„Người ở hải ngoại không lên tiếng thì ai trong nước dám lên tiếng?
Sự im lặng của tất cả sẽ trở thành thái độ đồng lõa với bóng tối.“
Trương Nhân Tuấn
Cuộc chiến “Biên giới tháng hai” đến nay đã 45 năm. Trung cộng gọi tên cuộc chiến là “hoàn kích tự vệ”, mục tiêu là “dạy cho Việt Nam một bài học”. Việt Nam gọi cuộc chiến 17 tháng 2 năm 1979 là cuộc chiến “xâm lược”: “Chiến tranh xâm lược ngày 17-2-1979 là đỉnh cao của những hành động thù địch của lãnh đạo Trung cộng”.
Câu hỏi trước tiên đặt ra: Phía Trung cộng có gọi tên đúng về cuộc chiến hay không? “Hoàn kích tự vệ” có nghĩa là “đánh trả để tự vệ”. Điều này Trung cộng muốn nói Việt Nam đánh Trung cộng trước và Trung cộng chỉ đánh trả tự vệ.
Sự thật thế nào? Việt Nam “đánh trước” Trung cộng hồi nào? Ở đâu? Lịch sử có được bạch hóa vấn đề này hay chưa?
Một tài liệu của CIA, Mỹ, được bạch hóa từ năm 2002 được nhà báo Vũ Quí Hạo Nhiên công bố năm 2009 trên báo Việt Tide. Một đoạn trong tài liệu của CIA cho rằng, Việt Nam đã chiếm đất của Trung cộng khoảng 60 cây số vuông.
Câu hỏi đặt ra là, vị trí 60 cây số vuông đất (nói là Việt Nam chiếm của Trung cộng) ở đâu? Việt Nam chiếm khi nào? Sau khi phân định lại biên giới tháng 12 năm 1999, vùng đất này thuộc về phía nào?
Ai thắng ai thua trong cuộc chiến?
Trung cộng nói mục tiêu cuộc chiến là “dạy Việt Nam một bài học”. Vậy Việt Nam có học được “bài học” nào từ phía Trung cộng?
Tôi thấy có rất nhiều tài liệu về cuộc chiến đã được các học giả quốc tế lẫn Trung cộng được công bố. Nhưng một số điểm mờ về cuộc chiến vẫn không thấy tác giả nào giải mã.
Thí dụ: Việt Nam có chiếm 60 km² đất của Trung cộng hay không? Điều này rất quan trọng, vì đây là nguyên nhân để Trung cộng mở cuộc chiến “hoàn kích tự vệ” đối với Việt Nam.
Tại sao cuộc chiến không chấm dứt hẳn, sau khi Trung cộng rút quân ngày 5 tháng 3 năm 1979? Trên trận địa (Vị Xuyên) tiếng súng vẫn nổ, máu vẫn rơi cho đến hết năm 1989?
Để đánh dấu 45 năm cuộc chiến, theo tôi truyền thông hải ngoại, VOA, RFA, BBC… nên tổ chức các cuộc hội luận để bạch hóa các vấn đề lịch sử này.
Từ tháng 12 năm 2020 Việt Nam đã ra luật về những điều liên quan đến “bí mật nhà nước của đảng”. Tất cả những vấn đề thuộc về lãnh thổ, hải phận, chủ quyền lãnh thổ, hải đảo… trở thành “bí mật cấp quốc gia của đảng”.
Ta thấy từ thời điểm đó, trong nước tuyệt đối không có một bài báo nào viết về các vấn đề này được công bố trên báo chính thức.
Người ở hải ngoại không lên tiếng thì ai trong nước dám lên tiếng?
Sự im lặng của tất cả sẽ trở thành thái độ đồng lõa với bóng tối.
Trương Nhân Tuấn /14.02.2024)