Đại lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, một vị giáo phẩm uyên bác đã viên tịch chiều ngày 24 Tháng Mười Một, 2023 (12-10-Quý Mão), tại chùa Phật Ân (tỉnh Đồng Nai), thọ 80 tuổi.

 

Vào tháng 9 năm 2022, Hòa thượng Tuệ Sỹ cho biết ông đã làm theo di nguyện của cố Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, Đức Đệ Ngũ Tăng thống, là tái lập Hội đồng Giáo phẩm Trung ương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và Hội đồng này đã suy cử ông làm Chánh thư ký Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN).

GHPGVNTN không được nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay thừa nhận. Các vị chức sắc đứng đầu giáo hội bị nhà cầm quyền đàn áp, sách nhiễu kể từ sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc vào tháng 4 năm 1975. 

Hòa Thượng sinh năm 1943 tại Paksé (Lào), nguyên quán tại tỉnh Quảng Bình, pháp úy Nguyên Chứng và đã từng ở tù cộng sản hai lần, tổng cộng 17 năm tù. Hoà thượng từng là giáo sư của đại học Vạn Hạnh – Sài Gòn. Năm 1984, Hoà Thượng bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam, đến năm 1988 bị tuyên án tử hình với tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân“, cùng với Hoà thượng Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát). Sau đó, do sự vận động của các tổ chức nhân quyền, bản án được giảm xuống thành chung thân.

Ngày 1/9/1998, Hoà Thượng được trả tự do từ trại Ba Sao-Nam Hà. Trước khi thả, nhà cầm quyền yêu cầu Hoà Thượng ký vào lá đơn xin ân xá. Hoà Thượng trả lời: “Không ai có quyền xét xử tôi, không ai có quyền ân xá tôi!”. Công an nói không viết đơn thì không thả, Hoà Thượng không viết và tuyệt thực. Nhà cầm quyền đã phải phóng thích ngài sau mười ngày tuyệt thực.

Được trả tự do nhưng Hoà Thượng vẫn bị quản thúc cho đến bây giờ. Hoà Thượng đã dành cả đời để tu tập và đấu tranh cho sự từ bi và công bằng cho đất nước.

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ là một học giả uyên bác về Phật Giáo. Ông còn làm thơ và viết truyện ngăn.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Human Rights Watch vào năm 1998 trao cho ông giải Hellman-Hammet.

Đạo là đời, đời là đạo. Tâm tu hành nhưng thân xác vẫn phải lăn trải vào đời để hành đạo, đây mới là con đường chân chính, tu mà không hành thì chưa phải là tu, hành mà không hiểu về giáo lý thì chỉ là tu mù. Hy vọng Hoà Thượng sẽ là tấm gương cho những vị tu sĩ, cư sĩ ngày nay hiểu được tu hành chân chính là thế nào, với một xã hội đầy nhiễu nhương, sự tu hành đầy chông chênh, gập ghềnh, dễ bị cám dỗ và lạc lối.

Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ sẽ luôn được nhớ đến, không chỉ là một lãnh đạo tôn giáo nổi bật với các công trình nghiên cứu Phật học giá trị, mà còn ở tinh thần đấu tranh bảo vệ Phật giáo tại Việt Nam.

Thay cho lời kết, xin được trích một đoạn trong ‘Thư gửi các tăng sinh Thừa Thiên-Huế’ của Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ:

“Nhẫn nhịn đời nhưng không để cho quyền lực đen tối của đời sai sử. Tùy thuận thế gian, nhưng không tự đánh chìm trong dòng xoáy ô trược của thế gian. Các con hãy tự rèn luyện cho mình một tín tâm bất hoại; một đức tính dũng mãnh vô úy; nỗ lực tự huân tập trí tuệ bằng văn, tư, tu để nhìn rõ sự tướng chân ngụy, để thấy và biết rõ mình đang ở đâu, đang đi về đâu; không nhắm mắt phóng càn theo cỗ xe lộng lẫy bên ngoài nhưng rệu rã bên trong, đang lao xuống dốc dài không định hướng…”

Một ước hẹn đã chôn vùi tang tóc
Cánh chim trời xa mãi giữa lòng sâu
Nghe một nỗi hao mòn trong thoáng chốc
Một mùa thu một vạn tiếng kêu gào
Khuya còn lạnh sương mù và gió lốc
Thở hơi dài cát bụi cuốn chiêm bao
Bên cửa sổ bên kia đồi sao mọc
Một lần đi là vĩnh viễn con tàu
Đi để nhớ những chiều pha tóc trắng
Mắt lưng chừng trông giọt máu phiêu lưu.

Kính tiễn Hòa Thượng về miền an lạc.