Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ: Việt Nam thụt lùi về tự do tôn giáo
Vài ngày trước khi tổng thống Joe Biden công du Việt Nam nhằm nâng cấp quan hệ ngoại giao, một ủy ban của chính phủ Hoa Kỳ cáo buộc Hà Nội lại không tuân thủ các cam kết về bảo đảm quyền tự do tôn giáo.
Ảnh tư liệu: Một thánh lễ của cộng đồng Công Giáo sắc tộc Hmong tại Sapa, tỉnh Lào Cai, Việt Nam, ngày 18/10/2015. REUTERS – Nguyen Huy Kham
Trong một báo cáo được công bố hôm qua 05/09/2023 và được hãng tin Anh Reuters trích dẫn, Ủy Ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) cho biết kể từ khi Washington xóa Việt Nam khỏi danh sách “các quốc gia đáng quan tâm đặc biệt” (CPC) về tự do tôn giáo năm 2006, chính quyền Hà Nội đã “có nhiều tiến bộ” về tự do tín ngưỡng. Tuy nhiên, việc đàn áp xã hội dân sự trong thời gian gần đây, việc gia tăng áp lực lên các cộng đồng tôn giáo độc lập, cùng với những thông tin đáng báo động về việc ép buộc bỏ đạo, những hành động vi phạm quyền tự tôn giáo gia tăng cho thấy Việt Nam đang đi thụt lùi trở lại trong vấn đề này.
Báo cáo cũng cho biết, phó chủ tịch USCIRF, ông Frederick Davie và ủy viên Eric Ueland, trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 5, đã nhận thấy rằng trong khi các tổ chức tôn giáo được tự do tương đối nhiều hơn ở khu vực đô thị, thì nhiều vùng nông thôn vẫn gặp nhiều thách chức. USCIRF cho biết thêm là các cơ quan chính phủ tiếp tục giám sát chặt chẽ tất cả hoạt động tôn giáo, thường xuyên xách nhiễu, bắt giữ, ngăn chặn các cộng đồng tôn giáo chưa đăng ký thực hiện quyền cơ bản về tự do tôn giáo.
Hoa Kỳ coi Việt Nam là đối tác quan trọng trước ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và dự định nâng cấp quan hệ ngoại giao với Hà Nội nhân chuyến công du của tổng thống Biden tới Hà Nội vào ngày 10/09, nhưng giới phân tích cho rằng những quan ngại về nhân quyền có thể là trở ngại cho một số hợp tác song phương.
RFI (06.09.2023)
Chuyến công du của Biden chẳng mang lại chút hy vọng nào cho các nhà hoạt động ở Việt Nam
„Các nhà vận động không hy vọng ông sẽ sử dụng chuyến công du của mình để nhấn mạnh vấn đề nhân quyền với Việt Nam.“
Alice Phipipson
Bị xét xử bí mật vì tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” và bị giam vào bệnh viện tâm thần, nhà báo Lê Anh Hùng hiểu rõ cái giá phải trả khi đứng lên chống lại chính quyền cộng sản Việt Nam.
Một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng của Việt Nam, Lê Anh Hùng, 50 tuổi, đã bị cưỡng bức giam giữ ba năm trái trong một bệnh viện tâm thần trước khi bị đưa ra xét xử mà gia đình ông không hề hay biết và bị kết án năm năm tù giam.
Lê Anh Hùng bị buộc tội chống nhà nước vì “lạm dụng các quyền tự do dân chủ” sau khi ông Hùng cáo buộc một số lãnh đạo cấp cao phạm tội nghiêm trọng. Tuy nhiên, chi tiết về các cáo buộc của ông vẫn chưa được công khai.
Cựu blogger của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ do Hoa Kỳ tài trợ đã được trả tự do vào tháng 7 và sau đó kể với AFP về những trải nghiệm của ông dưới bàn tay của chính phủ vốn không dung thứ cho những người bất đồng chính kiến với chế độ độc đảng.
“Họ ép tôi uống thuốc. Tôi từ chối,” ông nói về thời gian ở bệnh viện tâm thần.
“Nhưng họ trói tay, chân và thậm chí cả vai tôi vào giường, sau đó tiêm thuốc cho tôi.”
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến Việt Nam vào Chủ nhật nhằm thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam khi Washington tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Nhưng trong khi Biden thường chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Bắc Kinh, ông hầu như giữ im lặng về Việt Nam và các nhà vận động không hy vọng ông sẽ sử dụng chuyến công du của mình để nhấn mạnh vấn đề này.
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền – HRW, thành tích nhân quyền của Việt Nam là “thê thảm ở hầu hết mọi lĩnh vực”.
HRW cho biết những người chỉ trích chính phủ phải đối mặt với sự đe dọa, quấy rối, hạn chế đi lại, bắt giữ tùy tiện và bỏ tù trong những phiên tòa bất công, đồng thời có những báo cáo về việc cảnh sát ép cung, nhục hình..
Các nhà hoạt động cho biết, việc đàn áp những người bất đồng chính kiến đã gia tăng kể từ năm 2016 dưới thời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng và chính phủ phần lớn đã thành công trong việc đè bẹp phe đối lập.
Kể từ năm 2022, 5 nhà vận động môi trường cũng đã bị giam giữ trong một cuộc trấn áp các nhóm xã hội dân sự.
Các vụ bắt giữ diễn ra trong bối cảnh Việt Nam hoan nghênh hàng tỷ USD viện trợ quốc tế dự định nhằm giúp Việt Nam loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Chính phủ cho biết trong một tuyên bố năm nay rằng “bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền là một chính sách nhất quán của nhà nước Việt Nam”.
Việt Nam đã không trả lời yêu cầu bình luận gần đây từ AFP.
– Các nhà hoạt động bị bỏ tù –
Theo Dự án 88, tổ chức ủng hộ quyền tự do ngôn luận trong nước, hiện có 193 nhà hoạt động trong các nhà tù ở Việt Nam.
Họ bao gồm chủ tiệm bún Peter Lam Bùi, nổi tiếng vì bắt chước Thánh rắc muối Salt Bae sau khi đầu bếp nổi tiếng phục vụ món bít tết dát vàng cho một quan chức quyền lực của Việt Nam trong chuyến đi London.
Bùi Tuấn Lâm bị bỏ tù vì “tuyên truyền chống nhà nước” và đơn kháng cáo của ông đã bị bác bỏ vào tuần trước.
Và nhà hoạt động khí hậu nổi tiếng Hoàng Thị Minh Hồng đang bị tạm giam trước khi xét xử vì cáo buộc trốn thuế.
Đối với những người còn lại trong phong trào dân chủ, bức tranh thật ảm đạm.
Nguyễn Vũ Bình, 54 tuổi, một nhà hoạt động chính trị từng ngồi tù gần 5 năm vào đầu những năm 2000, cho biết: “Tôi nghĩ Đảng Cộng sản chắc chắn đã thành công trong việc kiềm chế tiếng nói của những người như tôi”.
Các nhóm xã hội dân sự đã bị giải tán và những cuộc biểu tình trước đây hầu như đã dừng lại, trong khi luật an ninh mạng hà khắc đã dập tắt cuộc tranh luận trực tuyến.
Nhưng trong khi tình hình trở nên tồi tệ hơn, Washington vẫn tăng cường quan hệ với Việt Nam khi nước này tìm cách chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực và đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc và Nga.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với AFP rằng “nhân quyền là chủ đề chúng tôi nêu lên ở cấp cao nhất với Việt Nam”.
Nhưng với những lo ngại về địa chính trị đang chiếm ưu thế, hầu hết các nhà hoạt động có rất ít hy vọng rằng chuyến thăm của Biden sẽ giúp thay đổi nhiều hành vi của Việt Nam.
Lê Công Định, người từng bị cầm tù vì tội lật đổ và là một cựu luật sư nhân quyền ở Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Tôi không mong đợi bất kỳ sự thúc đẩy nghiêm túc nào (để thay đổi) từ Hoa Kỳ và EU”.
“Các quốc gia này coi Việt Nam như một đối tác chiến lược về chính sách an ninh và thương mại của họ ở Đông Nam Á… bảo vệ nhân quyền không còn là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong mối quan hệ, đặc biệt là trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine.”
– Cáo buộc tra tấn –
Một số người, như Nguyễn Trường Chinh, có con trai đang bị tử hình, vẫn tiếp tục biểu tình bất chấp hậu quả.
Ông Chinh kêu oan đòi trả tự do cho con trai ông là Nguyễn Văn Chưởng bị kết tội giết người sau khi có cáo buộc bị tra tấn. Ông kêu oan 16 năm nay và thường xuyên bị chính quyền quấy rối.
“Tôi chưa yêu cầu ân xá hay giảm án vì con tôi vô tội”, ông Chính, 77 tuổi, nói với AFP.
Bản án của Chưởng đã bị Liên Hợp Quốc lên án là “tùy tiện và vi phạm quyền sống”, tổ chức này vào tháng trước đã yêu cầu ngừng ngay lập tức cuộc hành quyết sắp xảy ra đối với ông Chưởng.
Hiện tại, Nguyễn Văn Chưởng vẫn còn sống.
Nhưng cha Chưởng nói rằng “đó là cái chết từ từ” đối với những người còn lại trong gia đình, khi nỗ lực đòi thả người của họ ngày càng trầm trọng hơn.
“Tôi muốn giúp nhưng thấy tuyệt vọng quá”, ông Chinh nói.
Với Lê Anh Hùng, niềm tin vào một tương lai tốt đẹp của Việt Nam vẫn còn đó.
Ông nói sẽ có một “Việt Nam tự do, dân chủ và nhân quyền”.
Nguồn: AFP – Biden trip offers little hope to ‘desperate’ Vietnam activists
VNTB (06.09.2023)
Gia đình TNLT, tổ chức nhân quyền giục TT Biden nêu vấn đề nhân quyền khi đến Việt Nam
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng hôm 5/9/2023.
Hơn 60 gia đình tù nhân lương tâm Việt Nam vừa gửi thư chung đến Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi ông nêu vấn đề nhân quyền khi gặp giới lãnh đạo tại Hà Nội, cùng lúc nhóm các tổ chức nhân quyền tại Mỹ hối thúc Nhà Trắng gây áp lực với Việt Nam mạnh hơn về nhân quyền.
“Tôi hy vọng lá thư này sẽ đến được tay ngài tổng thống Hoa Kỳ trước khi ngài ấy làm việc với chính phủ Việt Nam”, bà Đỗ Lê Na, vợ của tù nhân Lê Trọng Hùng, nói với VOA hôm 5/9. “Tôi hy vọng cùng với việc nâng cao một bậc quan hệ giữa hai nước, tình hình nhân quyền ở Việt Nam cũng sẽ được cải thiện”.
Bà Lê Na, vợ của nhà báo độc lập đang thụ án 5 năm tù với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước”, cho biết thêm rằng các thân nhân của chúng tôi “đáng được trả tự do thì phải trả tự do hoặc chí ít thì các trại giam cũng phải tôn trọng quyền làm người của họ mà hiến pháp, pháp luật và các công ước quốc tế đã quy định”.
Bà Đỗ Thị Thu, vợ của nhà hoạt động Trịnh Bá Phương, người đang thụ án 10 năm tù giam, nói:
“Đây là bức thu ngỏ gửi đến ngài Tổng thống Biden nhằm tha thiết kêu gọi ngài Tổng thống Biden có thể tác động đến chính quyền Việt Nam để cải thiện tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.
“Như mọi người đã biết, Việt Nam là một nước vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Những năm gần đây chính quyền Việt Nam đã càn quét, bắt giam rất nhiều những người bất đồng chính kiến, họ đã bị hành hạ, khủng bố, mà không được chữa trị…”
Bức thư được 61 gia đình đồng ký tên, đề ngày 1/9 có đoạn viết: “Chúng tôi tha thiết kêu gọi Tổng Thống Biden hãy thúc đẩy việc cải thiện tình trạng nhân quyền tại Việt Nam mà cần nhất là việc phải chấm dứt trả thù các tù nhân lương tâm (TNLT) trong các trại giam; phải để các TNLT ngã bệnh được chữa trị đúng mức; phải trả tự do cho tất cả những TNLT bị vu cáo vô căn cứ; và phải chấm dứt việc dùng TNLT làm hàng mặc cả trong các thương lượng với chính phủ các nước tự do”.
Cũng hôm 1/9, đại diện các tổ chức nhân quyền bao gồm Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, và Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam, gửi thư chung đến Nhà Trắng, chỉ ra rằng thành tích nhân quyền của Việt Nam đã trở nên “tồi tệ hơn”.
“Trong những năm gần đây, chính quyền Việt Nam đã gia tăng đàn áp và bỏ tù những người bất đồng chính kiến. Tất cả tù nhân lương tâm đều bị giam giữ một cách tùy tiện vì những cáo buộc bịa đặt theo mục An ninh Quốc gia của Bộ luật Hình sự và bị xét xử bởi một hệ thống tư pháp bất công. Trong thời gian bị giam giữ, các tù nhân lương tâm bị đối xử vô nhân đạo”.
Từ bang California, Mỹ, ông Nguyễn Bá Tùng, Trưởng ban Điều hành của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, người đồng ký tên trong bức thư gửi ông Biden, nói với VOA:
“Mong rằng Tổng thống Biden sẽ đề cập đến vấn đề nhân quyền với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vì tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ hơn, đặc biệt trong thời gian gần đây, số người đấu tranh cho nhân quyền bị bắt bớ càng tăng, số án tù của họ càng ngày càng gia tăng hơn thời gian trước”.
“Chúng tôi trân trọng đề nghị Ngài đặt điều kiện cải thiện nhân quyền trong quan hệ với Việt Nam: Hoa Kỳ sẽ chỉ hỗ trợ về kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ cho Việt Nam khi Hà Nội cam kết tôn trọng các quyền cơ bản của người dân”, bức thư viết.
Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Mỹ chưa phản ngay yêu cầu bình luận của VOA.
Theo tuyên bố của Nhà Trắng và của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Tổng thống Biden tới thăm chính thức Việt Nam từ ngày 10/9/2023, và phía Mỹ nói rằng ông Biden sẽ “không né tránh” vấn đề nhân quyền.
Theo thống kê của tổ chức nhân quyền The 88 Project có trụ sở tại Mỹ, Việt Nam hiện đang giam cầm 193 nhà hoạt động.
Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ cáo buộc vi phạm nhân quyền, đồng thời bác bỏ việc giam giữ tù nhân lương tâm.
VOA (06.09.2023)
Bốn tổ chức nhân quyền: “Hoa Kỳ sẽ chỉ hỗ trợ về quân sự nếu Việt Nam tôn trọng quyền của dân”
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden AP
Hơn một tuần trước chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Hà Nội, một nhóm bốn tổ chức nhân quyền gửi thư chung đề nghị người đứng đầu Nhà Trắng quan tâm đến tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam và gây sức ép để buộc nhà nước độc đảng này ở Đông Nam Á tôn trọng các quyền căn bản của người dân.
Ông Biden dự kiến sẽ tới Hà Nội vào ngày 10/9 và gặp gỡ với ban lãnh đạo Việt Nam để ký kết thoả thuận nâng cấp quan hệ giữa hai quốc gia.
Trong thư ngỏ đề ngày 01/9, bốn tổ chức đề nghị “Hoa Kỳ sẽ chỉ hỗ trợ về kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ cho Việt Nam khi Hà Nội cam kết tôn trọng các quyền cơ bản của người dân.”
Các tổ chức cho rằng chỉ khi tôn trọng nhân quyền, Việt Nam mới có thể phát triển bền vững và mang lại lợi ích lâu dài cho Hoa Kỳ và hòa bình thế giới.
Thư ngỏ nhắc đến hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Việt Nam trong nhiều năm gần đây, đó là việc đàn áp giới bất đồng chính kiến bằng việc bỏ tù hàng trăm người lên tiếng chỉ trích chế độ một cách ôn hoà với những bản án tù dài hạn lên đến 20 năm và giam giữ họ trong điều kiện hà khắc vô nhân đạo, trấn áp người hoạt động xã hội mà tiêu biểu là việc bỏ tù năm nhà hoạt động trong lĩnh vực môi trường bằng những cáo buộc nguỵ tạo, và đàn áp sách nhiễu những nhóm tôn giáo độc lập, đặc biệt là nhiều nhóm Tin Lành của người bản địa ở Tây Nguyên.
“Trong các cuộc gặp gở với chính quyền Việt Nam, Ngài nên khuyến khích và thuyết phục chính phủ Việt Nam tiến hành cải thiện tình hình nhân quyền trong nước, gây áp lực để họ chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động xã hội, trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm, và bãi bỏ mọi hình thức hạn chế quyền tự do thực hành tôn giáo và chấm dứt can thiệp vào hoạt động nội bộ của các tôn giáo,” các tổ chức nói trong thư ngỏ.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, Trưởng ban điều hành của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, một trong bốn tổ chức ký tên vào thư ngỏ, cho rằng nhân quyền là nguyên tắc cơ bản trong quan hệ đối ngoại của Hoa Kỳ, tuy nhiên, vấn đề nhân quyền không phải lúc nào cũng là yếu tố nổi bật trong quan hệ Việt-Mỹ. Cụ thể, hiện nay, việc Trung Quốc bành trướng trong khu vực là điểm then chốt mà Hoa Kỳ muốn đối phó.
Theo ông, Hoa Kỳ rất kiên nhẫn trong vận động nhân quyền với Việt Nam, và bằng chứng rõ nhất là hai bên đã tiến hành 26 cuộc đối thoại nhân quyền thường niên.
Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 04/9 về nhiệm vụ vận động nhân quyền của người Việt, trong đó có tổ chức của ông:
“Các tổ chức nhân quyền như Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam nhiệm vụ của chúng tôi là phải vận động với chính giới Hoa Kỳ, hành pháp cũng như lập pháp chúng tôi phải thường xuyên tiếp cận và trình bày với họ về tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam.
Bức thư ngỏ gửi Tổng thống Biden trước chuyến công du Việt Nam sắp tới, hoặc việc tiếp cận các văn phòng dân biểu và nghị sỹ để vận động cho dự luật Nhân quyền Việt Nam, là những công tác mà chúng tôi đã và đang thực hiện.”
Ông JB Nguyễn Hữu Vinh, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, một trong ba tổ chức còn lại ký tên vào thư ngỏ, nói về tầm quan trọng của việc vận động cho nhân quyền Việt Nam:
“Tôi nghĩ rằng đó (gửi thư ngỏ- PV) là những việc cần phải làm bởi vì dù có kết quả hay không có kết quả thi trách nhiệm của những người cần thiết phải làm những việc đó là cần thiết.
Việc các tổ chức gửi thư đến ông Biden để lưu ý cái vấn đề đó thì tôi cho rằng lại là cần thiết vì cha ông ta đã nói rồi, ‘con có khóc thì mẹ mới cho bú’.”
Dẫn chính sách ngoại giao của chính quyền Biden-Harris “bắt nguồn từ các giá trị dân chủ được trân trọng nhất của Hoa Kỳ: bảo vệ tự do, ủng hộ cơ hội, đề cao các quyền phổ quát, tôn trọng pháp quyền và đối xử với mọi người một cách có phẩm giá,” bốn tổ chức bày tỏ hy vọng chuyến thăm của ông Biden tới Việt Nam “sẽ mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam bình thường và các nhà hoạt động cho tự do, dân chủ ở Việt Nam.”
Dự án 88 kêu gọi Tổng thống Biden đặt điều kiện với Hà Nội
Trong ngày 4/9, Dự án 88, một tổ chức vận động cho nhân quyền Việt Nam, cũng ra thông cáo báo chí kêu gọi Tổng thống Biden đặt điều kiện với Hà Nội trước khi ký kết thoả thuận nâng cấp quan hệ song phương.
Biden nên yêu cầu Việt Nam trả tự do cho các tù nhân chính trị, chấm dứt việc bắt giữ người hoạt động nhân quyền, ân xá cho tất cả tù nhân chính trị, Dự án 88 nói trong thông cáo.
Tổ chức này nói hai quốc gia đánh dấu 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, tuy nhiên, việc thắt chặt quan hệ song phương lại trùng với việc Việt Nam gia tăng đàn áp người dân trong nước.
‘Thật phẫn nộ khi Tổng thống Biden đã chọn nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào thời điểm nhà nước độc đảng đang tiến hành đàn áp khốc liệt đối với các nhà hoạt động, giới bất đồng chính kiến và xã hội dân sự. Bất chấp những lời hoa mỹ cao cả về việc thúc đẩy ‘trật tự quốc tế dựa trên luật lệ’ và bảo vệ tự do, Biden một lần nữa lại thân thiện với những kẻ chuyên quyền có hồ sơ nhân quyền tồi tệ,” Ben Swanton, đồng giám đốc của Dự án 88 nói trong thông cáo.
Ông Ben Swanton nói hồ sơ nhân quyền của Việt Nam trầm trọng hơn kể từ năm 2016 khi Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng thâu tóm quyền lực. Dưới sự chỉ đạo của nhân vật bảo thủ này, Bộ Công an đã thực hiện việc trấn áp khốc liệt đối với giới hoạt động bằng những điều luật mơ hồ trong Bộ luật Hình sự.
“Việc Việt Nam đàn áp giới hoạt động và giới bất đồng chính kiến làm đóng cửa các nhà xuất bản độc lập, các nhóm báo chí tự do, và các tổ chức chống tham nhũng trong nước, với hậu quả nặng nề đối với các cố gắng thúc đẩy chính trị đa nguyên,” ông Swanton nói.
‘Việc không trừng phạt Việt Nam vì hành vi vô pháp đã gây ra hậu quả ớn lạnh. Chính quyền đang sử dụng lời đe dọa truy tố hình sự vì tội ‘trốn thuế’ như một biện pháp ngăn chặn sự xuất hiện của xã hội dân sự độc lập, đồng thời hạn chế các quyền cơ bản đối với quyền tự do lập hội và ngôn luận,” ông Swanton tổng kết.
RFA (05.09.2023)
Nhiều tổ chức cộng đồng yêu cầu Biden nêu nhân quyền khi gặp lãnh đạo CSVN
Trước chuyến thăm đầu tiên của Tổng Thống Joe Biden tới Việt Nam, dự kiến vào ngày 10 Tháng Chín, một số tổ chức hoạt động nhân quyền vùng Little Saigon, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất hải ngoại, lên tiếng kêu gọi nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nêu vấn đề nhân quyền với chính quyền Việt Nam trong các cuộc gặp gỡ tại Hà Nội.
Hôm 28 Tháng Tám, Tòa Bạch Ốc cho biết, tại Hà Nội, ông Biden sẽ gặp ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, và các lãnh đạo chủ chốt khác.
Người Mỹ gốc Việt biểu tình trước Tòa Bạch Ốc khi Tổng Bí Thư CSVN Nguyễn Phú Trọng đến Hoa Kỳ vào ngày 7 Tháng Bảy, 2015.
Tổng Thống Joe Biden sắp đến Việt Nam trong hai ngày 10 và 11 Tháng Chín, dịp này nhiều tổ chức cộng đồng yêu cầu tống thống Mỹ nêu vấn đề nhân quyền với CSVN. (Hình minh họa: Alex Wong/Getty Images)
Hôm 1 Tháng Chín, nhật báo The Washington Post, dẫn nguồn một giới chức cao cấp trong chính quyền Biden và hai người ở Hà Nội nắm rõ vấn đề, cho biết tại Việt Nam, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ ký thỏa thuận nâng cấp quan hệ song phương lên “đối tác chiến lược toàn diện,” mức cao nhất trong lãnh vực ngoại giao của Việt Nam.
Cũng trong ngày 1 Tháng Chín, trong một bức thư ngỏ chung, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, Tổ Chức Người Bảo Vệ Nhân Quyền, Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, và Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam yêu cầu “tổng thống đặt vấn đề vi phạm nhân quyền trong các cuộc thảo luận sắp tới với giới lãnh đạo Việt Nam.”
Bức thư ngỏ chỉ ra rằng “thành tích nhân quyền của Việt Nam đã trở nên tồi tệ hơn. Trong những năm gần đây, chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp và bỏ tù những người bất đồng chính kiến. Tất cả tù nhân lương tâm đều bị giam giữ một cách tùy tiện vì những cáo buộc bịa đặt theo mục An Ninh Quốc Gia của Bộ Luật Hình Sự và bị một hệ thống tư pháp xét xử bất công. Trong thời gian bị giam giữ, các tù nhân lương tâm bị đối xử vô nhân đạo.”
“Việt Nam tiếp tục đàn áp, kiểm soát, và vi phạm quyền tự do tôn giáo qua việc loại các tôn giáo lớn và chính thống không nằm dưới sự kiểm soát của đảng CSVN ra ngoài vòng pháp luật, hình sự hóa các hoạt động tôn giáo, ngăn cản tụ tập sinh hoạt tôn giáo, cản trở quyền tự do đi lại của các giới chức tôn giáo, xâm phạm tài sản của tổ chức tôn giáo, và ép buộc từ bỏ tín ngưỡng tôn giáo,” bức thư được viết tiếp.
Bốn tổ chức này cho biết thêm: “Chính quyền Việt Nam tuyên bố bảo vệ môi trường và đã nhận được hàng tỷ đô la viện trợ nước ngoài để cải thiện môi trường và ngăn ngừa ô nhiễm. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động sinh thái nổi tiếng như khôi nguyên Giải Goldenman Ngụy Thị Khanh, Đặng Đình Bách, Hoàng Thị Minh Hồng, Mai Phan Lợi, và Bạch Hồng Đường đều bị bắt với tội danh bịa đặt ‘trốn thuế’ và bị kết án tù nhiều năm.”
Bốn tổ chức ký tên trong thư ngỏ kêu gọi Tổng Thống Biden khuyến khích và thuyết phục chính phủ Việt Nam thực hiện các bước để cải thiện tình hình nhân quyền, gây áp lực buộc họ phải ngừng đàn áp những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động, trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm, bãi bỏ mọi hình thức hạn chế quyền tự do biểu đạt. thực hành tôn giáo, và không can thiệp vào công việc nội bộ của tôn giáo.
Ngày 2 Tháng Chín, đảng Việt Tân cũng đưa ra quan điểm về nhân quyền nhân chuyến thăm của Tổng Thống Biden đến Việt Nam.
Đảng này cho biết: “Việc nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa hai nước chỉ có giá trị khi vấn đề đàn áp nhân quyền tại Việt Nam được cải thiện. CSVN phải cam kết chấm dứt việc sử dụng luật pháp tùy tiện để bắt bớ và chà đạp nhân quyền. Hoa Kỳ cần phải đưa điều kiện nhân quyền vào những ký kết với các tiêu chuẩn và biện pháp chế tài rõ ràng.”
“Hệ thống chính trị của Việt Nam cần phải thay đổi để thật sự tự do và dân chủ. Chỉ có như vậy mới đáp ứng được nguyện vọng của người dân Việt Nam và bảo đảm được sự phát triển bền vững lâu dài cho cả hai quốc gia,” đảng Việt Tân cho biết thêm.
Nguoi Viet (05.09.2023)
TNLT Đặng Đình Bách bị đánh vào đầu sau khi tố “nhóm phạm nhân cầm dao uy hiếp tù chính trị”
Tù nhân lương tâm Đặng Đình Bách Ảnh do gia đình cung cấp
Tù nhân lương tâm Đặng Đình Bách bị hành hung ngay sau cuộc gọi về nhà để tố cáo sự việc nghiêm trọng xảy ra trong Trại giam số 6.
Hôm 5/9/2023, người thân của ông Trần Huỳnh Duy Thức và Đặng Đình Bách lên trại giam ở Thanh Chương, Nghệ An để thăm gặp và tìm hiểu về sự việc các tù nhân chính trị bị đe dọa tính mạng khi đang thụ án ở đây.
Như chúng tôi đã thông tin, ông Thức trong cuộc gọi về gia đình hôm 31/8 tố cáo sự việc bốn tù nhân chính trị trong Tổ A, Phân trại số 1, Trại giam số 6 bị một nhóm người mặc đồ phạm nhân nhảy vào khu giam giữ tù chính trị uy hiếp tính mạng.
Sự việc sau đó được chính ông Đặng Đình Bách xác nhận lại với vợ là bà Trần Phương Thảo trong cuộc điện đàm cùng ngày.
Ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai ông Thức trong buổi trưa ngày 5/9 cho hay khi cuộc thăm gặp mới diễn ra, ông Thức kêu gia đình ghi lại tên và số hiệu của 7-8 người công an đứng xung quanh và cho biết đó là “những người đàn áp và gây khó khăn cho anh ở trong trại.”
Gia đình cũng cho biết vụ việc xảy ra hôm 25/8 là do trước đó bốn tù nhân chính trị gồm: Trần Huỳnh Duy Thức, Đặng Đình Bách, Nguyễn Trọng Bằng và Nguyễn Thanh Quang gửi đơn cho giám thị yêu cầu trại giam phải niêm yết công khai định mức khẩu phần ăn ở Phân trại số 1 của trại giam.
Ông Thức cũng nói rõ với người thân là “nhóm cầm dao đó không phải do cán bộ làm mà nhóm người nào đó mặc đồ phạm nhân vào uy hiếp.” Ông Tân nói qua điện thoại với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau:
“Anh Thức đợi hết giờ vào cuối buổi thăm gặp nói câu sau cùng cho gia đình biết, vì anh biết khi nói việc này ra sẽ bị ngăn lại. Anh nói câu sau cùng, hét thật to cho gia đình biết là “hôm anh Bách (Đặng Đình Bách-PV) gọi về cho gia đình ngày 31/8 thì anh ấy bị cán bộ hành hung nghiêm trọng.”
Nói tới đó, gia đình tranh thủ hỏi lại thì anh Thức nói bản thân không bị hành hung.”
Gia đình trước đó gửi đơn kêu cứu khẩn cấp đến ông Trần Bá Toan – giám thị Trại giam số 6 và Viện kiểm sát nhân dân Tỉnh Nghệ An để đề nghị thực hiện ngay các biện pháp để bảo vệ tính mạng, đảm bảo sự an toàn cho bốn tù nhân chính trị ở Tổ A – Phân trại 1 – Trại giam số 6.
Sau khi kết thúc buổi thăm gặp, những người thân của ông Thức yêu cầu được gặp trực tiếp ông Trần Bá Toan để chất vấn về vụ việc, tuy nhiên chỉ có một cán bộ đồng ý gặp một người thân, cho biết trại giam đã nhận được đơn nhưng ông giám thị đang đi công tác, sẽ trả lời sau khi xem xét lá đơn.
TNLT Đặng Đình Bách bị chấn thương đầu
Bà Trần Phương Thảo, vợ của luật sư Đặng Đình Bách – giám đốc trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD) cho hay, trong cuộc nói chuyện ngắt quãng qua điện thoại và ngăn cách bởi vách kính ngăn gia đình đoán được ông Bách bị hành hung ngay sau cuộc gọi cho gia đình ngày 31/8.
Cuộc thăm gặp hôm 5/9 diễn ra trong một căn phòng khác với những lần trước, cán bộ yêu cầu ông Bách không được cầm theo cuốn sổ ghi chép lại những gì đã diễn ra. Bà Thảo trong tin nhắn với RFA trong cùng ngày thuật lại:
“Anh Bách giơ tay ra cho tôi xem, tôi thấy có ba vết rách da ở cổ tay và bàn tay mỗi vết chừng 2-3 cm, đang lên da non.
Tôi hỏi anh bị sao? Anh Bách nói tôi tự hiểu, có nhiều điều anh không thể nói được nhưng ang tin là em tự nhận thức được điều gì đang diễn ra trong này.”
Trong cuộc nói chuyện chắp vá sau đó, ông Bách cho biết ông có vết thâm tím sau gáy dài khoảng 7 cm và đến nay vẫn còn bị đau đầu, tuy nhiên bị cán bộ từ chối cho đi khám, chụp chiếu.
“Vào ngày 31/8, ngay sau cuộc gọi về nhà anh bị đánh chí mạng vào đầu từ phía sau. Ngày 1/9, anh có tố cáo và có người đến ghi nhận hiện trường, trong biên bản còn có dấu giày.
Ở trong này anh không vi phạm điều gì, mọi chuyện tự nhiên đến” – bà Thảo thuật lại lời của ông Bách cho biết sức khỏe ông không được cải thiện sau lần tuyệt thực trước và cân nặng chỉ còn 43kg.
Sau khi nói ra những điều này cán bộ quản giáo hăm dọa sẽ dừng cuộc thăm gặp nếu còn tiếp tục.
Bà Thảo cũng cho biết, cả bốn tù nhân chính trị trong Tổ A đều từ chối nhận khẩu phần ăn của trại và chỉ sử dụng thức ăn của gia đình gửi.
Phóng viên gọi điện thoại cho Trại giam số 6 để xác minh thông tin, tuy nhiên không thể kết nối.
RFA (05.09.2023)
Hoa Kỳ cần lưu ý gì để tiếp tục hỗ trợ dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam?
TBT Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và (trái) TT Hoa Kỳ Joe Biden (phải) đã từng gặp nhau vào năm 2015 AFP
Một khi quan hệ đối tác ở tầm mức mới được thiết lập giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có thể giúp Việt Nam thoát khỏi ‘ảnh hưởng quá nặng nề’ của Trung Quốc, giúp Hoa Kỳ đạt được thuận lợi hơn các mục tiêu tại Việt Nam và khu vực, Chính phủ và lưỡng viện Hoa Kỳ cần và nên tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiến bộ hơn về các mặt tự do, dân chủ và nhân quyền.
Đây là ý kiến của Cựu Biên tập viên Tạp chí Cộng sản, nhà hoạt động Nguyễn Vũ Bình từ Hà Nội nêu ra với RFA ngày 4/9.
‘Bất thường xảy ra ngay trước chuyến thăm của Tổng thống Biden’
Trước hết ông Nguyễn Vũ Bình nhắc lại điều mà theo ông là ‘diễn biến bất thường’ ngay trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden. Đó là việc quấy nhiễu, đe dọa các tù nhân lương tâm như Trần Huỳnh Duy Thức, Đặng Đình Bách và những người khác đang bị giam giữ trong các nhà tù tại Việt Nam mới đây.
“Trong nội bộ của Việt Nam thực sự ra cũng rất phức tạp, có rất nhiều phe cánh, người thì ‘thân’ Trung Quốc, người có xu hướng ngã về Mỹ, những quyết định là tập thể, tức là dựa trên một số nào đó, chẳng hạn như là Bộ Chính trị, cho nên những việc như đã nêu có khả năng xảy ra. Trước đây, trường hợp như ông TBT Lê Khả Phiêu (đổi thái độ khi đang tiếp Ngoại trưởng Madeleine Albright) đã xảy ra rồi, thì việc ‘hành hung’ anh Trần Huỳnh Duy Thức hay một luật sư ở trong lĩnh vực môi trường, mà tự nhiên họ bị mấy người ‘cầm dao’ xông vào (buồng giam) là hiện tượng rất lạ, từ trước đến giờ trong lĩnh vực tù nhân lương tâm hiếm có chuyện đó, mà tự nhiên lại nảy ra chuyện đó, đúng là cũng nên đặt dấu hỏi.
Và vì môi trường (chính trị nội bộ) của Việt Nam rất phức tạp, cho nên không loại trừ là có một số người, một số nhóm không muốn quan hệ của Việt Nam nâng cấp lên, như báo chí nói, hướng tới, người ta có thể sử dụng cách này, cách khác, mà trong đấy có thể có việc ‘kích động tù nhân lương tâm’. Thực ra, nếu chúng ta muốn biết chính xác, chúng ta phải ở trong nội bộ cấp cao của họ, nhưng dựa vào kinh nghiệm, chúng ta thấy là nó cũng có thể xảy ra, bởi vì hiện tượng đó khá lạ – hiện tượng mà các tù nhân (thường phạm) mà ‘cầm dao’ sang khu vực của tù nhân chính trị để đe dọa thì hơi lạ, cho nên chúng ta không loại trừ trường hợp đó.”
Mới đây, hôm 30/8/2023, tờ báo Mỹ Washington Post đã thu hút sự chú ý của công luận trên bài xã luận của mình đặt vấn đề làm thế nào mà Tổng thống Joe Biden có thể vừa tiếp cận thân thiện chính quyền Việt Nam, vừa có thể giúp đỡ ‘những người bị mắc kẹt sau song sắt’, bài báo nhấn mạnh:
“Hoa Kỳ và Việt Nam đang trên đà nâng cấp đáng kể trong mối quan hệ của họ, sẽ được ấn định khi Tổng thống Biden đến thăm Hà Nội vào ngày 10 tháng 9. Kế hoạch của chính quyền nhằm thiết lập ‘quan hệ đối tác chiến lược’ với Việt Nam được thúc đẩy bởi mong muốn chống lại Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhưng trước khi ông Biden nâng cốc chúc mừng các nhà lãnh đạo Việt Nam, ông nên chỉ ra thành tích nhân quyền đang ngày càng xấu đi của Việt Nam và thúc đẩy sự thay đổi. Tổng thống có nhiều công cụ để khuyến khích cải cách hơn những gì tưởng tượng.”
‘Đàn áp, vi phạm nghiêm trọng và có hệ thống’
Đề cập tình hình nhân quyền tại Việt Nam, bài xã luận của Washington Post có đoạn cho hay:
“Việt Nam là một quốc gia độc đảng do Đảng Cộng sản Việt Nam cai trị. Kể từ năm 2016, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư có đường lối cứng rắn Nguyễn Phú Trọng, chính phủ đã tiến hành đàn áp trên diện rộng các hoạt động, bất đồng chính kiến, xã hội dân sự và tự do tôn giáo. Toàn bộ ban lãnh đạo phong trào biến đổi khí hậu của đất nước hiện đang bị tống giam, và việc bỏ tù đã phá hủy các nỗ lực tổ chức và liên minh vận động của phong trào này. Vào ngày 01 tháng
Sáu, Việt Nam chính thức buộc tội nhà hoạt động khí hậu hàng đầu của đất nước, Hoàng Thị Minh Hồng, tội trốn thuế, khiến bà trở thành nhà hoạt động môi trường thứ năm phải đối mặt với cáo buộc như vậy trong hai năm qua. Một cuộc điều tra nhân quyền do Dự án 88 công bố vào tháng 4 cho thấy chính quyền đã vũ khí hóa luật trốn thuế như thế nào để bịt miệng các nhà bảo vệ môi trường.
Việc Việt Nam đàn áp những nhà hoạt động này đi ngược lại thỏa thuận của Việt Nam với Liên minh Châu Âu và Nhóm Bảy quốc gia, cũng như Đan Mạch và Na Uy, được gọi là Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng, nhằm giúp Việt Nam huy động ít nhất 15,5 tỷ USD từ các nhà đầu tư công và tư nhân để đáp ứng cam kết của mình đạt mức phát thải ròng bằng zero vào năm 2050. Thỏa thuận quy định rằng ‘để quá trình chuyển đổi diễn ra công bằng và hợp lý, cần phải tham vấn thường xuyên, bao gồm cả với giới truyền thông, các tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan khác để đảm bảo sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội’”.
Nhà hoạt động Đặng Đình Bách trong phiên toà phúc thẩm năm 2022.
Về số lượng các nhà hoạt động bị bắt giam và đang bị ‘kẹt sau song sắt’ cũng như về tình hình được cho là nạn trấn áp của chính quyền đối với giới hoạt động tự do, dân chủ, nhân quyền ôn hòa ở Việt Nam hiện nay và nhất là gần đây, tờ Washington Post nhấn mạnh và cho hay:
“Có 193 nhà hoạt động đang bị cầm tù ở Việt Nam. Điều này không bao gồm những người bị buộc phải lưu vong hoặc bị buộc phải im lặng. Nhiều người trong tù bị buộc tội với những điều khoản mơ hồ trong bộ luật hình sự, chẳng hạn như Điều 117 hình sự hóa việc ‘làm, tàng trữ, phổ biến hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, sản phẩm nhằm chống Nhà nước’ hay Điều 331, trong đó cấm ‘lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước.’ Ví dụ, tác giả và nhà báo Việt Nam Phạm Đoan Trang, người năm ngoái đã nhận được Giải thưởng Phụ nữ Dũng cảm Quốc tế của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, đang thụ án 9 năm tù vì bị cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước. Khi ở Hà Nội, ông Biden phải nói với cai ngục: Hãy để cô ấy đi cùng với tất cả các tù nhân chính trị khác.
Cuộc đàn áp cũng dẫn đến việc giải thể các nhóm môi trường, nhà xuất bản độc lập, hiệp hội các nhà báo độc lập của đất nước và một tổ chức chống tham nhũng phi chính phủ. Những người không có lịch sử hoạt động có tổ chức nhưng đang sử dụng mạng xã hội để lên tiếng bất bình về tham nhũng, kiểm soát đại dịch và lạm dụng tài nguyên công cũng đang phải đối mặt với việc bị truy tố. Các biện pháp kiểm soát đối với xã hội dân sự đã trở nên nghiêm ngặt hơn, bao gồm các hạn chế đối với học thuật và hội nghị quốc tế, tăng cường giám sát các tổ chức trong nước dựa vào nguồn tài trợ nước ngoài và kiểm duyệt truyền thông xã hội. Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ đã phát hiện ‘những vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng đang diễn ra và có hệ thống’ ở Việt Nam và đã kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ liệt Việt Nam vào danh sách ‘quốc gia cần quan tâm đặc biệt’ theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998.”
Bình luận về quan điểm của bài báo này của Washington Post, từ Hà Nội, ông Nguyễn Vũ Bình nói với Đài Á Châu Tự Do:
“Hai vấn đề này thực ra đôi khi mâu thuẫn nhau, tức là lợi ích trái ngược nhau, bởi vì trong việc nâng cấp quan hệ, Việt Nam rất cần Mỹ, cũng như Mỹ rất cần Việt Nam, thế nhưng Việt Nam có mối quan hệ cũng rất mật thiết với Trung Quốc, cho nên họ phải cân nhắc, cân đối mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ và Việt Nam với Trung Quốc, vì vậy nó không có tiến triển nhanh như là người dân hay nhiều người mong muốn, cho nên đã rất nhiều lần Mỹ đã ‘chìa cành ô-liu’, hay đã rất muốn quan hệ với Việt Nam, nâng cấp quan hệ lên, nhưng Việt Nam vẫn rất thận trọng trong việc này. Việc tăng cường hay nâng cấp quan hệ ở thế ‘vừa muốn mà lại vừa sợ’, ‘sợ’ là sợ Trung Quốc, cho nên Việt Nam rất chậm trong chuyện này.
Còn về việc Mỹ tác động để giảm sự đàn áp hay giải phóng một số tù nhân lương tâm, chúng ta biết trong suốt quá trình vừa qua nó rất hạn chế. Nhưng với tư cách của một người dân Việt Nam và với tư cách của một người đấu tranh cho tự do, dân chủ, tôi đều mong muốn Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên một tầm cao mới, ít nhất là để cân bằng để tránh được ảnh hưởng quá nặng nề của Trung Quốc đối với Việt Nam. Với việc nâng cấp quan hệ như vậy, không ít thì nhiều vấn đề dân chủ, nhân quyền cũng sẽ được quan tâm một cách sâu sát hơn; đó là một điều chắc chắn, còn đến mức độ nào thì chưa dám nói. Còn đối với lưỡng viện (Quốc hội) Hoa Kỳ, về mặt mong muốn, bao giờ cũng mong muốn có những sức ép để làm sao Việt Nam tôn trọng những điều mà Việt Nam đã ký kết về quyền con người, như là Công ước Quốc tế về Quyền Con người, để Việt Nam làm sao hội nhập và phát triển được hơn, ít nhất là như vậy.”
Chấm dứt bắt bớ tù nhân lương tâm và ưu tiên trao trả tự do
Theo ông Nguyễn Vũ Bình, nếu Việt Nam tôn trọng các quyền con người, tôn trọng Công ước Quốc tế về các quyền này mà đã ký kết, thì quốc tế sẽ ‘giao hảo, làm ăn’ nhiều hơn với Việt Nam, và đất nước sẽ ‘phát triển tốt hơn’, ông nói thêm:
“Đấy là một điều mà ai cũng nhìn thấy như vậy, còn nếu cứ rời xa, cứ như từ trước tới nay, thì việc quan hệ chắc chắn sẽ khó khăn, làm ăn sẽ khó khăn. Tất nhiên là một người trong phong trào dân chủ, đấu tranh cho dân chủ cũng vài chục năm rồi, tôi hoàn toàn đồng ý rằng điều quan trọng các chính sách đối với Việt Nam (về theo dõi dân chủ, nhân quyền) phải được thành lập và phải có chế tài (nếu vi phạm), nếu không có chế tài họ muốn làm thế nào thì làm, sẽ không có hiệu quả. Từ trước đến giờ đã có nhiều yêu cầu nọ kia rồi, thế nhưng không có chế tài, thậm chí vừa rồi như châu Âu với Việt Nam cũng có ký kết Hiệp định (EVFTA), các vị luật sư về môi trường, như anh Đặng Đình Bách, cũng dựa vào sự ký kết với Việt Nam đã mở ra những trung tâm ở Việt Nam về bảo vệ môi trường, nhưng cuối cùng vẫn bị bắt, tức là không có chế tài gì cả, cho nên việc này đối với Việt Nam khó như vậy.”
Blogger Nguyễn Tường Thụy cầm hoa tham gia biểu tình phản đối Trung quốc tại Hà Nội hôm 19/1/2014 (hình minh họa). Reuters
Bình luận điều mà bài xã luận trên báo Washington Post đề cập như một chiến dịch ‘đàn áp có hệ thống’ với giới hoạt động tự do, dân chủ, nhân quyền, phản biện chính sách và đề nghị chính quyền Mỹ nhân dịp chuyến thăm của Tổng thống Biden đến Việt Nam dự kiến hôm 10/9 tới đây, dành sự quan tâm đến các tù nhân lương tâm ở Việt Nam, ông Nguyễn Vũ Bình nói tiếp với Đài Á Châu Tự Do:
“Những trường hợp như các ông Hoàng Ngọc Giao và một vài vị khác, khi họ bị bắt, chúng tôi cũng rất ngạc nhiên, bởi vì các ông ấy vẫn ở trong hệ thống và việc mà các ông làm cũng như các ông nói cũng rất nhẹ nhàng thôi, nên không hiểu làm sao mà lại bị bắt. Cho nên, tôi nghĩ rằng nếu dịp này tác động để những người như vậy mà được trả tự do thì rất là tốt. Bởi vì những trường hợp đấu tranh như chúng tôi thì không nói làm gì, thực ra nhà nước Việt Nam đã đối xử từ trước như vậy rồi, nhưng những trường hợp ‘rất nhẹ nhàng’ như là ông Giao hay mấy người hoạt động về môi trường, chúng tôi rất ngạc nhiên, họ không đáng bị đối xử như thế. Cho nên, nếu như có sự tác động, để những người này được tự do thì rất là tốt, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Tất nhiên là những người đấu tranh mà lên tiếng phản biện, thì đúng theo luật và các quyền con người họ không vi phạm gì cả; tất nhiên yêu cầu và đòi hỏi thì muốn với tất cả, nhưng trong mức độ cho phép, những người như ông Hoàng Ngọc Giao và mấy người hoạt động về môi trường được trả tự do là tốt nhất, bởi vì (việc bắt họ) vừa mang tiếng cho Việt Nam trước thế giới, vì đúng là người ta không có vấn đề gì mà lại bắt trong bối cảnh như thế, cho nên tôi ủng hộ để tác động cho những người này sớm được tự do.”
Ngoài ra, trong nhiều trường hợp mà theo ông Nguyễn Vũ Bình là không thể kể hết và lẽ ra phải trao trả tự do toàn bộ, vô điều kiện, ngay lập tức và chấm dứt luôn việc bắt bớ tù nhân lương tâm, vị cựu Biên tập viên Tạp chí Cộng sản đề cập thêm một số trường hợp tù nhân lương tâm khác nữa còn đang bị bỏ tù ở Việt Nam, mà theo ông phía Hoa Kỳ và đặc biệt phái đoàn chính phủ của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nên quan tâm, tác động để họ được trao trả tự do:
“Anh Trần Huỳnh Duy Thức ở tù quá lâu, rồi những người có tuổi mà án dài, ví dụ như anh Trần Anh Kim, anh Nguyễn Tường Thụy, anh Phạm Thành, những người đó có tuổi, sức khỏe yếu rồi, cũng nên trả tự do cho những người đó trước. Những người lớn tuổi mà án dài, nhiều người bảy mươi mấy tuổi rồi, giam cầm người ta thì có khi người ta không sống được để ra khỏi tù. Tôi nói chung như vậy vì có thể không nhớ hết, ví dụ như là cô Đoan Trang cũng như vậy thôi, tôi rất mong muốn cô ấy được tự do vì sức khỏe của cô không tốt, chân tay đau yếu. Rồi những người như là anh Trần Bang, rất yếu, có khối u, v.v… cơ bản là những người có tuổi,” ông Nguyễn Vũ Bình nói với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng từ Hà Nội, hôm 04/9/2023.
Quốc Phương (London)
RFA (04.09.2023)