„Đúng ra, với hơn một triệu rưởi người, đặc biệt tập trung vào một vài địa phương, cộng đồng tị nạn ta đã phải có tiếng nói lớn hơn, mạnh hơn và có nhiều hậu quả tốt đẹp hơn,..“

 

Vũ Linh

 

 

Năm 1975 là năm cả trăm ngàn người Việt được nhận vào tị nạn ở Mỹ. Tính ra người Việt đã bắt đầu sinh sống và nhận nơi này là quê hương thứ hai đã xấp xỉ gần nửa thế kỷ. Thế nhưng, có thể nói tuyệt đại đa số dân tị nạn vẫn rất thờ ơ với chính trị Mỹ, ít nhất là cho tới thời Obama và Trump.

 

Số dân Mỹ gốc Việt có tên tuổi lớn, trách nhiệm lớn trên đất Mỹ, gần như là con số không.

 

Cộng đồng Việt không thành công?

 

Dân Cuba cũng không khác mấy dân Việt tị nạn: cũng chạy trốn CS, qua Mỹ sống. Phần lớn họ chạy qua Mỹ dưới thời TT Kennedy, đầu thập niên 1960, trước cộng đồng Việt khoảng 15 năm. Nửa thế kỷ sau, trong cuộc bầu cử TT năm 2016, đã có hai ứng cử viên TT rất nặng ký vào chung kết trong đảng CH là dân gốc Cuba: đó là hai thượng nghị sĩ Ted Cruz của Texas và Marco Rubio của Florida. Năm nay, cũng đã có ông Cuba thị trưởng Miami ra tranh cử TT, tuy đã rút lui. Chưa kể dân Cuba đã có nhiều người làm thống đốc, nghị sĩ, dân biểu cấp tiểu bang và cả liên bang. Cộng đồng tị nạn Việt cho đến nay, gần nửa thế kỷ sau, chưa có ai làm thống đốc hay thượng nghị sĩ liên bang, khoan nói tới ứng cử viên TT. Chỉ có 2 dân biểu liên bang đã hết làm là ông Joseph Cao Quang Ánh (một nhiệm kỳ, 2 năm) và bà Stephanie Murphy (Đặng Thị Ngọc Dung, 3 nhiệm kỳ, 6 năm). Ở cấp tiểu bang, số dân biểu đếm chưa hết một bàn tay.

 

Cộng đồng Mỹ gốc Ấn có khoảng hơn 4 triệu người, cứ cho là lớn gấp ba lần cộng đồng Việt. Vậy chứ họ đã có bà Kamala lên tới phó TT và có thể trở thành TT bất cứ lúc nào nếu cụ Biden quy tiên. Bên CH, có tới hai người gốc Ấn đang nổi đình nổi đám trong số các ứng cử viên TT. Các siêu doanh gia đã hay đang làm CEO cho những đại tập đoàn lớn nhất thế giới như Microsoft, Google, IBM, Pepsi, Twitter, MasterCard,… đều là dân gốc Ấn.

 

Cộng đồng VN thất bại? Không hẳn. Cộng đồng VN thành công rất lớn trong nhiều lãnh vực khác như kinh doanh, học đường và cả trong quân lực Mỹ với cả nửa tá tướng lãnh. Chính xác hơn, phải nói là dân Việt vẫn còn tương đối xa lạ với văn hóa chính trị Mỹ. Dân Cuba dù sao cũng có văn hóa gốc Âu Châu, gần với Mỹ hơn dân Việt ta, nên dễ hội nhập vào chính trị Mỹ hơn, và dễ leo cao hơn.

 

Ta cần tìm hiểu sâu hơn về ‘văn hóa chính trị’ Việt.

 

QUÁ TRÌNH SINH HOẠT CHÍNH TRỊ TRONG CỘNG ĐỒNG TỊ NẠN

 

Một điều hiển nhiên: cộng đồng tị nạn Việt tương đối ít tham gia vào chính trị Mỹ.

 

Nhiều người dửng dưng nói “Tôi không làm chính trị nên không muốn nghe hay bàn hay đọc về chuyện chính trị“. Thật ra, những người này không hiểu rõ ‘chính trị’ là gì. Làm chính trị không nhất thiết phải là ra tranh cử chức vụ chính trị gì như thị trưởng hay ủy viên hội đồng gì đó. Khi một người lên một máy bay Pháp từ Hải Phòng để di cư vào Nam năm 1954, khi một người bước chân xuống một cái xuồng tại Phước Thành năm 1975, ra biển khơi tìm cách đi tị nạn ở Mỹ hay Âu Châu, Úc Châu, những người đó đã làm chính trị rồi. Chuyện đó gọi là đã ‘bỏ phiếu bằng chân’, chọn một thể chế chính trị khác chế độ VC để sống. Thậm chí, trong thời kỳ chiến tranh, khi người dân bỏ làng, chạy về khu do quân đội VNCH kiểm soát, họ cũng đã bỏ phiếu bằng chân rồi. Năm 75, một trong những lý do ta thua trận cũng là vì quá nhiều dân bỏ phiếu bằng chân, bỏ chạy khỏi những tỉnh, những vùng mà họ nghe tin là VC sẽ chiếm, đưa đến hỗn loạn trong các cuộc gọi là ‘tái phối trí quân lực’, rút lui khỏi Quân Đoàn II, Quân Đoàn I, khỏi Huế. Khi có những hành động đó, họ không phải là lấy một quyết định kinh tế, đi tìm chỗ kiếm tiền làm giàu, mà họ đã đi tìm chỗ sống, tìm chỗ có cuộc sống tự do, thoải mái hơn, an toàn hơn, có tương lai cho con cái hơn.

 

Với những người ý thức chính trị rõ ràng hơn, thì khi mới qua Mỹ, họ cũng gặp trở ngại vô cùng lớn lao, không cho phép họ dính dáng tới chính trị cho dù họ hiểu dính dáng vào chính trị Mỹ chính là bảo vệ quyền lợi sinh sống của họ, của gia đình họ, của cộng đồng. Trở ngại đó là tình trạng kinh tế cực kỳ khó khăn của những ngày đầu trong cuộc sống ti nạn, phải vật lộn với hai ba jobs, con cái còn chưa lo nổi, hơi đâu thắc mắc chuyện chính trị xa vời.

 

Thật ra, khi mới qua Mỹ, không phải cộng đồng hoàn toàn thờ ơ với chính trị. Cả chục, cả trăm hội đoàn Việt đã sinh sôi nẩy nở rất nhanh như những ngọn cỏ non chính trị, nhưng hầu hết những hoạt động khi đó chỉ nhằm mục đích bảo tồn văn hóa, tương thân tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, cũng như củng cố tinh thần chống cộng, chưa ai nghĩ đến chuyện tham gia vào chính trị Mỹ.

 

Cái tinh thần dấn thân chính trị có thời đã bộc phát, mà bộc phát với sức mạnh chưa từng thấy trong lịch sử Việt, khi nổi lên lực lượng kháng chiến có mục đích giải phóng VN khỏi tay VC của phó đề đốc Hoàng Cơ Minh.

 

Cả vạn người tị nạn, trong đó không ít cụ ông, cụ bà, cả thanh niên trai tráng khi đó đã cắn răng đi làm hai ba jobs để có tiền yểm trợ cho cuộc kháng chiến, trong khi hiểu rất rõ mình đang làm gì, cũng như thấy rất rõ những khó khăn trần ai của cuộc chiến 9 thua 1 thắng, có thể khiến mình tiền mất tật mang, mà chẳng ai thắc mắc chuyện bị lừa gạt hay ép buộc gì. Ông HCM thất bại. Thất bại vì cuộc chiến quá lớn, quá khó khăn, vượt quá xa giới hạn khả năng và phương tiện của Mặt Trận. Bạc triệu có thu được từ đám dân tị nạn khố rách áo ôm cũng vẫn là muỗi đốt gỗ, chưa đủ để đấm mõm mấy ông tướng Thái, khoan nói tới chuyện mua súng đạn, thực phẩm, thuốc men cho kháng chiến quân. Nhưng thất bại không biến ông HCM và những chiến sĩ của Mặt Trận thành đám ‘thảo khấu’ chỉ làm chuyện bịp lừa thiên hạ, lấy tiền bỏ túi. Kẻ này chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại có người nào lấy mạng mình ra để lừa thiên hạ lấy ít tiền mà chết dĩ nhiên không mang theo được, cũng chẳng dùng tiền để xây lăng như Tần Thủy

Hoàng. Trong cái nhìn của kẻ này, ông Hoàng Cơ Minh không thành công nhưng đã thành nhân, không khi nào là thảo khấu. Như các cụ ta đã nói, núi cao không phải là trở ngại, mà trở ngại chính là việc nhìn thấy núi cao rồi vặn vẹo kiếm lý do ngồi khoanh tay bàn ra, chờ người ta thất bại để reo mừng, “Thấy chưa? Đã bảo mà…”. Ông HCM đã theo gương Nguyễn Thái Học, Lê Lợi, Đề Thám,… chẳng cân nhắc “Thời cơ đã đến chưa? Ta đã đủ sức chưa?“, thấy chuyện phải làm là làm thôi.

 

Sự thật lịch sử vẫn là chuyện Mật Trận HCM khi đó đã đáp ứng đúng ước vọng của 90% những người Việt tị nạn CS trên khắp thế giới, và ông HCM đã đi vào lịch sử như một người đã hy sinh cho đất nước và dân tộc. Những người đã nằm xuống như ông HCM, ông Lê Hồng, cùng cả trăm chiến hữu, và anh Trần Văn Bá, hay ngay cả những người chưa nằm xuống, chỉ thất bại như ông Võ Đại Tôn, trong con mắt kẻ này luôn luôn là những người đáng tâm phục khẩu phục, vì đã dám chống cộng bằng chính mạng sống của mình trong khi -không dám nói ai khác- kẻ này chỉ dám chống cộng qua computer trong phòng lạnh an toàn ở Mỹ. Nếu ông HCM chỉ lo chống cộng bằng miệng như kẻ này, giờ này chắc vẫn còn sống, biết đâu đã thành triệu phú, chủ công ty sơn, ngày ngày vẫn bận tung emails chửi VC, thay vì bỏ mạng, mất xác trong rừng rậm Lào?

 

Người nào muốn chửi tôi là ngu đần, hết bị Trump lừa, đến ‘thảo khấu’ gạt, thì cũng đành chịu thôi, kẻ này không dám tranh cãi với ai hết. Xin ghi nhận, ở đây, tôi chỉ bàn về sự hy sinh của tướng HCM và cả trăm chiến hữu của ông, không bàn đến những chuyện khác của Mặt Trận HCM hay Việt Tân sau khi ông HCM đã hy sinh. [Thành thật khai báo, khi đó kẻ này cũng đã tham gia làm đoàn viên Mặt Trận, đóng góp tiền cho MT đều đặn cũng như tổ chức ca nhạc lấy tiền yểm trợ ông HCM; sau khi Mặt Trận phân hóa, chia làm hai thì đã rút ra, không theo bên nào hết, không biết Việt Tân là gì, chưa bao giờ ủng hộ cũng chưa khi nào chống].

 

Ngoài Mặt Trận HCM ra, thì phải thẳng thắn nhìn nhận sinh hoạt chính trị trong cộng đồng Việt đáng nản hơn đáng trách. Phần lớn lo tranh cãi, bôi bác lẫn nhau, hay chia nhau chức vụ hữu danh vô thực. Xin miễn bàn thêm.

 

CHÍNH TRỊ MỸ KHÔNG THÍCH HỢP VỚI VĂN HÓA VIỆT

 

Trở lại chính trị Mỹ, có điều phải nói ngay là cách chính trị Mỹ vận hành rất xa lạ với văn hóa Việt và dân Việt tị nạn.

 

Trước hết, phải nói ngay, chính trị Mỹ dựa trên nguyên tắc ‘người dân quyết định mọi chuyện qua việc bầu những người lấy quyết định thay cho họ’, như các tổng thống, thống đốc, nghị sĩ, dân biểu, thị trưởng,… Người dân chỉ có thể bầu những người đó trong hai điều kiện:

 

– Thứ nhất việc tuyển chọn người có quyền lấy quyết định cho mình đòi hỏi một sự hiểu biết rõ ràng đâu là quyền lợi của mình, ai là người có khả năng bảo vệ cái quyền lợi đó cho mình, đảng nào tranh đấu cho các quan điểm của mình. Nghĩa là đòi hỏi một trình độ ý thức chính trị, hay dân trí tương đối khá cao.

 

– Thứ nhì, những người muốn được tuyển chọn bắt buộc phải thuyết phục được người khác tin tưởng mình. Từ đó, bắt buộc họ phải đấm ngực khoe tài, cùng lúc với việc hứa hẹn đủ kiểu, cho dù hứa trăng hẹn biển những chuyện chắc chắn không làm được.

 

Cả hai điểm đều không thích hợp với cộng đồng Việt, với văn hóa Việt.

 

Dân Việt đến tị nạn đất Mỹ, ngôn ngữ không rành, văn hóa khác biệt, lịch sử Mỹ mù tịt ngoài vài dữ kiện tối thiểu phải biết để thi đậu vào công dân Mỹ,… làm sao đòi hỏi họ có đủ trình độ dân trí để tích cực tham gia vào chính trị Mỹ, biết rõ đâu là quyền lợi của mình, phải bầu cho ai, cho đảng nào? Đã vậy, văn hóa Việt nói riêng hay văn hóa Á Đông nói chung, lấy tính khiêm tốn làm nền tảng, làm sao đòi hỏi các chính khách Việt ra đấm ngực ầm ầm, bốc phét, nổ sảng về cá nhân mình trong khi hứa cuội đủ chuyện? Cho dù có người dám đấm ngực nổ sảng, thì cộng đồng cũng phản ứng không thuận lợi chút nào, trái lại, còn chê bai họ thiếu tư cách.

 

Đi xa hơn nữa, người Việt thật sự chưa có một khái niệm rõ rệt, chưa hiểu rõ bản chất của tự do tư tưởng, chưa chấp nhận có thể có người khác, khác ý mình mà không phải là cuồng, là ngu đần, là bựa, và đặc biệt là… VC. Trong cộng đồng ta có cái ‘mốt’ rất thời thượng, hễ không ưa ai thì tặng cho người đó cái nón cối ngay, bất cần biết người đó là ai, quá trình ra sao. Ở đâu cũng có VC, VC tại Cali nhiều hơn cát bãi biển Huntington. Cả Vũ Linh này cũng đã bị tố cáo là “cây viết mướn của VC“. VC thật thì họ nhục mạ cờ vàng, coi như miếng vải dùng để “hốt c… chó“, công khai phổ biến trên các diễn đàn mà các chủ diễn đàn vô trách nhiệm cho đăng hết, nhân danh tự do ngôn luận trong khi không một hội đoàn, một đảng nào nhúc nhích hay lên tiếng.

 

Cái mỉa mai lớn là ai cũng nói mình trốn chạy CS để chọn tự do, nhưng phần lớn vẫn không chấp nhận cho người khác mình có tự do vì hiểu tự do chỉ là tự do cho một mình mình thôi, người khác ý không có quyền tự do khác ý. Dân Việt qua lịch sử cả ngàn năm đô hộ Tầu, cả trăm năm đô hộ Pháp, cả mấy chục năm sống trong chiến tranh một mất một còn, chưa bao giờ hiểu tự do là gì, nhất là tự do tư tưởng, tự do nghĩ khác người khác. Nhiều người thậm chí còn hiểu tự do có nghĩa là tự do của riêng mình để bôi bác, chửi bới, sỉ vả người khác ý với mình, và nếu không cho họ cái tự do chửi bới lung tung chỉ có thể là độc tài CS.

 

NHỮNG HIỂU SAI VỀ CHÍNH ĐẢNG MỸ

 

Nhìn vào chính trường Mỹ, tất nhiên ai cũng thấy có hai chính đảng. Nghĩa là nếu có hoạt động chính trị, thì cũng chỉ có thể hoạt động trong khuôn khổ của một trong hai chính đảng đó. Dân tị nạn ta nghĩ gì về hai chính đảng đó?

 

Nếu có thể tóm gọn ngắn nhất thì trong con mắt của dân tị nạn ta, đảng DC là đảng của trợ cấp, của dân nghèo, của dân da mầu, trong khi đảng CH là đảng chống cộng, nhưng cũng là đảng của cắt trợ cấp, của đám nhà giàu da trắng.

 

Cả hai khái niệm thô thiển đó đều sai, chỉ dựa trên những huyền thoại mà báo chí Mỹ cũng như truyền thông vẹt tị nạn đã nhồi sọ.

Trợ cấp là cái gì đã thành một thứ định chế bất di bất dịch không phải của riêng một đảng nào hết. Phần lớn các trợ cấp đã do các TT DC ban hành, chẳng hạn như Qũy An Ninh Xã Hội do TT DC Roosevelt ban hành cách đây gần cả trăm năm, hay bảo hiểm người già Medicare hay bảo hiểm người nghèo Medicaid, do ông DC Johnson ban hành. Nhưng đảng DC khi đó khác rất xa đảng DC ngày nay. Hơn nữa những luật đó đã không bao giờ ra đời được nếu không có phiếu tức là hậu thuẫn của đảng CH. Gần đây hơn, các cụ mua thuốc không trả tiền trong chương trình Medicare Part D, đó chính là quà của ông CH Bush con, chứ không phải ông DC Clinton hay Obama.

 

Vấn nạn lớn nhất của trợ cấp là các quỹ trợ cấp lớn như quỹ an sinh xã hội, hay quỹ tiền già, và những quỹ Medicare, Medicaid, đều bị đe dọa hết tiền trong vài năm hay một hai chục năm, nhưng chẳng có một chính khách DC hay CH nào dám hó hé bàn đến những biện pháp thắt lưng buộc bụng, giảm trợ cấp để giúp những quỹ này sống lâu hơn.

Trong khi đó, nói đảng CH là đảng chống cộng cũng sai. Đảng nào thì cũng lo cho quyền lợi nước Mỹ, do đó, chống cộng hay không, đến mức nào, cũng tùy nhu cầu, tùy quyền lợi, tùy thời điểm thôi. Khi TT Johnson của DC tung nửa triệu lính vào miền Nam, không ai có thể nói ông ta không chống cộng. Ngược lại, khi TT Nixon của CH rút nửa triệu quân về Mỹ, không ai có thể nói ông chống cộng tới cùng.

Muốn đánh giá hai chính đảng Mỹ để biết nên ủng hộ đảng nào, thì phải đứng xa xa nhìn vào đường hướng chung, chứ không thể nhìn vào MỘT yếu tố như trợ cấp hay chống cộng.

 

Nhìn chung thì hiển nhiên,

 

– Đảng DC là đảng có khuynh hướng gọi là cấp tiến, nôm na ra là thiên tả, thiên về đường lối xã hội chủ nghĩa hơn, coi vai trò Nhà Nước quan trọng hơn, do đó phải tăng thuế, tăng luật lệ kiểm soát dân, tăng vai trò của Nhà Nước Vú Em, chẳng những chỉ đạo chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục,…, chỉ đạo trong chiều hướng thay đổi theo xu thế thời thượng, mà còn lo cho dân từ ngày còn nằm trong nôi tới ngày nằm trong quan tài. Những công chức ngày ngày sáng vác ô đi, chiều mang cặp về, cả ngày ngủ gật trên bàn giấy chồng chất giấy tờ hành chánh, đó chính là những thiên thần cứu dân độ thế của đảng DC.

 

– Đảng CH là đảng có khuynh hướng bảo thủ, tức là duy trì và bảo vệ những giá trị cổ truyền trong chính trị, xã hội, văn hóa và tôn giáo. Cũng là đảng chủ trương tôn trọng tự do cá nhân nhiều hơn, với vai trò của Nhà Nước giảm xuống mức tối thiểu để tránh lạm dụng hay bất công quá đáng thôi, đưa đến khả năng giảm thuế cho tất cả.

Điểm quan trọng nhất trong khác biệt giữa hai đảng là vấn đề gọi là công bằng xã hội. Đảng DC đại khái muốn chia cái bánh đang có cho đồng đều hơn cho cả thiên hạ, không khác mấy đảng CS Tầu và Việt chủ trương cả nước bình đẳng trước chén bo bo, trong khi đảng CH chủ trương làm cho cái bánh lớn ra thì tất nhiên phần mỗi người đều lớn ra, tuy lớn ra không đồng đều. Chính sách nào hữu hiệu hơn? Chỉ cần nhìn vào hai chuyện: không có chế độ CS nào còn tồn tại, và cả khối Âu Châu xã nghĩa tuột hậu so với những nhẩy vọt của Mỹ. Đám dân tị nạn chúng ta chỉ cần nhìn xem tị nạn ở Mỹ bây giờ nói chung khá hơn hay tị nạn ở Pháp ăn nên làm ra hơn?

 

TRUYỀN THÔNG

 

Một điều tôi tin tưởng 100% là việc chúng ta ‘mất nước’ một phần là do những xuyên tạc của truyền thông loa phường thiên tả đã bóp méo cuộc chiến, hoàn toàn có lợi cho VC và hại cho ta, khiến đa số dân Mỹ hiểu lầm về chính nghĩa và tinh thần chiến đấu của quân dân miền Nam, không còn thấy có lý do gì phải tốn tiền, mất mạng cả vạn thanh niên, để bảo vệ một nước mà dân nước đó thật không đáng được bảo vệ nếu đúng theo mô tả của đám truyền thông thân cộng. Những hiểu lầm của dân Mỹ đã giúp cho những chính khách thời cơ như thượng nghị sĩ Joe Biden vin vào chiêu bài chống chiến tranh để vào quốc hội, biểu quyết chống viện trợ súng đạn cho lính VNCH, chống cấp tiền cứu giúp dân tị nạn Việt vào Mỹ định cư. Truyền thông thiên tả của Mỹ, tất nhiên có khuynh hướng ‘thông cảm’, biện bạch cho VC, đã là thủ phạm lớn nhất khiến chúng ta mất nước, việc này, không một người Việt tị nạn nào có thể quên và tha thứ được nếu còn tự trọng, không vì đồng tiền trợ cấp, không vì mua được một căn nhà ở Fountain Valley hay Sugar Land mà lú.

 

Với cá nhân kẻ này, công lớn nhất của ông Trump là đã vạch bộ mặt phe đảng một chiều của đám truyền thông loa phường thiên tả đó cho cả nước Mỹ và cả thế giới thấy. Hy vọng khi họ thấy được bộ mặt một chiều của truyền thông loa phường, thì họ cũng hiểu phần nào đám truyền thông đó cũng đã từng phe đảng, xuyên tạc cuộc chiến của chúng ta như thế nào. Cho dù ông Trump không giúp ta lấy lại nước được, thì ít ra ông Trump cũng đã giúp dân Mỹ thấy được cái thiên vị thô bạo của truyền thông, để rồi họ có thể nhìn đám tị nạn chúng ta khác với hình ảnh mà New York Times hay Washington Post đã mô tả trong thời chiến tranh, không đĩ điếm thì cũng là ăn mày hay thổ phỉ trộm cướp.

 

CỘNG ĐỒNG VIỆT CÓ TIẾNG NÓI KHÔNG?

Đám truyền thông vẹt trên SBTN đã từng phán tiếng nói của cộng đồng Việt tị nạn cân nặng đúng zero ký lô. Hiểu biết nông cạn như vậy cũng đòi làm truyền thông.

 

Thực tế là trong thể chế chính trị Mỹ mà ta biết, luôn luôn có tiếng nói của tất cả mọi khối dân, cho dù tiếng nới đó lớn hay nhỏ cũng tùy thuộc nhiều yếu tố. Đặc biệt là tùy thuộc cấp liên bang, tiểu bang, hay địa phương.

 

Cấp liên bang

Ở cấp liên bang, người dân Mỹ trong đó có dân Việt tị nạn, có tiếng nói trong việc bầu TT, nghị sĩ và dân biểu liên bang.

 

Trong thực tế, TT Mỹ được bầu theo kiểu cử tri đoàn đại diện cho từng tiểu bang, để bảo đảm các tiểu bang nhỏ, và đi xa hơn, các khối dân thiểu số trong các tiểu bang vẫn có tiếng nói. Có thể tiếng nói của dân Việt tị nạn không có hậu quả đáng kể tại các tiểu bang như Cali, Texas, nhưng tại những tiểu bang then chốt và xôi đậu khi sai biệt giữa người thắng, người thua chỉ là một hai chục ngàn phiếu, như tại Georgia, Arizona, Michigan, Wisconsin, trong cuộc bầu năm 2020, thì tất nhiên, lá phiếu của vài ngàn dân Việt tị nạn không thể coi thường. Không cần nhìn sâu hơn, chỉ cần biết ông Bush con đã đắc cử TT vì hơn ông Gore có trên 500 phiếu tại tiểu bang Florida. SBTN không nhìn thấy chuyện này, có lẽ nên đóng cửa hay chuyển qua thành đài chuyên phổ biến tuồng cải lương hay nhạc chèo cổ thì tốt hơn.

 

Đảng DC và vài con vẹt tị nạn mù mờ chẳng hiểu ất giáp gì ngoài việc nhai lại tuyên truyền của phe cấp tiến, hô hào bỏ phương thức bầu cử gián tiếp này, mà không hiểu thể thức này đã cố tình được các Cha Già lập quốc chế ra để bảo đảm tiếng nói của thiểu số có … ký lô. Đám truyền thông vẹt không ý thức được việc bỏ thủ tục bầu gián tiếp này để thay thế bằng phổ thông đầu phiếu trên cả nước, ai có nhiều phiếu thì thắng cử, thì tiếng nói của dân Việt tị nạn quả đúng là… zero ký lô thật khi số dân tị nạn đi bầu may ra chỉ là 0,1% tổng số cử tri Mỹ đi bầu.

 

Cũng ở cấp liên bang, dân Việt tị nạn cũng có thể có tiếng nói qua việc bầu hai thượng nghị sĩ và cả lô dân biểu đại diện cho tiểu bang vào quốc hội liên bang. Thực tế mà nói, dân tị nạn ta rất đông tại Orange County quanh Los Angeles, và vài vùng như San Jose của bắc Cali, Sugar Land ở Houston,… đáng lẽ ra đã có thể bầu dân biểu liên bang gốc Việt trong các vùng này. Tiếc thay, chỉ vì ta chưa có đủ người có khả năng, và quan trọng hơn nữa, dân tị nạn ta chưa đủ đoàn kết để cùng nhau công kênh một người đại diện để có thể có tiếng nói bảo vệ quyền lợi chung. Cứ nhìn ông Hùng Cao chẳng hạn, ra tranh cử dân biểu, rồi bây giờ tranh cử thượng nghị sĩ, chưa chi thì đã có vài con vẹt coi việc tung hô Biden quan trọng hơn xa tình đồng hương, quyền lợi chung của người Việt tị nạn, đã nhắm mắt chửi rủa ngay, không chậm trễ.

 

Cấp tiểu bang và cấp địa phương

Hiển nhiên trong những tiểu bang đông dân Việt tị nạn như Cali, Texas, Virginia, Maryland, Washington State,…, chúng ta đúng ra đã có thể có tiếng nói nặng ký hơn bây giờ. Nhưng vẫn khó khăn cũ, thiếu người có khả năng và nhất là thiếu đoàn kết.

 

Phải nói, cộng đồng chúng ta rải rác đã có được một nhúm dân biểu tiểu bang, nhưng quá ít để có thể là một khối có tiếng nói mạnh. Một hay hai dân biểu trong hạ viện của vài ba tiểu bang tất nhiên chẳng làm được gì cho cộng đồng Việt tị nạn. Nhất là những người đó vì nhu cầu cần phiếu của dân địa phương Mỹ, nên coi quyền lợi của những khối dân lớn đó quan trọng gấp bội vài ngàn lá phiếu của dân đồng hương tị nạn. Bà Stephanie Murphy (Đặng Thị Ngọc Dung) của đảng DC trước đây không bao giờ đi vận động trong khối cử tri Việt, không bao giờ tranh đấu bất cứ chuyện gì cho cộng đồng Việt hay nói bất cứ một câu nào chống CSVN, chỉ lo đánh Trump để được đảng DC đưa vào Ủy Ban J-6 của hạ viện, truy tố Trump, làm cảnh, cho Ủy ban có vẻ màu mè, có một bà da vàng làm máy gật đầu trong ủy ban.

 

Ở một cấp thấp hơn là cấp địa phương như thành phố hay quận hạt -county, district-,thì cộng đồng ta có vẻ thành công hơn, như ở Cali đã có thị trưởng, thành viên nhiều hội đồng thành phố, khu học chính,… Gọi là thấp hơn không có nghĩa là ít quan trọng hơn, ít cần thiết hơn, trái lại, đây là những người mà quyết định có hậu quả ngay tức khắc trên cộng đồng dân tị nạn, do đó, không thể nói vai trò của họ không quan trọng. Cái đáng tiếc là so với số lượng dân cư, chúng ta đã có thể có một sự hiện diện lớn mạnh hơn nhiều, nếu cộng đồng biết đoàn kết hơn. Cái trở ngại lớn nhất của cộng đồng tị nạn ta vẫn là chuyện đoàn kết. Cứ nhìn vào những thị trưởng, thành viên hội đồng này nọ tại Bolsa đã hay đang bị đánh tàn bạo nhất bởi chính những người đồng hương thì thấy rõ. Người ta có câu “Một người Tầu thành công, cả họ xúm vào công kênh lên cao hơn; một người Việt thành công, cả họ xúm vào lôi chân xuống“, có lẽ không sai lắm.

 

Nếu muốn có kết luận chính xác và cụ thể thì có thể nói cộng đồng ta đã có tham gia vào chính trị Mỹ, nhưng sự tham gia đó phải nhìn nhận là quá nhỏ, quá yếu, quá ít ảnh hưởng, và quá chia rẽ. Đúng ra, với hơn một triệu rưởi người, đặc biệt tập trung vào một vài địa phương, cộng đồng tị nạn ta đã phải có tiếng nói lớn hơn, mạnh hơn và có nhiều hậu quả tốt đẹp hơn, nhưng rất tiếc chuyện đó vẩn còn là ước mơ, chưa thành sự thật được, cho tới ngày cộng đồng ta đoàn kết hơn, đoàn kết bằng hành động chứ không chỉ hô hào bằng võ miệng, mà gần như tất cả các chính khách, các hội đoàn Việt đều làm từ gần nửa thế kỷ qua tại Mỹ. Truyền thông Việt ngữ, đúng ra đã có thể đóng vai trò hướng dẫn dư luận quan trọng và hữu hiệu hơn xa nếu thật sự chu toàn trách nhiệm, thay vì trình diện cộng đồng qua những tay bình loạn gia phe đảng lý luận một chiều lố bịch nhất.

 

Vũ Linh

 

NguồnDiễn Đàn Trái Chiều (07.10.2023)