Bồi đắp ở Trường Sa: ‘2024 sẽ là năm kỷ lục của Việt Nam’
Chụp lại hình ảnh,Sự biến đổi của đảo Trường Sa Lớn: ảnh trái chụp năm 2011 và ảnh phải là của Google Maps năm 2024
2024 sẽ là năm bồi đắp đảo kỷ lục của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, theo một báo cáo mới được công bố.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) được công bố vào ngày 7/6 cho biết trong sáu tháng qua, Việt Nam đã tăng tốc bồi đắp những tiền đồn ở quần đảo Trường Sa, với diện tích đất được bồi đắp gần bằng tổng hai năm trước đó (tức năm 2022 và 2023) cộng lại.
Theo AMTI, nếu như ba tiền đồn lớn nhất của Trung cộng là đá Vành Khăn, đá Xu Bi và đá Chữ Thập thì bốn tiền đồn xếp tiếp theo đều là những bãi đá mới được bồi đắp của Việt Nam.
AMTI nhận định với tốc độ này thì Việt Nam sắp ghi nhận một năm kỷ lục về diện tích bồi đắp đảo trong 2024.
Bãi Thuyền Chài ‘vẫn là tiền đồn lớn nhất’
NGUỒN HÌNH ẢNH,CSIS/AMTI/MAXAR TECHNOLOGY Chụp lại hình ảnh,Theo AMTI, bãi Thuyền Chài vẫn là tiền đồn lớn nhất của Việt Nam. Ảnh bãi Thuyền Chài thuộc quần đảo Trường Sa vào ngày 11/5, do Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) công bố
Theo thống kê của AMTI, tính đến tháng 11/2023, Việt Nam đã tạo thêm được diện tích đất là 692 mẫu Anh (tương đương 2,8 km2) với tổng cộng 10 thực thể.
Tính trong 11 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã bồi đắp được diện tích 404 mẫu Anh (tương đương 1,6 km2) và 342 mẫu Anh (tương đương 1,38 km2) trong năm 2022.
Ngày 10/6, nhận định với BBC News Tiếng Việt, nhà nghiên cứu độc lập Song Phan từ Sydney cho biết:
“Có lẽ nhân lúc Trung cộng đang bận căng thẳng với Phi Luật Tân ở bãi Cỏ Mây, bãi cạn Scarborough, Sandy Cay… còn Malaysia khá lơ là nên Việt Nam đã tăng tốc việc tôn tạo và bồi đắp, đặc biệt là ở bồi đắp ở bãi Thuyền Chài, nơi có tiềm năng bồi đắp thành một đảo nhân tạo lớn và tương đối tách biệt ở về phía nam các đảo nhân tạo của Trung cộng.”
Theo AMTI, bãi Thuyền Chài vẫn là tiền đồn lớn nhất của Việt Nam, có diện tích bồi đắp tăng gần gấp đôi tính trong 6 tháng, từ 238 mẫu Anh (tương đương 0,9 km2) lên 412 mẫu Anh (tương đương 1,66 km2).
Báo cáo của AMTI có nội dung về bãi Thuyền Chài như sau:
“Thực thể hiện có chiều dài 4.318 mét và trở thành tiền đồn duy nhất của Việt Nam cho đến nay có tiềm năng có một đường băng dài 3.000 mét giống như Trung cộng đã có tại đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và đá Xu Bi.
“Hiện đường băng duy nhất của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa dài 1.300 mét, nằm trên đảo Trường Sa (thường gọi là Trường Sa Lớn). Dù kích thước đường băng này đủ cho hầu hết các máy bay quân sự của Việt Nam, nhưng để phục vụ mục đích vận chuyển quân sự quy mô lớn, hoặc cho máy bay do thám, máy bay ném bom cất cánh và hạ cánh thì phải có đường băng dài 3.000 mét.”
Nhà nghiên cứu độc lập Song Phan cho biết thêm nhận định của ông về bãi Thuyền Chài.
“Lưu ý Thuyền Chài là một đảo đá trên một rạn san hô vòng dài 29,3 km và chỗ rộng nhất 3,5 km mà Việt Nam đã đóng quân hồi tháng 4/1978 và đóng quân liên tục trên ba tiền đồn trên đó từ năm 1987. Bãi này cùng đảo An Bang do Việt Nam đang đóng quân đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia.”
Theo AMTI, Việt Nam vẫn tiếp tục sử dụng máy nạo vét hút cắt (CSD) và máy nạo vét vỏ sò để thực hiện việc mở rộng và bồi đắp. Trong đó, loại máy CSD được dùng nhiều tại các khu vực được bồi đắp ở bãi Thuyền Chài.
Ngày 10/6, trả lời BBC News Tiếng Việt, Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng từ Quỹ Taiwan NextGen Foundation (Đài Loan) đánh giá nhìn chung các đảo và bãi cạn mà Việt Nam bồi đắp chủ yếu phục vụ cho mục đích dân sự, đặc biệt là hỗ trợ ngư dân trong các tình huống khẩn cấp (như cứu hộ, cứu nạn khi có bão), thay vì hướng đến mục đích quân sự.
“Hơn ai hết, Việt Nam hiểu rất rõ về sự chênh lệch trong cán cân quân sự với Trung cộng, bao gồm cả năng lực tác chiến trên biển. Do đó, sẽ là không thuyết phục khi cho rằng Việt Nam đang ‘cạnh tranh’ với Trung cộng trong việc bồi đắp các thực thể ở Biển Đông.”
“Bên cạnh đó, các hoạt động của Việt Nam nhằm phục vụ cho mục đích phòng thủ và giúp Việt Nam duy trì khả năng tiếp cận với các vùng biển mà quốc gia này tuyên bố có chủ quyền. Đương lúc quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ cũng như các cường quốc trong khu vực (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ) tiến triển tốt đẹp thì Việt Nam rất chú ý đến việc gìn giữ các thực thể ở Biển Đông, và việc bồi đắp này rất có thể là nỗ lực để triển khai các biện pháp phòng thủ và bảo vệ như đã nêu,” chuyên gia về quan hệ quốc tế nhận định.
‘Khoảng bằng 50% diện tích bồi đắp của Trung cộng’
NGUỒN HÌNH ẢNH,CSIS/AMTI/MAXAR TECHNOLOGY Chụp lại hình ảnh,Việt Nam tiến hành bồi đắp tại đảo Nam Yết. Hình ảnh đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa vào ngày 15/5 do Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) công bố
AMTI đưa ra thống kê so sánh Việt Nam đã bồi đắp diện tích tổng cộng khoảng 2.360 mẫu Anh (tương đương 9,5 km2) ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông, tức khoảng 50% so với tổng diện tích mà phía Trung cộng đã bồi đắp là 4.650 mẫu Anh (tương đương 18,8 km2).
Đây là một thay đổi quan trọng nếu so với ba năm trước đây, tổng diện tích bồi đắp của Việt Nam chỉ là 329 mẫu Anh (tương đương 1,3 km2), chưa bằng 1/10 tổng diện tích bồi đắp của Trung cộng, theo AMTI.
Nhà nghiên cứu độc lập Song Phan đánh giá với BBC News Tiếng Việt như sau:
“Lợi ích của việc tôn tạo đảo có sẵn và bồi đắp đảo nhân tạo từ thực tế trước mắt của Trung cộng là không những cải thiện điều kiện sinh hoạt, phòng vệ tại chỗ mà còn củng cố về chủ quyền, an ninh quốc phòng, tuần tra kiểm soát biển, phục vụ ngư dân và có thể hứa hẹn khai thác du lịch…”
“Trung cộng bồi đắp ở Biển Đông 7 đảo nhân tạo, trong đó có 3 đảo từ những thể địa lý có phần nổi lên trên mặt biển khi triều cao có diện tích rất bé và 3 đảo từ những bãi triều thấp (LTE) chỉ nổi lên mặt biển với diện tích cũng không đáng kể khi triều thấp.”
“Trong số 3 đảo từ những bãi triều thấp (LTE), có Vành Khăn nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Phi Luật Tân và cách xa các đảo nổi khác, theo luật biển quốc tế chỉ được coi là phần của đáy biển chứ không đòi sở hữu được còn Xu Bi thì có thể nằm trong lãnh hải của đảo nổi Thị Tứ hay Loại Ta (hiện đều do Phi Luật Tân chiếm đóng).”
Theo AMTI, Việt Nam đã bắt đầu việc xây dựng những cơ sở đầu tiên cho các tiền đồn của mình. Những điểm đáng chú ý bao gồm việc hoàn tất một cầu đỡ tàu trên đảo Nam Yết và một cảng mới ở đảo Trường Sa Đông.
Trong một bài ý kiến đăng trên The Manila Times ngày 10/6, nhà báo Phi Luật Tân Rigoberto D. Tiglao viết về điều mà ông coi là “mối đe dọa từ Việt Nam qua bồi đắp đảo”.
Ông viết:
“Tôi chắc là cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., bộ trưởng quốc phòng và cả người phát ngôn của Tuần duyên chưa hề hay biết gì về mối đe dọa từ Việt Nam, bởi họ chưa từng nói gì về điều đó nhưng lại nói rằng đấy chỉ là chiêu tuyên truyền của Trung cộng nhằm đánh lạc hướng sự quan tâm khỏi trò ‘bắt nạt’ của Trung cộng”.
Nhà báo này cũng đồng thời lên án ông Antonio Carpio, cựu Thẩm phán Tòa án Tối cao Phi Luật Tân:
“Cựu Thẩm phán Antonio Carpio, người có vợ Việt Nam, người chống Trung cộng xuất sắc, chưa bao giờ từng chỉ trích việc Việt Nam phớt lờ những tuyên bố của chúng ta [Phi Luật Tân] đối với quần đảo Trường Sa”.
Bài viết của nhà báo Rigoberto D. Tiglao, cựu phát ngôn viên tổng thống Phi Luật Tân (thời bà Gloria Macapagal-Arroyo), phần nào cho thấy luồng ý kiến chỉ trích hành động bồi đắp đảo của Việt Nam và một sự rạn nứt giữa Việt Nam và Phi Luật Tân có thể được Trung cộng lợi dụng.
Trước đó, hồi đầu tháng 5, tờ Inquirer của Phi Luật Tân tường thuật lại nhận định của các học giả tại một viện nghiên cứu thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Phi Luật Tân và Việt Nam nên củng cố hợp tác nhằm bảo vệ lợi ích chung trước những “hoạt động cưỡng ép” của Trung cộng ở Biển Đông.
Tiến sĩ Lori Forman từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (DKI APCSS, Mỹ) nói rằng sự hợp tác giữa Phi Luật Tân và Việt Nam cần được đẩy mạnh hơn nữa.
NGUỒN HÌNH ẢNH,HOANG DINH NAM/AFP/GETTY IMAGES) Chụp lại hình ảnh,Việt Nam và Trung cộng đã và đang có nhiều căng thẳng trên Biển Đông. Ảnh tàu Cảnh sát biển Việt Nam và tàu Hải cảnh Trung cộng đối đầu vào ngày 15/5/2014 liên quan đến vụ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981
Hồi tháng 5, Quốc Quan Trí Khố (Grandview Institution), một viện nghiên cứu tại Bắc Kinh (Trung cộng), đưa ra cảnh báo rằng, với hành động bồi đắp ồ ạt, Việt Nam đang làm tăng rủi ro xung đột với láng giềng khổng lồ phương bắc.
“Từ năm 2022 đến 2023, Việt Nam đã bồi đắp vùng đất đáng kể trên các hòn đảo và đá san hô chiếm đóng trái phép trong quần đảo Nam Sa của Trung cộng,” theo Báo cáo Tình trạng An ninh Biển Đông 2023 của Grandview.
Truyền thông Việt Nam ngày 16/5 đã trích dẫn ý kiến chuyên gia gọi nhận định của Viện Grandview là “vu cáo, bóp méo sự thật”.
Cụ thể, báo Thanh Niên dẫn ý kiến của Tiến sĩ Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng: “Đánh giá của Grandview Institution bỏ qua lịch sử của khu vực này và tuyên truyền thông tin sai sự thật.”
Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng từ Quỹ Taiwan NextGen Foundation cho rằng mục đích bồi đắp của Trung cộng là trái ngược với Việt Nam.
“Trái với Việt Nam, Trung cộng ‘phủ sóng’ các đảo nhân tạo ở Biển Đông để phục vụ cho mục đích quân sự, khai thác các nguồn lợi thủy sản, tìm kiếm và khai thác các nguồn lợi dầu mỏ, tiếp nhiên liệu cho các giàn khoan, và thu thập thông tin tình báo. Với Trung cộng, khi khía cạnh quân sự và kinh tế được ưu tiên thì những cân nhắc về môi trường và hệ sinh thái ở vùng biển này sẽ đóng vai trò thứ yếu.”
“Một ‘Vạn Lý Trường Thành’ mà Trung cộng xây dựng trên Biển Đông không chỉ giúp cường quốc này leo thang căng thẳng mà còn khiến hệ sinh thái ở vùng biển này tổn thương nghiêm trọng, gây thiệt hại về lâu dài cho các quốc gia trong khu vực,” Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng nhấn mạnh.
Căng thẳng Việt Nam và Trung cộng liên quan đến những tranh chấp trên Biển Đông gần đây nhất là vụ tàu Hải Dương 26 của Trung cộng hoạt động khảo sát ở vùng biển Việt Nam ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.
Việt Nam đã chính thức lên tiếng phản đối vào ngày 6/6, yêu cầu Trung cộng “chấm dứt hoạt động khảo sát trái phép” của tàu Hải Dương 26.
Hiện Việt Nam đang đối phó với lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương thường niên của Trung cộng, ban hành từ năm 1999 đến nay, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5 đến 16/9.
Việt Nam thường xuyên lặp lại lời phản đối lệnh cấm này của Trung cộng, gọi đây là xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông và tuyên bố lệnh cấm “không có giá trị”.
BBC (12.06.2024)
Việt Nam hàm ý gì khi phản đối tàu Haiyang-26 của Trung cộng?
Tàu khảo sát Hải Dương 26 của Hải quân Trung cộng trong vùng biển Việt Nam (không xác định được ngày tháng.) Bộ Ngoại giao Việt Nam
Hôm 6/6/2024, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối Trung cộng đưa tàu khảo sát Haiyang-26 vào khảo sát trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Khu vực tàu Haiyang-26 hoạt động được cho biết là ở ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.
Điều đáng chú ý là các lần xâm nhập vào vùng biển Việt Nam để tuần tra, khảo sát, các tàu Trung cộng đều bật tín hiệu định vị AIS (hệ thống định vị tự động), do đó, không chỉ Việt Nam mà các nhà quan sát quốc tế đều biết hoạt động của Trung cộng. Ở những lần đó, Việt Nam cho tàu đi theo giám sát nhưng hiếm khi phản đối công khai. Lần này, tàu Haiyang-26 tắt tín hiệu định vị AIS (hệ thống định vị tự động). Do đó, các nhà quan sát quốc tế đều không biết hoạt động của Trung cộng, nhưng Việt Nam lại lên tiếng phản đối công khai.
Hoạt động của tàu Haiyang-26 và phản đối của phía Việt Nam diễn ra trong bối cảnh Chương trình AMTI của Trung tâm CSIS công bố khảo sát qua vệ tinh cho thấy Việt Nam đã tăng tốc bồi đắp đảo từ tháng 11, 2023 đến nay. Trong đó, bãi Thuyền Chài được bồi đắp dài đến 4318 mét.
Câu hỏi đặt ra liệu xung đột giữa Trung cộng và Phi Luật Tân ở bãi Cỏ Mây và bãi cạn Scarborough có phải là nguyên nhân thúc đẩy Việt Nam đẩy nhanh xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa từ khoảng tháng 11 năm 2023 và hiện nay, công khai phản đối tàu Trung cộng xâm nhập?
Ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình AMTI của CSIS nói với RFA rằng rất khó để biết xung đột Phi Luật Tân và Trung cộng có tác động đến quyết định của Việt Nam hay không. Theo ông Greg Poling, hoạt động bồi đắp đảo của Việt Nam dường như có nhiều khả năng bắt nguồn từ hành vi quấy rối mạnh mẽ của Trung cộng đối với tàu Việt Nam quanh Bãi Tư Chính kể từ năm 2021, chứ không phải những gì đang xảy ra với Phi Luật Tân.
Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng đúng là Trung cộng đã xâm nhập rất nhiều lần vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Không chỉ Việt Nam, mà Trung cộng đã xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, Indonesia, Phi Luật Tân. Việt Nam đã nhiều lần không phản đối công khai. Còn lần này Việt Nam đã phản đối công khai tàu Haiyang 26. Ông giải thích với RFA:
“Như vậy lần này phải có một lý do gì đó đặc biệt. Lý do đặc biệt này là gì? Theo tôi được biết, tàu khảo sát Haiyang – 26 có nhiều vấn đề. Một, đây là con tàu mới đóng và rất lớn, trở thành một thứ “biểu tượng”. Hai là chúng ta nhớ là năm ngoái thì Việt Nam chỉ phản đối tàu sau khi tàu Trung cộng xâm nhập, khảo sát 29 ngày, chứ không phải Việt Nam phản đối ngay. Lần này thì Việt Nam phải đối.
Chúng ta có thể đặt động thái này của Việt Nam trong bối cảnh chung trên Biển Đông. Phi Luật Tân và Trung cộng ngày càng căng thẳng trên bãi Cỏ Mây, bãi cạn Scarborough. Thậm chí, Phi Luật Tân tố cáo Trung cộng đang xây dựng đảo nhân tạo trên đá Sa Bin.
Có thể Trung cộng đang “dương đông kích tây”, nhân lúc dư luận quốc tế tập trung vào xung đột Phi Luật Tân – Trung cộng thì họ sẽ làm gì đó nhắm vào Việt Nam. Nếu Việt Nam không thận trọng và nếu quốc tế quan tâm không đủ thì có thể bị Trung cộng “ra tay”.
Tôi cho rằng có thể Việt Nam đã phát hiện ra Trung cộng làm điều đó nên đã quyết định công khai phản đối.”
Vẫn không liên kết
Việc Việt Nam công khai phản đối tàu khảo sát Haiyang-26, thu hút sự quan tâm của quốc tế, đặt ra câu hỏi là liệu nước này có cần đến hỗ trợ từ nước khác? Liệu những cơ sở vật chất mới mà Việt Nam có thể đưa lên đảo nhân tạo vừa bồi đắp, mở rộng, có đủ khả năng giúp nước này phòng thủ đuợc truớc Trung cộng không?
Trả lời câu hỏi này, TS. Nagao Satoru cho rằng Việt Nam “không tin tưởng vào sức mạnh răn đe của chính quyền Biden” đối với Trung cộng. Kể từ khi chính quyền Biden rút khỏi Afghanistan, hình ảnh mạnh mẽ của Mỹ đã biến mất. Ngoài ra, việc Nga gây hấn ở Ukraine vào năm 2022 đòi hỏi Mỹ phải sử dụng nhiều nguồn lực hơn để hỗ trợ Ukraine. Năm 2023, Mỹ cần sử dụng nhiều nguồn lực hơn để hỗ trợ Israel. Theo TS. Nagao, trong khi Mỹ phải xuất kho vũ khí hỗ trợ Ukraine và Israel thì Trung cộng bảo tồn được kho vũ khí của mình. Họ chỉ hỗ trợ Nga bằng cách cung cấp nguyên liệu sản xuất vũ khí cho Nga. Điều này có nghĩa là kho vũ khí Mỹ đang giảm dần nhưng kho vũ khí của Trung cộng vẫn giữ nguyên. Do đó, Việt Nam có thể lo lắng về việc họ có thể nhận được bao nhiêu nguồn lực quân sự từ Mỹ nếu xung đột trên Biển Đông với Trung cộng xảy ra. TS. Nagao cho rằng đó là lý do Việt Nam phải nỗ lực tự bảo vệ các đảo mình đang quản lý.
Theo TS. Nagao, việc Hoa Kỳ không ngăn cản hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo của Trung cộng ở Biển Đông các năm trước đây cũng làm cho Việt Nam không tin tưởng vào khả năng ngăn chặn Trung cộng của siêu cường này.
Ngoài ra, sự khác biệt về giá trị dân chủ và thể chế chính trị cũng là vấn đề ngăn cản khả năng liên kết của Việt Nam với Hoa Kỳ. Theo TS. Nagao, chính quyền Biden tiến hành các hoạt động “Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ” nhưng Việt Nam không thể tham gia. Mối liên kết chặt chẽ của Việt Nam với Nga cũng làm cho Việt Nam không thể nằm trong vòng vây của Mỹ chống lại Nga. Do đó, theo TS. Nagao, mối quan hệ Mỹ – Việt hiện nay không mấy bền chặt. Việt Nam lo lắng về chính sách của Mỹ và Mỹ cũng lo lắng về chính sách của Việt Nam.
Trao đổi với RFA, ông Greg Poling nhấn mạnh rằng “liên kết” không phải là sự lựa chọn của Việt Nam. Bởi vì Việt Nam có thể củng cố cơ sở vật chất của mình, đồng thời hợp tác với Phi Luật Tân và các nước khác để gây áp lực buộc Trung cộng phải thay đổi hướng đi.
Hôm 11/6/2024, Chủ tịch nước Việt Nam ông Tô Lâm, mới nhậm chức hôm 22/5, đã nói với Đại sứ Trung cộng tại Việt Nam là ông Hùng Ba rằng hai bên cần kiểm soát tốt vấn đề tranh chấp lãnh hải và quyền lợi của mỗi quốc gia phải được tôn trọng.
RFA (11.06.2024)
Người Phi Luật Tân ủng hộ dùng biện pháp quân sự chống Trung cộng trên Biển Đông
NGUỒN HÌNH ẢNH,REUTERS Chụp lại hình ảnh,Quân nhân Phi Luật Tân trên chiếc tàu cũ BRP Sierra Madre nằm ở Bãi Cỏ Mây với mục đích củng cố chủ quyền
Khảo sát cho thấy 73% người Phi Luật Tân được hỏi ủng hộ việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông bằng các hành động quân sự, bao gồm mở rộng quy mô tuần tra và tăng cường hiện diện của quân đội trên biển.
Số liệu trên được lấy từ kết quả khảo sát của Octa Research, một công ty khảo sát và nghiên cứu ở Phi Luật Tân. Cuộc khảo sát được thực hiện trên 1.200 công dân Phi Luật Tân vào tháng 3 và được công bố hôm 7/6.
Theo bài viết ngày 10/6 trên báo South China Morning Post (SCMP), các nhà phân tích đánh giá con số 73% nói trên phản ánh sự ủng hộ ngày càng lớn của người dân đối với lập trường ngày càng cứng rắn của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. về tranh chấp lãnh thổ.
Bên cạnh đó, có 68% người được hỏi cho rằng Phi Luật Tân cần hiện đại hóa và tăng cường năng lực quân sự để bảo vệ chủ quyền đất nước.
Vào cuối tháng 3/2024, trong bối cảnh leo thang căng thẳng với Trung cộng, Tổng thống Marcos Jr đã ra lệnh cho chính phủ Phi Luật Tân tăng cường khả năng phối hợp an ninh hàng hải để đối mặt với “một loạt các thách thức nghiêm trọng” đối với tính toàn vẹn lãnh thổ và hòa bình.
Ngoài yếu tố quân sự, giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao cũng được người dân Phi Luật Tân ủng hộ.
Ngày 15/6 sắp tới, quy định mới của Trung cộng trên Biển Đông cho phép lực lượng cảnh sát biển bắt và giam giữ người nước ngoài sẽ có hiệu lực.
Theo quy định này, cảnh sát biển Trung cộng – tức hải cảnh – có thể bắt và giam giữ lên tới 30 ngày mà không cần thông qua xét xử đối với người nước ngoài “xâm phạm hoặc có hành vi hỗ trợ xâm phạm” lãnh hải hoặc vùng biển mà Trung cộng tuyên bố chủ quyền.
Phi Luật Tân từng kịch liệt phản đối quy định nói trên, tuyên bố sẽ không cho phép cảnh sát biển Trung cộng bắt giữ ngư dân Phi Luật Tân bị cáo buộc vi phạm trong các vùng biển của nước này (Phi Luật Tân).
Phi Luật Tân và Trung cộng vẫn đang có nhiều xung đột trên Biển Đông về chủ quyền lãnh thổ.
Phi Luật Tân cứng rắn trước Trung cộng
Thời gian gần đây, Phi Luật Tân đã có những phản ứng ngày càng cứng rắn trước Trung cộng trong các vấn đề Biển Đông.
Hôm qua ngày 10/6, ông Marcos Jr nói rằng Phi Luật Tân cần chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra do sự gia tăng căng thẳng từ các thế lực ngoại bang ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, theo Reuters.
“Sự đe dọa từ các thế lực ngoại bang đang ngày càng trở nên rõ ràng và đáng lo ngại. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải chuẩn bị,” ông Marcos phát biểu tại một doanh trại ở tỉnh Isabela (Phi Luật Tân).
Ngày 7/6, hải quân Phi Luật Tân cáo buộc cảnh sát biển Trung cộng đã cản trở nỗ lực sơ tán một thành viên bị bệnh của lực lượng vũ trang Phi Luật Tân ở Biển Đông, nói rằng hành động từ phía Trung cộng là “tàn bạo và vô nhân đạo”.
Theo hải quân Phi Luật Tân, sự việc xảy ra vào tháng 5, liên quan tới một thành viên của một toán lính được cử tới bảo vệ tàu BRP Sierra Madre – một tàu quân sự của Phi Luật Tân mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây từ năm 1999.
Con tàu này được Manila để lại đây cùng với một lực lượng đồn trú nhỏ với mục đích củng cố chủ quyền.
Về sự kiện này, Bộ Ngoại giao Trung cộng nói rằng sẽ cho phép Phi Luật Tân vận chuyển hàng tiếp tế và sơ tán binh lính nếu Manila báo trước với Bắc Kinh việc thực hiện một nhiệm vụ.
“Tuy nhiên, Phi Luật Tân không được lợi dụng việc này để vận chuyển vật liệu xây dựng đến các tàu hải quân của mình nhằm mục đích chiếm đóng vĩnh viễn ở bãi cạn Nhân Ái.”
Bãi cạn Nhân Ái (Ren’ai Jiao) là cách Trung cộng gọi Bãi Cỏ Mây.
Tới ngày 8/6, Cố vấn An ninh Quốc gia Phi Luật Tân Eduardo Ano tuyên bố Manila sẽ tiếp tục tiếp tế và duy trì hoạt động của các tiền đồn trên Biển Đông mà không cần xin phép bất kỳ quốc gia nào.
Cùng ngày, cảnh sát biển Trung cộng đã công bố một đoạn phim nhằm bác bỏ cáo buộc ngày 7/6 của Phi Luật Tân.
Trong đoạn phim, quân đội và hải quân Phi Luật Tân dường như đang giao hàng tiếp tế thay vì vận chuyển người.
Hoàn Cầu Thời Báo khi đó đã cáo buộc Phi Luật Tân “nói dối” về sự kiện nói trên, nói rằng Phi Luật Tân đã điều tàu cao tốc tới để “vận chuyển hàng và hỗ trợ hoạt động sửa chữa bất hợp pháp” trên tàu BRP Sierra Madre.
Vị thế của Mỹ ở Biển Đông
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh,Hội nghị thượng định Mỹ-Nhật-Phi Luật Tân được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 4/2024 tại Washington
Động thái được cho là rõ rệt nhất thể hiện sự cứng rắn của Phi Luật Tân trước Trung cộng là việc tăng cường quan hệ với Mỹ, đặc biệt là hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nhật – Phi Luật Tân hồi tháng Tư.
Khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định hiệp ước phòng thủ chung có từ những năm 1950 giữa Washington và Manila yêu cầu Mỹ phải đáp trả khi có một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào Phi Luật Tân trên Biển Đông.
Ngày 9/6, Thứ trưởng Ngoại giao Tôn Vệ Đông của Trung cộng nói rằng Mỹ đang gây ra những thách thức an ninh ở Biển Đông, cáo buộc hoạt động triển khai quân sự của Mỹ tại đây đang tạo ra “vòng xoáy chạy đua vũ trang” trong khu vực, theo Reuters.
“Hiện tại, thách thức an ninh lớn nhất của Biển Đông đến từ bên ngoài khu vực,” Bộ Ngoại giao Trung cộng dẫn lời ông Tôn Vệ Đông.
Ông Tôn cho rằng các lực lượng do Mỹ dẫn đầu đang “thúc đẩy triển khai các hoạt động quân sự ở Biển Đông, đồng thời kích động và leo thang các tranh chấp và mâu thuẫn trên biển, gây thiệt hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển”.
Theo ông, việc Mỹ triển khai tên lửa tập trung trong khu vực “đặt toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương dưới bóng đen của các cuộc xung đột địa chính trị”.
Ở đây là nói tới việc Mỹ đưa một hệ thống tên lửa tấn công tầm trung tới Phi Luật Tân hồi tháng 4/2024 cho cuộc tập trận Balikatan thường niên.
Khi đó, Trung cộng cũng đã cảnh báo Phi Luật Tân nên “tỉnh táo nhận ra” việc để các quốc gia ngoài khu vực phô trương lực lượng ở Biển Đông và kích động đối đầu sẽ chỉ càng làm gia tăng căng thẳng và bất ổn khu vực.
Ngày 6/3, Tân Hoa Xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng Mao Ninh nói rằng Mỹ đang sử dụng Phi Luật Tân như một “quân tốt thí” ở khu vực Biển Đông.
“Trung cộng kêu gọi Mỹ không sử dụng Phi Luật Tân như một quân cờ để gây rối ở Biển Đông,” bà Mao Ninh phát biểu.
Liên quan tới ảnh hưởng quân sự của Mỹ trên Biển Đông, một bài viết ngày 16/1 trên trang web Foreign Affair của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ (CFR) nhận định rằng Mỹ đang gặp những khó khăn trong việc duy trì sức mạnh quân sự vượt trội với Trung cộng tại Biển Đông, viện dẫn những thành tựu hạn chế của chính quyền ông Biden.
“Dù đạt được những thành tựu nhất định, tiến trình xây dựng liên minh của ông Biden [ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương] vẫn còn chậm.
“Mỹ vẫn còn thiếu sự tiếp cận quân sự ở các khu vực quan trọng của châu Á, thiếu mạng lưới an ninh mạnh mẽ và không có đủ đồng minh và đối tác có vũ trang mạnh mẽ để duy trì vị thế bá quyền.
“Tệ hơn nữa, [Mỹ] không có giải pháp rõ ràng để giải quyết những nhược điểm này,” bài viết nêu.
BBC (11.06.2024)
Vai trò của Bãi Thuyền Chài trong tranh chấp tại Biển Đông
Bãi Thuyền Chài (Barque Canada Reef) sau khi được Việt Nam bồi đắp thêm, dài 4318 mét (Ảnh AMTI / CSIS)
Theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thì Việt Nam vừa lập một kỷ lục mới trong việc cải tạo, bồi lấp đảo ở Trường Sa.
Từ khoảng tháng 11, 2023 đến nay, Việt Nam đã tăng tốc bồi đắp đảo, nâng diện tích đảo bồi đắp lên khoảng 2360 mẫu Anh (khoảng 9,6 km2.) Diện tích này gần bằng phân nửa diện tích bồi đắp của Trung cộng (18,8 km2).
Trong khi 3 năm truớc, Việt Nam chỉ bồi đắp được 329 mẫu Anh (tương đương khoảng 1,4 km2), không bằng 1/10 diện tích bồi đắp của Trung cộng. Các đảo được bồi đắp gồm bãi Thuyền Chài (Barque Canada Reef), bãi Đá Lớn (Discovery Great Reef), Đá Nam (South Reef), Nam Yết, Phan Vinh và một số đảo khác.
Để bảo vệ bãi Vũng Mây hay vì mục tiêu lớn hơn?
Liệu việc bồi đắp đảo cấp tốc của Việt Nam có gây quan ngại cho các nước láng giềng như Phi Luật Tân? Trao đổi với RFA, ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) của Trung tâm CSIS lưu ý rằng “những phản hồi chính thức của Phi Luật Tân đối với báo cáo của chúng tôi đã nói rằng việc xây dựng đảo của Việt Nam không gây mất ổn định khu vực như Trung cộng. Bởi vì Việt Nam không sử dụng cơ sở vật chất của mình để đàn áp các quốc gia khác.”
Theo ông Greg Poling, tất cả các công trình xây dựng trên khu vực Trường Sa của Việt Nam dường như nhằm cho phép Việt Nam dễ dàng triển khai các lực lượng hải quân, lực lượng cảnh sát biển và không quân để tuần tra tốt hơn ở Trường Sa và chống lại các cuộc tuần tra hung hãn của Trung cộng. Tuy vậy, ông cũng cho rằng hiện vẫn phải chờ xem những cơ sở vật chất nào sẽ được lắp đặt trên các đảo đó để có thể biết rõ hơn mục đích của Việt Nam.
Theo báo cáo của AMTI, trong các thực thể được Việt Nam cải tạo nhanh chóng vừa qua, bãi Thuyền Chài được cải tạo mạnh mẽ nhất. Điều đáng chú ý là bãi Thuyền Chài nằm cách vùng bồn trũng Vũng Mây (Rifleman Bank) không xa. Bồn trũng Vũng Mây (Rifleman Bank) hiện nay do Việt Nam quản lý. Hiện có nhà giàn DK-1 tại khu vực này. Theo một số ước tính, bồn trũng Tư Chính và Vũng Mây có trữ lượng “khoảng 800-900 triệu tấn quy dầu.” Như vậy, đây là khu vực quan trọng về mặt kinh tế đối với Việt Nam. Tuy vậy, bồn trũng Vũng Mây nằm cách xa các căn cứ trên đất liền Việt Nam khoảng 360 hải lý, trong khi cách bãi Thuyền Chài chỉ 90 hải lý. Vậy việc nâng cấp bãi Thuyền Chài có phải nhắm đến mục đích bảo vệ vùng bồn trũng Vũng Mây?
Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Tp. HCM cho rằng cần nhìn rộng hơn bồn trũng Vũng Mây. Ông nêu ra bốn lý do để Việt Nam bồi đắp đảo cấp tốc thời gian qua.
“Có nhiều lý do để Việt Nam tiến hành bồi đắp đảo ở Trường Sa. Thứ nhất là Việt Nam cần có những khu vực để cứu hộ cứu nạn cho ngư dân trên biển. Thứ hai là Việt Nam cần có tiền đồn để chống đánh bắt cá trái phép và không theo quy định (IUU). Thứ ba là các công trình trên biển rất dễ bị hư hại cho nên cần bảo dưỡng, tôn tạo thường xuyên. Thứ tư Việt Nam nhìn bài học Phi Luật Tân khi nước này bị yếu thế trong tranh chấp bãi cạn Scarborough và bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal).
Lý do nữa cần nói thêm là tính thời điểm. Nghĩa là Việt Nam phải chọn thời điểm thuận lợi để làm việc đó. Năm 2023 là năm Việt Nam nâng cấp quan hệ với cả Mỹ và Trung cộng. Do đó, từ cuối năm, Việt Nam có thể yên tâm cải tạo đảo mà không bị ai dòm ngó, cản trở.”
Vai trò của bãi Thuyền Chài?
Theo AMTI, hiện Việt Nam chỉ có đường băng dài 1300m trên đảo Truờng Sa Lớn. Đường băng này chỉ cho phép máy bay cỡ nhỏ đáp xuống. Tuy nhiên, Bãi Thuyền Chài (Barque Canada Reef) trong đợt bồi đắp vừa qua, đã đuợc nâng diện tích lên hàng thứ 4 – sau Vành Khăn, Xu Bi và Chữ Thập do Trung cộng bồi đắp. Chiều dài bãi Thuyền Chài đã lên đến 4318 mét, theo báo cáo của AMTI, đã đủ khả năng làm đường băng dài 3000m cho máy bay quân sự, vận tải, ném bom… cỡ lớn. Việc bồi đắp bãi Thuyền Chài vẫn đang tiếp diễn và chưa có thiết bị mới được lắp đặt trên đó. Tuy nhiên, quy mô lớn của bãi Thuyền Chài liệu có thể góp phần thay đổi cục diện nào đó trên Biển Đông hay không? Trả lời câu hỏi này, nhà nghiên cứu Hoàng Việt giải đáp cho RFA:
“Mục tiêu của Việt Nam xưa nay vẫn là bồi lấp đảo nhưng mục tiêu không phải là để làm gì ai mà là giữ được những gì mình đang có. Trung cộng ngày càng lớn mạnh, đặc biệt là sức mạnh trên biển của họ. Điều đó tạo ra sự đe dọa rất lớn cho các quốc gia ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam.
Đương nhiên, xây dựng trung tâm cứu hộ cứu nạn chỉ là một phần, còn quan trọng hơn là giữ được các tiền đồn mình đang kiểm soát. Cho nên có lẽ Việt Nam muốn xây dựng một căn cứ kiên cố hơn ở bãi Thuyền Chài.
Nhưng cụ thể thế nào thì hiện giờ chúng ta cũng cần chờ đợi thêm mới biết được. Vì bây giờ mọi thứ vẫn đang diễn ra chứ chưa xong.”
Trao đổi với RFA, TS. Nagao Satoru ở Hudson Institute cho rằng bãi Thuyền Chài có thể là hòn đảo trung tâm với đường băng dài 3000m trong tương lai. Việc bảo vệ bồn trũng Vũng Mây là một vấn đề quan trọng trong chiến lược quân sự của Việt Nam. Tuy nhiên, không dễ nhận ra vì sao Việt Nam lại tập trung vào bãi Thuyền Chài. Việt Nam đang hiện đại hóa nhiều đảo ở Biển Đông và tất cả các cơ sở này đều có mục đích phòng thủ. Vì vậy, theo vị chuyên gia về an ninh quốc tế ở Hudson Institute, dự án cải tạo bãi Thuyền Chài cũng có mục đích phòng thủ.
Theo TS. Nagao Satoru, bóng dáng Trung cộng luôn hiện diện đằng sau các bước đi này của Việt Nam ở khu vực Trường Sa. Trung cộng đã và đang xây dựng một loạt đảo nhân tạo. Chưa có ai đủ khả năng ngăn chặn được Trung cộng. Trong tình hình như vậy, Việt Nam cũng cần duy trì thế cân bằng quân sự với Trung cộng. Nếu Trung cộng xây đảo nhân tạo thì việc Việt Nam phản ứng tương tự là đúng đắn. Vì vậy, theo TS. Nagao, có thể so sánh hoạt động cải tạo đảo này như một cuộc “chạy đua vũ trang” giữa Trung cộng và Việt Nam. So với Trung cộng, hoạt động xây dựng của Việt Nam có quy mô nhỏ hơn. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không hiện đại hóa như vậy, Trung cộng sẽ càng mở rộng khoảng cách về sức mạnh quân sự ở Biển Đông và sớm xâm lược các đảo khác, TS. Nagao Satoru nhận xét.
RFA (11.06.2024)
Phi Luật Tân theo dõi Việt Nam bồi đắp ở Biển Đông, nói VN không gây hấn, lừa dối như TC
Phi Luật Tân cảnh giác nhất với Trung cộng ở Biển Đông (ảnh chụp năm 2019).
Một đại diện của Hải quân Phi Luật Tân nói hôm thứ Hai 10/6 rằng lực lượng này đang theo dõi hoạt động nạo vét và bồi đắp của Việt Nam ở Biển Đông, diễn ra trong khu vực mà Phi Luật Tân tuyên bố là một phần của Cụm đảo Kalayaan, hai trang tin GMA News và Phil Star Global ở Phi Luật Tân tường thuật.
Người phát ngôn của Hải quân Phi Luật Tân – ông Roy Vincent Trinidad, Tư lệnh vùng Biển Tây Phi Luật Tân – cho biết Bộ Ngoại giao của đất nước cũng đang xử lý vấn đề này, vẫn theo GMA News và Phil Star Global.
Hai trang tin trích dẫn lời ông Roy Vincent Trinidad nói trong một cuộc phỏng vấn với đài Super Radyo dzBB rằng “Chúng tôi đang theo dõi hoạt động đó, nhưng tôi tin rằng Bộ Ngoại giao là cơ quan phù hợp hơn để cung cấp thông tin chi tiết về việc đó. Bộ Ngoại giao đang thực hiện các hành động liên quan đến vấn đề đó”.
Trong khi Phi Luật Tân và Trung cộng tiếp tục tranh chấp lãnh thổ, Việt Nam vẫn tiến hành các hoạt động nạo vét các bãi cạn mà họ chiếm giữ ở Biển Đông.
Như VOA đã đưa tin, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) mới đây ra báo cáo nói rằng Việt Nam đang tăng cường nạo vét và bồi đắp ở Biển Đông.
Kể từ tháng 11/2023, Việt Nam tạo thêm tổng mặt bằng là 692 mẫu Anh (280 hectare) ở vùng biển.
Trong đó, Bãi Thuyền Chài (Barque Canada) được cho là đã tăng gấp đôi diện tích thành 412 mẫu Anh từ diện tích 238 mẫu Anh trước đây. Việc lấn biển và xây đắp cũng đang diễn ra tại Đảo Đá Lớn (Discovery Great), Đảo Nam Yết (Namyit) và Đảo Phan Vinh (Pearson Reef).
Mặc dù những nơi đó nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân, song Manila có tuyên bố chủ quyền về chúng, đồng thời khẳng định chúng là một phần của Cụm đảo Kalayaan.
Ông Trinidad nói rằng về mặt lịch sử, Việt Nam tuyên bố chủ quyền về nhiều đảo, bãi cạn nhất ở Biển Đông trong số 7 quốc gia đưa ra các yêu sách chủ quyền, bao gồm cả Phi Luật Tân, theo tin của GMA News và Phil Star Global.
Ông cũng nhận xét rằng “Có một điều thật tự nhiên đó là Việt Nam và Phi Luật Tân có quan hệ hữu nghị. Việt Nam không khởi xướng các hành động bất hợp pháp, cưỡng ép, gây hấn và lừa dối nhằm vào chúng ta như Trung cộng”.
Ngoài ra, vẫn theo GMA News và Phil Star Global, ông nêu bật một điều: “Nếu chúng ta chú ý đến lịch sử Biển Đông, chúng ta sẽ thấy rằng Trung cộng là quốc gia hung hăng nhất đối với chúng ta trong số 7 quốc gia có yêu sách chủ quyền”.
Chuyên gia luật hàng hải Jay Batongbacal nói trong bản tin của GMA News rằng trước đây Phi Luật Tân đã phản đối việc Việt Nam bồi đắp ở Cụm đảo Kalayaan.
Về phía Lực lượng Tuần duyên Phi Luật Tân, người phát ngôn về vùng Biển Tây Phi Luật Tân là Jay Tarriela cũng đánh giá rằng Việt Nam không quấy rối ngư dân Phi Luật Tân và không triển khai trái phép tàu thuyền nhằm bao vây các tiền đồn của Phi Luật Tân trong khu vực.
GMA News và Phil Star Global dẫn lời ông Tarriela nói thêm rằng Việt Nam đã bắt đầu cải tạo các đảo, bãi cạn mà họ chiếm giữ trước khi có Tuyên bố về Ứng xử giữa các bên ở Biển Đông hồi năm 2002..
VOA (11.06.2024)
Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á : Tốc độ nạo vét và bồi đắp các đảo của Việt Nam ở Biển Đông tăng mạnh
Việt Nam đã tăng cường đáng kể nạo vét và bồi đắp các đảo ở Biển Đông trong 6 tháng qua, tạo ra diện tích đất mới bồi lấp nhiều gần bằng tổng diện tích đất bồi đắp trong hai năm trước đó cộng lại, mở ra khả năng có một năm kỷ lục về bồi đắp, xây dựng đảo. Thông tin được các nhà nghiên cứu của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ công bố hôm qua, 07/06/2024.
Các công trình và tòa nhà của Trung cộng tại đảo nhân tạo trên Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Hình ảnh ngày 20/03/2022. AP – Aaron Favila
Kể từ tháng 11/2023, thời điểm gần đây nhất mà tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington của Mỹ công bố báo cáo, Việt Nam đã tạo ra 692 mẫu Anh (acre – 1 acre = 4.007m2) đất mới (280 ha), so với 404 mẫu được tạo trong 11 tháng đầu năm 2023 và 347 mẫu trong năm 2022. Tổng diện tích nạo vét và bồi lấp đất của Việt Nam (bao gồm cả lấp đất và nạo vét các bến cảng/kênh đào) tại những nơi có tranh chấp ở Biển Đông như vậy đã lên đến khoảng 2.360 mẫu Anh – gần bằng một nửa so với Trung cộng (4.650 mẫu Anh). AMTI nhấn mạnh đây là một sự thay đổi lớn so với cách nay 3 năm, bởi vì vào thời điểm đó tổng diện tích nạo vét và bồi đắp của Việt Nam chỉ là 329 mẫu Anh, chưa bằng 1/10 so với Trung cộng.
Một điều đáng nói khác là hiện nay, nếu tính theo diện tích các « tiền đồn » ở Biển Đông, 3 tiền đồn của Trung cộng (đá Vành Khăn, Subi và Chữ Thập) vẫn là lớn nhất, nhưng cả 4 tiền đồn lớn tiếp theo đều là các rạn san hô mới được mở rộng của Việt Nam : Bãi Thuyền Chài (Barque Canada Reef), Đảo Nam Yết (Namyit Island), Đảo Phan Vinh (Person Reef) và Đá Lớn (Discovery Great Reef).
Bãi Thuyền Chài vẫn là tiền đồn lớn nhất của Việt Nam, diện tích đã tăng gần gấp đôi trong 6 tháng qua, từ 238 lên 412 mẫu Anh. Với chiều dài lên đến 4.318 mét, Bãi Thuyền Chài là tiền đồn duy nhất của Việt Nam cho đến nay có tiềm năng có đường băng dài 3.000 mét như đường băng mà Trung cộng xây dựng tại Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Su Bi. Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) nhắc lại là hiện nay, đường băng duy nhất của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa là đường băng dài 1.300m trên đảo Trường Sa cùng tên, đủ rộng cho hầu hết các máy bay quân sự của Việt Nam, nhưng cần có một đường băng dài 3.000 mét thì các máy bay vận tải, trinh thám hoặc oanh tạc cơ quân sự lớn hơn mới có thể cất cánh và hạ cánh.
Biển Đông là một trong những tuyến hàng hải có nhiều tranh chấp nhất trên thế giới, với lượng hàng thương mại trị giá hơn 3 nghìn tỷ đô la được chuyên chở qua mỗi năm, theo số liệu Reuters trích dẫn. Trung cộng, Brunei, Malaysia, Phi Luật Tân, Đài Loan và Việt Nam đều đã đưa ra các yêu sách đối với một phần hoặc toàn bộ quần đảo Trường Sa, làm dấy lên lo ngại rằng khu vực này đang trở thành điểm nóng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng trong các vấn đề toàn cầu.
RFI (08.06.2024)
AMTI: Việt Nam tăng tốc xây dựng đảo ở Biển Đông
Đảo Đá Lát (Ladd Reef), trong Quần đảo Trường Sa, đang được Việt Nam xây dựng thêm các cơ sở quân sự.
Việt Nam đang tăng cường công tác nạo vét và lấp đất ở Biển Đông, tạo ra lượng đất mới gần bằng tổng số đất trong hai năm trước đó cộng lại, tạo tiền đề cho một năm kỷ lục về xây dựng đảo, các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ cho biết hôm 7/6.
Kể từ tháng 11 năm 2023, khi tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington đưa ra phúc trình lần chót, Việt Nam đã tạo ra 692 mẫu Anh đất mới, so với 404 mẫu được tạo trong 11 tháng đầu của năm 2023 và 347 mẫu vào năm 2022, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết trong một phúc trình mới.
Theo AMTI, điều này nâng tổng diện tích nạo vét và lấp đất tổng thể của Việt Nam (bao gồm cả lấp đất và nạo vét bến cảng/kênh đào) ở các khu vực tranh chấp ở Biển Đông lên khoảng 2.360 mẫu Anh – gần bằng một nửa trong số 4.650 mẫu Anh của Trung cộng. Đây là một sự thay đổi lớn so với chỉ ba năm trước, khi tổng khối lượng nạo vét và lấp đất của Việt Nam chỉ là 329 mẫu Anh—chưa bằng 1/10 tổng diện tích của Trung cộng.
Quy mô hoạt động của Việt Nam cũng có thể được nhìn thấy khi nhìn vào các tiền đồn lớn nhất ở Quần đảo Trường Sa tính theo diện tích đất liền. Trong khi “ba tiền đồn lớn” của Trung cộng (đá Vành Khăn, Subi và Chữ Thập) vẫn là lớn nhất, thì bốn tiền đồn lớn tiếp theo đều là các rạn san hô mới được mở rộng của Việt Nam, vẫn theo AMTI.
AMTI nói Bãi Thuyền Chài (Barque Canada Reef) vẫn là tiền đồn lớn nhất của Việt Nam, tăng gần gấp đôi trong sáu tháng qua, từ 238 lên 412 mẫu Anh.
Báo cáo của AMTI cho biết thực thể này hiện có chiều dài 4.318 mét, khiến nó trở thành tiền đồn duy nhất của Việt Nam cho đến nay có tiềm năng xây một đường băng dài 3.000 mét giống như đường băng mà Trung cộng có tại Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Subi. Hiện nay, đường băng duy nhất của Việt Nam tại Quần đảo Trường Sa là đường băng dài 1.300m trên đảo Trường Sa cùng tên. Mặc dù đường băng đó đủ rộng cho hầu hết các máy bay quân sự của Việt Nam, nhưng cần có một đường băng dài 3.000 mét để các máy bay vận tải, giám sát hoặc ném bom quân sự lớn hơn cất cánh và hạ cánh.
Các thực thể khác cũng đã trải qua quá trình lấp đất đáng kể, kể từ tháng 11, gồm 102 mẫu đất mới đã được tạo ra tại Rạn san hô Đá Lớn, 52 mẫu tại Rạn san hô Đá Nam, 41 mẫu tại Đảo Nam Yết và 37 mẫu tại Đảo Phan Vinh, báo cáo của AMTI nêu rõ.
Các hoạt động nạo vét tại Đảo Phan Vinh đã mở rộng ra ngoài tiền đồn chính ở phía đông bắc đến các khu vực mới ở đầu phía nam của rạn san hô, tạo ra vùng đất mới xung quanh các lô-cốt hiện có và các kênh rộng hơn cho tàu bè đi qua, vẫn theo AMTI.
Báo cáo này nói rằng cùng với việc tăng tốc lấy đất lấn biển, Việt Nam đã bắt đầu xây dựng sơ bộ một số cơ sở mới trên khắp các tiền đồn của mình. Những phát triển đáng chú ý bao gồm việc hoàn thành đoạn cầu tàu trên đảo Nam Yết và xây dựng bến cảng mới tại Đảo Trường Sa Đông.
Báo cáo của AMTI cho biết các chiến hào và công trình phòng thủ ven biển điển hình của các tiền đồn ở Trường Sa của Việt Nam có thể được nhìn thấy đang được tiến hành ở một số thực thể. Và đã xuất hiện các sân bay trực thăng tạm thời trên nhiều thực thể đang mở rộng, bao gồm Rạn San hô Đá lớn, Đá Lát, Đá Tiên Nữ và Đá Nam.
Trung cộng, nước đã xây dựng các đảo ở Biển Đông từ năm 2013, tuyên bố chủ quyền đối với những vùng đất rộng lớn trên biển, bao gồm cả các khu vực mà Việt Nam đang xây dựng đảo.
Biển Đông là một trong những tuyến đường thủy có nhiều tranh chấp nhất trên thế giới, nơi có hơn 3 nghìn tỷ đô la giá trị thương mại đi qua mỗi năm. Trung cộng, Brunei, Malaysia, Phi Luật Tân, Đài Loan và Việt Nam đã đưa ra các yêu sách cạnh tranh đối với một phần hoặc toàn bộ Quần đảo Trường Sa.
(Nguồn: Reuters + amti.csis.org)
VOA (08.06.2024)
Cách ứng phó với chiến thuật của Trung cộng ở Biển Đông
Derek Grossman
Nguồn: Derek Grossman, “How to Respond to China’s Tactics in the South China Sea,” Foreign Policy, 29/05/2024
Bắc Kinh đang thử thách liên minh Mỹ-Phi Luật Tân và chúng ta cần một chiến lược mới.
Nguy cơ xung đột vũ trang ở Biển Đông đang ở mức cao và vẫn tiếp tục gia tăng. Các hành động hung hăng không ngừng của Trung cộng đối với Phi Luật Tân – quấy rối các tàu bên trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) được quốc tế công nhận của Manila, đáng chú ý nhất là tại Bãi Cỏ Mây và Bãi Scarborough – đã khiến chiến tranh dễ xảy ra ở Biển Đông hơn ở bất kỳ điểm nóng nào khác trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả Eo biển Đài Loan và bán đảo Triều Tiên.
Đúng là liên minh an ninh giữa Phi Luật Tân với Mỹ cho đến nay đã ngăn cản Trung cộng thực hiện các cuộc tấn công mạnh mẽ hơn vào quân đội Phi Luật Tân hoặc các tài sản khác của chính phủ nước này. Nhưng Hiệp ước Phòng thủ Chung năm 1951 – trong đó Washington cam kết sẽ hỗ trợ nếu Manila bị tấn công quân sự – đã hoàn toàn thất bại trong việc ngăn cản Bắc Kinh leo thang các chiến thuật vùng xám mang tính cưỡng ép – vốn là những hành động được thiết kế nhằm thay đổi hiện trạng một cách không thể đảo ngược mà không cần dùng đến các biện pháp sát thương. Những chiến thuật này bao gồm đâm va, bám đuôi, ngăn chặn, bao vây, bắn vòi rồng, và sử dụng tia laser cấp quân sự để chống lại các tàu dân sự và tàu quân sự. Trung cộng cũng dựa vào lực lượng hải cảnh đáng gờm và cái gọi là hải binh (dân quân đánh cá) – bao gồm các ngư dân được quân đội huấn luyện và trang bị – để tuần tra và chiếm đóng các khu vực tranh chấp, thiết lập một sự hiện diện gần như thường trực mà quốc gia bị nhắm mục tiêu không thể dễ dàng loại bỏ.
Hơn nữa, vào ngày 15/06 sắp tới, Bắc Kinh được cho là đang lên kế hoạch triển khai một chính sách mới, cho phép lực lượng hải cảnh Trung cộng bắt giữ những người nước ngoài đi vào vùng biển mà Trung cộng tuyên bố chủ quyền. Vùng biển này bao gồm hầu hết Biển Đông – dựa trên các yêu sách lịch sử mở rộng của chính Bắc Kinh chứ không phải luật pháp quốc tế, trong trường hợp này là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. (Để so sánh, hãy tưởng tượng nếu Đức tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ Biển Bắc, hoặc nếu Mỹ tuyên bố chủ quyền ở toàn bộ vùng Caribe cho đến tận bờ biển Nam Mỹ.)
Trong quá khứ, Trung cộng từng cố gắng áp đặt các yêu sách của mình bằng các rào chắn nổi, và gần đây nhất, đã bị Manila cáo buộc xây dựng một đảo nhân tạo tại Bãi Sa Bin – cách Đảo Palawan của Phi Luật Tân khoảng 150 km, nhưng cách điểm gần nhất ở Trung cộng tới 1.200 km. Một nguồn thạo tin yêu cầu giấu tên nói với tôi rằng Manila hiện không thể tiếp cận khoảng 30% diện tích vùng đặc quyền kinh tế được công nhận của họ do chiến thuật cắt lát salami (salami-slicing) của Trung cộng. Nếu không có phản ứng hiệu quả, tỷ lệ này sẽ còn tăng cao trong những năm tới.
Trên thực tế, Trung cộng đang siết chặt vòng vây đối với Phi Luật Tân, ngày càng làm tổn hại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên biển của nước này. Nếu muốn luật pháp quốc tế được duy trì và các đường biên giới vẫn bất khả xâm phạm, Mỹ phải làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ Phi Luật Tân. Tuy nhiên, cả Manila và Washington dường như đều không có kế hoạch nào khả thi để chống lại các chiến thuật vùng xám thành công của Bắc Kinh.
Trước tình hình ngày càng tuyệt vọng, hồi tháng 3, Phi Luật Tân đã công bố Khái niệm Phòng thủ Quần đảo Toàn diện. Chỉ có rất ít thông tin được công bố, nhưng dường như đây là một chiến lược phòng thủ mới, chuyển từ mô hình truyền thống, lấy quân đội làm trung tâm của Manila – vốn được hình thành trong lịch sử bị xâm lược và chiếm đóng lâu dài – sang nâng cấp lực lượng hải quân và hải cảnh để chống lại Trung cộng trên biển. Toàn bộ nguồn tài trợ cho chiến lược mới vẫn đang chờ được Quốc hội Phi Luật Tân thông qua. Nhưng dù sao đi nữa, khái niệm này dường như đã bỏ qua lực lượng không quân vốn cũng có vai trò quan trọng không kém, và toàn bộ quá trình triển khai cũng phải mất vài năm, nếu không muốn nói là vài chục năm.
Cùng lúc đó, Manila đang đẩy mạnh ba nỗ lực khác.
Trước tiên, nước này đang tăng cường liên minh với Washington. Đầu tháng này, hai nước đã tiến hành đợt tập trận quân sự thường niên lớn nhất từ trước đến nay, trong đó bao gồm việc diễn tập phòng thủ chuỗi đảo ở phía bắc Phi Luật Tân (chỉ cách Đài Loan hơn 200 km về phía nam) cũng như diễn tập việc phóng một tên lửa hành trình chống hạm để đánh chìm một con tàu đã ngừng hoạt động. Kể từ khi nhậm chức vào năm 2022, Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos đã nâng số căn cứ quân sự mà quân đội Mỹ có thể tạm thời sử dụng ở Phi Luật Tân từ 5 lên 9, phù hợp với Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường được ký năm 2014.
Thứ hai, Phi Luật Tân đã và đang tiến hành một số cuộc tập trận và thỏa thuận an ninh với các nước khác trong khu vực. Ví dụ, vào tháng trước, Australia, Nhật Bản, Phi Luật Tân và Mỹ đã lần đầu tiên tiến hành các cuộc tập trận chung trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila. Các thành viên của nhóm – được gọi là “Bộ tứ mới” (new Quad) hay “Biệt đội” (Squad) – cũng đang đàm phán các hiệp định an ninh song phương mới. Nhật Bản và Phi Luật Tân đang thảo luận về một thỏa thuận tiếp cận quân đội song phương sẽ được hoàn thành vào tháng 7. Phi Luật Tân và Australia đã nâng cấp hợp tác về an ninh hàng hải và nâng tầm quan hệ đối tác lên mức “chiến lược” sau chuyến thăm của Marcos tới Canberra vào tháng 2. Phi Luật Tân cũng đang nhận được một số hỗ trợ vũ khí từ Ấn Độ, chẳng hạn như việc cung cấp tên lửa hành trình chống hạm BrahMos rất cần thiết.
Cuối cùng, Manila gần đây đã áp dụng chiến lược “minh bạch hóa sự hung hăng” khi bị Trung cộng xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế. Các thuyền viên Phi Luật Tân hiện đang ghi lại từng vụ cưỡng ép của Trung cộng và công khai cho thế giới biết. Ý tưởng là Bắc Kinh sẽ không còn có thể phủ nhận các hành động của mình như họ đã làm trong quá khứ – và có lẽ sẽ xấu hổ mà buộc phải tuân thủ luật pháp quốc tế.
Về phần mình, Mỹ đã nhiều lần nhắc lại cam kết “vững như thép” với Phi Luật Tân.
Vấn đề là hiệp ước Mỹ-Phi Luật Tântừ thời Chiến tranh Lạnh đã không lường trước được các loại chiến thuật vùng xám và các mối đe dọa hỗn hợp vốn đã trở thành phương thức hoạt động chính của các quốc gia theo chủ nghĩa xét lại trong những năm gần đây, dù ở Biển Đông hay ở sườn phía đông của NATO. Washington chưa nêu rõ loại hành động nào của Trung cộng có thể khiến Mỹ can thiệp để hỗ trợ đồng minh của mình. Chính quyền Biden đã liên tục lưu ý rằng các hành động dẫn đến phản ứng bao gồm “các cuộc tấn công vũ trang” vào các tàu quân sự hoặc lực lượng hải cảnh Phi Luật Tân, nhưng họ lại không nói rõ điều gì sẽ cấu thành một cuộc tấn công như vậy. Cho đến nay, các hành động hung hăng nhưng không gây sát thương của Trung cộng đối với Phi Luật Tân dường như không đủ điều kiện.
Manila, Washington, và các đối tác của họ hiện đang nỗ lực chống lại Trung cộng, nhưng không có bước đi nào trong số này thực sự có hiệu quả trong việc ngăn chặn các hành động xâm lấn của Bắc Kinh. Phi Luật Tân và Mỹ có thể làm gì – và liệu họ có thể khôi phục khả năng răn đe ở Biển Đông hay không?
Một lựa chọn là sửa đổi hiệp ước Mỹ-Phi Luật Tân để phản ánh các mối đe dọa vùng xám thời hiện đại. Thay vì chỉ nói mơ hồ rằng một “cuộc tấn công vũ trang” là tiền đề cho sự can thiệp quân sự của Mỹ, Manila và Washington có thể nói rộng hơn, rằng các hoạt động vùng xám có thể hoặc sẽ được coi là các cuộc tấn công vũ trang.
Chẳng hạn, trong chuyến thăm Lầu Năm Góc vào tháng trước, Marcos đã chỉ rõ rằng “nếu bất kỳ quân nhân Phi Luật Tân nào bị giết trong một cuộc tấn công của bất kỳ thế lực nước ngoài nào, thì đó là lúc phải viện dẫn [hiệp ước].” Hai nước có thể mở rộng danh mục tài sản được bảo vệ bởi hiệp ước để bao gồm các tàu dân sự thường xuyên tiếp tế cho quân đội Phi Luật Tân đóng tại Sierra Madre, một tàu đổ bộ thời Thế chiến II mà Manila cố tình để mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây vào năm 1999. Trung cộng sẽ phải suy nghĩ kỹ về việc kích hoạt hiệp ước quốc phòng đã được sửa đổi, bao quát hơn này.
Cũng còn nhiều cách khác để Washington làm rõ chính sách của mình ở Biển Đông. Vào tháng 7/2020, Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là Mike Pompeo tuyên bố rằng Mỹ công nhận tính hợp pháp và toàn vẹn của các vùng đặc quyền kinh tế trên biển, phù hợp với luật pháp của Liên Hiệp Quốc và phán quyết của tòa trọng tài quốc tế năm 2016 bác bỏ các yêu sách mở rộng của Trung cộng. Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ vẫn chưa đưa ra quan điểm chính thức nào về các vùng lãnh thổ đang tranh chấp ở Biển Đông, có lẽ là để tránh chọc giận Trung cộng.
Ngược lại, chính quyền Obama đã làm rõ vào năm 2012 rằng Washington công nhận quần đảo Senkaku thuộc về Nhật Bản chứ không phải Trung cộng trong tranh chấp ở Biển Hoa Đông, và rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào quần đảo này sẽ kích hoạt Điều 5 của hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật, tức là Mỹ sẽ buộc phải đáp trả. Manila rõ ràng sẽ đánh giá cao một sự minh bạch tương tự, bởi điều này sẽ báo hiệu cho Bắc Kinh rằng Washington xem các cuộc tấn công vào vùng đặc quyền kinh tế được công nhận của Phi Luật Tân là tấn công trực tiếp vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Phi Luật Tân, vốn đã được Hiệp ước Phòng thủ Chung bảo vệ.
Một lựa chọn khác là quân đội Mỹ sẽ đóng vai trò trực tiếp hơn trong khu vực. Chuyên gia an ninh châu Á Blake Herzinger gần đây đã lập luận rằng: một cách để tăng cường răn đe và đẩy lùi chiến thuật vùng xám của Trung cộng là thay thế Sierra Madre bằng một căn cứ tác chiến tổng hợp tiền phương được cả lực lượng Philippine và Thủy quân Lục chiến Mỹ sử dụng. Các nhà nghiên cứu khác cũng kêu gọi Mỹ can dự ở các mức độ khác nhau mà không cần thiết lập căn cứ – chẳng hạn như các cuộc tuần tra kết hợp của lực lượng hải quân và hải cảnh – với cùng mục đích tăng cường khả năng răn đe.
Một giải pháp công nghệ hấp dẫn là tận dụng chương trình Replicator đang diễn ra của quân đội Mỹ, dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 8/2025. Là một sản phẩm của Đơn vị Đổi mới Quốc phòng của Lầu Năm Góc, Replicator giúp nhanh chóng sản xuất hàng nghìn máy bay không người lái trên không và trên biển để bù đắp thiếu hụt về số lượng so với quân đội Trung cộng. Dù không có nhiều chi tiết được công bố, nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ đã giới thiệu máy bay không người lái Replicator ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sau cùng, loại máy bay này có thể áp đảo các mục tiêu và có thể tiến hành một loạt các hoạt động vùng xám của riêng mình, dù khả năng của nó cho đến nay vẫn còn được giữ kín.
Các hệ thống không có người điều khiển như Replicator sẽ giúp duy trì các cuộc chạm trán ăn miếng trả miếng ngay dưới ngưỡng gây ra một cuộc chiến lớn hơn, đặc biệt là vì các dự án quốc phòng của chính Trung cộng cũng có thể loại bỏ yếu tố con người khỏi các cuộc đụng độ trên biển, bằng cách sử dụng chiến tranh được hỗ trợ bởi robot và trí tuệ nhân tạo. Nói cách khác, Replicator có thể giúp tái định nghĩa thang xung đột, và mang lại cho Trung cộng, Mỹ, và Phi Luật Tân không gian lớn hơn để đàm phán sau các sự cố.
Washington cũng có thể cân nhắc tạo ra liên kết giữa các hành động trong vùng xám của Trung cộng nhằm chống lại một đồng minh của Mỹ với các lĩnh vực khác trong mối quan hệ Mỹ-Trung. Điều đó sẽ báo hiệu cho Bắc Kinh rằng họ sẽ phải trả giá cho các hành động xâm lấn đối với Phi Luật Tân. Những biện pháp này có thể bao gồm trừng phạt kinh tế, trì hoãn hoặc chấm dứt các cuộc đàm phán ngoại giao, hoặc thay đổi cán cân quân sự của Mỹ ở những nơi khác trong khu vực. Việc áp đặt cái giá phải trả cho các hành động hung hăng sẽ phù hợp hoàn toàn với cái gọi là chiến lược răn đe tổng hợp của chính quyền Biden, vốn đang tìm cách tận dụng sức mạnh tập thể, liên ngành của Mỹ, cũng như của các đồng minh và đối tác để ứng phó với hành động gây hấn.
Về hành động tập thể của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm chống lại sự xâm lấn của Trung cộng, thành tích trong 30 năm qua không mấy khả quan – dù một số thành viên khác, bao gồm cả Việt Nam và Malaysia, cũng đang phải đối mặt việc bị Trung cộng xâm lấn lãnh thổ. Từ năm 1996, ASEAN đã cố gắng xây dựng một bộ quy tắc ứng xử (COC) trong tương lai cho khu vực, trong đó kêu gọi chấm dứt quân sự hóa, cải tạo đất, và chiếm giữ các thực thể đang tranh chấp. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào việc liệu khối này có đàm phán thành công COC với Bắc Kinh, bên đang không hề có ý định thoả hiệp với quan điểm rằng họ sở hữu phần lớn Biển Đông. Các cuộc đàm phán song phương có thể sẽ thất bại vì những lý do tương tự.
Cuối cùng, Washington và Manila có thể đơn giản tiếp tục con đường họ đang đi. Điều đó có nghĩa là tiếp tục củng cố liên minh thông qua việc mở rộng thỏa thuận hợp tác quốc phòng hiện có, tập trung hơn vào các cuộc tập trận quân sự hàng năm và các cam kết khác, cũng như thông qua việc giúp Manila xây dựng năng lực quân sự của riêng mình và vạch trần hành vi xấu của Trung cộng với thế giới. Nhưng cho đến nay, chưa có biện pháp nào trong số này thành công chống lại các chiến thuật vùng xám, và bất kỳ thành công nào trong tương lai cũng sẽ cần nhiều thời gian hơn vì Bắc Kinh vẫn liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Manila.
Lựa chọn tốt nhất có lẽ là tiếp tục xây dựng liên minh Mỹ-Phi Luật Tân, nhưng bổ sung thêm các tính năng mới, chẳng hạn như sửa đổi hiệp ước để phản ánh thực tế vùng xám, kết hợp với chương trình Replicator, và áp đặt cái giá phải trả cho hành vi của Trung cộng thông qua các lĩnh vực khác trong quan hệ Mỹ-Trung. Triển khai những điều này ngay bây giờ sẽ mang lại cho Phi Luật Tân không gian cần thiết để hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa quân đội dưới sự hỗ trợ của Mỹ, giúp thiết lập lại khả năng răn đe và giảm thiểu nguy cơ chiến tranh trong những năm tới.
Derek Grossman
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Derek Grossman là nhà phân tích quốc phòng cấp cao của Rand Corp., giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Nam California, và là cựu cố vấn tình báo của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề an ninh Châu Á và Thái Bình Dương.
Nghiên cứu Quốc tế (10.06.2024)