Repsol - cá rồng đỏ

Theo tin công khai trên báo chí nước ngoài (tham khảo *), đặc biệt là bảng tin tiếng Việt của nhóm South China Sea News, thì Tập  đoàn  dầu  khí  Repsol  của  Tây  Ban Nha đã ký kết một thoả thuận với PetroVietnam nhằm chuyển nhượng lợi ích trong 3 lô dầu khí nằm trong vùng biển Việt Nam, do sức ép suốt thời gian qua từ phía Trung cộng. Một trong ba lô đó có Cá Rồng Đỏ (tham khảo **).

Cụ  thể, 51,75% cổ phần của  Repsol tại lô 07/03 PSC và 40% cổ phần tại lô 135-136/03 PSC sẽ được chuyển giao cho PetroVietnam. Bằng cách này, Repsol sẽ có thể cởi bỏ được xung đột với PetroVietnam về tình trạng của các lô dầu khí trên, và giảm sự hiện diện của mình ở Việt Nam, một quốc gia được Repsol cho là có độ rủi ro cao do các xung đột về lãnh thổ ở Biển Đông. Thái độ này đến từ chuyện liên tiếp trong hai năm 2017 và 2018, PetroVietnam đã yêu cầu Repsol ngừng tiến hành các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại các lô trên do sức ép từ phía Trung cộng.

Và không chỉ chuyện Repsol. Tàu khoan Noble Clyde Boudreaux được Rosnef Việt Nam thuê để tiến hành khoan thẩm lượng ở mỏ Phong Lan Dại tại lô 06.1, tức cùng vị trí mà năm ngoái giàn khoan Hakuryu-5 đã khoan thăm dò trong áp lực của tàu hải cảnh, tàu Hải Dương Địa Chất 8 và máy bay ném bom của Trung cộng quần thảo hầm hè ăn tươi nuốt sống.

Theo kế hoạch, chiến dịch khoan được dự định vào đầu tháng 6, nhưng rồi tàu khoan Noble Clyde Boudreaux đã phải neo đậu ở Vũng Tàu cho tới nay, vì còn phải chờ quyết định từ lãnh đạo Việt Nam trước sức ép từ Trung cộng, theo thông tin mà nhiều nhà nghiên cứu nhận được.

Nhóm South China Sea News còn tiết lộ một chi tiết, rằng giới học giả Trung cộng đã biết thông tin về kế hoạch khoan ở phía Việt Nam trước khi cộng đồng người Việt nói chung biết, và họ đã theo dõi chặt chẽ sự chuyển động của tàu khoan Noble Clyde Boudreaux kể từ khi nó di chuyển từ Myanmar đến neo đậu ở Vũng Tàu. Và có lẽ như để củng cố áp lực, hôm 10/6 rồi, Trung cộng đã cho triển khai tàu Hải Dương Địa Chất 4 hiện diện tại đây.

Hải Dương 4 (Hai Yang Shi Hao hoặc Hai Yang Di Zhi 4 Hao) là tàu khảo sát hải dương của nhà nước Trung cộng, kích thước 104 x 14m, tải trọng 2086 tấn, có thể hoạt động trên biển liên tục đến 60 ngày. Tàu xuất phát từ Quảng Châu ngày 10/6. Ngày 13/6, tàu hiện diện ở phía đông Đá Chữ Thập.

Từ ngày 13 đến 18/6, Hải Dương 4 đã tiến sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực phía tây đến tây nam đá Chữ Thập, cách đảo Phú Quý từ 120 đến 220 hải lý. Tàu thường duy trì tốc độ thấp (thường từ 1,5 hải lý/giờ trở xuống) ngoại trừ một số thời điểm thay đổi khu vực hoạt động, tàu di chuyển với tốc độ cao (khoảng 15 hải lý/giờ).

Ghi nhận của nhóm thực hiện Dự án Đại Sự Ký Biển Đông, thì từ 23h35 ngày 18/6 họ đã không bắt được tín hiệu AIS của tàu. Đến 18h46 ngày 19/6, Hải Dương 4 đã có tín hiệu trở lại khi đang di chuyển theo hướng xa vùng biển Việt Nam, cách xa vị trí trước đó 13 tiếng khoảng 62 hải lý, cách đảo Phú Quý khoảng hơn 200 hải lý, với tốc độ từ 0,7 đến 2,5 hải lý/ giờ. Đến 19h37’, tàu cách Phú Quý 202 hải lý, cách Đá Chữ Thập 45 hải lý.

Sự di chuyển ra xa hơn vùng biển Việt Nam của tàu Hải Dương 4 tối ngày 19/6 cũng trùng hợp với một số nguồn đăng tin trong cùng ngày cho biết kế hoạch khoan thẩm lượng  tại  mỏ Phong Lan Dại đã chính thức bị đình lại, giàn khoan Noble Clyde Boudreaux, neo đậu ở Vũng Tàu từ ngày 30/4 tới nay, đã được trả lại cho chủ giàn.

Cái đáng ngại cho toàn bộ nội dung kể tóm tắt ở trên, là các sự việc diễn ra ở thời gian Quốc hội của Việt Nam họp phiên toàn thể, và người ta không thấy báo chí tường thuật rằng nội dung liên quan đến chủ quyền lãnh hải có được bàn luận hay không? Cộng đồng mạng xã hội gần như cũng nín lặng những phản ứng.

Có lẽ một lần nữa người dân tin mọi chuyện đã có Đảng và Nhà nước lo toan cả rồi.

Tuy nhiên rất có thể những dự đoán ít nhiều bi quan đó chỉ là bề mặt.

Theo một nhận định của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ hôm 23/6, thì PetroVietnam sẽ không có đủ nguồn lực để tự mình phát triển các lô dầu khí mà Repsol vừa trả lại, và sẽ phải tìm các đối tác nước ngoài để cùng hợp tác và khai thác.

Bên cạnh đó, với động thái Hà Nội lần đầu tiên gửi công hàm phản đối Bắc Kinh tại Liên Hợp Quốc hồi cuối tháng 3 vừa qua để phản bác các lập luận của Trung cộng về vấn đề Biển Đông, cho thấy nhiều khả năng Việt Nam đang chuẩn bị kiện Trung cộng về Biển Đông, và sẽ càng quyết tâm làm việc này sau động thái rút lui của Repsol.

Xuân Minh

Theo VNTB, 25.06.2020

______________

Chú thích:

(*) https://www.archyde.com/repsol-transferred-to-three-exploratory-blocks-in-vietnam-to-the-pressures-of-china/

(**) https://www.voatiengviet.com/a/repsol-ca-rong-do-tu-chinh-ca-voi-xanh/5077433.html;

https://www.voatiengviet.com/a/mark-esper-ca-rong-do-ca-voi-xanh/5130104.html