Phi Luật Tân thúc đẩy tổ chức một hội nghị về Biển Đông bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc

 

Phi Luật Tân vừa kiên quyết bảo vệ chủ quyền tại một số khu vực đang đối đầu căng thẳng với Trung cộng tại Biển Đông, vừa có thêm các nỗ lực ngoại giao để tranh thủ sự ủng hộ quốc tế.

Ảnh tư liệu : Tuần duyên Trung cộng phun vòi rồng vào tàu tiếp liệu Phi Luật Tân trên đường đến Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) ở Trường Sa, Biển Đông, ngày 04/03/2024. REUTERS – Adrian Portugal

 

Đại sứ Phi Luật Tân tại Mỹ hôm qua, 10/09/2024, cho biết ít nhất 20 nước dự tính tham gia một hội nghị về Biển Đông bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng Chín này. Mục tiêu là tìm cách đưa Trung cộng vào bàn ‘‘đối thoại’’, tránh xung đột bùng phát.

Hãng tin Reuters dẫn lời đại sứ Jose Manuel Romualdez, theo đó, ‘‘càng có nhiều nước liên kết với nhau và gửi đến Trung cộng một thông điệp là những gì họ đang làm chắc chắn không phải là điều đúng đắn thì chúng ta càng có cơ hội tốt hơn khiến họ không thực hiện các hành động sai lầm, mà tất cả chúng ta đều đang lo ngại”.

Đại sứ Phi Luật Tân không nêu chi tiết kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Ông cho biết hội nghị sẽ diễn ra bên lề Đại Hội Đồng thường niên của Liên Hiệp Quốc ở New York, diễn ra ngày 22/09 tới. Bộ Ngoại Giao Mỹ và Nhà Trắng không trả lời ngay lập tức khi được hỏi về kế hoạch này.

Trao đổi với trung tâm tư vấn New America ở Washington, đại sứ Phi Luật Tân cho biết “chưa bao giờ Manila phải đối mặt với thách thức như thế này kể từ Thế Chiến Hai”. Có đến khoảng 240 tàu công vụ hoặc tàu dân quân Trung cộng hiện diện tại các khu vực tranh chấp, và tình hình này tiếp tục kéo dài ‘‘từ ngày này qua ngày khác”.

Hôm 09/09, truyền thông Nhà nước Trung cộng kêu gọi Phi Luật Tân “nghiêm túc xem xét tương lai” của mối quan hệ song phương “hiện đang ở ngã ba đường”. Cùng ngày, đại tá Xerxes Trinidad, người đứng đầu Văn phòng Quan hệ Công chúng của quân đội Phi Luật Tân, đã vạch ra một lằn ranh với Bắc Kinh : Trung cộng không thể dùng vũ lực di dời tàu thuyền của Phi Luật Tân tại các khu vực thuộc chủ quyền quốc gia, trong đó có bãi cạn Sabin, cách đảo Palawan của Phi Luật Tân 146km về phía tây.

Căng thẳng Phi Luật Tân – Trung cộng lên đến đỉnh điểm hồi tháng 6/2024, với cuộc đụng độ khiến một nhân viên tuần duyên Philippnes bị đứt một ngón tay. Hải cảnh Trung cộng xông lên tàu công vụ Phi Luật Tân tước đoạt vũ khí. Tại diễn đàn an ninh Shangri-La đầu tháng 6/2024, tổng thống Phi Luật Tân tuyên bố việc Trung cộng giết hại một người Phi Luật Tân đồng nghĩa với hành động ‘‘tuyên chiến’’.

Hồi tuần trước, Úc và Nhật Bản đã chỉ trích Trung cộng về điều mà họ gọi là hành động ‘‘nguy hiểm và cưỡng bức’’ chống lại Phi Luật Tân ở Biển Đông, trong lúc Ấn Độ và Singapore kêu gọi giải quyết hòa bình mọi tranh chấp mà không sử dụng vũ lực.

Trong chuyến công du Phi Luật Tân cuối tháng 8, đô đốc Samuel Paparo, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương Mỹ cho biết Hoa Kỳ đã chuẩn bị cùng với đồng minh Phi Luật Tân về các biện pháp để đối phó với các thủ đoạn gây hấn của Trung cộng trong ‘‘chiến thuật vùng xám’’, tức các hành động tấn công ‘‘dưới ngưỡng chiến tranh’’, như phun vòi rồng, chặn và đâm tàu ​​đối phương…, vốn không cho phép Manila và Washington kích hoạt Hiệp định phòng thủ chung.

 

RFI (11.09.2024)

 

 

 

  

Biển Đông: Manila “không cho phép” Bắc Kinh di dời con tàu-tiền đồn của Phi Luật Tân ở bãi cạn Sabin

 

Các quan chức quân sự của Phi Luật Tân tuyên bố bảo vệ BRP Teresa Magbanua, con tàu ở bãi cạn Sabin, vốn được Manila xem như một tiền đồn ở Biển Đông.

Hình ảnh trích xuất từ vidéo di tuần duyên Phi Luật Tân công bố ngày 31/08/2024: Tàu hải cảnh Trung cộng (bên trái) va chạm với tàu BRP Teresa Magbanua của Phi Luật Tân gần bãi cạn Sabina. AFP – HANDOUT

 

Theo South China Morning Post hôm 09/09/2024, trả lời phỏng vấn tờ This Week in Asia, đại tá Xerxes Trinidad, người đứng đầu Văn phòng Quan hệ Công chúng của quân đội Phi Luật Tân, đã vạch ra một lằn ranh với Bắc Kinh : không tàu thuyền nào của Phi Luật Tân có thể bị Trung cộng dùng vũ lực di dời đi nơi khác.

Trước đó, chuyên gia Trung cộng Hu Bo, giám đốc Sáng kiến ​​Thăm dò Tình hình Chiến lược Biển Đông (CSSPI), trụ sở tại Bắc Kinh cho rằng việc kéo tàu BRP Teresa Magbanua của Phi Luật Tân khỏi bãi cạn Sabin là “một trong những lựa chọn” mà Bắc Kinh đang cân nhắc.

Cách nay 4 tháng, Phi Luật Tân đưa tàu BRP Teresa Magbanua, đến đồn trú tại bãi cạn Sabin nhằm ngăn chặn Trung cộng thực hiện các nỗ lực xây dựng đảo trên tuyến hàng hải đang có tranh chấp. Hành động này được xem như biểu tượng cho quyết tâm của Manila trong việc chống lại sự bành trướng của Trung cộng tại Biển Đông.

Bãi cạn Sabin đang có tranh chấp, nằm cách đảo Palawan của Phi Luật Tân 146km về phía tây.

Đại tá Trinidad cho biết quân đội Phi Luật Tân cũng cân nhắc biện pháp đối phó nếu Bắc Kinh cưỡng chế di dời tàu BRP Teresa Magbanua của Phi Luật Tân. Ông nói: “Chúng tôi có những phương án dự phòng” nếu điều đó xảy ra, thế nhưng “chúng tôi muốn bảo đảm là sẽ không để chuyện đó xảy ra vì điều này xâm phạm quyền chủ quyền của chúng tôi ở Biển Tây Phi Luật Tân”. Biển Tây Phi Luật Tân là tên Manila đặt cho những khu vực Biển Đông mà Manila xem là  thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân.

Quan chức quân đội cấp cao Mỹ – Trung trao đổi trực tuyến lần đầu tính từ năm 2022

Bộ Quốc Phòng Trung cộng thông báo tư lệnh chiến khu Nam bộ của quân đội Trung cộng, Ngô Á Nam (Wu Yanan) và chỉ huy bộ tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ, Samuel Paparo, sáng hôm nay 10/09 đã có cuộc trao đổi đầu tiên qua video kể từ năm 2022, sau khi chủ tịch Hạ Viện Mỹ Pelosi thăm Đài Loan. Theo bộ Quốc Phòng Trung cộng, hai vị chỉ huy đã có “cuộc trao đổi quan điểm sâu rộng về các lợi ích chung của Mỹ và Trung cộng”.

Về phía Mỹ, theo Reuters, chỉ huy bộ tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương thúc giục quân đội Trung cộng “xem xét lại việc sử dụng các chiến thuật nguy hiểm, mang tính cưỡng chế và có khả năng gây leo thang căng thẳng ở Biển Đông và xa hơn nữa”.

 

RFI (10.09.2024)

 

 

 

 

Tướng lãnh Mỹ-Trung điện đàm về Biển Đông sau nhiều năm cắt đứt

 

Chỉ huy tối cao đại diện cho Hoa Kỳ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã nói chuyện với người đồng cấp Trung cộng vào tối Thứ Hai, 9 Tháng Chín, theo ba viên chức Hoa Kỳ tường tận với các kế hoạch, trong bối cảnh hai đại cường quốc đang nỗ lực gầy dựng lại quan hệ quân sự nhằm tránh bùng nổ xung đột, NBC loan tin.

Đô Đốc Samuel Paparo, chỉ huy Bộ Tư Lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương USINDOPACOM thuộc Hoa Kỳ, điện đàm với Tướng Wu Yanan, chỉ huy Chiến Trường Miền Nam Trung cộng, đơn vị chịu trách nhiệm về các yêu sách chủ quyền bành trướng mà Bắc Kinh áp đặt lên Biển Đông. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên hai vị tướng lãnh quân sự trong khu vực chính thức ngồi lại với nhau sau nhiều năm.

Bộ Quốc Phòng Trung cộng cũng xác nhận cuộc điện đàm, cho biết hai bên “nói chuyện rành mạch về các mối quan tâm chung.”

Chiến hạm Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Phi Luật Tân trên Biển Đông vào đầu Tháng Năm, 2019 (Hình: US Navy)

 

Trong cuộc hội đàm thu hình trực tuyến, Paparo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tư liên giữa quân đội hai quốc gia nhằm “giảm nguy cơ hiểu lầm hoặc tính toán sai lầm,” theo bản ghi chép cuộc điện đàm do Tòa Bạch Ốc công bố.

Khi nhắc tới các “hành động không an toàn” gần đây giữa Giải Phóng Quân Trung Hoa PLA và các đồng minh của Hoa Kỳ, Paparo cho biết quân đội Trung cộng có nghĩa vụ “tuân thủ luật pháp và chuẩn mực quốc tế nhằm bảo đảm an toàn cho các hoạt động,” bản tin cho biết.

Paparo cũng hối thúc quân đội Trung cộng xem xét lại những diễn tiến mà ông cho là áp dụng “chiến thuật nguy hiểm, bức hại và có thể dẫn tới leo thang tại Biển Đông và không dừng lại ở đó,” bản tin cho biết thêm.

Hai tướng lãnh đều tương đối mới mẻ khi đảm trách vai trò: Paparo đảm nhiệm chức vụ chỉ huy vào Tháng Năm, còn họ Wu được bổ nhiệm vào Tháng Bảy. Bản tin do Tòa Bạch Ốc công bố cho biết hai vị tướng từng có một cuộc hội đàm “mang tính gầy dựng và tôn trọng,” đồng thời Paparo cũng lưu ý tầm quan trọng của việc giữ liên lạc với họ Wu cùng các nhà lãnh đạo đứng đầu bốn chiến trường khác tại Trung cộng.

Viên chức tiền nhiệm của Paparo, Đô Đốc John Aquilino, thường yêu cầu gặp gỡ các tướng lãnh chỉ huy Chiến Trường Miền Nam Trung cộng cũng như Chiến Trường Miền Đông, có thẩm quyền giải quyết cả tình trạng ở Eo Biển Đài Loan, nhưng Trung cộng chưa từng gật đầu. Lãnh tụ Trung cộng Tập Cận Bình từng cắt đứt liên lạc quân sự vào năm 2022 sau khi Dân Biểu Nancy Pelosi, Dân Chủ-California, lúc bấy giờ là Chủ Tịch Hạ Viện, viếng thăm Đài Loan, một đảo quốc dân chủ tự quản mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của riêng họ.

USINDOPACOM chịu trách nhiệm quản lý cả Biển Đông lẫn Eo Biển Đài Loan, nơi căng thẳng đang gia tăng khi các đồng minh của Hoa Kỳ có tranh chấp lãnh thổ với Trung cộng liên tục đụng độ, đặc biệt là Phi Luật Tân. Hôm Thứ Ba, hải quân Phi Luật Tân đếm được tổng cộng 207 tàu thuộc lực lượng tuần duyên, quân đội và dân quân biển Trung cộng hiện diện trên vùng biển được Manila tuyên bố chủ quyền từ 3 tới 9 Tháng Chín, truyền thông địa phương Phi Luật Tân đưa tin, đây là con số cao nhất trong một tuần vào năm nay.

Trung cộng và Phi Luật Tân liên tục xô xát trên Biển Đông làm dấy lên mối lo ngại rằng Hoa Kỳ, quốc gia có hiệp ước phòng thủ chung với Manila, có thể vướng vào xung đột với Bắc Kinh. Mặc dù cho tới nay các viên chức Phi Luật Tân vẫn chẳng mảy may suy nghĩ rằng liệu có nên để chiến hạm Hoa Kỳ hộ tống tàu thuyền Phi Luật Tân trong khu vực hay không, nhưng vào tháng trước Paparo nói rằng đó là “một quyết định hoàn toàn hợp lý.”

Trung cộng tố cáo Phi Luật Tân xâm phạm trái phép vùng lãnh hải và cho biết họ đang hành động theo luật pháp quốc tế. Một bài bình luận hôm Thứ Hai trên tờ báo nhà nước Nhân Dân Nhật Báo cho biết bang giao Trung cộng-Phi Luật Tân đang “đứng giữa ngã ba đường.”

Lo ngại bế tắc khi thảo luận về những rắc rối này, Tổng Thống Joe Biden và họ Tập đồng thuận nối lại các cuộc trao đổi quân sự cấp cao tại một nghị hội thượng đỉnh diễn ra ở California vào Tháng Mười Một. Cả hai quốc gia đều công bố kế hoạch điện đàm giữa các tướng lãnh quân sự sau khi Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia cho Biden, dẫn đầu chuyến viếng thăm Bắc Kinh vào cuối tháng trước.

Một viên chức cấp cao trong chính quyền Tổng Thống Biden cho biết việc thiết lập lại băng tần liên lạc giữa Hoa Kỳ và Trung cộng là ưu tiên trong chuyến công du của Sullivan.

Hai cường quốc cũng cho biết Biden và họ Tập sẽ điện đàm trong những tuần tới, đây sẽ là lần đầu tiên họ ngồi lại với nhau tính từ Tháng Tư. Một cuộc điện đàm nhiều khả năng dẫn tới một cuộc gặp gỡ trực tiếp khác giữa hai nhà lãnh đạo trước khi Biden mãn nhiệm.

Hoa Kỳ cũng sẽ cử một phó phụ tá bộ trưởng quốc phòng tới Diễn Đàn Hương Sơn diễn ra tại Bắc Kinh vào tuần này, “đặt trọng tâm chưa từng có” vào nghị hội an ninh cấp cao này, hãng truyền thông nhà nước Trung cộng Hoàn Cầu Thời Báo đưa tin vào tuần trước, trích dẫn nguồn tin từ các nhà tổ chức. 

 

Nguoi Viet News, Inc. (10.09.2024)

 

 

 

 

 

Đức điều tàu chiến qua Eo biển Đài Loan, Trung cộng phản đối

Tàu chiến của Đức ở cảng Incheon, Hàn Quốc hôm 6/9/2024 REUTERS/Josh Smith

 

Bắc Kinh hôm 9/9 lên tiếng cảnh báo Đức không nên khiêu khích và xâm phạm chủ quyền của Trung cộng dưới chiêu bài tự do hàng hải sau khi Đức điều hai tàu chiến đến khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và có kế hoạch đi qua Eo biển Đài Loan.

Truyền thông Đức cho biết hải quân Đức có kế hoạch cho tàu chiến đi qua Eo biển Đài Loan vào giữa tháng chín này.

Đây sẽ là lần đầu tiên tàu chiến Đức đi qua eo biển này trong vòng hơn 20 năm qua.

Tàu khu trục Baden-Württemberg và tàu Frankfurt am Main theo dự kiến sẽ đi qua Eo biển Đài Loan khi trên đường từ Hàn Quốc đến Jakarta, Indonesia, theo báo Der Spiegel của Đức hôm 7/9.

Trung cộng hiện đòi chủ quyền đối với Đài Loan và Eo biển Đài Loan. Theo Der Spiegel, Đức sẽ không gửi thông báo cho Bắc Kinh về chuyến đi của tàu qua vùng nước này vì cho rằng chuyến đi này là hoàn toàn bình thường.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng nói với báo giới ở Bắc Kinh rằng “Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung cộng” và vùng nước ở Eo biển Đài Loan từ cả hai bờ đều thuộc Trung cộng.

Mỹ và các đồng minh luôn khẳng định Eo biển Đài Loan là vùng biển quốc tế và có tự do hàng hải, hàng không theo luật quốc tế.

Các tàu của hải quân Mỹ đã đi qua vùng nước này trong năm nay. Lần cuối tàu của Mỹ đi qua đây là tàu hộ tống có tên lửa dẫn đường USS Ralph Johnson hôm 22/8 vừa qua.

Trung cộng thường xuyên điều tàu và máy bay bay qua vùng biển ở Eo Đài Loan.

Hôm 21/8 vừa qua, Trung cộng đã điều 21 máy bay và bảy tàu chiến qua vùng nước này, theo Bộ Quốc phòng Đài Loan.

 

RFA (09.09.2024)

 

 

 

 

 

Tàu hải quân Việt Nam lần đầu tiên tham gia Diễn tập Kakadu ở Australia

Tàu 18 thuộc Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân Việt Nam, trước khi lên đường tham gia Diễn tập Kakadu năm 2024 tại Australia.

 

Tàu 18 thuộc Lữ đoàn 171 của Vùng 2 Hải quân Việt Nam vừa cập cảng Coonawarra, thành phố Darwin, Úc, vào ngày 8/9 để chuẩn bị tham gia lần đầu tiên cuộc diễn tập Kakadu 2024 cùng với Mỹ và các đồng minh, đối tác của Úc, truyền thông Việt Nam và Úc cho biết hôm 9/9.

Đoàn hải quân Việt Nam do Đại tá Nguyễn Việt Anh, Phó Tham mưu trưởng Vùng 2 Hải quân làm trưởng đoàn, đã được Chuẩn tướng Hải quân Hoàng gia Úc Paul O’ Grady, Đại tá Michael Jansen, Tùy viên Quốc phòng Úc tại Việt Nam chào đón, TTXVN cho biết.

Theo lời Đại tá Nguyễn Việt Anh, chuyến công tác của Tàu 18 là để đáp lại lời mời và sự hỗ trợ của quân đội và Hải quân Hoàng gia Australia trong thời gian qua, góp phần củng cố, tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa quân đội và hải quân hai nước, phù hợp với khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện được thiết lập tháng 3/2024, theo Quân Đội Nhân Dân.

Tàu 18 của Việt Nam sẽ chỉ tham gia các hoạt động phi tác chiến trong cuộc tập trận Kakadu 2024, vẫn theo lời Đại tá Nguyễn Việt Anh. Trong đó, các thủy thủ Việt Nam sẽ tham gia các hoạt động trên bến cảng như một phần của cuộc diễn tập, bao gồm các cuộc họp phê duyệt các kế hoạch hàng hải, tiến hành diễn tập đội hình, thông tin liên lạc, hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, tiếp tế hàng hải… Ngoài ra, thủy thủ đoàn Việt Nam cũng sẽ tham gia vào các hoạt động thể thao, giao lưu văn hóa và tổ chức tiệc chiêu đãi trên tàu, TTXVN cho biết thêm.

Diễn tập Kakadu là cuộc tập trận chuyên nghiệp, diễn ra hai năm một lần, bắt đầu từ năm 1993. Cuộc diễn tập năm nay, với chủ đề là “Hợp tác khu vực thông qua Quan hệ đối tác đáng tin cậy và được minh chứng”, dự kiến diễn ra từ ngày 9/9 – 20/9, với sự tham gia của 13 tàu chiến và máy bay từ các lực lượng hải quân và không quân đại diện cho 11 quốc gia, đồng thời kèm theo hội nghị chỉ huy, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo quân sự từ hơn 30 quốc gia.

Tổng cộng, có hơn 3.000 quân nhân đang hội tụ tại khu vực Darwin để tham gia Diễn tập Kakadu 2024, theo thông báo của Bộ Quốc phòng Úc và trang tin quân sự, quốc phòng Mỹ DVIDS.

Đại diện cho Lực lượng Hải quân Hoàng gia Úc tham gia diễn tập có các khinh hạm lớp Anzac HMAS Stuart (FFH 153) và HMAS Warramunga (FFH 152), một tàu ngầm lớp Collins và máy bay của Không quân Hoàng gia Úc, trong khi Hải quân Hoa Kỳ cử tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh-Burke USS Dewey (DDG 105) tham gia.

Cuộc tập trận sẽ bắt đầu bằng giai đoạn bến cảng với việc lập kế hoạch, mô phỏng và trao đổi văn hóa quốc tế trước khi chuyển sang giai đoạn trên biển, trong đó các tàu và máy bay sẽ chia thành nhiều nhóm tác chiến đa quốc gia để thực hành các tình huống khác nhau, kết thúc bằng một hoạt động tự do của nhóm tác chiến.

 

VOA (09.09.2024)

 

 

 

 

 

Trung cộng kêu gọi Phi Luật Tân cùng giải quyết những bất đồng về Biển Đông

 

Trong một bài bình luận đăng ngày 09/09/2024 trên tờ Nhân Dân nhật báo của đảng Cộng Sản Trung cộng, và được hãng tin Reuters trích dẫn, Bắc Kinh kêu gọi Manila “nghiêm túc xem xét tương lai” của mối quan hệ song phương, hiện “ở ngã ba đường”, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông.

Tàu của lực lượng dân quân biển Trung cộng gần bãi Cỏ Mây ở Biển Đông, ngày 05/03/2024. REUTERS – Adrian Portugal

 

Bài bình luận viết : “Quan hệ Trung cộng-Phi Luật Tân đang ở ngã ba đường, và phải lựa chọn một con đường để đi tiếp. Đối thoại và tham vấn là con đường đúng đắn, bởi hai bên sẽ không thể giải quyết mâu thuẫn bằng việc đối đầu nhau. Manila nên xem xét nghiêm túc tương lai của quan hệ Trung cộng-Phi Luật Tân và hợp tác với Bắc Kinh để đưa quan hệ song phương trở lại đúng hướng.”

Bài bình luận được viết dưới bút danh “Zhong Sheng”, nghĩa là “Tiếng nói của Trung cộng”, thường được dùng để đưa ra quan điểm của tờ báo về các vấn đề chính sách đối ngoại.

Reuters nhắc lại Phi Luật Tân và Trung cộng liên tục cáo buộc nhau cố ý gây va chạm giữa các tàu tuần duyên của hai bên trong một số khu vực đang tranh chấp trong những tháng gần đây, bao gồm cả vụ đụng độ hồi tháng 6, khiến một thủy thủ Phi Luật Tân bị mất một ngón tay.

Những sự kiện này đã làm lu mờ cố gắng của cả hai nước nhằm xây dựng lại lòng tin và giải quyết tốt hơn các xung đột, bao gồm việc thiết lập các đường dây liên lạc mới để cải thiện việc xử lý các tranh chấp trên biển.

Trung cộng tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm các khu vực mà Phi Luật Tân, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam cùng tuyên bố chủ quyền.

 

RFI (09.09.2024)