VN tiếp tục bị cáo buộc đàn áp tự do tôn giáo và các nhóm xã hội dân sự độc lập

Hai tổ chức VCHR và LHQ, vào ngày 18/09/19 tố cáo với LHQ về tình trạng Việt Nam đàn áp nhân quyền và tự do tôn giáo có hệ thống. Courtesy of VCHR

Hai tổ chức Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) và Hành động Chung Cho Nhân quyền (AEDH) lên tiếng tố cáo với Liên Hiệp Quốc (LHQ) về tình trạng Việt Nam đàn áp nhân quyền và tự do tôn giáo có hệ thống, cũng như từ chối mọi cuộc đối thoại với các tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài nước.

Tại khóa họp lần thứ 42 của Hội đồng Nhân quyền LHQ, diễn ra vào ngày 18 tháng 9 ở Geneve, Thụy Sỹ, đại diện cho hai tổ chức vừa nêu, Chủ tịch của VCHR, ông Võ Văn Ái trình bày trước Hội đồng Nhân quyền LHQ về vấn đề liên quan Luật Tôn giáo, tín ngưỡng mới của Việt Nam có hiệu lực từ đầu năm 2018. Ông Ái nhận định luật mới hoàn toàn đi ngược lại luật pháp nhân quyền quốc tế, và được Hà Nội sử dụng làm nền tảng pháp lý nhằm mở rộng đàn áp đối các tôn giáo độc lập tại Việt Nam, bao gồm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Tin lành Tại gia, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài và Phật giáo Khmer Krom.

Ông Võ Văn Ái cũng đề cập đến tình trạng Hà Nội ngày càng đàn áp trầm trọng hơn dưới mọi hình thức phát biểu tự do tại Việt Nam, kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII năm 2016. Số lượng tù nhân chính trị, tôn giáo ở Việt Nam được ghi nhận đã lên tới 130 người và còn tiếp tục gia tăng.

Chủ tịch của VCHR còn nhấn mạnh đến vấn đề được cho là khá trầm trọng là Việt Nam khước từ mọi cuộc đối thoại về lãnh vực nhân quyền và tự do tôn giáo, hay với các xã hội dân sự quốc tế, hoặc với các quốc gia thành viên LHQ qua dẫn chứng tại cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát UPR Việt Nam hồi tháng 7 vừa qua. Việt Nam đã bác bỏ những phê phán và khuyến cáo thích đáng của số đông các quốc gia thành viên LHQ, đồng thời còn kết án các tổ chức phi chính phủ là “thiên kiến và vô trách nhiệm”.

Ủy ban Bảo vệ Ký giả- CPJ, trụ sở tại Hoa Kỳ, trong tháng 9 này cũng có đánh giá Việt Nam là một trong 10 quốc gia kiểm duyệt tự do ngôn luận tệ hại nhất trên thế giới.

RFA (19.09.2019)

Liên Hiệp Quốc: Việt Nam đàn áp, trả thù những nhà hoạt động nhân quyền

Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại trụ sở của Liên Hợp Quốc ở Geneva vào ngày 5 tháng 11 năm 2018.AFP

Một báo cáo mới của Tổng thư Ký Liên Hiệp Quốc nhận định chính phủ Việt Nam đang tiến hành các hoạt động trả thù qua đàn áp, đe dọa đối với các nhà hoạt động nhân quyền, và gia đình họ, tìm cách ngăn chặn họ tiếp xúc với Liên Hiệp Quốc.

Thông cáo báo chí của Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết như vậy hôm 19/9. Thông cáo cho biết báo cáo này sẽ được trình bày tại Hội đồng Nhân quyền ở Geneva, Thụy Sĩ vào cùng ngày.

Báo cáo nhận định tình trạng trả thù các nạn nhân, các thành viên của xã hội dân sự đang tăng lên ở nhiều quốc gia, phản ánh qua số các trường hợp được báo cáo tăng lên trên toàn cầu. Báo cáo dựa trên thống kê ở gần 50 nước.

Trong phần phụ lục Việt Nam của báo cáo, Liên Hiệp Quốc đã nói đến từng trường hợp cụ thể ở Việt Nam từ năm 2018 đến nay. Cụ thể, trường hợp của 5 người Thượng ở Tây Nguyên đã bị tra tấn, thẩm vấn vì các hoạt động tôn giáo và sử dụng mạng xã hội, bị cấm không được báo cáo với các tổ chức nhân quyền quốc tế. Chính phủ Việt Nam nói rằng những người Thượng này đã tuyên truyền thông tin bịa đặt về chính sách của Nhà nước, nói xấu chính phủ.

Báo cáo cũng đề cập đến trường hợp của bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ của tù nhân lương tâm Trương Minh Đức. Bà thanh đã bị trả thù vì tham gia vào phiên Kiểm điểm định kỳ phổ quát về Việt Nam ở Geneva hôm 21/9 năm nay. Bà đã bị an ninh giam giữ và thẩm vấn ở sân bay thành phố Hồ Chí Minh sau khi trở về nước và bị cấm xuất cảnh sau đó vì lý do an ninh quốc gia.

Bà Bùi Thị Kim Phượng, vợ tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển, theo báo cáo, cũng bị chính quyền cấm xuất cảnh sang Geneva để trình bày về tình trạng của chồng mình.

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc của đề cập đến trường hợp của ông Nguyễn Văn Ân thuộc giáo xứ Kẻ Gai. Ông Ân bị truy nã vì đã tường trình một vụ bao lực xảy ra vào tháng 12 năm 2017 có liên quan đến Hội Cờ Đỏ, và báo cáo lên Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo và tín ngưỡng vào tháng 2/2018.

Liên Hiệp Quốc nhận định việc chính phủ nhiều quốc gia sử dụng lý do an ninh quốc gia và chống khủng bố để ngăn cản những nhà hoạt động tiếp xúc với Liên Hiệp Quốc.

Trợ lý của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền Andrew Gilmour cho biết một số các trường hợp bị chính quyền đe dọa, sách nhiễu sẽ được trình bày tại phiên hỏi đáp với các quốc gia thành viên vào ngày 19/9.

Ông Gilmour được thông cáo trích lời nói rằng “các quốc gia thành viên cần phải chịu trách nhiệm về cacsc hành động của mình và phải có đền bù khi có hành động trả thù xảy ra”.

RFA (20.09.2019)

Freedom Now kiến nghị LHQ về việc blogger Phan Kim Khánh bị giam giữ

Phan Kim Khánh, 26 tuổi, bị bắt vào tháng 3 năm 2017 liên quan tới việc anh điều hành hai trang blog chỉ trích chính phủ có tên “Báo Tham Nhũng” và “Tuần Việt Nam.”

Tổ chức nhân quyền Freedom Now và một công ty luật ở Anh đã đệ trình một kiến nghị lên Nhóm Công tác của Liên Hiệp Quốc về Giam giữ Tùy tiện thay mặt cho blogger Phan Kim Khánh, người đã bị tuyên án sáu năm tù giam vào năm 2017 về cáo buộc tuyên truyền chống phá nhà nước.

Trong một thông cáo báo chí, Freedom Now và công ty luật Dechert LLP lập luận rằng việc Việt Nam tiếp tục giam cầm anh Khánh, một nhà báo công dân, “vi phạm những nghĩa vụ của chính phủ” theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị và Tuyên Ngôn Phổ quát về Nhân quyền.

Freedom Nom lưu ý rằng trong những năm qua Việt Nam đã tăng cường trấn áp quan điểm bất đồng chính kiến trên mạng và việc giam cầm anh Khánh cho thấy rõ “sự suy thoái đáng lo ngại” các quyền tự do internet.

“Việc chính phủ tiếp tục gviam giữ Khánh vi phạm những nhân quyền căn bản của anh ấy bao gồm quyền tự do biểu đạt,” Chuyên viên Chương trình Freedom Now Karl Horberg nói trong thông cáo.

“Freedom Now kêu gọi chính phủ Việt Nam phóng thích Khánh ngay lập tức và vô điều kiện; chúng tôi tin tưởng rằng Nhóm Công tác của Liên Hiệp Quốc về Giam giữ Tùy tiện sẽ đi đến cùng một kết luận.”

Anh Khánh, 26 tuổi, bị bắt vào tháng 3 năm 2017 đang là sinh viên năm cuối khoa quốc tế tại Đại học Thái Nguyên với cáo buộc tuyên truyền chống phá nhà nước liên quan tới việc anh điều hành hai trang blog chỉ trích chính phủ có tên “Báo Tham Nhũng” và “Tuần Việt Nam.”

Tòa án tỉnh Thái Nguyên vào tháng 10 năm 2017 tuyên phạt anh sáu năm tù giam và bốn năm quản chế, theo điều 88 của Bộ Luật Hình sự.

Trong một email gửi cho VOA, ông Horberg giải thích tổ chức của ông cảm thấy cần thiết phải đưa trường hợp của anh Khánh ra trước một cơ quan quốc tế để “chính phủ Việt Nam thấy rằng cộng đồng quốc tế đang theo dõi sát tình trạng của anh.”

“Chúng tôi sẽ tiếp xúc với chính phủ Việt Nam về vụ việc cũng như các chính phủ phương Tây, chủ yếu là Mỹ và Liên minh châu Âu,” ông Horberg nói thêm. “Chúng tôi sẽ tìm kiếm những người ủng hộ mạnh mẽ cho anh Phan và cho nhiều tù nhân chính trị Việt Nam đang phải chịu án tù dài hạn do thực hiện quyền tự do biểu đạt của họ.”

Ông nói họ trông đợi sẽ có một phản hồi của Liên Hiệp Quốc, nói thêm rằng Liên Hiệp Quốc đầu tiên sẽ cho phép Việt Nam phản hồi về kiến nghị trước khi cơ quan này đưa ra quyết định.

“Quyết định có phần chắc sẽ được đưa ra vào năm sau,” ông nói.

Freedom Now cho biết anh Khánh đã làm đơn kháng án vài ngày sau khi anh bị kết tội nhưng các quan chức trại giam không chịu gửi đi. Vào tháng 2 năm nay, anh viết đơn khiếu nại về việc đơn kháng án của anh không được gửi đi về kể từ đó đã bị quan chức trại giam ngược đãi, theo tổ chức nhân quyền này.

VOA (19.09.2019)

Đại diện Hội Đồng Liên tôn Việt Nam gặp USCIRF

Đại diện Hội đồng Liên Tôn Việt Nam vào sáng ngày 18.9.2019 có cuộc gặp với Đoàn Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) tại Chùa Giác Hoa, Sài Gòn. Courtesy FB Linh mục Paul Lộc

Đại diện Hội đồng Liên Tôn Việt Nam vào sáng ngày 18.9.2019 có cuộc gặp với Đoàn Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF)  tại Chùa Giác Hoa, Sài Gòn.

Một thành viên Hội Đồng Liên Tôn là Chánh Trị Sự Đạo Cao Đài, Ông Hứa Phi, vào chiều ngày 18 tháng 9 cho Đài Á Châu Tự Do biết:

“Hôm nay Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam có họp với Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Hoa Kỳ tại Chùa Giác Hoa Sài Gòn, có tất cả đồng Chủ tịch của 5 tôi giáo. Chúng tôi đã nêu một số ý kiến về vấn đền tự do tôn giáo tại Việt Nam, chúng tôi cũng nêu lên vấn đề nhân quyền tại Việt Nam và yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ các nước tự do can thiệp để nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải thả các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, ngoài ra phải bảo vệ biển đảo không cho Trung Cộng chiếm đóng.”

Linh mục Paul Lộc, một thành viên tham dự khác, sau cuộc gặp nêu rõ trên trang Facebook cá nhân, những điều mà ông trình bày với USCIRF. Đó là tự do tôn giáo cho các tù nhân, cho phép các linh mục được thăm gặp và làm mục vụ cho các tù nhân; thực trạng chính phủ can thiệp quá sâu vào việc bổ nhiệm các chức sắc; đặc biệt đối với Công giáo; biện pháp hạn chế, sách nhiễu việc đi lại của các linh mục dấn thân cho công lý-hòa bình; các tôn giáo vẫn chưa chính thức được tự do tham gia vào lãnh vực y tế, giáo dục; tài sản giáo hội bị nhà nước chiếm dụng, sử dụng không đúng mục đích.

Những đề nghị đối với Hoa Kỳ thông qua USCIRF của Hội đồng Liên Tôn Việt Nam được cho biết gồm thường xuyên theo dõi tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam; việc viện trợ, giúp đỡ cho một chế độ bị cho là bất chính- bất công cần được cân nhắc cẩn thận nếu không sẽ trở thành tiếp sức cho độc tài, tàn ác; chính phủ Hoa Kỳ cần đặt điều kiện về nhân quyền khi bang giao với Việt Nam dù trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, thương mại, quân sự… và cần đưa ra biện pháp chế tài khi nhà nước Việt Nam có những vi phạm về nhân quyền bị cho là liên tục và nghiêm trọng.

Hội đồng Liên tôn Việt Nam cũng đề nghị Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt vì vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo CPC; Hoa Kỳ cần áp dụng Đạo Luật Nhân quyền Toàn cầu Mgnitsky và dự luật Nhân quyền cho Việt Nam; Hoa Kỳ cần đòi hỏi chính phủ Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho các tù nhân lương tâm; bại bỏ và sửa đổi Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Tố Tụng Hình sự, Luật An Ninh Mạng và Luật Tín Ngưỡng- Tôn giáo cho phù hợp với các công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị; sửa đổi luật lao động để các công đoàn độc lập được thành lập và hoạt động.

Vào ngày 21 tháng 6 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho công bố phúc trình hàng năm về tình trạng tự do tôn giáo toàn cầu năm 2018. Trong phần Việt Nam, bản phúc trình cho rằng luật pháp Việt Nam có quy định chính phủ được kiểm soát phần lớn các hoạt động tôn giáo với các điều khoản mơ hồ hạn chế quyền tự do tôn giáo vì lý do an ninh quốc gia và đoàn kết xã hội.

Bên cạnh đó, Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo năm 2016, có hiệu lực vào tháng 1 năm 2018 cũng quy định quyền của các tổ chức tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân. Trong khi đó lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt từ các nhóm tôn giáo không được công nhận hoặc không được cấp giấy chứng nhận đăng ký, báo cáo cho biết họ bị sách nhiễu, tấn công, bắt giữ, truy tố, giám sát, hạn chế đi lại và tịch thu tài sản.

RFA (18.09.2019)