Tù nhân chính trị Nguyễn Ngọc Ánh tuyệt thực vì bị “khủng bố” trong trại giam Xuân Lộc

Kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh (giữa) tại phiên tòa ở Bến Tre hôm 6/6/2019  AFP

Ông Nguyễn Ngọc Ánh, người đang thụ án sáu năm tù giam với tội danh “Phát tán tài liệu nhằm chống Nhà nước” thông báo với gia đình, ông đang tuyệt thực trong trại giam Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai để yêu cầu cải thiện điều kiện giam giữ.

Bà Nguyễn Thị Châu, vợ ông Ánh, cho biết bà nhận được cuộc điện thoại từ chồng mình báo tin hôm 18/10.

Trước đó, vào ngày 10/10, bà Tuyết thăm gặp ông Ánh và được ông kể là đã viết đơn xin chuyển phòng nhiều tháng trước nhưng không được phía trại giam chấp nhận.

Đây không phải là lần đầu tiên ông xin chuyển phòng giam vì trước đó dù được chuyển phòng nhưng điều kiện giam giữ vẫn không được cải thiện.

Trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do, bà Nguyễn Thị Châu kể lại:

Chiều hôm qua thấy điện thoại reo, tôi bắt máy lên anh nói luôn nhờ tôi cầu xin cộng đồng mạng với các đài báo lên tiếng bảo vệ sức khỏe và tính mạng.

Anh đã tuyệt thực ngày 17/10 tới khi nào trại giam chấp nhận lời yêu cầu mới ngưng tuyệt thực.

Anh nói lý do là bên trại giam hứa đổi phòng cho anh nhưng không thực hiện, phòng quá chật hẹp, ẩm ướt, ban đêm lại tắt điện làm bệnh càng ngày càng nặng.”

Bà Châu cho biết, người ở cùng ông Ánh cũng mang án chính trị. Buổi tối ông này có hiện tượng mộng du đá ông Ánh, khạc nhổ và dùng ca múc nước gõ suốt đêm khiến sức khỏe của ông Ánh suy yếu trầm trọng.

Buồng giam hiện tại của ông Ánh có diện tích bốn mét vuông, buổi tối trại giam cúp cầu dao, không cho quạt máy, phòng ẩm ướt cộng với việc thông gió kém làm trầm trọng hơn chứng bệnh viêm xoang của ông Ánh.

Tù nhân lương tâm này làm đơn xin chuyển buồng giam từ 2-3 tháng nay nhưng chưa được trại giam chấp thuận.

Bà Châu cũng được chồng mình cho biết, mặc dù trại giam còn một dãy phòng mới xây, rộng và sạch sẽ hơn nhưng lại để trống, thay vào đó phía trại giam sử dụng dãy phòng giam cũ chật hẹp, ẩm ướt ngay sườn núi để giam các tù nhân.

Phóng viên của Đài Á châu Tự do gọi vào số điện thoại công khai của Trại giam Xuân Lộc để xác minh thông tin, nhưng không ai bắt máy.

Hồi năm 2019, kỹ sư thủy sản Nguyễn Ngọc Ánh (42 tuổi), một người hoạt động vì môi trường, bị Tòa án tỉnh Bến Tre kết án sáu năm tù giam và năm năm quản chế vì “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền, thông tin tài liệu nhằm chống Nhà nước” theo Điều 117, Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, theo Human Rights Watch, các bài viết của ông Nguyễn Ngọc Ánh phản ánh vấn đề môi trường biển do Formosa gây nên, tình trạng thiếu tự do trong bầu cử, hay các quan ngại về điều kiện sống của các tù nhân chính trị.

RFA  (19.10.2022)

 

 

 

Việt Nam không có tự do trên mạng “do việc bắt giam các nhà hoạt động trên mạng xã hội”

Các bạn trẻ dùng laptop và điện thoại di động truy cập internet tại một quán cà phê ở Hà Nội.  AP | Minh họa

Hôm 18/10, Freedom House đã tổ chức hội thảo trực tuyến với tiêu đề “Freedom on the Net 2022” (Tự do trên mạng 2022), thu hút sự tham gia của các diễn giả đến từ Bộ Ngoại giao Đan Mạch và các tổ chức như Paradigm Initiative và Google.

Tự do Internet toàn cầu suy giảm

Tại hội thảo, báo cáo của Freedom House đưa ra nhiều số liệu không mấy sáng sủa về tự do mạng internet toàn cầu.

Cụ thể, theo Freedom House, tự do mạng toàn cầu tiếp tục suy giảm năm thứ 12 liên tiếp. Một trong những nguyên do mà Freedom House đưa ra là nhiều chính phủ độc tài đang phá vỡ cấu trúc mạng internet toàn cầu để tạo ra các không gian trực tuyến dễ kiểm soát hơn.

Góp ý tại Hội thảo, bà Allie Funk, Giám đốc Nghiên cứu về Công nghệ và Dân chủ của Freedom House và một trong ba nhà nghiên cứu đã thực hiện bản báo cáo, đưa ra nhận xét về các diễn biến nhân quyền trên mạng trong năm 2022:

“Chúng tôi nhận thấy rằng tự do mạng trên toàn cầu đã suy giảm đến năm thứ 12 liên tiếp vào năm 2022, báo hiệu một cuộc khủng hoảng nhân quyền đang tiếp diễn trong thời đại kỹ thuật số… Trên một mạng internet phân mảnh, nhiều người không thể truy cập các ứng dụng nhắn tin an toàn mà các thành viên gia đình của họ hoặc các thành viên của cộng đồng cư dân ở nước ngoài có.

Việc xây dựng tình đoàn kết toàn cầu và truy cứu trách nhiệm cũng khó khăn hơn nếu người dân không được chia sẻ tài liệu về việc vi phạm nhân quyền trong các cuộc biểu tình hoặc chiến tranh trên thế giới. Và nếu bạn sống ở một quốc gia nơi Nhà nước kiểm duyệt truyền thông, mạng internet phân mảnh này sẽ hạn chế việc truy cập các nguồn thông tin toàn cầu đáng tin cậy để giúp bạn đưa ra những lựa chọn sáng suốt hơn về chính phủ của mình.”

RFA thực hiện theo nguồn Freedom House

Việt Nam tăng kiểm soát mạng xã hội

Theo phân tích trên trang web của Freedom House, Việt Nam bị xếp hạng thấp trong báo cáo này là vì:

“Nhà nước Việt Nam sàng lọc hàng nghìn bài viết trên mạng xã hội chỉ trích chính phủ, ban hành các điều luật mới nhằm siết chặt và hạn chế nội dung các trang web lưu trữ quảng cáo (Nghị định 70), tăng mức phạt hành chính đối với các công ty bị phát hiện lưu trữ các ý kiến mà chính quyền cho là bất hợp pháp (Nghị định 53), và bắt giam các nhà hoạt động nhân quyền vận động trên mạng xã hội”.

Theo thang đánh giá với số điểm tự do nhất là 100 và ít tự do nhất là 0, Việt Nam năm nay ở mức 22 điểm, trong đó quốc gia này đạt 12 điểm về những trở ngại tiếp cận, sáu điểm về giới hạn nội dung và bốn điểm về những vi phạm quyền của người sử dụng. Điểm số này đã suy giảm từ mức 24 điểm vào năm 2019.

Đánh giá về điểm số tự do trên mạng tại Việt Nam trong những năm trước, nhà hoạt động xã hội dân sự Tiến sĩ Nguyễn Quang A từng nói rằng:

“Liên quan đến tự do nhân quyền, dân chủ thì đấy là lĩnh vực bị siết chặt nhiều nhất. Tức là những người dùng internet, nhất là mạng xã hội để cất lên tiếng nói của mình có thể bị đàn áp, thậm chí bắt bớ tù nếu làm những việc chính quyền cho là không được phép.”

Trong cùng bài phỏng vấn của RFA về đề tài này, luật sư Hà Huy Sơn cũng chia sẻ ý kiến:

“Tự do internet ở Việt Nam bị hạn chế bởi mấy điều luật trong Bộ luật Hình sự 2015 như tội tuyên truyền chống Nhà nước, tội lợi dụng quyền tự do dân chủ và một tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. Mấy cái đấy rất mơ hồ, định tính, không có gì là định lượng để cân đong đo được nên nhà nước hay chính quyền có thể dựa vào tội đấy để nguời ta bắt bớ hay bỏ tù những nguời có quan điểm trái ngược với Đảng, với nhà nước. Tôi cho rằng đấy là những công cụ làm cho internet bị hạn chế tự do.”

Nga trong số bốn quốc gia suy giảm tự do mạng trầm trọng

Ngoài Việt Nam, theo Freedom House, bốn quốc gia suy giảm về tự do mạng trầm trọng nhất năm nay gồm Nga, Myanmar, Sudan và Libya. Tại Nga, tự do mạng giảm đến ngưỡng thấp kỷ lục trong lịch sử nhất là sau cuộc xâm lược bất hợp pháp tại Ukraine. Còn tại Myanmar, tự do mạng tiếp tục suy giảm sau cuộc đảo chính quân sự đầu năm 2021, hiện thấp nhì trong 70 quốc gia được thống kê, chỉ cao hơn Trung Quốc.

Tuy nhiên, bất chấp sự suy giảm chung này, theo Freedom House, 26 quốc gia bao gồm Hoa Kỳ trong số 70 quốc gia được thống kê đang thúc đẩy các nỗ lực hợp tác nhằm cải thiện luật pháp, phát triển khả năng phục hồi của các phương tiện truyền thông và đảm bảo trách nhiệm giải trình giữa các công ty công nghệ.

Bà Alexandria Walden, lãnh đạo Nhân quyền toàn cầu tại Google, một trong những tham luận viên tại hội thảo, cũng trình bày các nỗ lực của công ty này trong việc cải thiện nhân quyền trên mạng:

“Từ việc tung ra các sản phẩm mới, đến việc mở rộng hoạt động trên toàn cầu, chúng tôi luôn làm theo các tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến nhân quyền và luật nhân đạo…  Với tư cách là một công ty thông tin, chúng tôi hiển nhiên coi trọng trách nhiệm của mình trong việc cung cấp thông đáng tin cậy cho mọi người khi họ cần. Ví dụ, chúng tôi đã thấy có bao nhiêu người Crimea dùng Google để tìm nơi trú ẩn hoặc viện trợ nhân đạo, hoặc chúng tôi đã làm những việc như cài đặt cảnh báo không kích cho mọi người trên điện thoại của họ.”

Qua đó, bà Funk, đại diện Freedom House đưa ra khuyến nghị:

“Lãnh đạo các công ty tư nhân nên đầu tư mạnh mẽ hơn vào xã hội dân sự. Họ cần nguồn kinh phí để đào tạo các quan tòa có hiểu biết về các vấn đề kỹ thuật số phức tạp, giúp chúng ta cải tạo các chính sách có vấn đề.

Mặc dù còn nhiều việc cần làm nhưng nhìn chung, chúng tôi nghĩ rằng các nhà hoạch định chính sách dân chủ, các công ty tư nhân, và xã hội dân sự có thể hợp tác tăng cường khả năng phục hồi trong thời đại kỹ thuật số và mang lại một tương lai dân chủ hơn.”

RFA (19.10.2022)

 

 

CPJ, PEN America lên án việc Phạm Đoan Trang bị chuyển trại giam để thi hành án 

Nhà báo bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang, đang thụ án tù ở Việt Nam, bị chuyển từ trại giam Hỏa Lò ở Hà Nội tới trại giam An Phước ở Bình Dương ngày 1/10, theo thông tin từ gia đình.

Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) và tổ chức Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) vừa lên án việc Phạm Đoan Trang bị chuyển tới trại giam xa xôi và cho rằng đây là hành động “trả đũa” của nhà cầm quyền đối với nhà báo bất đồng chính kiến nổi danh của Việt Nam.

Gia đình của Đoan Trang cho biết trong một thông báo đăng tải trên mạng xã hội hồi đầu tháng này rằng nhà báo đang thụ án 9 năm tù vì tội “tuyên truyền chống nhà nước” đã “chính thức chuyển sang giai đoạn thi hành án và bị chuyển tới Trại giam An Phước (Bình Dương) từ ngày 1/10.”

Theo gia đình, Đoan Trang bị chuyển từ Nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội tới trại giam mới ở cách thành phố Hồ Chí Minh gần 100 cây số. Tạp chí The Vietnamese, ấn phẩm tin tức độc lập do bà Trang đồng sáng lập, cũng đưa tin về việc nhà báo, được cộng đồng quốc tế công nhận vì những hoạt động cổ vũ cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, bị chuyển tới trại giam An Phước cách Hà Nội hơn 1.500km.

Trong tuyên bố của CPJ, tổ chức có trụ sở ở New York chuyên thúc đẩy cho tự do báo chí trên toàn thế giới, đại diện Cấp cao Đông Nam Á Shawn Crispin nói rằng “CPJ lên án gay gắt việc chuyển nhà báo Phạm Đoan Trang đến một cơ sở giam giữ cách xa gia đình của bà”.

Tương tự, PEN America, tổ chức cổ vũ cho quyền tự do được viết cũng như bảo vệ quyền tự do biểu đạt ở Mỹ và trên toàn thế giới, cũng “lên án việc chuyển nhà văn và nhà báo Phạm Đoan Trang tới cơ sở giam giữ xa xôi” và gọi đây là “hành động trả đũa cho việc thực thi quyền tự do ngôn luận (của Đoan Trang)”.

Các cuộc gọi của VOA tới Bộ Công an, nơi quản lý các nhà tù và trại giam ở Việt Nam, trong đó có trại giam An Phước, để xin bình luận không được hồi đáp.

Theo CPJ, chính quyền Việt Nam “có một thói quen khó chịu là di chuyển các nhà báo bị bỏ tù ra xa gia đình, luật sư và đồng nghiệp của họ để ngăn cản việc thăm tù thường xuyên cũng như cản trở việc truyền thông về việc điều trị sức khỏe của họ”. Tổ chức này kêu gọi chấm dứt “hành vi xâm hại” này.

Trong khi đó, bà Karin Deutsch Karlekar, giám đốc về Tự do Biểu đạt của Chương trình Rủi ro tại PEN America, cho rằng “từ việc Phạm Đoan Trang bị giam giữ bất hợp pháp kéo dài đến bản án 9 năm tù hoàn toàn bất công và vô lý vào năm ngoái, không có gì ngạc nhiên khi bà phải đối mặt với một biện pháp trả đũa khác từ chính phủ Việt Nam”.

“Chúng tôi kêu gọi các cơ quan chức năng của Việt Nam duy trì cam kết đối với các tiêu chuẩn quốc tế và tôn trọng các quyền cơ bản của công dân được đối xử công bằng và nhân đạo theo pháp luật”, bà Karlekar nói.

Việt Nam chưa công khai phản ứng trước sự lên án và những lời kêu gọi của CPJ và PEN America. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội nhiều lần nói rằng Việt Nam luôn tôn trọng nhân quyền và khẳng định không bỏ tù những người bất đồng chính kiến mà chỉ xử lý những người vi phạm pháp luật.

Trại giam An Phước cũng là nơi nhà báo Nguyễn Tường Thụy và nhà hoạt động sinh viên vì nhân quyền Trần Hoàng Phúc đang bị giam giữ. Việc chuyển các tù nhân chính trị tới các cơ sở giam giữ xa xôi thường được xem là một hình thức “trừng trị bổ sung”. Vào tháng trước, hai nhà hoạt động cho quyền đất đai, Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm, cũng đã bị chuyển đến các trại giam xa gia đình, lần lượt là An Điềm ở Quảng Nam cách Hà Nội 800km và Gia Trung ở Gia Lai cách Hà Nội gần 1.200km.

Bà Bùi Thị Thiện Căn, mẹ của Đoan Trang, không hồi âm đề nghị phỏng vấn của VOA. Bà Phạm Thị Lân, vợ ông Tường Thụy và là người đưa bà Căn cùng anh trai của Đoan Trang tới trại An Phước hôm 12/10, cho VOA biết gia đình Đoan Trang từ chối trả lời phỏng vấn. Bà Lân, trong một lần trả lời phỏng vấn VOA trước đây, cho biết trại giam An Phước “ở vùng hoang vu” và “khắc nghiệt lắm”.

Sau khi lần đầu tiên đến thăm Đoan Trang ở đó, gia đình cho biết trong một đăng tải công khai trên mạng xã hội rằng “sức khỏe Trang suy giảm đôi chút nhưng có vẻ cơ bản vẫn ổn định, tinh thần vẫn tốt… Trại giam cho Trang được nhận đàn guitar (dĩ nhiên là phải để đàn ở khu sinh hoạt chung, muốn chơi phải ra đó)”.

Trong một bức thư được công bố trên trang Facebook Pham Doan Trang hồi tháng 9, bà Căn cho biết bà đã sang Geneva, Thụy Sỹ, nhận giải nhân quyền quốc tế thay con gái bà và rằng bà rất tự hào vì “như thế là quốc tế ghi nhận những đóng góp của (Đoan Trang) trong tiến trình dân chủ hóa đất nước”.

Đoan Trang nằm trong số 4 người sẽ được CPJ vinh danh là những nhà báo dũng cảm tại một buổi lễ ở New York vào ngày 17/11. Một tòa phúc thẩm ở Hà Nội hồi cuối tháng 8 tuyên y án 9 năm tù cho nhà báo có nhiều cuốn sách bị cấm xuất bản ở Việt Nam, như “Phản kháng bất bạo động” và “Cẩm nang nuôi tù”.

Trước phiên xét xử phúc thẩm hôm 25/8, Đoan Trang, qua lời của luật sư bào chữa Ngô Anh Tuấn, gửi lời nhắn tới giới lãnh đạo Việt Nam rằng: “Nay đã là năm 2022, thế giới đã đổi khác, không ai còn bắt bớ, giam cầm những người cầm bút nữa; Việt Nam cũng nên như vậy”.

Cả CPJ, PEN America cùng nhiều tổ chức nhân quyền và các chính phủ phương Tây, trong đó có Mỹ, đã lên án việc Việt Nam kết án Đoan Trang cũng như kêu gọi trả tự do cho nhà báo này.

Việt Nam bị CPJ đưa vào nhóm 4 nước bỏ tù nhà báo nhiều nhất, với 23 nhà báo bị giam sau song sắt tính đến tháng 12/2021. Còn theo Chỉ số Tự do được Viết của PEN America, Việt Nam bỏ tù số lượng nhà văn và trí thức cao thứ 8 trên toàn cầu trong năm 2021.

VOA (19.10.2022)

 

 

Những tiếng nói phản biện sẽ được bảo vệ?

Nhà hoạt động Nguyễn Văn Hòa tại tòa ngày 27 tháng 11 năm 2017  AFP

Tiếng nói phản biện: khó tồn tại

Liên tiếp mấy ngày qua, báo Thanh Niên có loạt bài mang tựa: “Tìm và bảo vệ những tiếng nói thẳng”; “Tìm và bảo vệ những tiếng nói thẳng: Đấu tranh, tránh đâu?”; “Tìm và bảo vệ những tiếng nói thẳng: Lãnh đạo phải biết nghe ‘nói ngược‘”.

Các bài báo dẫn lại phát biểu của bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương hồi tháng 7 năm 2022 rằng: “Trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, việc phát hiện những sai phạm, tiêu cực từ nội bộ tới nay vẫn là “thách thức lớn”; song “đã có những tấm gương về đấu tranh, nói tiếng nói thẳng thắn, nghiêm túc để bảo vệ sự trong sạch, đúng đắn trong lãnh đạo của Đảng”.

Bài báo cũng kể lại cuộc họp Bộ Chính trị do chính cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu chủ trì đầu năm 2000. Tại cuộc họp, mọi người thẳng thắn bày tỏ ý kiến, nói lên suy nghĩ của mình về khuyết điểm của ông Phiêu trong xử lý một số công việc. Ông Lê Khả Phiêu đã tiếp thu một cách nghiêm túc và bình tĩnh đối với những góp ý đó.

Với trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, ông Dương Văn An nói rằng: “Mỗi cán bộ lãnh đạo phải biết lắng nghe các luồng ý kiến, nếu phát hiện những sai sót thì phải xử lý, khắc phục; nếu thấy đúng thì quyết tâm thực hiện; không để xảy ra tình trạng quan liêu, độc đoán, chuyên quyền trong cán bộ lãnh đạo, quản lý”.

Nhiều người cho rằng, những tiếng nói góp ý, phê bình phải được coi là vũ khí sắc bén trong xây dựng Đảng, nhưng lại không được tiếp thu một cách dễ dàng. Tuy nhiên, loạt bài viết trên báo Thanh Niên trên lại được cho là chỉ dấu của một sự dân chủ, xuất phát từ trong Đảng.

Tôi chỉ tin lãnh đạo chịu nghe nói ngược khi thực sự có tự do báo chí, tự do ngôn luận. Có tự do báo chí và tự do ngôn luận thì người ta mới có cơ sở để ‘nói ngược’. ‘Nói ngược’ ở đây không phải là nói gì ghê gớm, mà chỉ là phản biện xã hội, là những ý kiến phản biện. – Ông Liêu Thái

Trong thực tế, nhiều người đặt câu hỏi, liệu những tiếng nói đóng góp thẳng thắn của người dân hơi “khó nghe” thường hay bị cáo buộc là đi ngược đường lối của Đảng, Nhà nước, có được lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp thu? Và những người lên tiếng “đấu tranh” ấy có “tránh được” sự đối xử bất công hay họ sẽ được bảo vệ?

Ông Liêu Thái, người hay có những tiếng nói phản biện về các vấn đề xã hội trên trang Facebook cá nhân, nêu nhận định với RFA:

“Trước đây khoảng 10 hay 20 năm, nếu mình nói điều gì đó mà ngược với đường hướng của nhà cầm quyền có thể bị công an kêu lên, về ‘không còn ăn cháo’. Bây giờ không đến nỗi khốc liệt như vậy. Người ta chỉ kêu lên đe nẹt cách này cách khác nhưng hông có nghĩa họ chịu nghe ‘nói ngược’ đâu. Tôi chỉ tin lãnh đạo chịu nghe nói ngược khi thực sự có tự do báo chí, tự do ngôn luận. Có tự do báo chí và tự do ngôn luận thì người ta mới có cơ sở để ‘nói ngược’. ‘Nói ngược’ ở đây không phải là nói gì ghê gớm, mà chỉ là phản biện xã hội, là những ý kiến phản biện.

Nếu “nói ngược” mà người ta không thích thì người ta sẽ chụp cái mũ đảng phái chính trị, nói không đúng tinh thần của Đảng, của Nhà nước hay nhà lãnh đạo.”

Theo ông Liêu Thái, khi có tự do báo chí thật sự thì sẽ có những tờ báo không thuộc hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản. Những tờ báo đó mới có thể đăng tải những phản biện hay những thông điệp của người dân đến Chính phủ.

Ai muốn nghe “nói ngược”

Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình tại phiên tòa hôm 6 tháng 2 năm 2018. AFP

Lãnh đạo Việt Nam thường hay khẳng định Việt Nam có tự do báo chí, tự do ngôn luận và có cả dân chủ – nhân quyền. Nhưng ý nghĩa dân chủ hay nhân quyền được hiểu khác nhau. Chẳng hạn như cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan từng nói: “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dân chủ cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản”. Còn với Thủ tướng Chính phủ hiện nay là ông Phạm Minh Chính, thì “Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc”. Ông Chính đã nói như thế tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về cách mạng công nghiệp lần thứ 4, diễn ra vào tháng 12 năm ngoái.

Nhà báo Trần Ngọc Tuấn, hiện đang ở Cộng hòa Séc cho rằng, một thể chế độc đảng, độc tài không bao giờ chấp nhận những ý kiến trái chiều, những phản biện xã hội:

“Theo tôi, ai mà tin vào những điều đó thì thật là ngây thơ. Những câu như “nói thẳng, nói thật, góp ý, những việc cần làm ngay…” tôi nghe từ lâu lắm rồi nên không còn niềm tin nữa. Họ nói chỉ để mà nói thế thôi. Nó chỉ là đồ trang sức. Thực chất một chế độ độc tài không bao giờ muốn nghe những lời phản biện, cho dù đó là những lời góp ý xây dựng chân thành.

Một là họ sẽ lờ đi không nghe, hai là họ có biện pháp xử lý theo kiểu họ cho đó là gây hoang mang, tiêu cực, mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng… họ cứ quy chụp như thế. Không ngạc nhiên!”

Yêu cầu nói thẳng, nói thật từng được đặt ra trên các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, nhưng dường như chẳng ai dám nói thẳng, nói thật. Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc vào sáng 4 tháng 11 năm 2021 được truyền hình trực tiếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu từng thành viên đoàn giám sát phải có bản lĩnh, phải dám nói thẳng, nói thật thì mới có thể tổ chức giám sát đạt kết quả như mong muốn…

Theo tôi, ai mà tin vào những điều đó thì thật là ngây thơ. Những câu như “nói thẳng, nói thật, góp ý, những việc cần làm ngay…” tôi nghe từ lâu lắm rồi nên không còn niềm tin nữa. Họ nói chỉ để mà nói thế thôi. Nó chỉ là đồ trang sức. Thực chất một chế độ độc tài không bao giờ muốn nghe những lời phản biện, cho dù đó là những lời góp ý xây dựng chân thành. – Nhà báo Trần Ngọc Tuấn

Tuy nhiên, theo nhà báo Trần Ngọc Tuấn, muốn mọi người nói thẳng, nói thật thì phải có báo chí tự do:

“Nó phải thay đổi tận gốc. Phải có báo chí tự do. Báo chí tự do là ‘đệ tứ quyền lực’ sau hành pháp, lập pháp và tư pháp. Báo chí có sức mạnh kiểm soát những tiêu cực xã hội, thúc đẩy xã hội dân sự phát triển. Đó là một trong những kênh để họ lên tiếng, một cách như quân sư cho giới lãnh đạo. Bởi theo quan điểm của tôi, lãnh đạo ăn lương từ tiền thuế dân thì phải làm cho tốt. Làm không tốt thì dân mắng cho. Tệ nữa thì xuống để người khác lên làm.”

Nhiều ý kiến cho rằng, để có những tiếng nói thẳng thắn từ cấp dưới, từ người dân thì sự cầu thị, lắng nghe của người đứng đầu là rất quan trọng. Nghĩa là lãnh đạo phải biết nghe “nói ngược”.

RFA (19.10.2022)

 

 

Vợ Trịnh Bá Phương: ‘Chồng tôi bị bắt khi con tôi 4 ngày tuổi’

Phỏng vấn Đỗ Thị Thu và Trịnh Thị Thảo về gia đình Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương.

Năm 2020, bà Cấn Thị Thêu cùng hai con trai Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư bị bắt, trong hai vụ án khác nhau.

Là gia đình nông dân ở Dương Nội, Hà Nội, họ bị mất đất khi bị nhà nước tịch thu cho “dự án phát triển đô thị”.

Bà Thêu đã bị bỏ tù hai lần, năm 2014 (cùng chồng là Trịnh Bá Khiêm) và năm 2016, nhưng cả gia đình vẫn tiếp tục biểu tình phản đối nạn cưỡng chế đất. Con trai bà, Trịnh Bá Phương cũng lên tiếng về vụ Đồng Tâm.

Tháng 12/2021, Tòa phúc thẩm tuyên y án với hình phạt mỗi người 8 năm tù giam và 3 năm quản chế cho bà Cấn Thị Thêu và ông Trịnh Bá Tư.

Tháng 8/2022, Tòa phúc thẩm tuyên y án 10 năm tù cho ông Trịnh Bá Phương.

Gia đình họ từ đó đến nay sống ra sao, khi có ba người nhà cùng ở tù, đặc biệt ông Trịnh Bá Phương có hai con nhỏ?

“Khi mà nghe tin không những chồng mình bị bắt mà mẹ chồng và em Tư thì thật sự mọi thứ rất là sụp đổ… và lúc đó tôi mới đẻ con được bốn ngày tuổi…thật sự rất đau khổ khi nghe tin ba người bị bắt.”

“Nó chỉ biết bố nó là Phương thôi, nó không cảm nhận được tình cảm của bố dành cho con.”

Bà Đỗ Thị Thu (vợ nhà hoạt động Trịnh Bá Phương) và bà Trịnh Thị Thảo (em gái ông Trịnh Bá Phương, con bà Cấn Thị Thêu) kể với BBC News Tiếng Việt cuối tháng 9 về cuộc sống hiện nay và những thay đổi, xáo trộn sau khi ba người nhà bị bắt.

Chụp lại hình ảnh, Bà Đỗ Thị Thu, vợ ông Trịnh Bá Phương trả lời BBC về tình cảnh gia đình

BBC (18.10.2022)

 

 

Công an tiếp tục không cho tù lương tâm Trịnh Bá Tư gặp gia đình

Tù nhân lương tâm Trịnh Bá Tư vẫn không được trại giam số 6 ở Nghệ An cho thân nhân thăm gặp nên không biết tình trạng sức khỏe ra sao.

“Trại 6 Nghệ An đã phớt lờ lời kêu gọi của cộng đồng mạng và các tổ chức quốc tế không cho gia đình tôi được gặp mặt nên gia đình tôi không biết tình hình sức khỏe của em tôi ra sao, có còn bị tuyệt thực hay tra tấn nữa hay không.”

Ông Trịnh Bá Tư bị bắt ngày 24 Tháng Sáu 2020 tại nhà ở phường Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội. (Hình: CAND)

Facebooker Thu Đỗ, vợ của tù nhân Trịnh Bá Phương, chị dâu của ông Trịnh Bá Tư thông báo như trên khi cho biết tin ông bố Trịnh Bá Khiêm tới xin thăm gặp con trai thì bị từ chối.

Đây là lần thứ hai trong tháng này ông Khiêm tới nhà tù số 6 tại huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An xin được gặp con trai để biết tình trạng ra sao.

Trang Facebook của bà Thu Đỗ phổ biến một đoạn video clip ông Trịnh Bá Khiêm thuật lại lần đi đến trại giam số 6 ngày 14 Tháng Mười vừa qua.

Ông kể: “Tôi đến hỏi về sức khỏe của Tư thì viên công an trại giam ra nói ngắn gọn là “bình thường” thế nên tôi không biết tình trạng thế nào, có khỏe hay không và tôi có nên tin viên công an ấy của trại giam hay không”.

Trong clip vừa kể, ông Khiêm kể lại cho biết, ngày 20 Tháng Chín, ông đi từ nhà ở tỉnh Hòa Bình thăm con trai Trịnh Bá Tư bị giam ở huyện miền núi Thanh Chương, Nghệ An, đường xa hơn 300km, ông được cho gặp con. Ông Tư kể cho bố biết là bị cai tù “đánh” và “làm việc 46 tiếng” rồi bị cùm chân 10 ngày. Phản ứng lại, ông Tư đã tuyệt thực mà khi gặp bố thì ông đã tuyệt thực 14 ngày.

Theo lời ông Trịnh Bá Khiêm, cho đến hôm nay, ông không biết con trai của ông còn tuyệt thực hay không và sức khỏe ra sao.

“Chế độ Cộng Sản là chế độ mất nhân tính. Chúng kết án nhiều người với mục đích đày đọa để cho những người đó chết trong tù.” Lời ông Khiêm trong video clip mà ông kể ra tên một số tù nhân lương tâm đã chết trong tù thời gian gần đây vì không được chữa trị, thuốc men.

Khi hay tin ông Trịnh Bá Tư bị cai tù đánh và bị cùm, một số tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế như Theo Dõi Nhân Quyền (HRW), Ân Xá Quốc Tế (AI) đã đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN phải điều tra về việc tra tấn và cùm chân tù nhân nhưng CSVN không thấy phản ứng gì.

Ngay sau khi hay tin ông Trịnh Bá Tư bị cùm và tra tấn trong tù, hơn 30 luật sư tại nhiều địa phương ở Việt Nam đã đồng ký tên chung trong một bản kiến nghị thúc giục nhà cầm quyền CSVN chấm dứt biện pháp cùm chân tù nhân vì “đây là một hình thức đối xử vô nhân đạo và không phù hợp với xã hội văn minh”.

Họ kêu gọi chấm dứt tra tấn dựa trên Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự và Luật Thi Hành Tạm Giữ Tạm Giam ban hành năm 2015 hay các quy định nghiêm cấm các hình thức đối xử vô nhân đạo hoặc hạ nhục người chấp hành án trong Luật Thi Hành Án Hình Sự ban hành năm 2019.

Họ cho rằng “những phòng giam nhỏ hẹp với những bệ xi măng làm chỗ nằm cùng biện pháp cùm chân vệ sinh ăn uống tại chỗ, những biện pháp giam giữ như vậy không phù hợp với tính nhân đạo của pháp luật nhà nước hiện nay.”

Cho tới nay, người ta chỉ thấy CSVN tảng lờ trước lời thúc giục của giới luật sư.

Bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư biểu tình đấu tranh nhân quyền ở Hà Nội ngày 5 Tháng Tư 2018.(Hình: AFP/Getty Images)

Ông Trịnh Bá Tư, năm nay 33 tuổi, bị nhà cầm quyền CSVN bắt giam ngày 24 Tháng Sáu năm 2020 cùng với anh trai là Trịnh Bá Phương và mẹ là Cấn Thị Thêu vì bị vu cho tội “tuyên truyền chống nhà nước”.

Gia đình bà Cấn Thị Thêu là một trong hơn 200 gia đình nạn nhân của vụ đàn áp cưỡng chế đất tại phường Dương Nội năm 2014. Vợ chồng ông bà Trịnh Bá Khiêm – Cấn Thị Thêu đã bị bắt bỏ tù sau vụ chống đối cưỡng chế. Uất ức trước sự cướp đoạt tài sản, mồ hôi nước mắt, công lao của họ suốt bao nhiêu năm, họ đã trở thành những người vận động dân chủ, nhân quyền hăng hái nhất.

Ngày 10 Tháng Mười 2022, Tổ Chức Chống Tra Tấn của LHQ (OMCT) viết một bài về trường hợp gia đình Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương qua chiến dịch “FacesOfHope campaign” trên trang mạng của “SOS Torture Network”. Bài viết kể về sự kiên trì đấu tranh cho quyền làm chủ đất đai của người dân bị nhà cầm quyền tước đoạt nên dẫn tới tù tội.

Người Việt (17.10.2022)