Văn Lan/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Buổi hội thảo ra mắt sách chủ đề “50 Năm Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Hoa Kỳ: Từ Lịch Sử Hướng Tới Tương Lai” và ra mắt sách của hai diễn giả, Giáo Sư Tiến Sĩ Vũ Tường và Giáo Sư Tiến Sĩ Võ Đình Alex-Thái, doViện Bảo Tàng Di Sản Người Việt-Trung Tâm Nghiên Cứu Việt-Mỹ tổ chức, diễn ra hôm Thứ Bảy, 11 Tháng Ba tại Thư Viện Việt Nam, Garden Grove.

 Chủ tọa đoàn trong buổi hội thảo, ra mắt sách. Từ trái: Tiến Sĩ Natalie Trần, ông Lý Vĩnh Phong, sử gia Phạm Trần Anh, cô Phạm Từ Ái, cô Pauline Đồng và ông Châu Thụy. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Đặc biệt buổi hội thảo với đa số thuộc giới trẻ gồm hai vị diễn giả và chủ tọa đoàn, cùng với đông đảo người tham dự gồm các quý vị giáo sư, các cựu quân nhân Quân Lực VNCH, cùng giới thân hào nhân sĩ và truyền thông.

Chủ tọa đoàn gồm: Sử gia Phạm Trần Anh, Tiến Sĩ Natalie Trần, cô Phạm Từ Ái, cô Đồng Pauline (giáo viên trung học đệ nhị cấp Westminster), ông Lý Vĩnh Phong và ông Châu Thụy là sáng lập viên và là chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm giám đốc Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt.

Diễn giả đầu tiên là Tiến Sĩ Vũ Tường, giáo sư trưởng khoa Chính Trị Học tại Đại Học Oregon, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Việt-Mỹ tại Đại học Oregon. Ông đã từng giảng dạy tại Đại Học Princeton, Đại Học Quốc Gia Singapore và trường Cao Học Hải Quân Hoa Kỳ.

Ông là tác giả của nhiều sách và bài báo về chủ nghĩa dân tộc, cách mạng và xây dựng nhà nước ở Á Châu, đồng chủ biên của nhiều tác phẩm nghiên cứu về Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ. Ông giới thiệu hai quyển sách mới vừa xuất bản “Buiding a Republican Nation in Vietnam, 1920-1963” (NXB Hawaii), và quyển “Toward a Framework for Vietnamese American Studies: History, Community, and Memory” (NXB Temple University, đồng chủ biên với Tiến Sĩ Peche Hồ Linda và Tiến Sĩ Võ Đình Alex-Thái).

Diễn giả thứ hai là Tiến Sĩ Võ Đình Alex-Thái, giáo sư nghiên cứu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Nam và Văn Khố, Đại Học Texas Tech University. Ông là một nhà sử học về Việt Nam cũng như Đông Á và Đông Nam Á, chuyên về chính trị thời Chiến Tranh Lạnh và Chiến Tranh Việt Nam, hiện đang đảm nhiệm Dự Án Lịch Sử Truyền Khẩu về Chiến Tranh Việt Nam.

 Hai quyển sách và hai tác giả. Từ trái: Giáo Sư Tiến Sĩ Vũ Tường, và Tiến Sĩ Võ Đình Alex-Thái. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trước đây, ông từng là nhà nghiên cứu tại Sở POW/MIA thuộc Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ và là học giả nghiên cứu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Việt-Mỹ tại Đại Học Oregon. Ông có bằng tiến sĩ Lịch Sử từ Đại Học Cornell danh tiếng.

Tiến Sĩ Alex-Thái giới thiệu về cuốn sách vừa xuất bản “Toward a Framework for Vietnamese American Studies: History, Community, and Memory” (NXB Temple University, đồng chủ biên với Tiến Sĩ Peche Hồ Linda và Tiến Sĩ Võ Đình Alex-Thái, đồng chủ biên cùng với Tiến Sĩ Peche Hồ Linda và Tiến Sĩ Vũ Tường) nghiên cứu về lịch sử của cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ.

Mở đầu buổi hội thảo, Tiến Sĩ Vũ Tường cho hay ông lớn lên tại Việt Nam, khi 10 tuổi thì chiến tranh kết thúc. Ông đã sống 15 năm dưới chế độ Cộng Sản, qua Mỹ năm 1990 theo chương trình H.O.

“Gần 20 năm giảng dạy và nghiên cứu tại các đại học Hoa Kỳ, tôi đã có nhiều trăn trở về cách người Mỹ hiểu về lịch sử và chiến tranh Việt Nam, về cộng đồng người Việt hải ngoại. Tôi thật may mắn khi bắt đầu sự nghiệp khi có những nghiên cứu mới, những tài liệu về chiến tranh Việt Nam, về chiến tranh lạnh. Nhờ các học giả trẻ và những nghiên cứu mới mà các tác phẩm nghiên cứu mới đã liên tục đặt câu hỏi nghi ngờ về những gì mà những học giả Mỹ cho đến nay vẫn viết về chiến tranh Việt Nam, về cộng đồng người Việt hải ngoại,” ông giới thiệu về việc làm hiện nay.

“Tôi hết sức may mắn khi có thể tập hợp cùng làm việc với gần 40 học giả người Mỹ gốc Việt rất trẻ và có nhiệt huyết với môn Lịch Sử, hiểu biết và giỏi về tiếng Việt, sử dụng tài liệu tiếng Việt và thông cảm với lịch sử cộng đồng Việt. Đó là sự khác nhau giữa các nghiên cứu của nhóm chúng tôi và các nhóm nghiên cứu khác trước đây,” ông tiếp.

Giáo Sư Tiến Sĩ Vũ Tường trong buổi hội thảo giới thiệu sách. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Mỹ thành lập năm 2016 với nhiều tác giả trẻ tốt nghiệp ở các đại học danh tiếng Hoa Kỳ, đến làm nghiên cứu viên cho trung tâm này, với những tác phẩm có trên mạng, thường xuyên về chính trị, văn hóa Việt Nam, quan hệ Việt-Mỹ, về cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Từ những hội thảo đưa ra chương trình nghiên cứu mới, sau đó ra cả quyển sách về người Mỹ gốc Việt, đó là 2 quyển sách giới thiệu hôm nay,” ông cho biết.

“Chúng tôi đề nghị một hướng nghiên cứu mới, cách tiếp cận mới về lịch sử cộng đồng người Mỹ gốc Việt khác hẳn với cách mà các học giả khác khi nghiên cứu ở các trường đại học Mỹ đang giảng dạy, với cách tiếp cận đó họ xem lịch sử người Việt tự do bắt đầu từ 1975. Chúng tôi không đồng ý với họ, vì cộng đồng người Việt đi qua Mỹ dù bằng cách vượt biển hay đi bằng máy bay, tất cả đều mang theo cả miền Nam Việt Nam. Đó là cách tiếp cận mới, dùng lịch sử Việt Nam của chúng ta để hiểu lịch sử người Mỹ gốc Việt đang ở Hoa Kỳ,” Giáo Sư Tường chia sẻ.

Về hai quyển sách hôm nay, Tiến Sĩ Vũ Tường cho biết khác với cách nhìn về lịch sử của phần lớn các học giả Mỹ, và cả ở bên Việt Nam sau 1975, đều viết lịch sử để tô vẽ vai trò của họ, còn học giả Mỹ đa số đều sống qua thời chiến tranh Việt Nam và những kinh nghiệm đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến họ, dù họ có chống chiến tranh hay không. Cách nhìn của họ là đồng hóa chủ nghĩa Cộng Sản với Chủ Nghĩa Dân Tộc, đồng hóa người Cộng Sản với dân tộc Việt Nam.

Tiến Sĩ Võ Đình Alex-Thái trong buổi hội thảo giới thiệu sách. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Trong khi các nghiên cứu của chúng tôi đặt nặng xu hướng chính trị Cộng Hòa, với tư tưởng Cộng Hòa, tinh thần Cộng Hòa, trong vai trò lịch sử hiện đại Việt Nam, bắt đầu từ cụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, từ 1920 đến VNCH là kế thừa tinh thần đó,” Giáo Sư Tường nói.

“Cũng như các đảng phái hoạt động tại Việt Nam và những phong trào chính trị Việt Nam rất đa dạng, đã đứng lên giành độc lập cho dân tộc trước khi Đảng Cộng Sản ra đời, tiếp tục đấu tranh cùng lúc với đảng Cộng Sản, và đã có những đóng góp rất lớn về mặt xây dựng nền văn hóa mới, bản sắc dân tộc mới, một tinh thần dân tộc mới, chứ không phải chỉ có đảng Cộng Sản. Vậy nếu đồng hóa Cộng Sản với dân tộc Việt Nam là hoàn toàn phiến diện và sai lầm,” ông nhận định.

“Tuy Cộng Sản là bên thắng cuộc nhưng sau 50 năm chiến tranh, giá trị Cộng Sản bây giờ là gì ai cũng biết, và những giá trị Cộng Hòa đang trở lại Việt Nam sau khi Việt Nam mở cửa, người dân được tiếp cận thông tin, người dân được đi nước ngoài, được liên hệ với môi trường học thuật nước ngoài, thì giá trị Cộng Hòa với dân chủ đại diện về chính quyền pháp trị, về dân quyền và nhân quyền, về nhà nước không tôn giáo,… những giá trị Cộng Hòa đó đang trở lại Việt Nam. Hiện nay cộng đồng Việt Nam không xa cách với Việt Nam, trong khi những giá trị Cộng Sản không còn tồn tại nữa, không ai tin nữa. Và những giá trị Cộng Hòa đang trở lại Việt Nam, đó cũng có thể là tương lai tại Việt Nam.”

 Giáo Sư Trần Ngọc Dụng góp ý trong buổi hội thảo, giới thiệu sách. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Để kết luận, Tiến Sĩ Vũ Tường chia sẻ: “Lịch sử Việt Nam rất hấp dẫn đối với các bạn trẻ nếu đưa cách tiếp cận này vào trường học, chúng tôi rất mong được hổ trợ từ cộng đồng, không phải chỉ là mua sách, mà còn giới thiệu sách với các học khu, các trường đại học, các giáo sư, các thư viện địa phương, để con em chúng ta hoặc các nhà nghiên cứu Việt Nam sử dụng trong tương lai.”

Diễn giả thứ hai, Giáo Sư Tiến Sĩ Võ Đình Alex-Thái giới thiệu sách “Toward  a Framework for Vietnamese American Studies: History, Community, and Memory.”

Ông cho biết công việc đang làm là giúp tìm thông tin tìm hài cốt quân dân cán chính VNCH,  cùng với Giáo Sư Vũ Tường tạo ra một cơ sở dữ liệu hầu vận động chính quyền Hoa Kỳ và Việt Nam hiện tại để tìm giúp hài cốt quân dân cán chính VNCH.

Người Mỹ vẫn chi ra mỗi năm khoảng $100 triệu để làm công việc tìm 1,500 người mất tích trong 50 năm vừa qua. Phía Việt Nam vẫn còn khoảng 200 ngàn người vẫn chưa tìm ra và đang cùng với Hoa Kỳ để tìm. Về phía VNCH tuy con số không lớn như phía Cộng Sản nhưng con số đó không nhỏ như 1,500. Cho đến bây giờ, cộng đồng chúng ta vẫn chưa có sự ủng hộ công việc này. Nếu có thông tin gì xin hãy giúp chúng tôi.”

 Quang cảnh buổi hội thảo giới thiệu sách. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Giáo Sư Thái kêu gọi:“Hãy hình dung mình là một đứa bé Việt khoảng 10 tuổi, được hỏi em và gia đình đến từ đâu, khi biết đến từ Việt Nam, bèn chỉ vào mặt và nói rằng gia đình mày thua là đúng rồi! Đặt vấn đề là ở một trường đại học khi gặp những câu hỏi như vậy với sinh viên, vị giáo sư sẽ cho hẳn một trang giấy nói rằng quan điểm của người sinh viên thể hiện quan điểm của mình là chưa thoát ra khỏi sự cay đắng vì thua trong cuộc chiến.”

“Hãy hình dung căn cước của quý vị, tính danh của quý vị bị tước bỏ bởi chính quốc gia mà quý vị nhận làm quê hương thứ hai, thay vào đó bằng những tính từ tham nhũng, nhu nhược, suy đồi, hèn nhát,…rằng quý vị chẳng hơn gì những con rối ‘Ngụy’ tay sai của đế quốc Mỹ, giống y như khi còn ở Việt Nam đã bị mô tả, phân biệt, đưa đẩy quý vị vượt biển để rồi gặp lại những câu nói như thế trên đất nước này đập thẳng vào mặt,” Giáo Sư Thái nói.

“Chúng ta không có một tiếng nói chính danh để nói lên tiếng nói của sự thật chính chúng ta. Điều này đã, đang và tiếp tục xảy ra trong từng gia đình, từng trường học, trên sử sách và trên truyền thông báo chí, hoặc ngay trong giảng đường trên đất Mỹ này, là hiện trạng tồn tại trên 50 năm qua của sự lệch lạc về nhận định về lịch sử Việt Nam cũng như người Mỹ gốc Việt.”

Khi nhìn về lịch sử người Mỹ gốc Việt, họ chỉ bắt đầu từ 1975, mà quên đi nền tảng rất rõ ràng và có ý nghĩa Cộng Hòa, mà đa số người trẻ hoặc người Mỹ khi nghiên cứu về lịch sử người Việt ở Hoa Kỳ đều bỏ đi quá khứ trước 1975. Do đó cuốn sách sẽ hướng tới xây dựng ngành học về lịch sử cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Hai cuốn sách được tác giả ký trong buổi giới thiệu sách. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trong cuốn sách, bốn chương đầu nói về những nguyên nhân đưa những người VNCH vào nhà tù Cộng Sản, khiến người Việt đi vượt biên, đến sự hiện diện trên đất Mỹ hôm nay. Năm chương kế tiếp nói về sự hình thành đầu tiên của người Việt, khó khăn để đến với nhau qua các hội đoàn, hoặc những khó khăn trong việc làm để nuôi sống gia đình. Và năm chương sau dành cho vấn đề làm sao duy trì ký ức con người về VNCH. Trong cuốn sách, tác giả cố gắng nói lên hết những đại diện của một số điển hình cấu tạo nên cộng đồng Việt hôm nay.

Giáo Sư Thái kêu gọi mọi người giúp sức trong chương trình tìm hài cốt quân dân cán chính VNCH, có thể liên lạc Trung Tâm Việt Nam & Lưu Trữ Sam Johnson Texas Tech University. Địa chỉ: PO BOX 41045, Lubbock, TX 79409-1045. Điện thoại (757) 318-1661. Email: vietnamwar.legacy@ttu hoặc disanchientranhvietnam@ttu.edu

Buổi hội luận được điều hợp bởi các ông Vũ Tường, Võ Đình Alex-Thái, Trần Hồng Tiên, với các câu hỏi như: Tại sao chúng ta tự hào về VNCH? Những giá trị gì của VNCH cần được gìn giữ và truyền lại cho thế hệ tương lai? Làm sao để thế hệ tương lai hiểu được và tự hào về quá khứ của dân tộc và gia đình? Làm sao để cộng đồng người Việt tự do bảo tồn được di sản của mình? Làm thế nào để cộng đồng người Việt tự do có tiếng nói mạnh mẽ hơn để ảnh hưởng đến chính sách của chính phủ Hoa Kỳ đối với Việt Nam? Làm sao để hóa giải xung đột văn hóa và quan điểm chính trị giữa thế hệ đến từ Việt Nam và thế hệ sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ?

Toàn thể ban tổ chức và quý vị giáo sư trong buổi hội thảo, giới thiệu sách. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Các câu hỏi và trả lời được Giáo Sư Vũ Tường tổng kết và đề nghị, sau cùng ông Châu Thụy và ông Trần Hồng Tiên thay mặt ban tổ chức cảm tạ quan khách.

Tất cả những người tham dự buổi hội luận ra mắt sách là một phần nhân chứng và là một phần lịch sử của dân tộc, hôm nay đang dùng những kiến thức khoa bảng để viết nên những trang sử trung thực và lên tiếng bảo vệ chính nghĩa của lịch sử VNCH.

Buổi ra mắt sách này được viết cho chính mỗi người Việt và cho thế hệ mai sau, tiếp tục vào buổi chiều cùng ngày dành cho người nghiên cứu và giới trẻ nói tiếng Mỹ.

Hai quyển sách trên có bán tại Amazon, hoặc có thể liên lạc với Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt. PO BOX 27372, Santa Ana, CA 92799. [kn]