11/07/2024
Blog VOA

Một phần trang bìa tác phẩm của Lê Anh Hùng, do nhà Văn Hiến, Garden Grove, California, xuất bản.

Một phần trang bìa tác phẩm của Lê Anh Hùng, do nhà Văn Hiến, Garden Grove, California, xuất bản.

Thế Dân

Gần đây, không gian mạng đang nói về một cuốn sách vừa ra mắt độc giả, do nhà xuất bản Văn Hiến, California, xuất bản: “Quyền lực và vấn đề kiểm soát quyền lực trong xã hội”, tác giả Lê Anh Hùng.

Phía sau một hiện tượng

Có lẽ có hai lý do chính khiến người ta chú ý đến tác phẩm này.

Thứ nhất, tác giả Lê Anh Hùng là người bị nhà cầm quyền Việt Nam cho là mắc bệnh “tâm thần” suốt nhiều năm qua, mới trải qua bản án 5 năm tù theo Điều 331 Bộ luật Hình sự (“Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân”), trong đó có hơn 3 năm bị “điều trị bắt buộc” tại Viện Pháp y Tâm thần Trung ương. Thứ hai, cuốn sách xoay quanh vấn đề quyền lực và kiểm soát quyền lực, chủ đề đang rất nóng ở Việt Nam.

Sau những cuộc đấu đá cung đình dưới chiêu bài “chống tham nhũng”, công chúng Việt Nam chợt nhận ra rằng thượng tầng chính trị đất nước đang rơi vào một cuộc khủng hoảng quyền lực trầm trọng, điều chưa từng thấy trong lịch sử tồn tại của chế độ Cộng Sản hơn ba phần tư thế kỷ qua. Chỉ trong vòng hơn một năm, bảy trong số 18 Uỷ viên Bộ Chính trị, thành phần lãnh đạo tối cao của Đảng CSVN và cũng là của quốc gia Cộng Sản này, lần lượt rời khỏi những chiếc ghế quyền lực của mình trong ê chề do dính líu đến tham nhũng. Chưa hết, Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng, người đã vi phạm Điều lệ Đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) khi tiếp tục làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba, vẫn chưa có dấu hiệu chịu từ bỏ quyền lực, mặc dù sức khoẻ đã rất sa sút.

Quyền lực như một chủ đề học thuật đã được bàn tới từ lâu trong giới học thuật phương Tây, với rất nhiều tác phẩm về đề tài này, bởi ở đây tự do tư tưởng, tự do học thuật luôn được đề cao. Dù vậy, quyền lực lại là một đề tài “nhạy cảm” ở Việt Nam, bởi nói đến quyền lực sẽ không tránh khỏi phải nói đến Đảng CSVN, vốn dĩ là hiện thân của quyền lực ở xứ sở này. Vì thế cho nên, đến thời điểm này, ở Việt Nam vẫn chưa có một cuốn sách nghiêm túc của tác giả người Việt nào bàn về chủ đề quyền lực, ngoại trừ khá nhiều bài viết về quyền lực của các tác giả “chính thống” đăng tải trên các cơ quan ngôn luận “chính thống”.

Trong bối cảnh đó, việc xuất hiện một cuốn sách về chủ đề quyền lực mà theo nhận xét của một nhà văn trong nước là “có nội dung bao quát, có tính hệ thống rất cao” khiến dư luận quan tâm là điều hợp với logic thông thường.

Hai lý do khiến cuốn sách được quan tâm như trên là điều dễ hiểu. Tuy vậy, nếu không phải vì giá trị nội dung của cuốn sách thì hẳn người ta đã không bàn tán về nó nhiều đến thế. Vậy nội dung cuốn sách bao gồm những gì?

Nội dung tác phẩm

Cuốn sách bao gồm 19 phần. Phần thứ nhất là Lời giới thiệu tác phẩm, do một trong những trí thức hàng đầu đang sinh sống trong nước, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, viết. Phần thứ hai là Dẫn nhập, nơi tác giả dẫn ra quan niệm của một loạt học giả về quyền lực trước khi đi đến hai kết luận: (i) quyền lực là quá trình căn bản nhất của đời sống xã hội loài người, và (ii) kiểm soát quyền lực là hết sức cần thiết để phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của quyền lực.

Từ phần 3 cho đến phần 17 tương ứng với Chương 1 cho đến Chương 15. Nội dung Chương 1 (Ưa thích quyền lực: bản tính của con người) là nơi tác giả khẳng định bản tính ưa thích quyền lực của con người.

Chương 2 (Các dạng thức quyền lực trong xã hội), Chương 3 (Các quan điểm lý thuyết truyền thống về quyền lực) và Chương 4 (Tư tưởng của Michael Foucault về quyền lực) cung cấp cho độc giả những kiến thức cơ bản về quyền lực mà tác giả rút từ các trước tác của các bậc tiền bối và tập hợp lại.

Chương 5 (Quyền lực: động lực phát triển của xã hội loài người) là nơi tác giả đi tìm mối tương quan giữa quyền lực và động lực phát triển của xã hội. Nhìn chung các tác giả xưa nay thường dẫn những động cơ như cái tôi, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích hay tư lợi như là động lực phát triển của xã hội. Trong tác phẩm này, tác giả khẳng định chính quyền lực là động lực phát triển của xã hội loài người.

Chương 6 (Kiểm soát quyền lực: vấn đề căn cốt của xã hội loài người): Tác giả lập luận và chỉ ra nguyên nhân sụp đổ của các hình thái xã hội và của các chế độ chính là do thiếu sự kiểm soát thích đáng đối với quyền lực, hoặc là quyền lực của chủ thể thiết lập trật tự, hoặc là quyền lực của các chủ thể khác nằm trong hệ thống trật tự đó, hoặc cả hai.

Trong Chương 7 (Cấu trúc xã hội và vai trò của xã hội dân sự), tác giả đưa ra mô hình về cấu trúc xã hội trong các xã hội hiện đại. Dựa trên mô hình đó, trong Chương 8 (Đảm bảo sự cân bằng quyền lực giữa các khu vực trong cấu trúc xã hội), Chương 9 (Kiểm soát quyền lực trong khu vực nhà nước/chính trị) và Chương 10 (Kiểm soát quyền lực trong khu vực kinh tế), tác giả phân tích và đề ra các giải pháp để tránh hiện tượng tập trung quyền lực, mà tạo ra sự phân tán quyền lực và cân bằng quyền lực giữa các khu vực trong cấu trúc xã hội, cũng như các cơ chế, biện pháp để kiểm soát quyền lực trong hai trung tâm quyền lực chính của xã hội là khu vực nhà nước/chính trị và khu vực kinh tế. Ba chương này, đặc biệt Chương 8, là những phần có thể xem là bao gồm những ý tưởng riêng của tác giả, bao gồm cả định chế tòa án nhân quyền, nơi chuyên phân xử các vụ vi phạm nhân quyền của bộ máy nhà nước cùng các quan chức công quyền.

Trong Chương 11 (Kiểm soát quyền lực của thế giới ngầm) và Chương 12 (Truyền thông đại chúng: một định chế quyền lực trong các xã hội hiện đại), tác giả bàn về hai quyền lực quan trọng trong xã hội hiện đại là quyền lực của thế giới ngầm và quyền lực của truyền thông đại chúng.

Chương 13 (Từ “chủ nghĩa tư bản hoang dã” đến “chủ nghĩa nghiệp đoàn”) cho thấy sự thay đổi của động tính quyền lực theo thời gian, khi cán cân quyền lực chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác trong cùng một mối quan hệ quyền lực của xã hội. Qua đó, tác giả muốn ngụ ý về một sự cân bằng, hài hoà giữa các chủ thể trong các mối quan hệ quyền lực của xã hội, nếu muốn xã hội ổn định và phản triển bền vững. Chương 14 (Từ nền kinh tế laissez-faire đến “nền kinh tế giấy phép”) cho thấy những hình thức bành trướng quen thuộc, gây nhiều phiền toái và phí tổn cho xã hội của quyền lực nhà nước trong tiến trình phát triển của định chế nhà nước.

Chương 15 (Lựa chọn nào cho Việt Nam?) là chương mà tác giả liên hệ thực tế Việt Nam với chủ đề quyền lực và kiểm soát quyền lực của cuốn sách, qua đó đề xuất một lộ trình dân chủ hoá đất nước tuần tự và ôn hoà theo cách tiếp cận “kiểm soát quyền lực”.

Trong phần 18 (Lời kết), cuốn sách bàn về cặp phạm trù “tự do” và “quyền lực” trong triết học chính trị, về sự cảnh giác trước hiện tượng tập trung quyền lực trong xã hội, và về mối nguy hiểm khi quyền lực càng tập trung, ý chí tội ác càng dễ được thực hiện.

Trong phần Phụ lục, tác giả chuyển ngữ một bài viết của một học giả người Mỹ bàn về vấn đề kiểm soát quyền lực đảng phái đối với dân chúng Mỹ.

Về một lộ trình dân chủ hoá khả thi cho Việt Nam

Trong phần còn lại của bài viết, chúng tôi muốn bàn sâu hơn một chút về Chương 15 (Lựa chọn nào cho Việt Nam?) của cuốn sách.

Một trong những lý do chính khiến giới cầm quyền của bất kỳ chế độ không được lòng dân nào cũng tìm cách níu giữ và duy trì quyền lực là họ sợ bị trừng phạt sau khi mất quyền lực. Mặt khác, giới cầm quyền nào cũng lo sợ chế độ của họ sụp đổ trong hỗn loạn và bạo lực, bởi nếu điều đó xảy ra, họ không những bị trừng phạt, mà nhiều khi còn phải hứng chịu sự trừng phạt một cách vô pháp luật và thậm chí man rợ, như cái cách mà cựu tổng thống Gaddafi của Libya bị đám đông sát hại trong cơn cuồng loạn bạo lực sau khi chế độ độc tài của ông ta bị lực lượng nổi dậy lật đổ vào năm 2011.

Trong trường hợp Việt Nam, nếu chế độ cộng sản hiện hành sụp đổ trong cơn cuồng loạn bạo lực như thế thì cái giá sẽ vô cùng đắt, không chỉ cho giới cầm quyền mà cho cả đất nước và nhân dân Việt Nam. Đơn giản, bởi nếu điều đó xảy ra, như tác giả cuốn sách đã nêu, Việt Nam sẽ rơi vào khoảng trống quyền lực, bất kể dài ngắn thế nào, và Trung Quốc sẽ nhân cơ hội đó ra tay thâu tóm nốt Trường Sa cũng như Biển Đông, thậm chí sẵn sàng xua quân sang Việt Nam để đảm bảo một Việt Nam hậu cộng sản là “sân sau” hoặc thuộc quốc của họ. Trong khi đó, sự sụp đổ của bất kỳ hệ thống trái quy luật nào cũng không thể tránh khỏi, bởi đó là kết cục tất yếu.

Để tránh cả hai khả năng với những hệ luỵ khó lường nêu trên, tác giả Lê Anh Hùng đã đề xuất một lộ trình dân chủ hoá tuần tự 6 bước theo cách tiếp cận “kiểm soát quyền lực”.

(1) Nhà nước Việt Nam từng bước cho phép người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, mở đường cho sự giám sát của người dân đối với quyền lực nhà nước và sự lên tiếng của họ về những vấn đề của xã hội và đất nước;

(2) Cho phép người dân thực hiện quyền tự do báo chí, mở đường cho sự ra đời của báo chí tư nhân;

(3) Cho phép người dân thực hiện quyền tự do lập hội, mở đường cho sự ra đời của các tổ chức xã hội dân sự và hình thành nên hệ thống các tổ chức xã hội dân sự;

(4) Cho phép một bộ phận trong các tổ chức xã hội dân sự nói trên chuyển hoá thành các đảng phái chính trị;

(5) Cho phép người dân thực hiện quyền tự do biểu tình, mở đường cho các cuộc biểu tình ôn hoà;

(6) Ban lãnh đạo Việt Nam mời các đảng phái chính trị đối lập hiệp thương và thoả thuận về một lộ trình dân chủ hoá đất nước.

Theo chúng tôi, đây là một phương án hợp lý và hoàn toàn khả thi, dù cần có sự nỗ lực rất lớn từ cả hai phía, nhà cầm quyền lực Việt Nam cũng như các lực lượng tiến bộ, đấu tranh cho tự do – dân chủ ở Việt Nam. Một cuộc hiệp thương giữa lãnh đạo CSVN và các đảng phái chính trị đối lập, như đề xuất trong cuốn sách, sẽ đảm bảo (i) các quan chức của chế độ cũ không bị truy cứu trách nhiệm liên quan đến những sai phạm hay tội ác của họ trong quá khứ; (ii) tiến trình dân chủ hoá đất nước sẽ diễn ra một cách tuần tự và êm thấm; và (iii) đem lại cơ hội tốt nhất để ngăn chặn những phản ứng khả dĩ của Bắc Kinh.

Dĩ nhiên, để phương án trên diễn ra thì điều kiện tiên quyết ở đây là người dân Việt Nam phải tìm mọi cách tạo sức ép liên tục lên nhà cầm quyền. Bởi, như tác giả đã nêu, nếu nhân dân không có khát vọng và đấu tranh cho một tương lai tự do – dân chủ thì không đời nào giới cầm quyền lại “cho” người dân được hưởng các quyền tự do hay “mời” các tổ chức đối lập đến để hiệp thương trao trả quyền lực cho nhân dân.

Lời kết

Người Việt vẫn có câu “Nói phải củ cải cũng nghe”. Cuốn sách Quyền lực và vấn đề kiểm soát quyền lực trong xã hội của Lê Anh Hùng hoàn toàn có thể là một trường hợp như thế. Như TS Nguyễn Quang A, người viết lời giới thiệu cho cuốn sách, đã chỉ ra, độ vênh giữa cung và cầu dân chủ ở Việt Nam ngày càng lớn, khát vọng tự do – dân chủ của người dân Việt Nam ngày càng cao. Sau cơn bĩ cực đến hồi thái lai. Trong bối cảnh đó, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào tương lai đang đến gần của một Việt Nam tự do – dân chủ.

Hà Nội, ngày 7 tháng 7 năm 2024