„ cái kết đau thương của một dân tộc khi có một vị vua tham quyền, lú lẫn, và thủ đoạn.“

 

 

Vua nước Tiểu Ngu đã già, ông ta cầm quyền mấy chục năm, nhưng vẫn không muốn nhường ngôi cho con.

Vua có bốn con trai, theo như truyền thống thì con trai trưởng sẽ nối ngôi. Do vua cầm quyền lâu nên các hoàng tử cũng chẳng màng đến chuyện chính sự, chỉ mải ăn chơi, nên xa đọa hư hỏng. Các đại thần nhiều lần dâng sớ tiến cử con trai trưởng của vua lên ngôi thái tử để sau này truyền ngôi. Nhưng nhà vua trong lòng chưa muốn từ ngôi vàng, mặt khác nhìn lũ con bất tài, hư hỏng chẳng ưa thằng nào nên gạt đi hết. Trong triều vì thế rối ren, các đại thần kéo bè, kéo cánh, kẻ thì nịnh nọt hoàng tử này, kẻ thì theo đuôi hoàng tử kia, các nhóm lợi ích chia nhau đục khoét.

Năm vua gần được 80 tuổi, sức khỏe đã yếu, vua cũng tính đến truyền ngôi cho một hoàng tử nào đó, nhưng nghĩ đến lũ con bất hảo, vua không thể tin đứa nào, ông đành nghĩ ra một kế, để tiếp tục trên ngai vàng mà không bị các con, và các quan lại cho là tham quyền cố vị.

Ông gọi tất cả bốn hoàng tử vào cung. Trước các quần thần vua nói:

– Trẫm đã chấp chính nhiều năm, nay sức khỏe đã yếu muốn chọn một người trong số các con để nhường ngôi, an hưởng tuổi già. Đối với trẫm tất cả các con ta đều thương yêu hết mực như nhau, không phân biệt trưởng, thứ. Hơn nữa việc xã tắc, giang sơn không thể thiên vị, cần tìm người có đức, và thực tài lên kế vị. Cho nên các con mỗi người về làm riêng một bản sớ trình lên về cách cai trị của mình, đồng thời tiến cử các quan trong triều vào các chức sắc trong các bộ, nêu rõ điểm yếu, điểm mạnh của từng người gửi lên cho trẫm.
Nên nhớ, kẻ trị vì đất nước phải “có năng lực chỉ đạo chuẩn bị, xây dựng đội ngũ quan lại cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm, chủ chốt” . Ta cho các con ba tháng để thực hiện.

Sau buổi vào triều hôm đó, trong ba tháng nhà vua không có buổi nào lâm triều. Các hoàng tử từ xưa đến nay chỉ theo các nhóm ăn chơi xa đọa nay phải tìm người để tiến cử vào các chức sắc trong cung đình rất rối trí.

Các quan trong triều lại càng rối hơn, ăn chơi, kiếm chác, đàn đúm thì dễ, nhưng bây giờ đến chuyện chính sự biết chạy cửa nào?

Có bốn hoàng tử, thằng nào cũng bát nháo, biết nịnh thằng nào đây. Thế là để chắc ăn đều chạy lên cả bốn hoàng tử thưa thớt.

Sự đời “ghế thì ít đít thì nhiều”, các hoàng tử đến giờ chót cũng chẳng biết chọn ai. Nhưng rồi mỗi hoàng tử đều cũng có bản sớ, kèm theo danh sách tiến cử.

Ba tháng sau vua mời các hoàng tử và các quan trong triều vào chầu. Vua bắt quan thái giám đọc từng bản sớ của các hoàng tử, công khai cho các quan trong triều nghe.

Bốn bản sớ được đọc xong, vua ra lệnh cho các quan đại thần có mặt theo thứ tự phẩm hàm từ cao đến thấp được nói lên chính kiến của mình về sự lựa chọn ,nhưng với điều kiện chỉ được lựa chọn tiến cử một hoàng tử.

Nếu không tiến cử ai, thì bãi nhiệm cho về quê làm dân thường. Các quan bị đưa vào thế bí, không tiến cử cũng chết, tiến cử cũng chết, tất cả đều im lặng.

Trong không khí như đưa đám, quan đại thần Bộ lại bỗng quỳ xuống bẩm:
– Kính tâu bệ hạ, bệ hạ lo cho việc dân, việc nước, các hạ thần biết bệ hạ đã vì xã tắc mà hao tâm, tổn trí, cho nên các hạ thần không vì thế mà có thể hồ đồ tiến cử hoàng tử lên ngai vàng được. Xin bệ hạ cho các hạ thần mười ngày để suy nghĩ.

Quan đại thần Bộ Lại vừa dứt lời, thì các quan khác đã đồng loạt quỳ xuống dập đầu đồng thanh:
– Xin bệ hạ minh xét.


Nhà vua suy nghĩ một lúc rồi nói:
– Đúng là việc hệ trọng của quốc gia, xã tắc cũng không thể vội được. Ta chuẩn y, cho các Khanh mười ngày suy ngẫm.

Các quan hú hồn, may mà có sự thông minh, nhanh mồm, nhanh miệng của quan đại thần Bộ Lại, không thì toi hết.

Trong mười ngày các quan lo lắm, biết chọn ai đây. Chọn không đúng, sau này vua mới lên nó chu di mấy họ.

Các quan bí quá chạy đến nhà quan đại thần Bộ Lại cầu cứu.
Quan đại thần Bộ Lại nghe các quan kia trình bày cười rồi nói:
Có gì khó đâu mà sợ.

 

Rồi ghé tai từng người to nhỏ. Các quan khác nghe xong gật đầu cười ha hả:
– Có thế mà không nghĩ ra.

Mười ngày sau, bốn hoàng tử và các quan có mặt trong triều. Khi nhà vua giá lâm, các quan phủ phục đồng thanh hô ba lần:
– Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

Nhà Vua nói:
– Bình thân.

Nhưng một lúc lâu không thấy quan nào đứng dậy. Nhà vua ngạc nhiên:

– Ta bảo các Khanh bình thân, sao cứ phủ phục mãi thế.

Các quan vẫn không một ai nhúc nhích.

 

Nhà vua tiến đến chỗ quan đại thần Bộ Lại cầm áo kéo lên:
– Ngươi nói cho ta có chuyện gì?

Quan đại thần Bộ Lại đứng lên kính cẩn tâu:
– Bẩm bệ hạ, kể từ khi bệ hạ trị vì đất nước, giặc ngoài không nhòm ngó, xã tắc bình an, đất nước thịnh vượng cho nên các hạ thần đều mong muốn bệ hạ trường thọ mãi mãi để cai trị thiên hạ. Các hạ thần chỉ cầu mong có thế thôi, không thể có ý khác.

Quan đại thần Bộ Lại nói đến đây, các quan đồng thanh dập đầu ba cái, hô:
– Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

Nhà vua quay lại, ngồi lên ngai vàng nói:
– Các khanh đã kháng lệnh ta, tội chém đầu. Nhưng ta chém đầu các khanh thì lấy ai ra làm việc nước. Ta tha tội cho các Khanh. Ta không muốn ờ trên ngai vàng nữa, ta đã yếu rồi, nhưng các Khanh cứ ép ta, ta đành phải cố.

Nhà vua đứng dậy đi đến chỗ các hoàng tử rồi nói:
– Các con về đi, không phải ý của ta không muốn chọn người kế vị, nhưng vì các quan đại thần chưa muốn chọn, nghĩa là chưa ai tin tưởng các con. Tất cả là do các con chưa đủ độ tin cậy, nên ta phải vất vả thế này.

Tan triều các quan hớn hở vì thoát được nạn, nhưng cũng khâm phục âm mưu thủ đoạn của nhà vua.

Các hoàng tử từ đấy trở đi cũng không dám gây sức ép, thôi thúc nhà vua thoái vị, trở lại đàn đúm, ăn chơi mà quên hết tương lai, hậu thế.

Vua nước Tiểu Ngu cầm quyền thêm mấy năm thì chết, mà không chọn được người kế tục. Bốn hoàng tử vì bị các quan chia rẽ, lôi kéo, nên đất nước quấn vào nội chiến, anh em huynh đệ tương tàn, đó là cái kết đau thương của một dân tộc khi có một vị vua tham quyền, lú lẫn, và thủ đoạn.