Hổm có cô bạn người Mỹ nhưng đang sinh sống ở Costa Rica qua quán tôi ăn. Cổ làm quen rồi nói tui thấy you trên TV nên tui bỏ you vô Bucket list của tui. Giờ mới có dịp gặp mặt. Tôi nghĩ cổ thấy tôi đẹp trai quá nên cưa cẩm chớ ai mà coi TV xong book vé đi nửa vòng trái đất để ăn ngay cái quán lề đường như vầy.

 

Qua hôm sau tôi tình nguyện dắt cổ vô bánh tráng TB trong Thanh Đa ăn. Nói chuyện qua lại một hồi, sau khi nghe cổ nói là mới đến Việt Nam mà đã fall in love, tôi buột miệng : Ờ vậy you dọn qua đây ở luôn đi. Dạy tiếng Anh ở Việt Nam có khi nhiều tiền hơn ở Costa Rica nữa đó. Rồi tôi kể cho cổ nghe chiện tôi giới thiệu một đống con nít trong xóm học chung trả tiền giờ cho cô bạn người Scotland.

 

Cổ mắt tròn mắt dẹt hỏi sao người Việt có nhiều tiền để trả tiền học cho con nít vậy? Ở bên Costa Rica chỗ tui dạy học người ta nghèo lắm. Tui đi bộ trên con đường đất để đến trường dạy. Phụ huynh có nhiều người nghèo đến nỗi không có tiền trả tiền học nên tui không bao giờ đặt ra giá tiền. Họ trả cho tui bằng bất cứ khả năng nào mà họ có thể.

 

Tôi lỡ ngu buột miệng : Chết cha, chỗ nghèo quá thì có gì vui để sống? Cổ cười mỉm : Life is beautiful! Ở căn nhà tui ở, nhìn qua cửa sổ là dòng thác mà hơi nước của nó thổi bay vô phòng. Tôi có thể chạm tay vào cầu vồng thường xuyên, và mỗi sáng tôi có thể nghe tiếng chim kêu vượn hú tưởng tượng mình là phiên bản nữ của Tarzan. Mỗi thứ Bảy tôi đi vô cửa hàng tạp hóa duy nhất trong thị trấn, tôi mất ba tiếng đồng hồ để đi ra khỏi nó vì tôi có thể gặp quá nửa thị trấn ở đó. Tất cả mọi người đối xử với nhau như gia đình với những tình cảm nồng nhiệt nhất!

 

Và chính giây phút đó, nghe nụ cười đó và nhìn sâu vào ánh mắt đó, tôi chợt thấy những giá trị vật chất mà tôi đem ra so sánh nãy giờ với cổ thật rẻ tiền, và ngay cả những mục tiêu mà tôi đang đeo đuổi cũng thật vô nghĩa theo một khía cạnh nào đó. Cái cô ta muốn không phải là một công việc tốt hay là tiền, mà là một hành trình khám phá cuộc sống, một sự thay đổi nào đó cho cộng đồng và một góc nhìn khác với thế giới mà cô ta đã sinh ra và lớn lên.

 

Tôi thấy mình hơi bị lố lăng kệch cỡm khi dùng vật chất để cân đo đong đếm với giá trị sống của người khác. Từ lúc đó trở đi, câu chuyện bắt đầu đổi theo chiều hướng khác. Cô ta kể cho tôi nghe về con đường đất cô ta đi mỗi ngày, về những đứa trẻ và phụ huynh của chúng. Về những món ăn truyền thống, về âm nhạc, về lịch sử, về địa lý, về những con khỉ chuyền trên cành mà cô ta nhìn thấy mỗi ngày và gần như quen mặt chúng.

 

Tôi kể cho cổ nghe về dòng sông trước mặt mà hồi nhỏ tôi tắm mỗi ngày, về mùa nước lợ tôm cá nổi đầy nghẹt mặt nước, về sự khác biệt của ẩm thực vùng miền Việt Nam. Và dĩ nhiên là đôi chút về tại sao phải gọi Sài Gòn là Sài Gòn chứ không phải tên gì khác, ngoại trừ khi bị cướp giật phải điền vô tờ khai với cảnh sát.

 

Và sau khi cô ta ra về, tôi phải mất vài ngày để detox tư tưởng và mục tiêu sống của mình. Hôm qua đọc bài trải nghiệm của cô tiến sĩ trẻ nào đó về nước Mỹ mới thấy hai nền văn hóa khác nhau xa lắc. Cũng đọc được lời bào chữa của bạn nào đó về học bổng của cô gái là của trường tư thục cho, và chợt tự hỏi, không biết cô gái ấy viết gì trong bản essay gởi cho trường để nhận được học bổng. Tôi tin rằng tất cả những trường đại học danh tiếng ở Mỹ trao học bổng cho một người nào đó bất kể quốc tịch, vì họ muốn đem đến những cống hiến thay đổi cho nhân loại.

 

Status này hoàn toàn không có ý đả kích, chỉ thấy buồn cho một nền giáo dục bịt mắt mà bọn trẻ ra đời chỉ nhìn đời bằng cặp mắt phiến diện. Thành bại trong cuộc sống của mỗi người đều được đo bằng thước đo vật chất, và cũng không có gì khó hiểu khi một đất nước mà tiến sĩ và học sinh thần đồng đông như quân nguyên lại là một đất nước xếp hạng út ở mục cống hiến cho nhân loại.

 

NICKIE TRAN (03.08.2023)