Sài Gòn Nhỏ

 

Huy chương vàng hình Alfred Nobel

Mỗi năm khi giải Nobel được trao, những người đoạt giải thường được nhận một huy chương và giải thưởng tiền tệ. Dù không có “vòng Nguyệt Quế” làm phần thưởng, người đoạt giải Nobel vẫn mang biểu tượng của người anh hùng chiến thắng đầy vinh quang.

Tiếng Anh “Lauretate” có nghĩa là “người đoạt giải”, lấy thẳng từ chữ Latin “Laureatus”, có nguồn gốc và lai lịch từ những người anh hùng Hy Lạp, đạt chiến thắng vinh quang, được đội lên đầu chiếc vương miện bằng lá Nguyệt Quế.

Nguyệt Quế Hy Lạp là một loại cây có bụi lớn, lá xanh mướt và thơm, thường thấy ở vùng ven Địa Trung Hải. Lá Nguyệt Quế dài và rộng có khía răng cưa, mọc thành từng cặp. “Laurus” là tên gọi cây Nguyệt Quế của người La Mã nhưng thật ra nó có nguồn gốc từ Hy Lạp. Người Hy Lạp gọi là cây “Daphne” – cây hoa Thụy Hương – để tưởng nhớ một vị nữ thần trinh trắng, xinh đẹp trong thần thoại. 

 

 

Tượng thần Apollo và thần Daphne

Huyền thoại về mối tình buồn thảm của Apollo – thần ánh sáng và Daphne – nàng tiên nữ nguyện giữ trọn đời sự ngây thơ, trinh trắng. Apollo bị trừng phạt bởi Cupid (thần ái tình) vì đã nhạo báng vị thần trẻ con này. Cupid đã bắn mũi tên “tình yêu” vào tim khiến Apollo say mê Daphne, nhưng lại bắn mũi tên “sợ hãi tình yêu” vào tim của Daphne khiến nàng không biết xúc động và thèm muốn ái ân. Apollo gặp gỡ Daphne rồi yêu mê say đắm muốn tỏ tình nên cố đeo bám theo đuổi. Nhưng nàng Daphne luôn sợ hãi, trốn chạy và sau cùng phải cầu cứu cha là vị thần sông. Người cha đã biến cô con gái thành cây Nguyệt Quế xanh mướt. Mặc dù không còn mang hình dáng của một tiên nữ xinh đẹp, Apollo vẫn mãi mãi yêu Daphne và cây Nguyệt Quế trở thành một bảo vật được tôn thờ, trân quý của Apollo, vị thần bảo trợ của âm nhạc, thơ văn, nghệ thuật, kiến thức và chân lý. Apollo kết lá Nguyệt Quế thành chiếc vương miện đội lên đầu để tưởng nhớ mãi mối tình không thành với nàng Daphne.

Hai năm một lần, người Hy Lạp thường tổ chức những trận thi đấu Pythian Games tại Delphi sau Olympic Games. Không giống Olympic, Pythian là những cuộc tranh tài về ca hát, thơ văn, ca múa và sau này mới có thể dục thể thao. Thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên, vào thời kỳ đầu phục hưng, để tỏ lòng tôn kính Apollo, người ta đã dùng vòng Nguyệt Quế làm biểu tượng để vinh danh, truy tặng những nhà thơ, nhà văn đoạt giải.

Trong khi tổ chức những cuộc tranh tài thường có những xung đột đầy bạo lực. Có thể đây là lý do người La Mã dùng vòng Nguyệt Quế, mang ý nghĩa tượng trưng cho hòa bình cũng như tuyên dương những người thắng cuộc khi chấm dứt cuộc tranh tài.

 

Vòng nguyệt quế

Truyền thống dùng từ “laureate” giành cho giải Nobel được mô tả lần đầu tiên trong tự điển Oxford vào năm 1947, trong khi giải Nobel đầu tiên được công bố vào năm 1901. Mặc dù “Laureate” chỉ được dùng sau này, nhưng tự điển có thêm một từ mới bao hàm ý nghĩa sâu sắc cho một tiêu đề trong một giải thưởng có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới. 

Là một biểu tượng từ thời cổ Hy Lạp, vòng Nguyệt Quế thật thích hợp để trao tặng và vinh danh những người anh hùng, tài giỏi đã đạt những thành quả xuất sắc về y học, vật lý, hóa học, văn học, kinh tế nhưng đối với những người đoạt giải Nobel Hòa bình năm nay, 2022, thì không được trọn vẹn vì họ đã và đang hy sinh đấu tranh không ngừng nghỉ mà chưa đạt được ước nguyện trên chính quê hương yêu dấu của họ. Có người còn đang bị cầm tù, có người đã bị giết chết, hãm hại,…! Họ chiến đấu với một hy vọng thật mong manh cho một nền hòa bình thật sự.