, cũng như đòi quyền lợi đền bù giải phóng mặt bằng trong dự án cấp nước cho khu kinh tế Vũng Áng.

Công An Tỉnh Hà Tĩnh cho biết thêm, sau khi bị bắt, ông Luân đã “quay xe,” muốn nhắn gửi đến dân oan rằng việc khiếu nại “phải đúng quy trình, quy định của pháp luật, không khiếu nại vượt cấp gây mất an ninh trật tự.”

Ngoài ra, ông Hoàng Văn Luân cũng được trang này dẫn lời cho rằng mọi quyền lợi của dân oan ở Hà Tĩnh “đều sẽ được cấp ủy chính quyền giải quyết thấu đáo.”

Bài đăng gần nhất trên Facebook “Bọn Cường Quyền” trước lúc ông Lê Thạch Giang bị bắt. (Hình: Chụp qua màn hình)

 

Trước vụ này, theo trang web Bộ Công An hồi đầu Tháng Tám, hai bà Hoàng Thị Sơn và Thái Thị Bé bị Tòa Án Huyện Hương Khê ở Hà Tĩnh phạt mỗi người 15 tháng tù giam cũng với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ…”

Hai bà Sơn và Bé bị quy chụp là người đứng sau các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự trong giải quyết khiếu nại, tố cáo tại tỉnh Hà Tĩnh.  

Nguoi Viet (01.11.2023)