Ngô Trường An

 Nhân chuyện lùm xùm sùng bái lãnh tụ của ông võ sư mấy ngày qua. Nay, mình kể chuyện ông cậu của mình, cũng một thời tôn thờ lãnh tụ khủng khiếp cho đến…năm 2005. (Lúc đó Internet cũng chưa phổ biến). Chuyện là vầy.

Cậu quê Quảng Ngãi, có vợ và ba đứa con. Năm 1954 cậu tập kết ra bắc, đến mãi đến năm 1978 cậu mới về lại quê.

Mặc dù thống nhất đất nước năm 1975, nhưng cậu không hồi hương được là vì khi ra bắc, cậu cưới vợ và có hai đứa con nữa. Điều này, bà vợ ở QN không chấp nhận ông về sống chung. Vì vậy, sau đó ông ly dị với bà ngoài trở về sống với bà trong. Cậu nói: cuộc sống trong này sung túc hơn, đó là lý do cậu quay lại.

Cậu rất thần tượng bác Hồ. Đi đâu, ngồi đâu cậu cũng nói về bác. Những mẩu chuyện, những giai thoại không biết cậu cóp nhặt từ đâu mà mỗi lần nói về bác Hồ là cậu say sưa, huyên thuyên bất tận.

Tết năm 2005 mình về quê ngoại chúc tết. Lúc mình xuống nhà thăm cậu thì thấy cậu ngồi nói chuyện với những người hàng xóm sang chơi đầu năm. Vẫn điệp khúc về bác Hồ, cậu say sưa ca tụng. Khi khách về hết, mình hỏi cậu:

– Cậu nè, nếu bây giờ có một phép màu nào đó làm bác Hồ sống lại lãnh đạo ở miền bắc. Cũng với chính sách đưa dân vào hợp tác xã làm công ăn điểm. Cũng xếp hàng mua dầu hỏa, nước mắm, cá khô. Cũng phải xin giấy đi đường khi đến nơi khác. Cũng phải vác cuốc ra đồng khi nghe trống đánh, và cũng phải vác cuốc ra về khi nghe tiếng trống báo hiệu hết giờ làm việc. Rồi nuôi được con gà, con heo cũng phải bán cho hợp tác xã chớ không được bán cho ai khác… Đó là cuộc sống ở miền bắc sau năm 1954, do bác Hồ lãnh đạo. Vậy cậu có muốn sống lại thời đó dưới sự lãnh đạo của bác Hồ không? Cậu nói thật lòng đi! Đầu năm, đầu tháng đừng có nói dối nha cậu!

Không suy nghĩ, cậu trả lời ngay:

– Khùng điên gì muốn sống lại thời cực khổ đó mậy!

– Ủa, vậy sao cậu ca ngợi bác Hồ tài giỏi, nhân đức mà lãnh đạo để dân cực khổ vậy?

Cậu gay gắt:

– Thời đó đang chiến tranh nên phải chấp nhận cực khổ. Mầy không thể nói thế được!

– Dạ, thì con vẫn đang nói về thời ấy đấy. Nếu bây giờ cho cậu sống trong thời ông Diệm lãnh đạo ở miền nam. Thời đó người dân được quyền sở hữu đất đai. Được quyền đi lại và định cư bất cứ nơi đâu mà không cần phải xin giấy đi đường, giấy chuyển hộ khẩu, nhập hộ khẩu gì cả. Được quyền tiếp cận mọi thông tin… con nói ví dụ, ở miền bắc cậu mua được cái radio, cậu phải đăng ký với nhà nước và nhà nước chỉ cho phép cậu nghe mỗi đài của nhà nước phát thanh thôi. Còn trong nam, cậu có thể nghe bất cứ đài phát thanh nào nếu cậu muốn. Trong giai đoạn đó có rất nhiều đài quốc tế phát thanh Việt ngữ, như: BBC, ASIA, Phi Luật Tân, Trung Hoa Tự Do, Bắc Kinh… Ngoài ra, cậu có thể viết báo, viết truyện, hoặc làm thơ…mà không cần thông qua kiểm duyệt. Vậy cậu có muốn sống trong thời như thế không? Cậu nói thiệt đi!

Cậu trả lời cũng không suy nghĩ:

– Được sở hữu tài sản, được tự do đi đây đi đó mà sao không muốn? Nhưng vấn đề là mầy nói có đúng không!

Tôi xuống giọng chứng minh:

– Cậu à, khi cậu ra đi thì mợ và ba đứa em vẫn ở chung với bà ngoại. Sau đó thì mợ mới mua đất cất nhà và nuôi ba đứa con ăn học, trong đó có hai đứa đậu tú tài toàn phần. Ngôi nhà năm gian hoành tráng hôm nay được xây từ thời ông Diệm. Nếu chính sách ông Diệm, ông Thiệu cũng y chang chính sách bác Hồ, thì làm sao mợ xây được nhà và mua sắm tiện nghi như thế này phải hông cậu? Cũng bằng ấy thời gian, nhưng ngoài bắc cậu làm lụng vất vả vẫn chưa xây được nhà đúng không? Con nghe thằng Tư năm 1976 ra thăm cậu về nói, nhà ba ở như một cái chòi chăn vịt, xe đạp cũng chưa có mà đi.

Cậu vẫn chống chế:

– Nhưng bác Hồ là người lãnh đạo nhân dân đánh thắng đế quốc để giành độc lập, còn thằng Diệm chỉ là thằng rước voi về giày mả tổ!

– Cậu ơi, người lãnh đạo hơn người bình thường là ở cái tầm nhìn cậu ạ. Biết bao nhiêu nước bị đô hộ nhưng họ chẳng cần đánh nhau, rồi cuối cùng họ cũng giành được độc lập. Cậu thấy đó. Trên thế giới hiện nay chẳng còn nước nào bị đô hộ cả. Chiến thắng chẳng nói lên được điều gì khi mà sau chiến thắng ấy nhân dân lại lầm than trong cảnh đói nghèo, lạc hậu, mất tự do. Nhật Bản họ chấp nhận thua Mỹ, để rồi ngày nay họ thành cường quốc. Nếu ngày ấy, họ quyết đánh Mỹ đến người Nhật cuối cùng thì chẳng biết điều gì sẽ đến với đất nước họ hôm nay.

Cậu à, chắc cậu cũng nghe nói lại hoặc đọc báo hoặc xem phim tài liệu chứ ngoài đời làm gì gặp được bác Hồ, đúng không? Trong này bọn con cũng nghe nói ông Diệm, ông Thiệu chứ chưa ai gặp mặt bao giờ. Nhưng để biết một lãnh đạo tốt hay tồi, mình chỉ cần nhìn vào cuộc sống chung quanh mình thì hiểu. Cậu không nhất thiết phải trèo lên đầu nguồn để xem dòng nước trên ấy trong hay đục. Mà, cậu hãy nhìn dưới hạ lưu, nếu nước dưới hạ lưu đục thì nước trên đầu nguồn đục và ngược lại phải hông cậu?

Điều cuối cùng con muốn nói với cậu là, dù muốn hay không thì ông Hồ cũng là người của lịch sử và ổng đã qua đời. Vậy hãy để ông yên nghỉ chứ không nên nói nhiều về ông, một khi mình chưa hiểu tường tận.

Mình chào cậu ra về. Cậu thờ ơ gật đầu vẻ không vui. Đến tháng Chín âm lịch năm ấy mình vô dự giỗ ngoại và ghé nhà cậu, thì không thấy ảnh chân dung của bác – trước kia được treo trang trọng ở căn giữa, giờ không còn nữa.

Cậu mất năm 2014 thọ 85 tuổi.

Nhớ cậu!

NGÔ TRƯỜNG AN (18.04.2023)