„“Đảng CSVN vô địch!”. Những câu nói kiểu ngạo mạn như trên, và còn nhiều câu khác không viết ra hết, lộ rõ tính tự tôn kiêu ngạo của những con người cộng sản từng vỗ ngực tự nhận xuất thân từ giai cấp bần cố nông, vô sản, ít học. Nhưng những con người có những lời nói huênh hoang, tự đắc đó lại mang mặc cảm tự ti nặng nề.“
Người Tân Định
Hồi đầu năm 2023, trong bài phát biểu tại trụ sở trung ương đảng, đảng ủy văn phòng trung ương đảng nhân lễ nhận huy hiệu 55 năm tuổi đảng, Tổng bí thư Trọng huênh hoang, kiêu ngạo nói “nếu là người hãy là người cộng sản”. Ông Trọng xem tất cả những ai, người không phải cộng sản, không phải là người.(1)
Có lần nào đó, ông Trong còn nói “Mình có thế nào người ta mới đối xử với mình như thế”.
Hay như bà Nguyễn Thị Quyết Tâm Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có câu nói “bất hủ” được nhiều báo điện tử trích dẫn:
“Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hồng phúc của dân tộc”.(2)
Có một thời, cả nước ngập đỏ các biểu ngữ dỏ chói mắt “Đảng CSVN vô địch”
Những câu nói kiểu ngạo mạn như trên, và còn nhiều câu khác không viết ra hết, lộ rõ tính tự tôn kiêu ngạo của những con người cộng sản từng vỗ ngực tự nhận xuất thân từ giai cấp bần cố nông, vô sản, ít học. Nhưng những con người có những lời nói huênh hoang, tự đắc đó lại mang mặc cảm tự ti nặng nề.
Mặc dù được coi là đối lập nhau, mặc cảm tự ti và mặc cảm tự tôn thường chồng chéo lên nhau và cùng tồn tại. Mặc cảm tự tôn có nghĩa là một người tin rằng họ vượt trội người khác hoàn toàn hay ở một số khía cạnh nhất định. Họ có thể khoe khoang về bản thân và phóng đại thành tích cũng như khả năng của mình. Mặc dù những hành động này có vẻ không phù hợp với người có mặc cảm tự ti, nhưng theo lý thuyết tâm lý học của Adler, người có những lời nói kiêu căng, hợm hĩnh hay hành động như muốn vượt trội người khác thường thực sự đang che giấu cảm giác yếu đuối, bất lực và lệ thuộc.(3)
Để xóa mặc cảm tự ty từ nguồn gốc bần cố nông, ngoài các lớp lý luận chính trị, học và làm người theo lời bác, đảng viên không những phải có trình độ học vấn, mà còn phải có các học hàm, học vị cao ngất ngưởng. Đảng viên phải có bằng, có cấp mới được thăng tiến. Các quan chức cấp thành phố trở lên, và tương đương, phải có ..tiến sĩ!(4)
Với những con người từng hãnh diện thoát thai từ giai cấp bần cố nông, việc học không phải dễ, nhưng may thay, thị trường bán bằng giả của Việt Nam, có lẽ đứng hàng đầu thế giới, cộng thêm các lò ấp tiến sĩ có năng suất nở nhanh hơn gà công nghiệp đẻ trứng, thế là ra ngõ gặp bao nhiêu cán bộ, đảng viên nhà nước là thấy bấy nhiêu tiến sĩ, giáo sư.
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng là Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành xây dựng Đảng). Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ là Giáo sư, Tiến sĩ kinh tế. Thủ Tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính có bằng Tiến sỹ Luật học, Phó Giáo sư Ngành Khoa học An ninh. Bộ trưởng công an Tô Lâm cũng là Giáo sư Khoa học An ninh, Tiến sĩ Luật học. Học kém nhất trong tứ trụ là Chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng, chỉ có cái thạc sĩ triết học, chưa thấy thêm cái học hàm nào cả.
Tất cả mấy anh trên đều qua lớp chính trị cao cấp, riêng anh Trọng còn là giáo sư triết.
Từ phó phòng trở lên mèng nhất là cử nhân còn chót vót phải là tiến sĩ, mà tiến sĩ không chưa đủ, còn phải kèm theo cái học hàm giáo sư mới được cơ.
Mặc cảm tự ti thấy rõ nhất trong các cuộc phê và tự phê khi bắt các chi bộ đảng phải họp hành thường xuyên để “làm trong sạch đảng”. Trong các cuộc phê, tự phê người tham gia vừa sợ sệt, vừa thống khoái chờ đợi lúc vặt lông nhau, cạnh tranh nhau, dối trá trở thành kẻ hoàn hảo, thi đua tìm ra lỗi người khác, muốn nổi bật, rất khó chịu khi bị chỉ trích, vạch ra sai lầm nhưng giả vờ chấp nhận lỗi.
Tính tự ti khiến họ không bao giờ nhận lỗi, nhất là trước người dân, người bất đồng chính kiến, trước đối thủ hay các tổ chức nhân quyền thế giới. Che dấu không được thì tìm cách đổ lỗi cho người khác hoặc tự nhận điểm yếu nhưng lại biện hộ do những yếu tố không thể kiểm soát. Chuyện này thấy rõ nhất trong các phiên tòa xử phe thua trận tội tham nhũng, hối lộ.
Chứng tự ti và tự tôn pha trộn, trùng lắp trong đảng khiến trong túi đảng luôn luôn có sẵn những ‘kẻ thù dân tộc, bọn phản động, phá hoại’ để sẵn sàng móc ra hù dọa dân, khiến cho dân cảm thấy muốn an toàn mà phải nghe theo đảng.
Hàng loạt bằng khen giấy khen với đủ lý do được cấp cho nhau và được xin xỏ, thậm chí đó là những là bùa xin giảm tội. Họ luôn thích hạ nhục người khác, luôn bới lông tìm vết, phiền trách người khác để khỏa lỗi của mình, ngược lại họ dễ nổi điên với những lời chỉ trích và chỉ thích mình là trung tâm của sự chú ý.
Mặc cảm tự ti, tự tôn chồng chéo thể hiện qua thái độ đối với nhóm hay cộng đồng xung quanh. Họ biểu lộ thái độ quỵ lụy với cấp trên, hống hách với kẻ dưới, với dân chúng, những người cần đến họ.
Tự ti với cấp trên, điếu đóm, gọi dạ bảo vâng, không những với sếp nơi công sở, còn với vợ con sế. Có không ít cán bộ nữ còn chấp nhận hiến thân cho sếp vui lòng.
Đối với kẻ ngang hàng thì cũng nịnh bợ để kéo bè kéo đảng, bề ngoài thì anh em thân thiết, nhưng luôn thủ sẵn dao găm đâm sau lưng.
Đối với cấp dưới thì quát nạt, làm khó dễ, đòi ăn hối lộ, hành hạ đến nơi đến chốn, không chút tình thương.
Đối với dân cũng thế, “thượng đội hạ đạp”. Với người giàu có hơn thì nịnh bợ, xun xoe để có chút lợi lộc, với kẻ dưới thì hoạnh họe, đày đọa đến nơi đến chốn.
Không có một bệnh lý cụ thể được đặt tên cho trạng thái của đảng, hay của đảng viên mang cảm giác tự ti và tự tôn kiêu ngạo cùng một lúc. Mâu thuẫn tâm lý này có căn cơ sâu xa, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hoặc mối quan hệ, khiến cho họ và gia đình sống không yên ổn nhưng lại đang cố lèo lái đất nước đến cái gọi là chủ nghĩa xã hội tù mù, không định hướng.
Người Tân Định
VNTB (25.01.2024)
Xem thêm:
(2) https://giaoduc.net.vn/hanh-phuc-cua-dan-toc-di-dau-ca-roi-post209370.gd
(3) https://adultmentalhealth.org/what-is-inferiority-complex/
(4) https://giaoduc.net.vn/can-bo-cong-chuc-co-can-hoc-vi-thac-si-tien-si-post226733.gd