“…những người phụ nữ dấn thân đấu tranh cho lẽ phải và sự công bằng.
Mùng 8 tháng Ba, bông hoa này xin dành tặng cho những người như thế.”
Trịnh Hữu Long
Mùng 8 tháng Ba.
Không tờ báo chính thống nào nhắc đến tên họ. Không cơ quan đoàn thể nào vinh danh họ.
Không buổi lễ long trọng nào có mặt họ. Và một trong những người “quan tâm” đến họ thường xuyên nhất lại là… công an.
Họ nói những điều không mấy ai nói.
Họ làm những việc không mấy ai làm.
Họ chấp nhận những hiểm nguy không mấy ai dám chấp nhận.
Trên thực tế, họ dường như thuộc về một thế giới ít ai muốn quan tâm tới, ít ai muốn dây dưa vào, và ít ai sẵn lòng đứng bên cạnh họ.
Những người phụ nữ chúng tôi nhắc đến trong bài viết đặc biệt này đại diện cho những khát vọng thầm kín, những suy tư đẹp đẽ, và những giấc mơ cháy bỏng của cả một quốc gia. Họ đang hát hộ chúng ta bài hát tự do và ươm mầm một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Nguyễn Thuý Hạnh
Vào những ngày tháng Hai năm 2016, có một làn sóng ứng cử viên độc lập chạy đua vào Quốc hội, tạo ra một phong trào ứng cử lớn nhất ở Việt Nam sau năm 1975. Khoảng ba mươi ứng cử viên độc lập đã ghi danh và sau cùng đều bị quy trình “hiệp thương” loại ra khỏi danh sách. Nguyễn Thuý Hạnh là một trong số đó.
Khác với các ứng cử viên do Đảng cử, các ứng cử viên độc lập đều công bố chương trình hành động. Và khác với hầu hết các ứng cử viên độc lập, Nguyễn Thuý Hạnh là tiếng nói hiếm hoi đưa quyền phụ nữ vào nghị trình của mình. Cô kêu gọi thắt chặt các điều luật chống bạo hành phụ nữ, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, tạo việc làm, và thúc đẩy chính sách giáo dục và hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ.
Sinh năm 1963, Nguyễn Thuý Hạnh là một người phụ nữ có tâm hồn nghệ sĩ và đầy lãng mạn ở Hà Nội. Cô tham gia các hoạt động đấu tranh từ phong trào biểu tình phản đối Trung cộng năm 2011, khi biểu tình còn là một điều đặc biệt cấm kỵ trong suy nghĩ của không chỉ quan chức nhà nước mà còn của tuyệt đại đa số người dân bình thường.
Trải qua gần tám năm, tham gia hàng chục cuộc biểu tình, bị đánh đập và bắt bớ nhiều lần, cô chứng kiến xã hội thay đổi dần, từ chỗ phản đối, đến tôn trọng và đến ủng hộ quyền biểu tình. Khi cuộc biểu tình rầm rộ của hàng chục nghìn người trên cả nước phản đối Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng diễn ra ngày 10/6/2018, Nguyễn Thuý Hạnh có lẽ là một trong những người hạnh phúc nhất, bởi nỗ lực bình thường hóa quyền biểu tình của cô đã góp phần thay đổi một trong những điều bị cho là “nhạy cảm” nhất trong xã hội chúng ta.
Tuy nhiên, cái tên Nguyễn Thuý Hạnh được nhắc đến nhiều hơn với sáng kiến hỗ trợ tù nhân lương tâm của cô, mang tên Quỹ 50k. Ra đời đầu năm 2018 từ một hoạt động quyên góp ngắn hạn trên mạng nhằm giúp đỡ một số nhà hoạt động bị xét xử, Nguyễn Thuý Hạnh nhận được số tiền ủng hộ gấp nhiều lần so với con số kêu gọi. Ý tưởng về một quỹ hỗ trợ cho những tù nhân lương tâm gặp khó khăn xuất phát từ một sự kiện ngoài dự kiến như thế.
Phương châm của Quỹ 50k là giúp đỡ những trường hợp khó khăn ít được công chúng biết đến. Tên gọi của quỹ là nhằm khuyến khích những người dân bình thường đóng góp một số tiền nhỏ, thay vì suy nghĩ phổ biến rằng làm từ thiện thì phải đóng góp nhiều hơn 50 nghìn đồng. Số tiền này cũng đủ nhỏ để giúp những người muốn đóng góp bớt sợ bị công an sách nhiễu.
Cho đến nay, Quỹ 50k của Nguyễn Thuý Hạnh đã nhận được hàng nghìn lượt đóng góp với tổng số tiền lên tới nhiều tỷ đồng. Các khoản đóng góp đều được cô thống kê chi tiết và đăng công khai lên Facebook cá nhân.
Ý nghĩa của Quỹ 50k vượt xa những hỗ trợ vật chất thông thường cho tù nhân lương tâm. Nó đánh thức những tấm lòng, động viên những người dân bình thường quan tâm đến chính trị, giúp họ vượt qua nỗi sợ hãi vô hình bủa vây tâm trí. Quỹ 50k, vô hình trung, bình thường hoá những gì bị cho là “chính trị”, là “nhạy cảm”, mang những hoạt động đấu tranh đến với người dân với tất cả sự trong sáng và ý nghĩa đẹp đẽ của nó.
Là người yêu cái đẹp và sự lãng mạn, Nguyễn Thuý Hạnh vẽ nên một nét dài đầy tươi sáng của phong trào dân chủ Việt Nam.
Cấn Thị Thêu
Người ta thường chỉ biết đến những lãnh đạo nông dân trong sách giáo khoa lịch sử. Người ta tưởng những người như vậy chỉ nằm trong sách. Nhưng Cấn Thị Thêu là một lãnh đạo nông dân thực thụ, bằng xương bằng thịt, là một hiện thực sống động và mạnh mẽ ngay giữa lòng xã hội chúng ta.
Người phụ nữ can trường này gắn tên tuổi mình với bốn chữ “dân oan Dương Nội”. Dương Nội là một phường của quận Hà Đông, trước năm 2008 thuộc tỉnh Hà Tây, từ năm 2008 trở đi thì sáp nhập vào Hà Nội. Cấn Thị Thêu có thể sẽ không được báo chí trong và ngoài nước nhắc đến nhiều như vậy, và không có một trang riêng trên Wikipedia tiếng Anh, nếu không lấy chồng và làm dâu ở xứ này. Từ năm 2007 đến nay, cô trở thành một trong hàng nghìn dân oan mất đất, khi chính quyền cưỡng chế thu hồi đất nông nghiệp và đất mồ mả ở Dương Nội để giao cho các dự án xây dựng khu đô thị mới.
Cái “oan” của những nông dân như Cấn Thị Thêu là hoàn toàn bị gạt ra ngoài quy trình lập quy hoạch, lên phương án và kế hoạch thu hồi đất. Họ cũng không được ai hỏi ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Chính quyền cũng không tổ chức đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho những người nông dân này sau khi lấy đi nguồn sinh kế của họ. Không những vậy, đất đai mồ mả của tổ tiên họ cũng bị san ủi mà không có thông báo di dời.
Là phụ nữ tuổi Dần (1962), Cấn Thị Thêu nổi lên giữa hàng nghìn dân oan đó như một lãnh đạo có đầu óc chiến lược, có tầm nhìn ngắn hạn lẫn dài hạn, và biết phán đoán mưu mẹo của công an để tìm cách đối phó. Phẩm chất thủ lĩnh của Cấn Thị Thêu còn thể hiện ở chỗ cô biết chịu đựng và hy sinh vì người khác, luôn nhận phần thiệt về cho mình và dốc lòng bảo vệ người của mình. Cô biết nhẫn nhịn và bỏ qua những tiểu tiết không quan trọng để đạt được mục đích dài hạn cho cả phong trào nông dân này. Cần nhớ rằng, 12 năm đã trôi qua kể từ khi người dân ở đây bị mất đất. Không đơn giản để giữ được cho vụ việc Dương Nội này luôn nóng hổi cho đến tận ngày nay.
Cái giá Cấn Thị Thuê phải trả cũng không hề nhỏ chút nào. Cô phải ngồi tù hai lần (2014 – 2015 và 2016 – 2018) với thời gian tổng cộng hai năm 11 tháng, về các tội chống người thi hành công vụ và gây rối trật tự công cộng.
Từ nhà tù ở Tây Nguyên, cô viết thư về cho những người dân của mình trước Tết năm 2017: “Quyết đấu tranh đến cùng để đòi lại đất đai, quyền sống, quyền con người mà chế độ cộng sản đã cướp đoạt của gia đình tôi và những người cùng cảnh ngộ”.
Bạn đọc không sai. Người nông dân thuần Bắc Bộ Cấn Thị Thêu không ngại gọi tên “con voi ở trong phòng”, thủ phạm trực tiếp của những oan ức mà cô và những người nông dân như cô đang phải gánh chịu.
Cấn Thị Thêu đại diện cho một trong những nỗi oan ức lớn nhất mà người Việt Nam có thể gặp phải, khi trở thành nạn nhân của chính sách đất đai mang tính cướp bóc mà đảng Cộng sản Việt Nam đã liên tục thi hành từ hàng thập kỷ qua. Cô cũng là đại diện sống động cho những ai đang đấu tranh đòi xóa bỏ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, đòi xác lập quyền sở hữu tư nhân chính đáng của mỗi người dân đối với đất đai của mình. Cuộc xoay vần nào của đất nước Việt Nam từ xưa đến nay cũng đều gắn bó mật thiết với đất đai. Cấn Thị Thêu đang ném mình vào tuyến đầu của một cuộc xoay vần kế tiếp.
Phạm Đoan Trang
Nếu ai đó nghĩ rằng không thể làm báo đúng nghĩa trong môi trường báo chí chính thống thì Phạm Đoan Trang chứng minh điều ngược lại. Cô có 12 năm làm một nhà báo đúng nghĩa ở VnExpress, VietNamNet và Pháp luật TP. Hồ Chí Minh với những loạt bài phê phán và tư liệu xuất sắc.
Nếu ai đó nghĩ rằng nhà báo và trí thức ở Việt Nam có những giới hạn chính trị không thể vượt qua thì Phạm Đoan Trang chứng minh điều ngược lại. Cô luôn dấn mình vào những cuộc khai phá bất tận ở những đề tài nhạy cảm nhất, rủi ro cao nhất, và bị cấm đoán gắt gao nhất. Cô cũng không giới hạn mình trong khuôn khổ những tờ báo chính thống mà tận dụng tất cả những công cụ có thể để viết và xuất bản. Báo độc lập, báo nước ngoài, blog, mạng xã hội, sách in “chui”, v.v. đều là những thứ Đoan Trang sử dụng nhuần nhuyễn để mang thông tin đến cho độc giả của mình. Với Đoan Trang, khái niệm “đụng trần” là hoàn toàn xa lạ. Cô luôn là người đi cơi nới những cái trần giới hạn đó để những thứ khác trở thành bình thường.
Nếu ai đó nghĩ rằng họ không thể vượt qua được những khó khăn về cả vật chất, thể chất lẫn tinh thần thì Đoan Trang chứng minh điều ngược lại. Người phụ nữ nhỏ bé, yếu đuối và thương tật đầy mình này đã phải chịu đựng hàng loạt cuộc hành hung của công an, lang bạt đến 35 nơi ở khác nhau trên khắp đất nước trong 20 tháng qua để tránh bị công an truy lùng và để tiếp tục làm việc. Cô sống tằn tiện chẳng kém gì sinh viên tỉnh lẻ ra thành phố trọ học những năm 1990. Và rồi người ta vẫn thấy cô viết khoẻ, viết đều và liên tục ra sách mới. “Chính trị bình dân”, “Phản kháng phi bạo lực”, “Học chính sách công qua chuyện đặc khu” là một vài trong số hàng chục đầu sách và báo cáo mà cô chắp bút trong vài năm qua.
Sinh năm 1978, Đoan Trang thuộc về thế hệ hậu chiến và lớn lên khi đất nước và thế giới liên tục đổi thay đến chóng mặt. Không hài lòng với thực tại ngổn ngang của đất nước, những người như Đoan Trang luôn thấy vai trò của mình trong việc góp phần xử lý đống ngổn ngang đó. Cô luôn thấy việc để làm. Và cô làm không ngơi nghỉ.
Đoan Trang có một lời thề mà sống chết cô cũng phải giữ: không bao giờ rời Việt Nam, dù chỉ một ngày, chừng nào Việt Nam chưa có dân chủ.
Con người Đoan Trang quyết liệt, không thỏa hiệp với cái ác và cái hèn, nhưng cũng đầy lãng mạn và luôn đi tìm cái đẹp trong những giai điệu guitar. Nguồn cảm hứng mà cô tạo ra thúc giục con người ta đứng lên, thúc giục con người ta dấn bước, và thúc giục con người ta đi tìm vẻ đẹp của chính trị. Bằng trí tuệ và bản lĩnh của mình, cô đại diện cho khát vọng về một nước Việt Nam dân chủ, thắp sáng niềm hy vọng trong sâu thẳm tối tăm tuyệt vọng của bao người, và tự mình hiện thực hoá niềm hy vọng đó.
Đoan Trang không nói suông. Cô làm mọi thứ cô nói và truyền cho người ta cảm hứng về những điều có thể. Bởi đơn giản, cuộc đời của người phụ nữ này là câu chuyện của những điều có thể.
Ba người phụ nữ trong bài viết này là hiện thân của những điều có thể. Họ không những phải vượt qua những định kiến chính trị vốn đã cực kỳ gay gắt, mà còn phải vượt qua những định kiến về giới vốn luôn đè nặng lên mỗi bước chân họ đi. Ý nghĩa của ngày mùng 8 tháng Ba chưa bao giờ nằm ở hoa và quà. Nó nằm ở những người phụ nữ dấn thân đấu tranh cho lẽ phải và sự công bằng.
Mùng 8 tháng Ba, bông hoa này xin dành tặng cho những người như thế.
Nguồn: Luatkhoa.org