„Ấy là tôi nói đến đám đang lãnh đạo xứ này, những kẻ mù nhận trọng trách dẫn đường… 

Thói đâu có thói cứ bắt mọi người phải cúi đầu lon ton đi theo mình mù lòa trên con đường vô định.“

 

Nguyễn Thông

 

 

Phần 1

 

Cũng không hẳn là mù mắt, nhưng mù đầu mù óc, mù tư duy suy nghĩ thì quá rõ. Như các cụ xưa bảo, đường quang chẳng đi lại đâm quàng bụi rậm. Quờ quạng cây gậy lý luận khua khoắng dò đường, chỉ đâm vào ngõ cụt.

 

Ấy là tôi nói đến đám đang lãnh đạo xứ này, những kẻ mù nhận trọng trách dẫn đường.

 

Điều dễ nhận ra, với hệ thống báo chí truyền thông độc quyền, cứ vài ba bữa họ lại nức nở ca ngợi chủ nghĩa xã hội, đề cao con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, nhất là gần đây tán dương bài viết của ông tổng bí thư, xem nó như thứ ánh sáng chỉ lối soi đường, đuốc thời đại rọi tới tương lai.

 

Rồi ông nọ bà kia, từ ông trẻ Thưởng, tới những bác già giáo sư tiến sĩ lập thân nuôi xác bằng chủ nghĩa Mác-Lênin, cả đám nhãi ranh “Đối diện” nữa, kéo nhau lên tivi, lên báo chí để lập ngôn, dạy dỗ, trấn an, đe nẹt, nhưng tất cả đều chỉ là thứ lý luận suông, giả dối, xiên xẹo, lập lờ, lảng tránh sự thật. Họ biết cả đấy, nhưng họ phải lờ đi bởi nếu nói đúng sự thật thì chả khác gì tự xé toạc mặt nạ, bóc trần bản chất tệ hại của mình.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Hôm qua, tôi coi đoạn phóng sự người Đức nhắc lại ngày 9.11.1989 đập bỏ bức tường ô nhục Berlin, vừa buồn vừa rùng mình, nhớ chuyện cũ.

 

Ngược dòng lịch sử, ngày 7.11.1917, dân Nga bị sự lôi kéo của mấy anh theo chủ thuyết Mác-Lênin làm cuộc cách mạng lật đổ đế chế Nga, xây dựng một xã hội mới mà họ gọi là chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, lấy đấu tranh giai cấp làm động lực. Trong hơn 70 năm Liên Xô tồn tại, thực chất nó như thế nào thì nhiều người đã biết. Một chế độ háo thắng, thích đánh nhau, tồn tại bằng vũ lực, bóc lột sức dân, vẽ ra những mục đích không tưởng, lôi kéo nhiều nước vào cuộc đấu đá-chiến tranh “ai thắng ai” bằng miếng mồi tình quốc tế vô sản, bị cai trị bởi những kẻ độc tài xấu xa dưới vỏ đồng chí…

 

Không phải bàn luận tranh cãi nhiều, chỉ cần nhìn vào thực tế, nếu chế độ (xã hội chủ nghĩa) ấy, đường lối ấy tốt đẹp thì không lý gì sụp đổ cái ầm, bị chôn vùi, vứt vào sọt rác. Cả phe xã hội chủ nghĩa vỡ tan như bọt nước trong cơn sôi sục của dân chúng vốn bị kìm nén suốt hơn nửa thế kỷ.

 

Tốt đẹp thì phải giữ, phải tồn tại, cớ gì lại tan, bị ném vào hố rác? Bản thân câu hỏi đã là câu trả lời, không cần giải thích. Bây giờ, ngay cả những nơi đã sinh ra ông tổ của chủ nghĩa xã hội-chủ nghĩa cộng sản, những nơi từng là lô cốt, thành trì của học thuyết này, người ta cũng không thèm nhắc tới, nếu có gợi lại cũng chỉ coi nó như thứ quá khứ đau buồn, cần quên đi vĩnh viễn.

 

Toàn thế giới hiện có 204 quốc gia (nước) lớn nhỏ. Thử đếm xem có bao nhiêu nước chọn con đường “tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Xin thưa, chỉ vừa đủ số ngón tay của một bàn tay. Chả nhẽ 199 nước kia ngu đục dốt nát cả.

 

Những quốc gia giàu nhất trên thế giới, đất nước phát triển, cuộc sống sung túc, dân chúng đầy đủ hạnh phúc, không có nước nào theo chủ nghĩa xã hội. Đốt đuốc tìm không ra.

 

Những nước, những miền đã từng phát triển, từng có vị thế, thứ hạng trên thế giới, sau khi theo chủ nghĩa xã hội, hoặc bị cưỡng bách theo chủ nghĩa xã hội, ngả vào chủ nghĩa xã hội, ngay lập tức hoặc lún dần vào sự nghèo đói, kiệt quệ, dân rơi vào cảnh bần cùng, dân tộc không ngóc đầu lên nổi, rõ nhất là Cuba, Triều Tiên, miền Nam Việt Nam, Venezuela.

 

Phe xã hội chủ nghĩa từng có 13 nước, sau khi tan rã chỉ còn 4 nước “kiên định đói nghèo”, những nước kia sau khi tự cởi trói đã chấm dứt sự nghiệp giảm nghèo bền vững, mau chóng đem lại đời sống ấm no cho dân chúng.

 

***

 

Phần 2

 

Trong phần 1, tôi có nhắc tới nước Đức và bức tường Berlin, nó sụp đổ ngày 9.11.1989 cách nay 32 năm. Nước Đức thống nhất đoàn tụ một cách vĩ đại xét dưới góc độ nhân văn chứ không phải góc nhìn chiến tranh. Đem xương máu dân tộc, nhân dân nướng vào cuộc chiến tranh ý thức hệ tàn bạo, dưới danh nghĩa giải phóng, không có gì là vĩ đại cả, không có gì đáng ca ngợi cả (chuyện này sẽ nói sau trong một bài khác).

 

Lứa chúng tôi sinh ra giữa thập niên 50, khi miền Bắc chính thức xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội, về lý thuyết rất đẹp, đẹp tốt hơn bất kỳ thể chế nào. Và nó cũng đẹp trong văn nghệ, thơ ca. Nó đẹp từ mồm những người lãnh đạo, từ báo chí, đài phát thanh. Nó chỉ không đẹp, thậm chí chứa đầy xấu xa tệ hại, xấu hơn tệ hơn so với xã hội trước nó, là ở thực tế. Giữa lý luận và hiện thực là vực sâu thăm thẳm. Những người sống ở miền Bắc từ thập niên 50 tới 80 biết rõ điều này.

 

Phe xã hội chủ nghĩa/cộng sản khi tồn tại gồm 13 nước. Bất kỳ đứa học trò nào trải qua trường phổ thông ở miền Bắc đều nhớ nằm lòng những con số, chi tiết như vậy. 13 nước ấy gồm Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Mông Cổ, Cuba, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Bulgaria, Romania, Albania, Đức. Nam Tư đã sớm rời bỏ, còn Lào mãi sau này mới bị xúi gia nhập, nên không tính.

 

Con số 13 cực xấu, bản thân nó đã chứa đầy nguy cơ tan vỡ, chiến tranh, nội chiến, đói nghèo, lạc hậu, lại cộng thêm bản chất chủ nghĩa xã hội với những độc tài, giả dối, phản dân chủ… nữa, nên nó tồn tại được trong gần nửa thế kỷ là đã quá nhiều. Nhẽ ra nó phải bị diệt vong sớm hơn. Trong giai đoạn cuối của nó, thêm mấy anh có tiềm năng thế mạnh nghèo đói nội chiến nhảy vào càng làm cho nó mau chóng lăn xuống huyệt, những Angola, Congo, Afghanistan, Mozambique, Somalia, Yemen, Etiopia, Nicaragua. Điều đó càng chứng tỏ nghèo đói, chiến tranh và chủ nghĩa xã hội là một, dễ tìm tới nhau. Nếu chủ nghĩa xã hội tốt đẹp, sao không thấy trong đội ngũ nó những Thụy Điển, Đan Mạch, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brunei…

 

Khi chúng tôi, đám con em nông dân học lớp 10, thi tốt nghiệp phổ thông, ước mơ lớn nhất là được đi học nước ngoài. Dĩ nhiên trên báo đài cũng có những anh “điển hình” chỉ ao ước được ra trận, “đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Tôi nói rằng “trên báo đài” bởi trong thực tế, các bạn cùng khóa với tôi không có anh nào ước ra trận cả, ra đi là do bắt buộc thôi.

 

Chỗ của con nông dân là chiến trường, mặt trận, hầm hào, đánh nhau, chết chóc. Đặc quyền đi học nước ngoài dành cho con em cán bộ lãnh đạo. Sẽ có ai đó bảo nói thế không đúng, vẫn có những con em ông to bà lớn đi bộ đội, ra chiến trường, hy sinh đó sao. Đành là vậy, đâu có phủ nhận, nhưng chỉ là cực kỳ ít ỏi trong cái tỷ lệ phân chia quyền lợi.

Trong số 13 nước “thiên đường” kể trên, nếu được đi nước ngoài, người ta cũng chỉ mong được học ở Đông Đức, sau đó là Ba Lan, Tiệp Khắc, chứ không phải Liên Xô, lại càng không phải Triều Tiên, Mông Cổ, Cuba… Người Đức vốn sẵn sự thông minh, giỏi giang, lại thêm sát nách Tây Đức, nên đời sống khá nhất, sang đó thực hiện “cứu nước cứu nhà” dễ nhất. Đông Đức về mức sống đứng đầu phe chủ nghĩa xã hội, là niềm ao ước, là đỉnh của cả phe, tuy nhiên so với Tây Đức chưa là gì cả. Thực tế cho thấy dòng người chạy trốn, vượt tường, đào thoát, tìm miền đất mới chỉ có một chiều từ Đông Đức sang Tây Đức chứ không theo chiều ngược lại bao giờ. Và cũng chỉ có người từ các nước xã hội chủ nghĩa, phe thiên đường trốn sang các nước tư bản giãy chết, phe địa ngục, chứ không trốn ngược lại. Đó là sự thực, phải mở to mắt ra mà nhìn, bung não ra mà nghĩ, chứ không thể lý luận suông một cách lú lẫn được.

 

Sự chênh lệch giàu nghèo, tốt xấu, hay dở do thể chế không chỉ bộc lộ ở hai miền nước Đức, mà những nơi khác tương tự cũng vậy. Hãy ngẫm lại hai miền Nam – Bắc Việt Nam suốt thời gian hơn 20 năm (nên bỏ ngay thứ lý luận bảo rằng miền Nam ăn viện trợ của Mỹ, bơ thừa sữa cặn, phồn vinh giả tạo), rồi Hàn Quốc – Triều Tiên từ thập niên 50 tới tận bây giờ, rồi Cuba trước và sau thời điểm 1959 cách mạng vô sản, rồi những nước đã tháo phăng cái áo chủ nghĩa xã hội lạc hậu, chật chội, từ đói nghèo vươn lên hạnh phúc như Mông Cổ, Ba Lan, Czech, Hungary… để hiểu chủ nghĩa xã hội tốt hay xấu, đáng chọn, đáng theo, đáng kiên định hay không. Khi chiếc áo đã rách tả tơi thì phải chấp nhận thay, chứ không thể chắp vá níu giữ tạm bợ, đánh lừa dân và tự lừa mình bằng chiêu trò “đổi mới”.

 

Biết nó xa vời, ảo tưởng, khó khăn không tới được thì đừng có lú lẫn đâm đầu mãi vào như con đà điểu chúi đầu trong cát, rốt cục sẽ chả đi tới đâu ngoài mấy cái bánh vẽ cho dân.

 

***

 

Phần 3

 

Suốt nhiều thập niên ở miền Bắc, cũng như ở miền Nam sau “giải phóng”, đám học sinh sinh viên “dưới mái trường xã hội chủ nghĩa” luôn được quán triệt rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội mới đem lại hạnh phúc cho con người, chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của nhân loại.

 

Cùng với đó, tất nhiên ngược chiều, chủ nghĩa tư bản cực kỳ ghê tởm, đáng ghét, chỉ bóc lột, xấu xa, làm giàu trên xương máu, mồ hôi nước mắt, công sức của người lao động. Xã hội tư bản, dù có phát triển mấy đi chăng nữa cũng chỉ phồn vinh giả tạo, về cơ bản vẫn là xã hội bóc lột, cần phải bị tiêu diệt. Công nhân, người lao động trong xã hội đó không có quyền làm chủ tập thể, không khác gì cái máy. Vì thế phải tiến hành đấu tranh giai cấp trên phạm vi toàn thế giới, phải chôn vùi tư bản, để xây dựng thế giới đại đồng.

 

Bao giờ thế giới đại đồng
Chúng ta sẽ thoát khỏi vòng gian truân
.

 

Thậm chí họ còn vẽ ra tương lai

 

“làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”,

Nước Nga có chuyện lạ đời
đem người nô lệ thành người tự do
sung sướng thay thợ thuyền Nga
những ngày nghỉ việc đều là ăn lương
, v.v..

 

Tất cả những điều tôi biên ra đây đều có trong lý luận về chủ nghĩa xã hội, không đứa sinh viên nào hồi thập niên 70 – 90 không biết, không thuộc. Ai không tin, cứ vào thư viện, tìm đọc cuốn “Dưới lá cờ vẻ vang của đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội” của ông Lê Duẩn, in lần đầu năm 1976, sau đó tái bản mấy chục lần, hàng chục vạn cuốn, không khác gì Mao tuyển, trước tác của Mao bên Tàu. Sinh viên thời ấy, không thuộc cuốn này, cầm chắc rớt môn chính trị-kinh tế học. Tháng 10.1976, lứa chúng tôi trước khi tốt nghiệp phải thi môn bắt buộc ấy. Đề thi đương nhiên lấy từ nội dung “Dưới lá cờ vẻ vang…”.

 

Một người bạn tôi, anh Tâm, đem tờ báo có ảnh ông Lê Duẩn vào phòng thi. Nhưng lại quên đem theo phao “mao tuyển Việt”, thế mới gay. Loay hoay mãi không nhớ “Người” đã dạy dỗ chỉ đường lên chủ nghĩa xã hội thế nào, y bèn lấy tờ báo ra, khoanh một vòng vào mồm “Người”, lại còn dại dột chua chú thích “tất cả chúng ông khổ cũng bởi cái mồm này”. Hớ hênh thế nào, giám thị của thầy Bùi Văn Chép bắt được, tang chứng vật chứng chống đối rành rành, Tâm ta dù học rất giỏi vẫn bị đình chỉ thi, treo án một năm không cho bảo vệ luận văn tốt nghiệp (sau này ra trường về báo HNM). Gần như cả trường tổng hợp khóa 17 ai cũng biết chuyện cười ra nước mắt năm ấy.

 

Thôi thì cái thời tranh tối tranh sáng, đắm chìm trong vòng ngu muội nó thế đã đi một nhẽ. Không có bất kỳ kênh nào để mở mang đầu óc, để tự giải phóng nên đành tin báo Nhân Dân, tin đài tiếng nói Việt Nam, tin rằng chủ nghĩa xã hội đã trong tầm tay, chỉ còn quá độ chút xíu là tới, tin chủ nghĩa cộng sản đang vẫy gọi phía đằng xa.

 

Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, thày bu tôi đã được tuyên truyền miền Bắc đang bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Góp hết cả đất đai, ruộng vườn, trâu bò vào hợp tác xã để… tiến lên. Tiến mãi, chủ nghĩa xã hội đâu chửa thấy, cũng chả biết khi nào mới hết quá độ, chỉ thấy phú quý giật lùi trong từng miếng cơm manh áo. Hơn hai chục năm sau, chúng tôi con của thày bu lăn vào đời kiếm sống, lại được các ông bà cán bộ giác ngộ rằng đất nước ta đang thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Lại quá độ, lại tiếp tục tiến lên. Tận mắt chứng kiến đánh tư sản, bao cấp, ngăn sông cấm chợ, đổi tiền, ăn bo bo, vượt biên, không còn phú quý để mà giật lùi nữa. Có lúc nghĩ mình đã chạm đáy rồi, không còn vực nào sâu hơn.

Nghe cái câu “quá độ tiến lên” sao mà cay đắng. May là thông tin đã nhiều kênh hơn, sự bưng bít dần bị phá bỏ, chợt hiểu rằng tất cả chỉ là sự lừa dối có hệ thống, là nghệ thuật cho nhau ăn bánh vẽ. Giờ lại đến đời con tôi, tức là đời cháu của thày bu, sau thêm nửa thế kỷ nữa, vừa rồi lại nghe ông trùm đảng công phu hệ thống lại lý luận và khẳng định đất nước ta vẫn trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Giời ạ, quá độ gì mà dài thế, lòng thòng thế, hở ông. Thày bu tôi đã khuất núi sau chặng dài quá độ, chưa hề biết mùi chủ nghĩa xã hội nó như thế nào. Tôi đời thứ hai cũng chả hy vọng gì thấy đất nước thoát khỏi thời kỳ quá độ. Mà ngay thằng con đời thứ ba, cũng đã sống nửa đời người, vẫn quá độ, không một chút ánh sáng nào cuối đường hầm để nó phấn khởi tin tưởng. Chính ông trưởng đảng mấy năm trước còn nói thẳng (có lẽ tự thấy chả cần giấu diếm nữa) chưa chắc cuối thế kỷ này đã có được chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Lý luận nhiều khi cũng khôi hài phết.

 

Trong bài viết được công bố vào tháng 5.2021, ông tổng bí thư lại một lần nữa thừa nhận điều đó. Ông bảo “Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội” (trích chính xác nguyên đoạn). Thưa ông, ông không nóng vội (bởi có thể các ông đã tới đích) chứ dân chúng sốt ruột lắm rồi ạ. Nhà tôi 3 đời quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội mà chưa ai biết biết hình dong, mặt mũi nó thế nào đấy, ông ạ. Nhân sinh ba vạn sáu nghìn ngày, sống trăm tuổi là hết kiếp hết một đời, có ai sống được vài ba kiếp, tái sinh như phượng hoàng, mọc đầu như Phạm Nhan để chờ hưởng thụ chủ nghĩa xã hội của các ông đâu mà bảo không thể nóng vội. Đã biết nó khó khăn, sao không chọn con đường khác như người ta, mà lại cứ đâm đầu vào.

 

 

***

 

Phần 4

 

Lại nói, trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” được công bố hồi tháng 5 năm nay, ông tổng bí thư khẳng định/cảnh báo/nhắc nhở rằng xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp vĩ đại, khó khăn, không thể nóng vội.

 

Sực nhớ ông anh họ tôi, một thầy giáo làng nhưng kiến thức thì không phải dạng vừa, hồi còn sống có lần bảo mấy ông cộng sản chỉ thích làm những thứ vĩ đại, làm đếch gì cũng gắn mác vĩ đại, đem bao nhiêu sức lực, của cải, thời gian ném vào đó, không cần biết nó sẽ đem lại gì cho dân chúng, đất nước. Ngẫm nhời của ông anh, thấy đúng thật. Thứ chủ nghĩa xã hội bánh vẽ vĩ đại mà các ông bà ấy theo đuổi tới nay đã hai phần ba thế kỷ rốt cục chỉ đem lại nghèo đói, lạc hậu, nội chiến, chiến tranh, xâu xé đất đai, tan rã rường mối xã hội, dân chúng bất hạnh, kìm hãm đất nước chậm tiến hàng chục năm, thậm chí cả trăm năm so với cả rất nhiều quốc gia khác… Nếu nó (chủ nghĩa xã hội) có đem lại chút gì “tích cực” thì chính ở chỗ đã tạo được cuộc sống đế vương cho tầng lớp lãnh đạo, mà trường hợp xơi thịt bò dát vàng là ví dụ rõ nhất.

 

Ăn bánh vẽ thì làm sao no mà bảo không thể nóng vội. Các ông bà “cửa son rượu thịt để ôi” thì mới đủng đỉnh, chứ dân chúng nóng vội sốt ruột lắm rồi. Nếu ai cũng như các ông nhà cao cửa rộng, biệt thự xa hoa, xe công miễn phí cả tài xế lẫn xăng, mua bán thì những Tôn Đản Nhà Thờ, bệnh tật nằm phòng riêng thì những Việt Xô 108, chết chôn nghĩa địa riêng, con cái được tập ấm cha truyền con nối để giữ “hồng phúc của dân tộc”… vậy sốt ruột làm gì cho nặng đầu khổ tâm. Ông giỏi lý luận, ông phải nói ra được cái điều liên quan tới vận mệnh của dân chúng cần lao, của cả dân tộc, của trăm triệu người, chứ không thể chỉ loanh quanh liên quan tới đám vua chúa quần thần.

Đừng như kẻ làm vua xưa, khi được nghe tâu dân ngay cả cháo cũng không có mà ăn lại phán rằng sao họ không ăn thịt.

 

Tôi, kẻ viết những dòng này, đã đọc không sót một chữ trong bài lý luận đặc sệt của ông tổng bí thư. Ổng khen chủ nghĩa xã hội và vạch ra những khiếm khuyết, tệ hại của chủ nghĩa tư bản, rồi chốt lại xứ ta dứt khoát, kiên định tiến lên chủ nghĩa xã hội. Vậy tôi xin hỏi ông và các đồng chí của ông:

 

Trái đất này hiện hơn 200 quốc gia (nước), có bao nhiêu nước đang “tiến lên chủ nghĩa xã hội”? Tất cả những nước giàu có, phát triển vượt bậc, dân chúng ấm no hạnh phúc, có nước nào “tiến lên chủ nghĩa xã hội” không? Trung Quốc trong vài chục năm qua đã phát triển nhanh, mèo trắng hay mèo đen miễn là bắt được chuột, có phải nó vỏ chủ nghĩa xã hội mà ruột tư bản không? Mỗi khi cần thu hút đầu tư nước ngoài các ông thường mời gọi những nước tư bản hay chủ nghĩa xã hội? Các ông thích làm ăn với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đức, Úc… hay với Triều Tiên, Cuba, Lào, Venezuela…?

Giá trị đồng tiền của những nước tư bản và xã hội chủ nghĩa, thứ nào hơn? Con cái các ông gửi đi học, đi rèn luyện để về làm quan nối gót các ông, có chọn Triều Tiên, Cuba làm lựa chọn hàng đầu không? Đi du lịch, ăn chơi, các ông và người nhà có tới Cuba, Triều Tiên, Lào, Venezuela không? Xe các ông đi, là xe Đức, Nhật, Mỹ hay xe chủ nghĩa xã hội? Đồ sinh hoạt các ông xài, thậm chí thực phẩm, nước uống hằng ngày, có do Cuba, Triều Tiên cung cấp hay từ nơi nào, nước nào? Tiền trong túi các ông, là đô la, mác, yen, hay tiền kip, won, peso?…

 

Cứ trả lời được những câu đơn giản ấy thôi là đã rõ, chưa cần phải hỏi: Trong các nước tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, nơi đâu giàu có phát triển nhanh nhất bền vững nhất, nơi đâu người dân được quyền dân chủ và được sống hạnh phúc nhất, nơi đâu cột điện tự nhổ gốc về đâu nhất?

 

Đừng có lừa mị, cả vú lấp miệng em. Tôi thấy trên hệ thống báo chí truyền thông của các ông, trên mồm các giáo sư tiến sĩ lý luận Mác – Lê rặt những lời xưng tụng bài viết của ông, nào là sáng suốt, đổi mới, đột phá. Thôi, giọng mấy ông giáo sĩ sống bằng lý luận như Hoàng Chí Bảo, Đức Dũng, Tạ Ngọc Tấn hoặc đám Đối diện không nói làm gì, họ không khen thì có mà đói rã họng. Còn những lời có cánh khác là của ai? Của ông tổng bí thư đảng cộng sản Thụy Sĩ, của ông trưởng ban tuyên giáo Cuba, ông tổng bí thư đảng lao động Mexico, ông trưởng ban tuyên huấn Lào, ông cựu đảng viên cộng sản Đức, ông công an Lào từng học ở Việt Nam, của tay giáo sư lý luận đảng cộng sản Trung Quốc, của tay cộng sản Nga chuyên nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội…

 

Nói tóm lại, của đồng hội đồng thuyền, của đám anh em chung chiến hào tiêu diệt chủ nghĩa tư bản, diệt suốt bao năm nay không diệt được. Giời ạ, nếu đám ấy thấy chủ nghĩa xã hội là tốt đẹp như ông nói, sao chúng không kêu gọi nhân dân nước chúng phất cờ tiêu diệt chủ nghĩa tư bản ngay trên nước chúng đi, xây dựng thiên đường ngay trong nhà mình đi, lại cứ đứng ngoài ăn bơ sữa xúi người khác nghèo bền vững. Chúng có giỏi, cứ làm cách mạng xã hội chủ nghĩa ngay trên nước chúng, đâu có cái thói hồn trương ba da hàng thịt, thân xác hưởng thụ thành quả tư bản còn đầu óc hướng về chủ nghĩa xã hội. Đám giáo sư tư tưởng lý luận ở Đức, Nga kia, không mở to mắt nhìn ngay vào thực tế đất nước mình, lại cứ đi khen đểu, xúi người khác đâm đầu vào ngõ cụt.

 

Tôi chỉ đề xuất, nếu các ông thích kiên định tiến lên chủ nghĩa xã hội, chả ai cấm. Các ông cứ chọn lấy vài tỉnh, thậm chí nửa nước, tụ họp hết những người cùng chí hướng vào đó, để cùng nhau xây dựng thiên đường của các ông. Lâu hay mau, khó hay dễ, nóng vội hay không nóng vội, tự các ông chịu. Làm tốt thì các ông hưởng, không ai giành phần, gây chiến, đòi giải phóng các ông làm gì. Phần còn lại, để người dân được lựa chọn đường đi cho mình. Chắc sự khắc xuất chẳng bao lâu rồi lại khắc nhập thôi, mà kết quả thế nào thì ngay bây giờ đã biết.

 

Thói đâu có thói cứ bắt mọi người phải lon ton đi theo mình trên con đường vô định.

 

***

 

Phần Cuối

 

Đừng có lừa mị, cả vú lấp miệng em. Tôi thấy trên hệ thống báo chí truyền thông của các ông bà cầm quyền, trên mồm các giáo sư tiến sĩ lý luận Mác – Lê rặt những lời xưng tụng bài viết của ông đứng đầu, nào là sáng suốt, đổi mới, đột phá, soi đường… Thôi, giọng mấy ông giáo sĩ sống bằng lý luận như Hoàng Chí Bảo, Đức Dũng, Tạ Ngọc Tấn hoặc đám Đối diện nhố nhăng không nói làm gì, họ không khen thì chính họ có mà đói rã họng.

 

Còn những lời có cánh khác là của ai? Của ông tổng bí thư đảng cộng sản Thụy Sĩ, của ông trưởng ban tuyên giáo Cuba, ông tổng bí thư đảng lao động Mexico, ông trưởng ban tuyên huấn Lào, ông cựu đảng viên cộng sản Đức, ông công an Lào từng học ở Việt Nam, của tay giáo sư lý luận đảng cộng sản Trung Quốc, của tay cộng sản Nga chuyên nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội…

 

Nói tóm lại, của đồng hội đồng thuyền, của đám anh em chung chiến hào tiêu diệt chủ nghĩa tư bản, diệt suốt bao năm nay mà không diệt được. Giời ạ, nếu đám ấy thấy chủ nghĩa xã hội là tốt đẹp như ông cả nói, sao chúng không kêu gọi nhân dân nước chúng phất cờ tiêu diệt chủ nghĩa tư bản ngay trên nước chúng đi, xây dựng thiên đường ngay trong nhà mình đi, lại cứ đứng ngoài ăn bơ sữa xúi người khác đói nghèo bền vững.

 

Chúng có giỏi, cứ làm cách mạng xã hội chủ nghĩa ngay trên nước chúng, đâu có cái thói “hồn trương ba da hàng thịt”, thân xác hưởng thụ thành quả tư bản, còn đầu óc hướng về chủ nghĩa xã hội. Đám giáo sư tư tưởng lý luận ở Đức, Nga kia, không mở to mắt nhìn ngay vào thực tế đất nước mình, lại cứ đi khen đểu, xúi người khác đâm đầu vào ngõ cụt.

 

Cũng xin ghé tai ông cả nói nhỏ điều này, lý luận của ông nếu là tuyệt vời về hướng đi cho nhân loại, sao không thấy bà Merkel, ông Lý Hiển Long, các thủ tướng Nhật, Úc, Canada, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, thậm chí cả Putin, lên tiếng ngợi khen, xin copy về áp dụng cho xứ sở họ, hở ông.

 

Mà rất buồn cười, sự đúng sai thế nào, người đời biết cả, nhưng các vị lại lợi dụng quyền lực, bạo lực, “súng đẻ ra chính quyền”, tự cho mình là luôn đúng, là chân lý, kim chỉ nam, rồi lên án người khác là “quan điểm sai trái”. Nếu không thích người ta thì cứ vu cứ kết là “phản động”“thù địch”, chứ đâu có cái thói cứ ai khác mình là bảo người ta sai trái.

 

Mặt trời sáng lòa còn có vết đen nữa là. Các ông đã bằng mặt trời chưa mà nói người ta sai. Còn nếu có trái, chỉ trái với các ông, chứ với dân là thuận. Các cụ xưa dạy “trung ngôn nghịch nhĩ”, lời nói thẳng thường khó nghe, nhưng nghe, dám nghe thì mới biết tự sửa mình. Đắm chìm miên man trong những lời nịnh bợ, ve vuốt, khen đểu, có khác chi tự cầm xẻng đào hố chôn mình. Tôi bảo thật. Tôi chỉ đề xuất, nếu các ông thích kiên định tiến lên chủ nghĩa xã hội, “tiến lên ta quyết tiến lên”, chả ai cấm. Các ông cứ chọn lấy vài tỉnh, thậm chí nửa nước, tụ họp hết những người cùng chí hướng vào đó, để cùng nhau xây dựng thiên đường của các ông. Lâu hay mau, khó hay dễ, nóng vội hay không nóng vội, tự các ông chịu. Làm tốt thì các ông hưởng, không ai giành phần, gây chiến, đòi giải phóng các ông làm gì. Phần còn lại, để người dân được lựa chọn đường đi cho mình. Chắc sự “khắc xuất” chẳng bao lâu rồi lại “khắc nhập” thôi, mà kết quả thế nào thì ngay bây giờ đã biết.

 

Thói đâu có thói cứ bắt mọi người phải cúi đầu lon ton đi theo mình mù lòa trên con đường vô định.

 

Nguyễn Thông (11.2021)

 

Báo Tiếng Dân (25.08.2023)